Người sưu tập tranh gà

Thứ Hai, 06/02/2017, 14:33
Vì nghĩ mình mắc nợ với thiên nhiên, với đất, với giá trị văn hóa cổ xưa nên Đinh Công Tường (quận 12, TP HCM) phải sống cùng và nuôi dưỡng. Hơn một trăm tranh họa về gà trên các cổ vật gốm sứ của anh cứ lầm lũi, đau đáu nằm trên kệ tủ, in nét thời gian còn lưu giữa nhân gian.


Tranh gà trên nền gốm

Nhiều bức tranh về gà mà Đinh Công Tường tìm thấy ở một nơi không ai đoái hoài tới, nó bị lãng quên, vùi lấp và chỉ chậm một chút đã tàn lụi cùng cát bụi. Hạnh phúc của anh là tìm ra, đưa chúng về, nâng niu, gìn giữ.

Trong nhà anh, hàng nghìn cổ vật nằm xếp lớp, phủ những tầng tro của gió và rêu. Trong đó vài trăm bức tranh gà lần đầu tiên được giới chơi tranh quan tâm và cánh truyền thông phác họa cho năm Đinh Dậu này.

Đinh Công Tường và cổ vật gốm sứ của mình.

Từ hai bàn tay trắng và một tương lai vô định, anh kiếm sống bằng nghề bán báo dạo và bán đồng hồ vỉa hè. Những ngày đi lang thang lượm lặt đồ cũ, thấy một bức tranh đẹp, một chiếc chén cổ, anh đều gom về chất đống ở nhà. Lúc ấy chỉ thích để đó thôi, chứ anh chưa có ý niệm là sưu tầm hay mua bán trao đổi. Thấy cây cảnh đẹp quá, Đinh Công Tường lân la học hỏi, tìm tòi cắt tỉa. Dù chưa học qua bất cứ trường lớp nào, nhưng tạo hóa đã ban cho Đinh Công Tường một đôi bàn tay khéo léo.

Anh đi mua những gốc cây về tự tạo vẽ, uốn nắn, kiến thiết ý tưởng thành một tác phẩm mang hồn cốt, chứa trong đó những ý nghĩa đời sống xã hội, tâm linh. Nhớ năm Ất Dậu (2005), anh tự tay tạo cả một con gà trống bằng cây si khổng lồ để trưng Tết. Bạn bè trầm trồ, ngưỡng mộ hết lời.

Thời cây cảnh lên ngôi, Đinh Công Tường phất lên như diều gặp gió. Có tiền, những chuyến lùng tìm sinh vật cảnh, anh kết hợp với săn đồ cổ. Trong những chuyến đi dọc dài đất nước, kiếm tìm những thứ người ta bỏ quên, Đinh Công Tường đặc biệt để tâm đến tranh gà trong gốm sứ.

Theo anh, hình tượng con gà gắn liền với ý nghĩa văn hóa trong đời sống dân sinh. Kể về gà, Đinh Công Tường có thể nói cả ngày không chán. Bức tranh đại cát với hình chú gà trống oai phong, dũng mãnh biểu thị cho sự thịnh vượng, khai sáng. Đây là tác phẩm dân gian đậm chất Tết “cao sang quyền quý”. Trong tiếng Hán, chữ “đại kê” gần âm với chữ “đại cát”.

Chính vì thế mà nhiều người tìm hiểu và ứng với nội dung bức tranh để “luận” cho mình những dự báo về tương lai đầy mầu nhiệm. Ngoài ra, giới chơi tranh gà còn cho rằng, hình ảnh chú gà trống ẩn chứa nhiều giá trị về mặt tinh thần và tâm linh.

Đó là tính văn thể hiện ở mào đỏ cánh chuồn; tính võ ở đôi cựa gà như vũ khí sắc bén, nguy hiểm sẵn sàng vào trận...; tính dũng, hiên ngang không sợ thù địch; tính nhân thể hiện ở việc gà kiếm ăn theo bầy đàn và nhường nhịn cho gà con; tính tín, tiếng gáy của gà luôn vào giờ nhất định báo hiệu buổi sáng...

Hình tượng và màu sắc của chú gà trống cũng sinh động và tràn đầy sức sống. Chiếc đuôi mở to tung bay trước gió, đôi cánh mở to cùng hàng lông cao vút, sắc lẹm tựa lưỡi kiếm. Màu ức vàng ruộm, mỡ màng giàu sức mạnh của đấng nam nhi kiên cường, dũng mãnh. Với người nông dân, hình ảnh chú gà “đại cát” còn mang ý nghĩa mùa màng bội thu, mưa thuận gió hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc…

Còn với bức tranh “kê cúc” (gà trống bên cây cúc), theo anh Tường, nội dung giản dị, dễ hiểu nhất chính là lời chúc Tết tốt lành cho người chơi tranh hay người được tặng tranh. Lịch sử để có được bức tranh này của Đinh Công Tường tự nhiên như là định mệnh.

