Người mẹ tị nạn tìm thấy con trai bị thất lạc trong cuộc hành trình đến châu Âu

Thứ Sáu, 16/10/2015, 09:00
Chỉ cần rời tay nhau là lạc mất nhau - một trong những rủi ro mà những người tị nạn Syria phải đối mặt trong hành trình đầy nguy hiểm tới châu Âu. Giữa biển người, các gia đình rất dễ bị chia tách, thất lạc và gần như chỉ có phép màu mới có thể giúp họ tái hợp. Mẹ mất con, con mất mẹ nhưng cuộc sống cũng có rất nhiều những điều kỳ diệu, bằng tình yêu thương mà họ đã tìm được nhau trong cuộc hành trình dài 2.100km.

Hành trình cơ cực

Một nhà báo Anh đang làm việc cho Đài BBC John Sweeney đã tình cờ gặp một người tị nạn Syria tên là Fakhria tại Hungary khi người phụ nữ này đang tuyệt vọng tìm con trai mình. Hai mẹ con đã bị thất lạc nhau trong hành trình dài 2.100 km để tới miền đất hứa châu Âu. Họ muốn thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời cho dù phải chịu qua những khổ cực và cũng có thể họ sẽ phải bỏ mạng bất cứ lúc nào. 

Đối với những người tị nạn Syria thì họ luôn xác định rằng hoặc là chạy trốn được khỏi tiếng bom đạn hoặc là sẽ chết mất xác ở bất cứ nơi đâu trên con đường mà họ đang chạy trốn. Với mẹ con bà Fakhria cũng vậy, cũng xác định được con đường mà họ đã chọn và cái giá họ phải trả.

Sau khi nghe được câu chuyện buồn của người mẹ mất con người Syria, chính nhà báo John Sweeney đã trở thành cầu nối giúp bà tìm lại người con trai thân yêu của mình. Câu chuyện cảm động về hành trình tìm lại nhau của hai mẹ con bà Fakhria đã được nhà báo John Sweeney kể lại tường tận và được đăng tải trên BBC News ngày 30/9. 

Nhà báo John Sweeney chia sẻ rằng lần đầu tiên ông gặp bà Fakhria, ông đã bị ám ảnh bởi một khuôn mặt khắc khổ với những vết hằn của thời gian cộng với những nỗi đau tột cùng mà bà đang phải trải qua. Nỗi đau đó không phải bắt nguồn từ nỗi khổ cực và những nguy hiểm mà bà có thể gặp phải trên con đường đi tới châu Âu mà là nỗi đau của một người mẹ đang bị lạc mất con. 

Trong cuộc hành trình này, bà luôn nghĩ rằng nếu sống thì mẹ con bà cùng sống, nếu chết sẽ cùng chết nhưng giờ đây bà đang đau đớn không biết con trai bà thế nào, còn sống hay đã chết. Giữa con đường bơ vơ này liệu bà có còn cơ hội để tìm được con trai mình. Hàng trăm nỗi đau như cào xé bà. 

"Thật lòng, tôi cảm thấy rất hối hận vì đã ra đi. Nếu tôi biết trước mọi chuyện sẽ diễn ra như thế này, tôi sẽ không bao giờ đi", bà Fakhria, khoảng 60 tuổi đã vừa khóc vừa nói.

Người phụ nữ tị nạn cho biết, bà đến từ Kobane, một thị trấn Syria vốn đã bị hủy diệt và giờ đây chỉ còn là đống đổ nát hoang tàn bởi bom đạn từ những trận chiến ác liệt giữa các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) và lực lượng chiến binh người Kurd được Mỹ hỗ trợ. Mùa hè này, gia đình bà quyết định rời bỏ "vùng đất chết" Kobane để tới Đan Mạch nương nhờ người thân đang sống ở đây. 

Bà bắt đầu chuyến hành trình cùng với con trai mình, Mahmoud và gia đình người anh trai của bà. Họ đi theo tuyến đường dài 2.100 km từ đảo Kos của Hy Lạp tới Trung Âu như hàng nghìn người tị nạn khác. Theo tuyến đường này, họ sẽ đi qua Hungary. Tuy nhiên, trên đường đi, gia đình bà Fakhria đã nghe những tin đồn thất thiệt rằng, nếu hộ chiếu của họ bị giới chức Hungary đóng dấu, họ sẽ chỉ có thể tới Đức mà không thể đi bất cứ nơi nào khác. 

Lo sợ con dấu Hungary sẽ ngăn cả gia đình tới Đan Mạch, bà Fakhria và con trai cùng gia đình người anh trai đã vượt biên bất hợp pháp vào Hungary bằng đường rừng và họ đã đi bộ suốt đêm. Tuy nhiên, sau 6 giờ đi bộ, họ bị cảnh sát Hungary phát hiện và bắt giữ. 

