Người cựu chiến binh tự tay cai nghiện cho con rể

Thứ Tư, 04/02/2015, 09:29
Người con nuôi của ông vốn là một tay anh chị có tiếng của vùng đất Cảng Hải Phòng, từng vào tù ra tội nhiều lần. Khi trở về quê cũng là lúc anh nghiện nặng, suốt ngày gây sự với mọi người, khiến người làng ai cũng sợ hãi, xa lánh. Nhưng chính ông đã cưu mang, giúp đỡ anh cai nghiện thành công và còn gả con gái cho anh, giúp anh làm lại cuộc đời. Câu chuyện cựu chiến binh Nguyễn Trung Kiên ở Nam Thái, Nam Trực, Nam Định tự tay cai nghiện cho con rể thực sự khiến nhiều người cảm phục.
Cai nghin cho con bng c tm lòng

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng ông Nguyễn Trung Kiên vẫn rất bận rộn với nhiều công việc xã hội như: Tổ trưởng tổ sản xuất của thôn, xóm; tham gia Hội Cựu chiến binh; trông nom, cúng bái ở chùa Đông Linh Tự của thôn… Có lẽ, vì gắn với công việc nhà Phật mà ông đã cảm hoá được người con nuôi giang hồ của mình hoàn lương bằng chính những giáo lý của nhà Phật, bằng tấm lòng từ bi, bác ái của mình.

Ông kể, năm 2004, anh Nguyễn Thế Dũng (sau này là con nuôi và cũng là con rể của ông) từ Hải Phòng trở về làng Phú Hào thăm quê ngoại. Khi ấy, Dũng đã nghiện nặng, thân hình gầy đét, xanh xao, xăm trổ đầy mình. Dũng sinh năm 1968 nhưng đã có 24 năm nghiện ma túy và 8 năm tù giam với các tội danh mua bán trái phép ma túy, trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng. Nhà Dũng có 3 anh em trai thì cả 3 đều nghiện, hai người anh về sau đều chết vì HIV.

Chiều nào Dũng cũng ra ngồi đầu làng, gần chùa Đông Linh Tự và kiếm cớ gây sự với những người đi qua, trêu chọc phụ nữ, gây gổ với đám trai tráng khiến dân làng ai cũng khiếp sợ, né tránh. Ai nói gì, nhắc nhở gì, Dũng đều chửi bới, dọa giẫm. Vậy mà, không chỉ một lần, mà rất nhiều lần khi ông Kiên ra nhắc nhở, không hiểu sao Dũng lại không nói gì, chỉ lẳng lặng bỏ về.

Ông Nguyễn Trung Kiên.

Một buổi tối, khi ông Kiên đang tụng kinh ở chùa thì Dũng ra gặp và xin nhận ông làm bố nuôi. Lúc đầu, ông từ chối bởi không muốn kết thân với một người nghiện, một tay anh chị có "số má" như Dũng, nhưng về sau, với ý nghĩ "cứu một người phúc đẳng hà sa" nên ông nhận lời, với điều kiện, Dũng phải quyết tâm cai nghiện, tối phải ra trông chùa, tụng kinh niệm Phật cùng ông.

Từ đấy trở đi, Dũng gắn với ông như hình với bóng. Ông đi đâu làm gì, anh cũng đi cùng, làm theo. Có lẽ vì ngày ngày được đọc sách nhà Phật, được nghe ông Kiên tâm sự, nói chuyện Phật pháp, phân tích đúng, sai, đạo lý ở đời, anh dần dần nhận ra được giá trị cuộc sống và càng quyết tâm cai nghiện. "Dũng cai nghiện được phần lớn chính là nhờ quyết tâm của nó, chứ sự quan tâm, giúp đỡ của vợ chồng tôi chỉ là một phần", ông Kiên chia sẻ.

Thời gian đầu cai nghiện quả thực là rất khó khăn cho cả gia đình ông Kiên, bởi vợ chồng ông phải nhận về không ít sự gièm pha, xì xào của mọi người. Phú Hào vốn chỉ là quê ngoại của Dũng, lần này trở về thăm quê, làng xóm ai cũng muốn anh đi sớm vì sợ thằng nghiện trộm cắp, gây sự. Thậm chí, họ hàng, cô dì, chú bác cũng chẳng ai muốn chứa. "Tôi liên tục bị gọi lên xã, huyện để nhắc nhở vì Dũng gây sự với mọi người và kí giấy bảo lãnh cho con vì Dũng nghiện, từng vào tù ra tội nhiều lần nên được Công an theo dõi sát sao", ông Kiên tâm sự.

Vợ chồng anh Nguyễn Thế Dũng.

Những tháng ngày giúp cậu con nuôi cai nghiện là những tháng ngày vất vả, cực nhọc nhất với hai vợ chồng ông. Bà thì lo cơm nước, thuốc thang, bồi bổ cho con, ông thì lo trông chừng, giám sát. Có những hôm, Dũng lên cơn nghiện, vác cả dao định chém bố, nhưng vốn là một trinh sát bộ đội kì cựu nên ông đều khống chế được. Những lúc Dũng vật vã vì thiếu thuốc, ông lại đè lên lưng, đấm bóp, massage cho con. Nếu không chịu được, ông lại cho con uống thuốc giảm đau, hoặc 2-3 chén rượu cho quên dần cơn thèm thuốc.

