Người đi tìm hồn của đất

Thứ Hai, 06/07/2015, 16:00
Lớp trẻ bây giờ đi phượt xa đều mang theo lều bạt, la bàn, máy định vị GPS... Có những chuyến đi kéo dài 10 ngày. Việc các em vào rừng thuê người bản địa dẫn đường rồi căng bạt cùng nhau ngủ lại giữa rừng hoang là chuyện thường tình. Còn đối với các nhà khảo cổ, đi tìm chứng tích người xưa từ cổ tháp rêu phong đến từng chiếc đàn đá chôn vùi dưới lòng đất có khi phải mất nhiều lần. Tất cả hai loại người này đều giống nhau là làm cho núi rừng và cổ vật lên tiếng…

Trong việc khám phá đất nước mình ở Tây Nguyên, tôi thường xin đi theo các nhóm phượt cả Tây và Ta để biết họ tồn tại như thế nào và học được điều gì trong những hành trình dài ngày ấy. Đi trải nghiệm núi rừng khá vất vả, có lúc lạc đường phải nhịn đói, chưa nói là đối mặt với muỗi mồng và loại vắt hút máu. Nhiều người máu chảy thành dòng ướt cả cổ, lấm tấm cả áo quần bởi con vật này. Tuy nhiên, sau chuyến đi, họ vui vẻ ca hát nắm tay nhau rồi lên mạng xã hội (Facebook) để chia sẻ với bạn bè, hẹn nhau chuyến đi kỳ tới.

Còn đi theo các nhà khảo cổ thường sống trong hư vô, đắm chìm về quá khứ. Họ chăm chú từng mẫu vật, ghi chú khoảng cách núi sông để dựng lại không gian sinh tồn của người tiền sử. Hiếm thấy các vị này có nụ cười, họ vất vả trong công việc rồi ghi chép chụp ảnh trong tâm thức. Họ yên lặng như một êkíp mổ trong bệnh viện, chỉ đưa tay ra hiệu không có một lời.

Người bị đời “lãng quên”

Tháng rồi, tôi được mời dự tổng kết về khen thưởng cấp tỉnh. Trong lúc diễn giả đang hùng hồn, có một phụ nữ bỏ ra ngoài với thái độ hậm hực. Thấy hiện tượng lạ, tôi bám theo, biết đâu lại phát hiện có người lẽ ra được khen thưởng nhưng bị bỏ sót nên tự ái bỏ về.

Để làm quen với người có tuổi không phải dễ, nhất là lúc họ đang giận. nên tôi chào hỏi theo kiểu hàng hai: “Chị ơi! Nghe bà này nói dai nhách! Tôi chờ người ra để đi theo. Tôi với chị đi tìm gì uống. Thực tình tôi quá khát, nhưng ngồi quán một mình cũng buồn. Tôi mời chị!”. 

“Đi thì đi! Ngồi nghe như trâu già gặm rơm, thực tế không phải lúc nào cũng là màu hồng như thời còn trẻ. Tôi là người có công trong việc phát hiện và lăn lộn với di tích Thánh địa Cát Tiên hàng chục năm trời nhưng chưa bao giờ được một tờ giấy khen”, người phụ nữ trả lời với gương mặt lạnh lùng, không nhìn mặt người bám theo bắt chuyện.

Trước mặt tôi là một phụ nữ có gương mặt phúc hậu nhưng đôi mắt đượm buồn, trên trán chấp chới những sợi tóc đen dài đong đưa khi những cơn gió nhẹ thổi qua. Trong khi chờ đợi chủ quán bê nước, tôi ngồi ngắm chị một cách vô thức, trên gương mặt đã xuất hiện nhiều dấu chân chim đang len lỏi theo bóng dáng thời gian. Nhìn chị, tôi liên tưởng sự tồn tại không được êm đềm. Trên đời này, con người có thể lừa dối nhau qua bộ quần áo, chiếc xe đời mới hay những thuật ngữ mỹ miều, nhưng khó có thể lừa nhau bằng hình ảnh thực: Đôi mắt, chiếc mũi hay bộ răng của mình…

Nhà báo, nhà khảo cổ Đinh Thị Nga.

