Người phụ nữ tâm huyết gìn giữ ca trù Chanh Thôn

Thứ Hai, 30/12/2019, 13:19
Dù đã bước sang cái tuổi thất thập, dáng vẻ chậm rãi, đôi mắt mờ đục, nhưng hễ nhắc đến ca trù là bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn (xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) lại hào sảng, tinh nhanh hẳn lên.


Hơn 10 năm qua, cũng chính người nghệ nhân “vác tù và hàng tổng” ấy là đã bỏ nhiều công sức âm thầm, cần mẫn sưu tầm từng làn điệu ca trù để bảo tồn, phát huy nét văn hóa dân gian của quê mình. Dù tuổi đã cao, sức đã yếu đi nhiều nhưng bà vẫn lặng thầm cống hiến, lặng thầm truyền “lửa” cho những thế hệ sau.

Nét văn hóa xưa

Nhắc đến ca trù Chanh Thôn không ít người thán phục bởi vốn cổ, lời xưa vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn đến tận hôm nay. Không những thế, nhiều năm trở lại đây, Chanh Thôn còn được biết đến là “địa chỉ đỏ” lưu giữ và phát triển ca trù. Cụ tổ ca trù của làng Chanh Thôn là cụ Nguyễn Văn Đỉnh. Sau này, các con, cháu, chắt của cụ đều theo nghiệp hát ca trù và là những ca nương giỏi của làng.

Bà Nguyễn Thị Ngoan (bên phải) – chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn.

Bà Nguyễn Thị Ngoan là người đã góp phần không nhỏ gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống quý báu trên vùng đất này. Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng bà Ngoan vẫn rất minh mẫn và vui vẻ khi có người đến tìm hiểu về nghệ thuật ca trù.

Nghề hát ca trù tại vùng Chanh Thôn đã có lịch sử phát triển từ cuối thế kỷ 18. Thời kỳ cực thịnh nhất là giai đoạn những năm 40 của thế kỷ trước, các nghệ nhân trong làng đã mở một số ca quán.

Nhưng một thời gian dài, vì nhiều lý do, ca trù Chanh Thôn chịu cảnh “im hơi lặng tiếng”. Đến đầu năm 2007, ca trù Chanh Thôn đã được những người có trách nhiệm tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh Hà Tây (cũ) và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phát hiện, khảo sát và đánh giá “là vật báu quốc gia”.

Cùng với niềm vui đó, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam công nhận 2 đào hát là bà Nguyễn Thị Khướu, bà Nguyễn Thị Vượn và kép đàn, ông Vũ Văn Khoái là Nghệ nhân Dân gian, nghệ thuật hát ca trù tại đây được công nhận là Địa chỉ văn hóa dân gian thì ca trù Chanh Thôn có sự khởi sắc trở lại.

Bà Nguyễn Thị Ngoan gắn bó với ca trù từ nhỏ. Vốn là giáo viên dạy văn, nhưng bằng tình yêu với ca trù, bà đã khởi xướng và cùng một số người thành lập Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn với mục đích giữ gìn một loại hình nghệ thuật đặc biệt trong kho tàng nghệ thuật truyền thống Việt Nam và tạo sân chơi cho các nghệ nhân truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Năm 2005, bà Ngoan về hưu và dành trọn tâm huyết với nghệ thuật truyền thống của quê hương. Đích thân bà Ngoan đã đứng ra tổ chức lớp học, mời nghệ nhân trong làng dạy hát ca trù miễn phí cho tất cả mọi người. Từ đó, người dân Chanh Thôn ngày nào cũng thấy một người phụ nữ đến từng nhà vận động người già, người trẻ tham gia hát ca trù.

Từ việc không có thành viên nào những ngày mới bắt đầu, đến nay Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn đã có hàng chục người tham gia. “Nhiều cháu nhỏ còn trong độ 7 đến 15 tuổi nhưng đã theo học rất hăng say như cháu Nguyễn Thủy Tiên, cháu Nguyễn Khánh Ly, cháu Trần Thị Dung... Đó là tín hiệu rất đáng mừng khi các cháu nhỏ bắt đầu dành sự quan tâm đến nghệ thuật dân gian”, bà Ngoan vui vẻ kể.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng cụ Nguyễn Thị Khướu (84 tuổi) vẫn minh mẫn và hát làn điệu ca trù rất thuần thục.

