Không có gì mà ầm ĩ cả

Người bẻ ghi đâu rồi

Thứ Tư, 06/06/2018, 15:26
Trong 4 ngày của tháng 5, xảy ra tới 4 vụ tai nạn tàu hỏa liên tiếp. Nghiêm trọng nhất là vụ tàu SE19 tông xe tải ngày 24 - 5 tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa làm hai lái tàu tử mạng và 9 người bị thương.


Vẫn là chuyện đường ngang muôn thuở. Riêng vụ ở Tĩnh Gia, nguyên nhân xác định do người gác chắn đã không hạ gác chắn.

Không lâu sau vụ tai nạn trên, ngày 27-2-2018, tàu khách SE25 xác nhận nhầm tín hiệu vượt qua ga Dầu Giây (Đồng Nai) đối đầu với một tàu hàng. Sau khi xử lý tất cả những gì có thể để cứu vãn, cả hai tàu chỉ kịp dừng hẳn khi cách nhau chưa đầy 10m. 

Theo các chuyên gia đường sắt thì với tốc độ hiện nay, tàu chỉ phanh được khi nhận tín hiệu cách điểm dừng 800m. Thế là gần 1 cây số chứ không hề ít.

Để an toàn với hàng ngàn đường ngang thì vận tốc tàu chỉ có thể giảm xuống ngang rùa bò. Khi đường sắt không có đường riêng thì tàu chạy len lỏi với tốc độ rùa bò vẫn tai nạn như thường. 

Thế mà ngành luôn tăng tốc giảm số giờ cả hành trình xuống thấp hơn 30 giờ. Lỗi này đâu phải của lái tàu. