Người cựu binh tìm cha cho con nuôi

Thứ Hai, 24/10/2016, 11:51
20 năm, ông bà chăm chút, yêu thương đứa con nuôi như con đẻ. Rồi một ngày cô bé tự nhiên đòi đi tìm cha mẹ ruột, ông bà đã bán hết tài sản trong nhà để dắt con đi khắp nơi tìm kiếm trong vô vọng. Nhưng cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với hai bố con ông.

Một lần tình cờ qua bến đò ngang gặp một cô bé mới khoảng chừng 5-6  tuổi bị lạc lâu ngày, không có ai đến nhận, ông bà đã quyết định đưa về làm con nuôi dù đứa trẻ không được thông minh nhanh nhẹn như những đứa khác. 

20 năm, ông bà chăm chút, yêu thương như con đẻ. Rồi một ngày cô bé tự nhiên đòi đi tìm cha mẹ ruột, ông bà đã bán hết tài sản trong nhà để dắt con đi khắp nơi tìm kiếm trong vô vọng. Nhưng cuối cùng hạnh phúc cũng mỉm cười với hai bố con ông.

Nhắc lại câu chuyện cũ, ông Đặng Xuân Đạc (thôn Phù Yên, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) chỉ cười. Ông bảo câu chuyện xảy ra cũng đã gần chục năm, cũng chẳng có gì to tát bởi đó là trách nhiệm của ông bà với cô con gái nuôi của mình. Thế nhưng có nghe được câu chuyện của ông mới thấy hết được tấm lòng nhân hậu của vợ chồng người cựu chiến binh ấy.

6 năm đi bộ đội trở về, ông Đạc lập gia đình với bà Trần Thị Vàng người cùng làng nhưng 3 năm sau vẫn chưa có con. Một lần hai vợ chồng về Quảng Ninh có việc, qua bến đò Phả Lại, ông bà ghé vào quán nước của một cụ già ngồi ăn uống nghỉ ngơi. Vừa bóc bánh ăn, ông thấy một cô bé chừng 5, 6 tuổi ăn mặc rách rưới đang đun nước cho bà cụ cứ nhìn hai vợ chồng chằm chằm. Thương tình ông bà gọi ra bóc bánh cho ăn. Thấy con bé ăn ngấu nghiến, ông đoán chắc nó phải nhịn đói lâu lắm. 

Hỏi bà cụ mới biết con bé bị lạc ở đâu đến đây đã 20 ngày nhưng không có ai đến tìm. Nó đi ăn xin loanh quanh khắp các hàng quán, nhà dân và cả hành khách qua đây, ai cho gì thì ăn nấy. Mấy hôm trước có người đã vớt được nó ở dưới sông mang vào đây, từ hôm đấy đến giờ bà cụ cho nó ở lại đây phụ trông quán nước với bà nhưng con bé không được nhanh nhẹn, thông minh cho lắm. Hỏi về gia đình, bố mẹ, quê quán nó đều không nhớ, không biết gì hết.

Sau lần gặp gỡ ấy, ông Đạc về có kể lại câu chuyện cho mẹ ông nghe. Bà khuyên ông nên đón đứa bé về nuôi, vì hai vợ chồng hiếm muộn đã lâu, có đứa bé thêm vui cửa vui nhà. Ngay hôm sau, nhà ông đi ba chiếc xe đạp xuống đón đứa bé. Lúc đầu bà cụ bán nước không đồng ý. 

Sau nhiều lần thuyết phục bằng hoàn cảnh của gia đình, đưa cả chứng minh thư, địa chỉ nhà cho bà cụ để lỡ người nhà cháu bé tìm đến thì sẽ gặp được, cuối cùng bà cụ cũng đồng ý. Cẩn thận hơn, ông Đạc còn viết địa chỉ lên cả phía trong vách ngăn bằng cót của quán nước.

Vợ chồng ông Ðạc hạnh phúc bên đứa cháu ngoại sống bên Nhật.

Sau khi xuất ngũ trở về quê hương, vợ chồng ông Đạc chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng vì thế cuộc sống gia đình đã khó khăn nay càng khó khăn hơn. Thế nhưng ông bà chăm chút cho cô con gái nuôi ăn học chẳng khác gì con đẻ, dù 3 năm sau khi cô bé về làm con nuôi nhà ông, ông bà sinh được 3 người con nữa, 1 gái, hai trai. Ông đặt tên con gái nuôi là Thau.

Theo thời gian, Thau lớn lên trong vòng tay che chở và nuôi dưỡng của hai vợ chồng ông Đạc và gia đình. Dù kém thông minh nhanh nhẹn nhưng được cái Thau ít ốm đau, bệnh tật, rất biết nghe lời bố mẹ. 

Ông Đạc phải chạy đôn đáo đáo khắp nơi mới xin được làm giấy khai sinh cho con bé đi học, bởi ngày ấy, thủ tục nhận con nuôi rất khó, bà cụ bán nước, người chứng nhận duy nhất cho con bé cũng không còn. Nhưng Thau cũng chỉ học hết lớp 5, ông Đạc đành phải cho con nghỉ ở nhà vì chị không thể tiếp thu được kiến thức. 

Thau ở nhà trông nom nhà cửa cho bố mẹ đi làm đồng, thi thoảng lại đi chăn trâu, tước lá mía nhưng cũng bữa được bữa không vì Thau cũng chẳng biết đường mà làm.

Năm 2007, khi ấy chị Thau cũng đã ở nhà ông bà Đạc 22 năm, trong một lần tình cờ xem ti vi, thấy chương trình tìm lại người thân sau nhiều năm, mẹ ông mới buột miệng bảo rằng “Người ta mấy chục năm còn tìm lại được nhau mà cháu mình hơn 20 năm chẳng ai tìm đến”. Nghe thấy thế chị Thau đột nhiên khóc mà bảo: “Con muốn tìm lại gia đình con”. 

Tưởng rằng chị Thau chỉ nói thế rồi sẽ quên nhanh bởi từ bé đến giờ, Thau chưa bao giờ nhắc đến gia đình, nhất là khi đầu óc của chị không được minh mẫn cho lắm. Bẵng đi 2 tháng, một hôm, vợ chồng ông Đạc thấy có gói quần áo chị Thau gói ghém giấu dưới cuối giường. 

Biết là Thau sẽ đi tìm gia đình, bà Vàng mới bảo chồng: “Thôi anh cứ đưa con đi tìm gia đình cho con. Nếu tìm được càng tốt, còn không tìm được cũng thỏa nguyện ý của nó. Chứ giờ nó đi lang thang một mình rồi mình lại phải đi tìm nó”. 

Nhưng hỏi Thau thông tin về gia đình mình trước khi bị thất lạc, kể cả những chi tiết nhỏ nhất, chị đều không nhớ. Chị chỉ nhớ quê chị người ta hay đội cái gì lên đầu đi bán hàng. Nghe vậy, một bà cụ quê ở Nam Định cũng đến làm con nuôi ở cùng thôn mới bảo ông: “Vậy đúng là quê tôi rồi, bác cứ về đấy tìm, kiểu gì cũng thấy”.

Có được chút thông tin, ông bà bán hai tạ thóc trong nhà được 900 nghìn và lấy thêm 2 triệu tiền học phí của cô con gái ruột mà ông bà vừa vay ngân hàng theo gói hỗ trợ sinh viên nghèo, rồi dắt chị Thau bắt xe xuôi về Nam Định, trong lòng vẫn hồ nghi rằng sẽ khó tìm được gia đình cho con vì không có manh mối.

Trên chuyến xe từ Bắc Ninh về qua Đồng Văn, ông Đạc chỉ biết hỏi mọi người trên xe xuống tại đâu, nhiều người ngạc nhiên không hiểu bố con ông muốn đi về đâu. Đến khi được hỏi ông cũng chỉ lắc đầu: “Tôi cũng không biết tôi về đâu nữa!”. Thấy vậy, mọi người nghĩ ông có chuyện gì đó nên xúm lại hỏi han, ông mới kể rõ sự tình. 