Nay tuổi đã xế chiều, nhưng lúc nào bà Ngoan cũng đau đáu với loại hình nghệ thuật này, mong muốn truyền lại môn hát ca trù không chỉ với thế hệ trẻ làng mình mà còn có thể lan tỏa sang làng khác và toàn huyện.

Để môn nghệ thuật ca trù có thể trường tồn mãi mãi với quê hương. Với những thành tích hết sức đáng quý, bà đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2019.

Cần được bảo tồn và phát triển

Từ một đội ca trù có tính chất dòng họ, năm 2008, làng Chanh Thôn đã thành lập CLB hát ca trù và phát triển trong toàn thôn. Người trẻ tuổi nhất tham gia CLB là 8 tuổi, người già nhất hiện nay là 92 tuổi...

Sau 10 năm thành lập, các cụ cao tuổi trong CLB đã dìu dắt được nhiều lớp ca nương trưởng thành để bảo tồn và phát huy ca trù Chanh Thôn. Họ đều là những người hát hay, đạt nhiều giải thưởng trong các hội thi liên hoan ca trù thành phố và toàn quốc.

Đặc biệt, CLB còn mời được 2 nghệ nhân còn lưu giữ được “cái hồn” đặc sắc của ca trù cổ Chanh Thôn đến truyền dạy. Đó là cụ Nguyễn Văn Vằng (sinh năm 1926, đánh trống) và cụ Nguyễn Thị Khướu (sinh năm 1925, ca nương). Hiện cụ Khướu đã được phong Nghệ nhân Nhân dân và cụ Vằng đang được phong Nghệ nhân Ưu tú.

Cụ Nguyễn Văn Vằng, râu, tóc bạc phơ, vẫn đánh trống chầu rất ăn ý với kép đàn Nguyễn Hồng Ngưu (là con trai cụ). Còn ca nương Nguyễn Thị Khướu 94 tuổi, nhưng chất giọng vẫn rất nền, nảy. Cụ Khướu chính là người đã giữ được “hồn cốt” của ca trù làng Chanh Thôn.

Cụ cho biết: “Kỹ thuật hát ca trù rất khó, khi hát phải ngậm miệng, phải điều phối được hơi thở, đẩy mạnh từ trong ra, tiếng hát mới hay, mới rền, nảy”.

Bà Nguyễn Thị Ngoan - Chủ nhiệm CLB hát ca trù Chanh Thôn chia sẻ: “Ca trù đã ngấm sâu vào máu thịt người dân làng Chanh Thôn từ nhiều năm nay. Các cụ, các bà đều ru cháu, ru con bằng ca trù, nên lớp trẻ Chanh Thôn tập hát ca trù rất nhanh khớp giọng. Một số người làng bên cũng đến học, nhưng khi hát rất khó bắt giọng, không hát được chuẩn như dân gốc Chanh Thôn”.

Hiện nay, CLB đã được trang bị đầy đủ nhạc cụ như: Đàn đáy, trống chầu và 25 bộ phách. CLB thường xuyên mở lớp học hát ca trù cho thế hệ trẻ vào các buổi tối thứ năm, thứ sáu và thứ bảy hằng tuần, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật này.

Cụ Nguyễn Thị Khướu tâm sự: “Tôi hát ca trù khi mới 8 tuổi, đến năm 11 tuổi đã trở thành ca nương thuần thục các kỹ năng của ca trù, được đi hát ở những lễ hội lớn trong các đình làng ở nhiều nơi, được đi phục vụ các tầng lớp quan lại. Khi ca trù bị quên lãng, tôi đã khóc.

Một buổi biểu diễn làn điệu ca trù ở Chanh Thôn.

Nhiều khi tôi tự hát, đánh phách một mình. Tôi phải lấy ca trù để ru con, ru cháu cho đỡ nhớ. Khi ca trù được khôi phục, tôi rất mừng và như được sống lại ở cái tuổi mười tám, đôi mươi. Vì thế, tôi còn sống ngày nào, sẽ dồn hết tâm huyết để truyền lại cho lớp trẻ cái tinh hoa của nghệ thuật ca trù”.