Cách đây hơn mười năm, vào khoảng tháng mười mùa nước nổi của vùng Đồng Tháp Mười, anh Tường cùng một người bạn đi về Mộc Hóa (Long An) chơi. Trong bữa cơm, có một đĩa thịt gà luộc vàng ươm.

Tranh đàn gà mẹ con trên đĩa cổ.

Thịt gà quê ngon quá, khách ăn nhiệt tình. Khi còn những miếng cuối cùng, để lộ ra trong lòng đĩa bức họa tiết con gà trống bên cây cúc. Đinh Công Tường giật mình, cầm chiếc đĩa lên ngắm nghía hồi lâu rồi hỏi gia chủ về lai lịch. Chủ nhà cho biết, nhặt được đĩa trong lúc đào ao. Mê mẩn ngay từ lúc ấy, anh hỏi mua luôn.

Hai vợ chồng chủ nhà mắt tròn mắt dẹt, rồi phá lên cười bảo: “Anh thích thì lấy về, chứ bán mua gì cái đĩa cũ”. Có được tranh quý trên cổ vật quý, anh Tường sung sướng mang về nhà, để ở vị trí trang trọng nhất trong kho tranh gà của mình.

Ý nghĩa nhân sinh họa tiết tranh gà

Bộ sưu tập tranh gà trên gốm sứ của Đinh Công Tường rất đa dạng và phong phú. Nội dung tranh gà tựu trung với chủ đề chính: Con gà trống gáy sáng, “đại cát” (vui lớn), nghênh xuân, gà mẹ gà con...

Dẫn chúng tôi vào trong “kho tàng” cổ vật, với những bức tranh gà đủ màu sắc, thể loại, anh Tường ngẫu hứng đọc mấy câu thơ của tác giả Hoài Anh mà anh đã thuộc lòng trong hành trình đi tìm kiếm tranh gà: “Cái mào lửa cháy/ cổ vươn tiếng gáy/0 0 bình minh/ chân vàng sừng sững/đầu gà như phượng/ đuôi xòe đuôi trĩ/ mình tựa mình công…”

Là người trọng tình cảm, dành hết tình yêu thương cho gia đình và những thân phận khốn khó, Đinh Công Tường rất thích bức tranh “đàn gà mẹ con” trong chiếc đĩa gốm sứ cổ của mình.

Hình ảnh đàn gà con rúc rích trong bụi chuối kiếm ăn dưới sự chở che của gà mẹ như chân lý ngàn đời của con người: Chăm chỉ, cần mẫn, chịu thương chịu khó suốt cuộc đời. Đó chính là câu chuyện con đàn, cháu đống, gia đình ấm cúng yêu thương nhau.

Có lần anh Tường ghé vào một quán nước và bất ngờ nhìn thấy chiếc tô đựng thức ăn có bức tranh gà đẻ trứng. Anh ngỏ ý mua lại thì gia chủ rất ngạc nhiên bảo rằng, đi mua thứ đó làm gì, chỉ là chiếc tô thôi mà. Anh nói mình rất thích và mình đang đi sưu tầm tranh về gà. Thế là gia chủ biếu luôn.

Mê tranh gà, thấm đượm những giá trị cốt lõi và tiềm tàng của mỗi bức tranh, qua nhiều năm bền bỉ nhặt nhạnh, sưu tầm, đến nay Đinh Công Tường đã sở hữu hàng trăm cổ vật tranh gốm sứ gà ở nhiều thể loại.

Tượng gà trống gốm sứ được Đinh Công Tường trưng trong vườn nhà.

Cứ 12 năm một lần, chú gà lại hiện hữu trên tấm lịch tường treo trong nhà hoặc xuất hiện khắp nơi trong bổn mạng con giáp. Anh Tường cũng như những người yêu quý con gà đều nuôi dưỡng và ấp ủ ước mơ giản dị, chân thành về sự sung mãn phồn thực, vui vẻ hạnh phúc, ấm no sum vầy trong năm mới. 

Anh Tường đã xa tiếng gà gáy từ thủa ầu ơ trên tay mẹ. Tiếng gà là điều gì đó mà trong tiềm thức của người xa quê như nỗi nhớ, niềm thương, chút hoài niệm về một thời đồng quê khốn khổ. Cây đa, bến nước, sân đình, làn khói lam chiều... quyện trong tiếng gà sớm mai là một bức tranh quê đặc sắc... Chỉ nghĩ đến điều bình dị ấy, khóe mắt anh Tường lại cay cay và như thôi thúc, như giục giã, anh lại xách xe đi tìm...

Ngọc Thiện
.
.
.