Chị tên là Đinh Thị Nga, có lẽ trên 50 tuổi, sinh ra và lớn lên ở tận Phú Thọ ngoài Bắc, nguyên là phóng viên Báo Lâm Đồng kiêm nhà khảo cổ ở Nam Tây Nguyên, đã một thời lăn lộn ở rừng núi đưa tin bài, ảnh nóng hổi về Thánh địa Cát Tiên qua bốn lần khai quật. Tôi không phải là nhà báo, nhưng nghe nhiều người kể phóng viên chuyên viết phóng sự đường rừng đa số đều ốm đói. Họ không có bổng lộc gì, lại được núi rừng cấp cho chứng chỉ sốt rét từ cấp độ I đến II một cách chính danh. 

“Tuy mới gặp lần đầu, nhưng tôi đọc khá nhiều bài của chị, đặc biệt các phóng sự núi rừng. Là người phụ nữ đi dọc theo đội hình của đất có khó khăn cho chị không ạ!”, tôi cất giọng làm quen. 

Chị Nga chép miệng: “Nhiệm vụ phải đi thôi, vả lại đó là công việc mà tôi chọn. Tôi xuất thân từ khoa sử mà, bây giờ về hưu rồi, mọi thứ đều trở thành ăn mày dĩ vãng. Tôi không thích những người ngồi đâu cũng khơi dậy những chiếc mề đay trong tủ để dạy dỗ thiên hạ!”. 

Gương mặt chị vẫn lạnh lùng đến mức tàn nhẫn. Biết khó khai thác những gì cần biết nên tôi đổi chiến thuật: “Chị có thể tặng tôi 1 quyển sách để tham khảo, tôi thiếu kiến thức về Thánh địa Cát Tiên quá, gặp được tác giả cũng là phước phần của tôi”. 

“Sách của tôi xuất bản để bán chứ không phải để kính biếu như mấy ông nhà thơ, nhà văn năn nỉ tặng cho người khác rồi ký tên mình vào một cách kiêu hãnh. Anh ra hiệu sách mà mua, giá 75 ngàn 1 quyển”.  Vẫn gương mặt lạnh lùng nhưng đôi mắt long lanh nhìn về phía tôi thêm chút tò mò.

Sáng hôm ấy, chúng tôi bỏ chuyện khen thưởng, phóng xe về tận Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng. Hai người đi chậm rãi tâm sự như đôi tình nhân già. Chị bộc bạch đời mình như một câu chuyện dài đầy gam màu tối sáng. 

Tôi biết anh còn người nguyên chất hơn 50%. Thời bây giờ nhiều “nghệ sĩ nhân dân” quá, họ diễn vai và nói theo lời thoại đến mức trở thành chuyên nghiệp ngay cả với người thân của mình. Có một thời tôi cũng từng là diễn viên bất đắc dĩ. Số là đầu những năm 80, khi viết về rừng nên phải gặp cán bộ quản lý rừng, họ uống rượu như uống nước, có người còn xem việc uống rượu là tiêu chí để nhập việc. Vì buồn và bị người ta xem rẻ rúng,  nên tôi uống biểu diễn 35 lon sữa bò, mỗi lon chứa 1/2 rượu. Cũng từ đó, tôi lên hàm đại ca. Uống rượu ai chả say, riêng tôi hai ngày sau mới say, lúc ấy ai biết, trước mắt là hạ được những tay vơ vét của rừng nhưng nói rặt giọng đạo đức. 

Sau này được phân công viết về vùng đất tận Nam Lâm Đồng, ngày ấy vào được Cát Tiên, có nơi phải đi bộ 10 cây số, ăn ở với đồng bào dân tộc Stiêng, Kờ Ho. Cũng tại đây tôi được các vị tiên đế khai thông tuệ nhãn, dẫn đường vào mê cung của vương quốc Phù Nam một thời oanh liệt. Nơi ấy là những đền đài nằm sâu trong lòng đất. 

Vào ngày 27/9/1985, tôi và đồng nghiệp Hồ Thị Thanh Bình trong khi đi công tác đã phát hiện di tích Cát Tiên tại thôn 6, xã Đồng Nai, huyện Đa Huoai, Lâm Đồng. Sau đó, chúng tôi đã báo cáo chính quyền địa phương biết để có biện pháp bảo vệ. 

Những năm sau, chúng tôi đã tiếp tục dẫn các nhà khảo cổ đến, cùng lăn lóc làm việc cả 4 lần khai quật nhưng không ai biết công trạng của mình, cũng không có một tờ giấy khen, ngay cả trong số báo cáo phát hiện khảo cổ mang tên người khác, thậm chí cổ vật chiếc lá đồng vàng do tôi mang về bảo tàng bây giờ đến xin chụp cũng không được”. Nghe tâm sự bằng chất giọng khô khan đều đều, tôi hình dung một người phụ nữ đã sống thăng trầm cả một quãng đời son trẻ.

Đỉnh núi mang hình Linga

Trên quốc lộ 20 đi ngang thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng, có một ngọn núi tên Lú Mu, còn gọi Lu Bu, cao 1.079m, trên đỉnh là một tảng đá hoa cương mang hình Linga rất rõ nét. Người ta kể rằng: Cứ mỗi độ xuân về, các cộng đồng dân tộc anh em xung quanh kéo về vùng đất thiêng này để cúng bái, nhảy múa, cảm tạ thần linh.

Trước khi đến Lú Mu, tôi được đọc 1 tài liệu nói về truyền thuyết núi này do bác sĩ người Pháp tên là Paul Néis kể lại trong chuyến thám hiểm thượng nguồn sông Đồng Nai năm 1880. Truyện rằng: "Lú Mu mọc đầy chuối hoang dã. Dân cư trong vùng đến hái quả, nhưng bị một con quỷ khổng lồ vồ ăn thịt. Không biết cách nào để chống trả, người Thượng vội đi kêu cứu người Khmer. Họ tập trung lên núi đào một hố sâu, rồi chất bông và thuốc nổ, châm lửa đốt. Núi vỡ ra thành 7 mảnh nghiền nát con quỷ. Vì vậy, nơi ấy được xem rất linh thiêng, người ta không dám đến gần...".

Hai ngày trước, trên đường đến Đạ M’ri, tình cờ gặp nhóm phượt từ trong Lú Mu mò ra, áo quần bê bết đang ngồi chém gió tại quán nước Công Lý. Biết tôi là dân viết theo kiểu ăn theo nên các em vui vẻ trút mệt nhọc chuyến đi. Em Lê Phong, 22 tuổi, có lẽ là trưởng nhóm, vóc người bặm trợn, cằm vuông quấn khăn rằn như Hai Lúa, rung đùi kể: “Thấy núi gần nhưng đi xa lắm anh ơi! Đi cả 7 tiếng đồng hồ mới trèo lên được tảng đá. Chúng tôi đo bằng GPS ngọn núi cao 1.079m, riêng khối đá cao 200m. Nơi ấy toàn là phân dơi, cả nhà dơi bay đâm vô người mình rần rật”. Lê Phong vừa nói, vừa cởi áo rồi dùng áo quạt vào người mình phành phạch. “Thế ai dẫn các em đi?”, tôi hỏi. “Đây! đại ca Hùng Chuối, chuyên gia dẫn đường kiêm lâm tặc chưa gác kiếm”, Lê Phong chỉ tay một chú em đứng bên cạnh rồi ngửa mặt lên trời cười sằng sặc.

Để nghe hết chuyện leo núi, tôi xin phép trả hết tiền nước với mục đích giữ chân nhóm phượt. Các anh em vui vẻ vỗ tay đôm đốp. Vài phút sau tôi mới biết các em là sinh viên Khoa Sử, Trường Đại học Nhân văn TP Hồ Chí Minh, tự bỏ tiền túi đi tác nghiệp. 

Một trong bảy em cho biết: Lú Mu là ngọn núi thiêng. Nói theo cách phong thủy, ngọn núi mang thế "long bàn hổ cứ" (rồng cuộn, hổ ngồi). Có nghĩa là: rồng cuộn khúc quay đầu nhìn lại và cọp. Có điều lạ từ trên ngọn núi có mạch nước ngầm chảy xuống đồng bằng mà người dân gọi là suối Hạ Sanh. Đến gần chân núi, dòng suối chảy qua một khe đá lớn tạo nên một dòng thác rất mạnh, hình thành một bãi tắm khá đẹp. Mọi người ở đây cho rằng, những ai có bệnh tật hay mệt mỏi nếu đến tắm suối này sẽ được khỏe mạnh.

Tuy nhiên, lên đến đỉnh núi, không phải dễ dàng, chúng tôi trẻ khỏe cũng phải mất hơn 7 giờ đồng hồ mới lên đến đỉnh núi. Còn để đi hết vòng quanh tảng đá phải mất cả giờ. Vì tọa lạc trên cao nên linh vật khổng lồ này hấp thu nguyên khí của đất trời. Ở nơi ấy, sáng sớm và chiều tà, nhìn những áng mây vờn trông rất huyền ảo, đó là bản giao hưởng giữa núi và mây trời. Nếu ai đó có chút tưởng tượng, nhìn ngọn núi bằng tâm linh, thì người đó thấy áng mây phủ trên núi đá như các vị thần đang ngự trị.

Ở xứ mình, cả người Kinh lẫn các dân tộc anh đều cho rằng núi cao thường là  nơi cư ngụ của các thần linh... và họ dành những vùng đất có địa hình như thế để dựng chùa thờ Phật, thánh thần, cầu mong phù hộ cho nước thịnh, dân an. Vài năm gần đây, nghe nói Công ty Tôn Hoa Sen thuê 500 hécta rừng này làm dự án du lịch tâm linh và cũng từ đó, ngọn núi Lú Mu khoác lên mình một tên mới đậm nét Phật giáo. Đó là núi Trí Tuệ và dòng Hạ Sanh được gọi là suối Từ Bi".

Cát Tiên, Mê Cung của các thần linh

Thật là hạnh phúc khi về Thánh địa Cát Tiên được đi cùng với nhà báo kiêm khảo cổ, chị Đinh Thị Nga. Trong chuyến về nguồn này, chị Nga không còn là một phụ nữ “hậm hực” nữa, chị trở lại một người nguyên chất như chưa hề có cuộc chia ly.

Trên đường đi, chị như sống lại 30 năm về trước, thời mà chị cùng với người bạn đồng nghiệp Hồ Thị Thanh Bình mang gạo, cá khô đến thám sát tại thôn 6, xã Đồng Nai phát hiện ra di tích đầu tiên để sau này khai quật ra nhiều đền đài, hiện vật và các ngẫu tượng Linga -Yony… Nhân lúc chị vui, tôi hỏi: “Nếu mình viết nguyên tên Linga - Yony, liệu bạn đọc có hiểu là cái gì không?”. “Tên các cổ vật này, chắc có thể nhiều người không hiểu, tốt nhất anh phải chú thích Linga là bộ phận sinh dục của đàn ông, còn Yony là bộ phận sinh dục đàn bà. Đó không phải là thường tục, mà là âm dương của trời đất, duy trì nòi giống…”, chị giải thích.

Thánh địa Cát Tiên là lấy tên của địa phương. Nơi này cách đây khoảng trên 1.000 năm là một quần thể di tích của một tiểu vương quốc xưa. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện một khu đền đài chìm trong lòng đất ở vùng thượng nguồn sông Đồng Nai, dưới chân Trường Sơn Nam. Đây là thánh địa Bà La Môn (Ấn Độ giáo kết hợp với Phật giáo), được kiến tạo trong giai đoạn lịch sử không thành văn kéo dài từ thế kỷ VII đến XI.

Di tích Cát Tiên ra đời trong thời kỳ nào, thuộc phong cách nghệ thuật nào chủ nhân nó là ai mà trong suốt 4 đợt khai quật (1994-2000) đã trở nên một cuộc tranh luận trong giới khảo cổ chưa có phần kết. Từ lúc hai chị Nga - Bình phát hiện, sau đó các chuyên gia từ những giáo sư, tiến sĩ đến các nhà khảo cổ hàng đầu Việt Nam đến rồi đi đã mang những bằng chứng sống cho hậu thế 265 bức phù điêu, trong đó có 113 thông điệp của người xưa viết chìm trên lá bằng vàng chưa được giải mã. Trong những lần khai quật kéo dài 20km, các nhà khảo cổ đã tìm được 166 hiện vật về tôn giáo như các vị  tu sĩ, hoa sen, hoa chanh Linga-Yony, các vật thần linh như Nandin, Hamsa, voi, ngựa, rùa, rắn, văn tự..., 400 mẫu vật sành sứ.

Chúng tôi đi cả buổi, ghé nơi này, thăm chỗ kia, đến khi đứng dưới chân đền tháp cổ, tôi hỏi: “Chị là nhân chứng từ đầu đến cuối, cộng với kiến thức tổng hợp nhiều nguồn, vậy ai là chủ nhân đích thực của di tích này?”. “Câu hỏi đó đã khơi dậy trong giới sử học kéo dài hơn 20 năm. Sau mỗi cuộc khai quật, lại phát hiện thêm điều mới với niên đại khác. Điều đó chứng minh quá trình xây dựng lâu dài, nhà sử học Dương Trung Quốc có lần nói: “Sự thiếu hiểu biết về quá khứ khiến chúng ta phải trả giá”. 

Chị gom các sự kiện rồi kể: “Giáo sư Trần Quốc Vượng đã dành phần lớn cuối đời đi khắp Cát Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Đông Nam Bộ để tìm chủ nhân. Ông khẳng định: “Đó là khu thánh địa nằm trong không gian văn hóa - xã hội người Mạ”, Giáo sư Lương Ninh cũng cho rằng, chủ nhân nó là một bộ phận nói ngôn ngữ Nam Á, mà ta gọi là người Mạ. Nhưng lập luận của TS Lê Đình Phụng, người phụ trách 4 cuộc khai quật thì khác. Ông nói: “Khó chấp nhận khu di tích này của người Mạ. Bởi người Mạ cho đến nay vẫn tồn tại trên mảnh đất này mà họ vẫn mù mờ về tiên tổ của họ. Hệ thống tín ngưỡng của người Mạ hiện nay vẫn là đa thần, hoàn toàn xa lạ với Bà La Môn giáo. Cơ sở kinh tế của họ là nương rẫy, khó có khả năng xây dựng đền đài hoặc chế tác đá. Do vậy, ông cho rằng, sau khi vương quốc Phù Nam tan rã, nhiều tiểu quốc mới xuất hiện. Có thể Khu di tích Cát Tiên là thánh địa của một trong những tiểu quốc ấy”.

Chúng tôi cứ lặng lẽ đi theo các đường từ đồi này đến đồi khác, mang theo tâm thức vời vợi. Nhìn những cổ tháp trơ gan cùng tuế nguyệt, tôi mơ hồ nhìn thấy từ những đền đài cổ kia hàng trăm cung tần mỹ nữ và thần dân đang vào ra một cách nhộn nhịp. Dưới chân chúng tôi là sông Đồng Nai lặng lẽ trôi, dòng nước vàng sậm. Trên cao là mây khói như bóng dáng tiền nhân còn quanh quẩn đâu đây.

* * *

Ngày rời Cát Tiên, chị Nga mang theo nỗi buồn: Giáo sư Trần Quốc Vượng đã trở về với đất, Tiến sĩ NT cũng đã ra đi. Năm 1985, ông mất chiếc xe đạp khi đi thám sát các nơi khai quật, không biết về thế giới bên kia ông có còn luyến tiếc. Phần tôi, tôi cứ nhớ bài thơ của tiến sĩ Nguyễn Tiến Đông, Viện Khoa học khảo cổ Hà Nội đọc trước hội thảo lần thứ I: “Hoan hô chị Đinh Thị Nga/ Chị đã phát hiện Linga to đùng/ Hoan hô anh Trần Đình Nhung/ Anh đã quản lý một vùng Yony” Rồi tôi lại nhớ nhà thơ Lý Thanh Hải viết về Thánh địa “Hỡi ơi! Thuyết sinh tồn Linga-Yony vẫn còn nằm đó/ Mà giống nòi nay đã về đâu/ Lòng đất còn nghe vọng tiếng than sầu/ Một thuở huy hoàng ảo mờ sương khói…”.

Chúng tôi, hai người bạn già dìu nhau xuống đồi, dưới chân đầy gạch vỡ mang màu hoang phế. Để lại sau lưng mình những cổ tháp, những cây nhang vừa thắp tỏa lên chập chờn trong bóng hoàng hôn buồn buồn của núi…

Ký sự: Trần Đại
.
.
.