Người giữ "hồn" then cho đồng bào Tày, Nùng ở Tuyên Quang

Thứ Năm, 21/01/2016, 14:05
Từ bao đời nay, then đã trở thành một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống của người Tày, Nùng ở vùng núi phía Bắc nước ta. Với người dân nơi đây, then chính là tiếng "lòng" của họ, vì nó là sự kết hợp các yếu tố nghệ thuật như âm nhạc, mỹ thuật, múa, diễn xướng và các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Một trong những người giữ lại được "hồn" then cho đồng bào Tày, Nùng là nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến (62 tuổi), ở tổ 26, phường Minh Xuân TP Tuyên Quang.


Then là tiếng "lòng" của người Tày, Nùng

Chúng tôi ngược về thành phố Tuyên Quang để tìm hiểu về nghệ thuật hát then của đồng bào Tày, Nùng. Một trong những người giữ được "hồn" then, lại có giọng hát trầm ấm và truyền cảm là nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến. Ngôi nhà của nghệ nhân nằm sâu trong một ngõ hẹp của phường Minh Xuân. Chúng tôi đứng ở đầu đường để hỏi nhà nghệ nhân thì đã nghe tiếng đàn tính cùng giọng hát then trầm ấm vang lên. Hôm nay là chủ nhật nên ông có thời gian ở nhà để dạy hát cho lớp trẻ, bởi họ đều là những người tâm huyết với hát then của dân tộc.

Tiếp chuyện chúng tôi ông Kiếm nói: "Ngoài Tuyên Quang then còn có ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang. Then thường được sử dụng vào những ngày hội làng, cầu mát nhà của những ngày đầu năm mới, sinh con đầu lòng, giải trừ tà ma, chữa bệnh. Then có từ bao giờ thì đồng bào Tày, Nùng không ai nhớ được, chỉ biết rằng từ lúc sinh ra tôi đã nghe các cụ hát then rồi. Đối với đồng bào Tày, Nùng ở vùng cao phía Bắc này thì then chính là tiếng "lòng" là lời ru, là món ăn tinh thần".

Theo ông Kiến, hiện ở khắp vùng núi phía Tây Bắc này, then đều có các làn điệu khác nhau vì nó còn liên quan đến phong tục tập quán và đời sống văn hóa. Về nội dung của bài hát thì nó đều được diễn xướng bằng tiếng của dân tộc mình, chủ yếu là ca ngợi Đảng, Bác Hồ, phong tục tập quán, tình yêu đôi lứa. Trong bốn mùa của người Tày, Nùng, tiếng đàn và giọng hát lại có những các bậc cảm xúc khác nhau. Mùa xuân giọng đàn then thường tươi vui nhộn nhịp, còn mùa thu thì man mát buồn". 

Nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến trò chuyện về nghệ thuật hát then cùng phóng viên.

Cũng theo ông Kiến, nhạc cụ đi kèm với lời hát then là tính tẩu. Đối với các ông thầy cúng họ rất quý trọng cây đàn tính của mình. Khi các ông thầy đi cúng, họ thường làm một cái lễ nhỏ để xin phép tổ sư. Đàn tính thường được treo trang trọng trên vách gần bàn thờ tổ sư. Trong ngày hội "lồng tồng" hoặc đi dự lễ cúng các ông thầy thường bọc đàn tính trong vải đỏ, cho bầu đàn hướng về phía trước. Thầy cúng dùng đàn để đệm, có thể diễn tấu một mình hoặc nhiều đàn cùng một lúc. Đàn gồm có 6 bộ phận là bầu đàn, cần đàn, dây đàn, khóa đàn, ngựa và mặt đàn.

Theo người Tày, Nùng then chỉ có một vài giai điệu cơ bản nhưng nó lại lôi cuốn người nghe bằng cách thể hiện và sự phong phú của ca từ. Then có nghĩa là của, lối đi, lối hát. Thông thường người hát phải biết vận dụng những thế mạnh của bản thân để vận dụng những ca từ đó cho hợp với các vùng miền. Ông Kiến cho rằng, người hát then cổ thường vừa chơi đàn tính vừa kết hợp với các chùm nhạc xóc trong các nghi lễ như cầu mưa, cầu lửa, giải hạn cầu may, cầu được mùa… Đối với người Tày, Nùng then chính là chiếc cầu nối giữa con người với thế giới thần linh, đất trời. Vì lẽ đó nên hát then chính là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào dân tộc Tày, Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ông Kiến nói: "Về mặt tâm linh then chính là hình thái sinh hoạt tín ngưỡng dân gian. Thông qua các nghi lễ tín ngưỡng thì then được chia thành then văn, then tướng và nhiều hình thức khác. Ông Trời và bà Bụt sẽ là cầu nối giữa thần tiên và dân gian. Thông qua các vị thần tiên này thì cuộc sống của họ sẽ được che chở cho gia đình mình. Cộng đồng Tày, Nùng họ tin rằng có các vị thần này phù hộ nên cuộc sống mới yên ổn, không có thiên tai dịch bệnh, người dân được ấm no hạnh phúc". 

Do giữ được các nghi lễ nên người Tày, Nùng mới có dịp ôn lại những kỷ niệm về phong tục tập quán, văn hóa của dân tộc. Trong các ngày diễn ra nghi lễ, đồng bào cũng trở nên đoàn kết hơn. Trong đời sống then còn chứa đựng các quy ước như: tôn trọng người già, tôn trọng truyền thống văn hóa, lệ tục của dòng họ, đồng thời nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình cần phải có trách nhiệm với cội nguồn, tổ tiên.