Dù tuổi đã cao, khi ngồi hát, đánh phách rất khó, nhưng cụ Khướu không bỏ một buổi dạy nào. Cụ tận tình uốn nắn cho các cháu từng động tác đánh phách, từng câu hát, cách ngân giọng... Hiện tại, CLB có những ca nương hát hay, chuẩn giọng ca trù như ca nương trẻ: Vũ Thị Kim Ngân, Nguyễn Thị Thu Hà. Đặc biệt, hai ca nương nhí: Nguyễn Thị Khánh Ly (9 tuổi), Nguyễn Thị Thu Phương (11 tuổi) rất có năng khiếu với loại hình nghệ thuật này.

Hơn 10 năm qua, câu lạc bộ ca trù Chanh thôn do bà Nguyễn Thị Ngoan làm chủ nhiệm đã cùng các nghệ nhân cao niên trong làng mở 15 lớp học ca trù vào các buổi tối thứ năm, thứ bảy hàng tuần với 150 học viên được dạy và truyền nghề. Lớp học chia thành hai nhóm, phù hợp với từng lứa tuổi nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học viên.

Các cháu nhỏ vừa có thể tham gia học hát, vừa bảo đảm việc học chữ. Từ khi thành lập đến nay, lớp học luôn duy trì được khoảng 30 học viên. Song song với việc dạy và học, Câu lạc bộ cũng đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn ở địa phương, đồng thời tham gia các hội thi và giành được nhiều giải thưởng, bằng khen.

"Giờ chúng tôi tuổi đã xế chiều, sức khỏe giảm sút nhưng thấy các cháu đang chăm chú theo học nên càng phải cố gắng truyền dạy. Thấy các cháu tiến bộ từng ngày lại thấy vui lên nhiều, bởi nghệ thuật ca trù Chanh Thôn sẽ không bị thất truyền", nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn thổ lộ.

Ca nương Vũ Thị Ngân (19 tuổi) chia sẻ: “Tình yêu ca trù nhen nhóm từ những đêm ra nhà văn hóa nghe cụ Vượn, cụ Khướu ca hát. Như để chứng minh tấm lòng của mình với nghệ thuật ca trù, Ngân lấy ra một quyển sách đóng giấy cỡ A4, bìa đã ngả màu và tiếp tục câu chuyện dang dở: “Đây là tập bài hát cổ được cụ Vượn, cụ Khướu sưu tầm và chép lại. Chúng em được phát mỗi người một quyển và ai cũng trân trọng, giữ gìn như một báu vật”.

Từ sự dạy bảo tận tình của những người thầy như nghệ nhân Nguyễn Thị Vượn và Nguyễn Thị Khướu, giờ đây ca nương Vũ Thị Ngân đã tự tin thể hiện những làn điệu khó nhất như "Tỳ bà hành", "Thét nhạc", "Thiên thai", "Bắc phản", "Gửi thư", "Hát nói", "Hát miễu", "Ả phiền", múa "Bỏ bộ", múa hát "Trúc gỗ"...

Nhờ bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của ca trù nên từ năm 2008 đến nay, trong các dịp liên hoan ca trù của Hà Nội và toàn quốc, CLB ca trù Chanh Thôn đều đoạt giải cao. Tiêu biểu, năm 2009 đoạt 4 Huy chương vàng tại liên hoan CLB ca trù toàn quốc; được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen. Năm 2017, tại liên hoan nghệ thuật ca trù do Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội tổ chức, CLB ca trù Chanh Thôn đoạt 2 giải đặc biệt, 1 giải A1, 1 giải A2...

Bà Nguyễn Thị Ngoan – chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn cho biết: “Gần đây câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn cũng đang thu hút được một số học sinh cấp 1, cấp 2 yêu mến và tham gia. Sắp tới, chúng tôi mong muốn các cấp bộ, ngành có phương pháp động viên, khích lệ lớp trẻ để họ mặn mà với các làn điệu truyền thống hơn”.

Trần Toản
.
.
.