Ông bảo, phương pháp cai nghiện tốt nhất vẫn là lao động, nên lúc nào biết Dũng sắp lên cơn, ông lại bảo con ra vườn chùa cày cuốc, hoặc ra đồng làm việc. Vốn là một công tử nhà giàu, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ phải làm việc chân tay, vậy mà khi về ở với ông Kiên để cai nghiện, không việc gì là Dũng không làm đến. Từ gánh nước, cày cấy, đến nuôi gà, nuôi vịt. Chị gái Dũng có lần về thăm em, thấy em lội ruộng, lóng ngóng cấy từng cây lúa cũng phải ứa nước mắt. Sau mỗi lần làm việc cật lực, mồ hôi vã ra, Dũng lại xuống sông ngay cạnh chùa tắm rửa, ngâm mình. Cứ thế, cơn nghiện thưa dần, rồi sau một năm thì dứt điểm hẳn.

"Thế nhưng tôi vẫn quản lý sát sao lắm. Nhiều lần tôi thử con, đưa tiền cho nó đi mua vật liệu xây dựng, hay đưa xe máy cho đi, và bảo "không đâu nhá" là Dũng đã nhanh mồm nhanh miệng bảo không. Và tôi cũng biết Dũng không nghiện lại vì con đi đâu, làm gì, tôi đều biết hết, vì nhờ bạn bè, người quen theo dõi. Có hôm, Dũng lên đến gần thành phố Nam Định thì người làng gặp được nhắn về cho tôi. Ngày ấy chưa có điện thoại như bây giờ nên họ lại theo xe ôtô báo tin về và tôi lại lên đón con", ông Kiên tâm sự. Một thời gian sau, vì Dũng nghiện nặng nên mụn nhọt, ghẻ lở phá khắp người, vợ chồng ông lại lo chạy chữa, thuốc thang.

Hnh phúc n hoa

Ngày ấy, ông Kiên có cô con gái thứ ba là chị Nguyễn Thị Hằng đang làm công nhân trong Đồng Nai, nhiều lần về thăm quê được Dũng để ý. Một lần, anh xin bố nuôi gả con gái cho mình, nhưng ông Kiên không đồng ý, một phần vì quá khứ của Dũng, một phần vì Dũng đã nhận làm con của ông.

 Biết rằng một người nghiện rất dễ quay lại con đường cũ nếu không có người bảo ban, quan tâm, chăm sóc nên ông có ý định đi tìm vợ cho anh, nhưng thực tế đi hỏi ở đâu người ta cũng từ chối vì lý lịch bất hảo của Dũng. Nghĩ đến cô con gái đi làm xa chưa có gia đình nên ông đổi ý.

Lúc đầu nghe bố nói, cô con gái giãy nảy lên không đồng ý, nhưng mỗi lần về thăm quê, ông lại vun vén bằng cách sai chị đi giặt quần áo cho Dũng, gọi anh về ăn cơm, hay làm việc nọ việc kia giúp anh và phân tích lý lẽ cho con hiểu. Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng chị Hằng cũng chấp thuận.

Ông Kiên cho người lấp chiếc ao trước cửa, xây một gian nhà cấp 4 cho cậu con nuôi ra ở riêng. Mọi đồ đạc trong nhà đều một tay ông sắm hết, sổ đỏ ông cũng để tên con nuôi. Một đám cưới giản dị nhưng ấm cúng, hạnh phúc diễn ra. Dù hai nhà chỉ cách vài bước chân nhưng ông vẫn để Dũng tự tổ chức nhà trai riêng.

Ông Kiên và anh Dũng thời còn cai nghiện.

Có gia đình, được sự động viên của vợ, anh Dũng càng ngày càng khoẻ ra. Hai vợ chồng bảo ban nhau cấy 2 mẫu ruộng, chăn nuôi lợn gà để tăng thêm thu nhập. 3 năm sau, cậu con trai Nguyễn Thế Cường ra đời trong niềm vui sướng, hạnh phúc vô bờ của cả gia đình ông.

Năm 2012, để thử thách cậu con rể, ông Kiên đồng ý cho hai vợ chồng về Hải Phòng mở quán bán thịt chó, nhưng ông vẫn theo dõi và biết con không nghiện lại. Dũng bảo với ông rằng, bạn bè cùng trang lứa với anh đều đã chết vì nghiện. Gia đình anh bị ma tuý tàn phá chẳng còn gì, hai anh trai đều đã chết, vì thế mà anh chẳng có lý do gì để dính vào ma tuý lần nữa. Điều đó khiến ông càng thêm tin tưởng người con rể.

"Dũng trở về Hải Phòng làm ăn, các anh Công an khu vực ở đấy cũng mừng lắm, vì cuối cùng một tay anh chị, đại ca ở Hồng Bàng cũng đã hoàn lương", ông Kiên hạnh phúc chia sẻ.

Giờ đây, vợ chồng anh Dũng đã có của ăn, của để trong nhà. Con trai thì gửi ở quê cho ông bà ngoại chăm, còn hai vợ chồng ở ngoài Hải Phòng bán hàng. Cứ ngày 1 đến mùng 5 hằng tháng, vợ chồng anh lại về thăm con và thăm ông bà. Làm lụng được bao nhiêu tiền, anh Dũng đều đưa cho ông Kiên giữ hộ.

 Nhờ phương pháp của ông Kiên mà anh Dũng còn cai nghiện được thành công cho cậu em họ ở Hải Phòng, giúp em làm lại cuộc đời bằng chính những kinh nghiệm mà mình đã học hỏi được từ người cha nuôi và cũng là bố vợ của mình.

Phong Trâm
.
.
.