"Tôi thực sự quá mệt mỏi, tôi đã kiệt sức. Nhưng rốt cuộc cảnh sát đã phát hiện và bắt giữ chúng tôi. Lúc đó, bản thân tôi tự nhủ rằng: "Cứ ở lại quê nhà còn tốt hơn là đi đến đây", bà Fakhria chia sẻ. "Trời lúc đó đổ mưa nặng hạt. Cháu trai của tôi khóc ngằn ngặt không thể dỗ được. Chúng tôi đã nói với những cảnh sát rằng, chúng tôi cần một bác sĩ. Đứa trẻ đang bị ốm. Họ bảo chúng tôi hãy đợi, bác sĩ sẽ đến ngay. Nhưng cháu tôi gần như đang chết trong vòng tay của chúng tôi", bà Fakhria kể. 

Sau đó Fakhria và gia đình bị đưa tới một trại tị nạn được bao quanh bởi hàng rào dây thép gai. "Tôi có cảm giác như tôi đang bị nhốt trong tù. Tôi đã rời bỏ nhà cửa và tới châu Âu chỉ để hứng chịu tất cả những chuỗi khổ sở, đau buồn này ư?", bà Fakhria cay đắng nói. Những tiếng bom tiếng súng, những đống đổ nát hoang tàn có khi vẫn còn tốt hơn so với tất cả những gì bà đang phải trải qua.

Tại trại tị nạn ở Hungary, Fakhria đã bị ốm vì thời tiết thay đổi và bà phải dầm mưa suốt cả ngày. Các nhân viên cứu trợ đưa bà vào bệnh viện để khám chữa bệnh. Fakhria đã giao lại cho con trai toàn bộ tiền bạc mà bà mang theo. "Họ mang tôi tới bệnh viện. Đáng ra quá trình thăm khám chỉ diễn ra 30 phút. Nhưng tôi đã phải ở lại bệnh viện qua đêm. Và khi tôi trở về trại, tôi không tìm được con trai mình nữa. Tôi đã cố gắng tìm kiếm nhưng không tìm được. Làm sao họ có thể đưa con tôi đi trong khi tôi nằm viện?", người phụ nữ Syria chia sẻ.

Rồi bà Fakhria rời khỏi trại tị nạn tới nhà ga Budapest. "Tôi không biết tiếng Anh. Tôi cũng không còn một xu dính túi. Nỗi đau khiến tim tôi thắt lại từng cơn. Tôi sẽ không bao giờ quên được chuyện này. Tôi đã khóc cạn nước mắt trong suốt 2 ngày ở nhà ga trong khi cố tìm con và cháu một cách tuyệt vọng. Tôi hỏi thăm bất cứ ai tôi gặp. Nhưng không ai hiểu tôi cũng như tình cảnh của tôi. Từ tiếng Anh duy nhất tôi nói được là "Family, Family (gia đình). Địa ngục bên trong địa ngục chính là chỉ có một mình giữa một nơi xa lạ, không tiền bạc, không có bất cứ cách nào để liên lạc với người thân", bà Fakhria vừa khóc vừa kể về tình cảnh khốn đốn của mình.

Hạnh phúc mỉm cười

Rất may mắn sau đó, bà Fakhria gặp được một người cháu tên là Mustapha và gia đình của anh này. Người cháu này đã đưa bà cùng tới Áo. Nhưng bà Fakhria vẫn đau đáu muốn tìm con trai. Thương cảm trước hoàn cảnh của người phụ nữ Syria bất hạnh, nhà báo John Sweeney đã hứa sẽ giúp bà tìm con thông qua các trang mạng xã hội phổ biến Twitter, Facebook và Snapchat. 

Nhà báo John đã đăng một video về bà Fakhria lên trang Facebook của BBC News và video này nhanh chóng đạt được 320.000 lượt xem. Và hoàn toàn bất ngờ, điều kỳ diệu đã xảy ra khi họ nhận được thông tin, con trai của bà Fakhria cũng đã đăng tin tìm mẹ lên một trang web tên là Trains of Hope (Tạm dịch: Những chuyến tàu Hy vọng). Nhờ vậy, hai mẹ con đã đoàn tụ tại nhà ga ở Vienna (Áo).

Nhà báo Anh chia sẻ, câu chuyện mẹ con bà Fakhria lạc nhau giữa biển người rồi đoàn tụ đã thắp lên niềm hy vọng về những điều kỳ diệu và đây sẽ là kỷ niệm mà ông sẽ mang theo trong suốt cuộc đời.

Dân Việt
.
.
.