Nghe xong câu chuyện, mọi người trên xe đều cảm động, mỗi người gom góp ít tiền làm lộ phí đi đường cho cha con ông. Thậm chí có một người phụ nữ tốt bụng còn nhờ lái xe gửi hàng về luôn cho khách rồi đưa bố con ông xuống Phủ Lý, thuê nhà trọ, mời bố con ông ăn cơm. 

Theo lời gợi ý của mọi người trên xe, ông Đạc đến liên hệ với Hội Cựu chiến binh tỉnh Hà Nam, rồi được giới thiệu sang Hội Chữ thập đỏ và Công an tỉnh để nhờ tìm thông tin. Ông cũng nhờ Đài Phát thanh truyền hình Hà Nam phát thông tin tìm người và được ưu tiên khi chỉ mất một nửa chi phí. 

Cũng trên đường xuống Phủ Lý, chị Thau lại đột nhiên nhớ lại được tên bố mẹ và hai chị em Thau ngày bé. Để lại thông tin và địa chỉ, điện thoại liên hệ tại Công an Hà Nam, ông Đạc lại đưa con về Nam Định tìm kiếm. Tại đây, ông cũng được Hội Chữ thập đỏ, Hội Cựu chiến binh giúp đỡ. 

Tình cờ mấy hôm sau khi gọi điện về nhà hỏi thăm tình hình, ông vui mừng khôn xiết khi được cậu con trai ở nhà thông báo, Công an tỉnh Hà Nam đã tìm được người nhà cho chị Thau và bảo ông về Hà Nam ngay.

Ngay lập tức, ông bắt xe đưa Thau về Công an Hà Nam. Về đến nơi, ông đã thấy người nhà chị Thau đứng chờ đông đủ. Ai cũng tay bắt mặt mừng, nắm tay ông nói lời cảm ơn sâu sắc. Buổi tối hôm đó, cậu ruột của Thau thay mặt gia đình mời ông ở lại ăn bữa cơm đoàn viên.

Hôm ấy ông mới biết, gia đình của chị Thau quá nghèo. Mẹ Thau cũng là một người phụ nữ kém thông minh, nhanh nhẹn, sinh được hai người con gái đều kém phát triển nhưng chị gái Thau may mắn hơn đã lập được gia đình. Còn bố Thau bỏ mẹ con chị đi lấy vợ hai ở Quảng Ninh. 

Ngày Thau bị lạc là hôm ông ta về đón Thau ra Quảng Ninh để bế con cho mẹ kế nhưng không may để lạc mất con. Phải đến 3 năm sau ông mới dám về quê kể cho vợ con nghe. Gia đình cũng nhiều lần đi tìm nhưng không nghĩ rằng chị lại lạc sang bờ bên kia.

Sau ngày đoàn tụ, ông Đạc trở về nhà, còn Thau ở lại với mẹ đẻ nhưng chỉ một thời gian sau, chị  nhất quyết đòi về ở với vợ chồng ông. Ông lại đón con nuôi về. Ở được năm rưỡi, gia đình chị Thau lại xin đón chị về và xin cho đi làm. Sau nhiều lần khuyên bảo, thuyết phục, chị mới chịu ở lại nhà mẹ đẻ nhưng vợ chồng, các con ông thi thoảng vẫn đến thăm và đón Thau về nhà chơi.

Có lẽ nhờ tấm lòng nhân hậu của ông Đạc mà giờ đây con cái ông và cả vợ chồng ông đều được hưởng phúc lớn. Cô con gái lớn sinh năm 1988 sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp giành được học bổng du học bên Nhật Bản, đã định cư và lấy chồng, sinh con ngay ở đất nước mặt trời mọc. Chị còn tự làm tự kiếm tiền nuôi hai em trai du học tự túc tại Nhật và xin việc bên đó cho hai em. 

Giờ chỉ có  hai vợ chồng ông Đạc ở ngôi nhà rộng lớn ở quê nhưng thi thoảng buồn, ông bà lại sang Nhật thăm con cháu hoặc đi du lịch. Với ông Đạc con cái thành đạt là điều quá mãn nguyện, nhưng ai cũng hiểu rằng, chính nhờ tấm lòng của hai ông bà mà gia đình ông mới có được như ngày hôm nay.

Lê Phong - Ngọc Trâm
.
.
.