Giữ lại "hồn" then cho đồng bào dân tộc

Chính vì then có tầm ảnh hưởng quan trọng trong đời sống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nên ông Thàm Ngọc Kiến đã tham gia rất nhiều các chương trình do Trung ương tổ chức như: Liên hoan hát then các tỉnh toàn quốc, Hộ diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, và đã nhận được rất nhiều giải thưởng. Hiện ông Kiến đã có 4 Huy chương Bạc do Trung ương tổ chức và trao tặng. Ngoài ra ông Kiến còn nhận được các giải của tỉnh, của huyện. Để có được thành công ông Kiến phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời ca và tiếng nhạc, đi kèm là các điệu múa dân tộc.

Ông Kiến làm đàn để phục vụ giảng dạy và bán cho các trường văn hóa nghệ thuật.

Cũng theo ông Kiến, hiện hát then được sáng tác ra rất nhiều bài nhưng nó đều có cái kết giống nhau. Ngày xưa các cụ thường trình diễn theo hình thức diễn xướng tổng hợp là vừa hát, đệm đàn và múa để thể hiện nội dung câu hát, đôi khi còn biểu diễn cả những trò nhai chén, dựng trứng, dựng gươm... Ngày nay lời của then thường hướng đến Đảng, ca ngợi Bác Hồ hoặc tình yêu đôi lứa, phong tục tập quán. 

Về tâm linh, lời của hát then thường lấy vạn vật làm yếu tố chủ đạo. Bên cạnh đó người Tày, Nùng còn chú trọng vào các lễ nghi như cúng hồn vía, đuổi ma, giải hạn... Trong ngày cúng đồng bào thường lấy thịt các con thú ở trên rừng về để giải hạn, khao tổ tiên, khao mẫu sinh (mẫu ban lộc sinh đẻ). Tiếng hát then thần kỳ đến mức người đang ốm đau chỉ nghe thấy coi như khỏi bệnh. Then có nhiều tác dụng như chữa bệnh, giải hạn, cầu tài cầu lộc, thể hiện một nền văn hóa đa dạng của dân tộc.

Trong đời sống văn hóa cộng đồng, đối với đồng bào các dân tộc Tày, Nùng hát then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Theo quan niệm xưa, then có nghĩa là thiên - trời, là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người tới thánh thần. Vì vậy vào mỗi dịp trong năm như cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ đều không thể vắng bóng những giai điệu then cổ.

Hiện nay hát then có nhiều biến đổi so với trước kia, ngoài các làn điệu then cổ thường rập khuôn trong các buổi lễ cúng tế thì nay nó đã xuất hiện nhiều làn điệu then cải biên. Việc này nó vừa đổi mới lại thích ứng với các hình thức sinh hoạt văn hóa văn nghệ cộng đồng. Như vậy, then không chỉ là một loại hình nghệ thuật dân gian quen thuộc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng mà nó còn là món ăn tinh thần đối với các dân tộc khác cùng chung sống trên địa bàn các tỉnh vùng núi phía Bắc.

Nghệ nhân Thàm Ngọc Kiến khác với thầy cúng, bởi ông thường biểu diễn hát then bằng nghệ thuật. Ông Kiến đã từng công tác ở Đoàn Ca múa dân gian của tỉnh Hà Giang và đã gắn bó với nghệ thuật then trên 30 năm. Ông đã đi rất nhiều tỉnh ở khu vực phía Bắc Việt Nam để biểu diễn. Đối với ông, kỷ niệm đáng nhớ nhất là tình cảm của bà con dân tộc dành cho mình. Có một kỷ niệm mà ông Kiến không thể quên, đó là vào năm 1994 khi ông cùng đoàn nghệ thuật biểu diễn ở xã Nà Hang (Tuyên Quang).

Ông Kiến nhớ lại: "Hôm đó khi tôi vừa biểu diễn xong thì có một cụ già tàn tật bị gãy một chân chống nạng lên sân khấu ôm lấy tôi. Sau đó ông ấy mời bằng được tôi về nhà để ăn cơm. Tối hôm ấy tôi ở lại bản và cả làng họ sang để nghe tôi hát. Gia đình cùng bà con còn biếu cho tôi tiền nhưng tôi chỉ nhận vậy thôi, xong tôi lại tặng cho nhà người ta. Bởi trong nhà ông cụ có một cô gái mọc khối u chèn mất cả mắt".

Đối với thế hệ trẻ bây giờ, ông Kiến nhắn nhủ là phải sưu tầm, sử dụng chính tiếng của dân tộc mình trong sinh hoạt thì mới giữ lại được cái "hồn" then của dân tộc. Ngoài ra ông Kiến cũng mong lớp trẻ cần phải tìm tòi nghiên cứu văn hóa then cổ của dân tộc để các câu hát sẽ mãi sống trong lòng nhân dân. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng nên đầu tư cho loại hình nghệ thuật này để người dân nâng cao ý thức, đặc biệt là các nghệ nhân đang có đóng góp tích cực trong việc bảo tồn nghệ thuật then.

Chính vì then là tín ngưỡng là món ăn tinh thần của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nên nó rất cần sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Hiện nay những nghệ nhân tâm huyết có khả năng về âm nhạc (đàn tính - hát then) như ông Kiến còn rất ít. Họ lại là hạt nhân cho các phong trào văn hóa văn nghệ cơ sở. Để công tác bảo tồn hát then - đàn tính đạt hiệu quả, đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, ngành Văn hóa Thông tin cần có chế độ chính sách đãi ngộ cho các nghệ nhân xứng đáng. Bởi lưu giữ "hồn" then là điều rất khó khăn vì nó còn mang ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng.

Minh Phượng
.
.
.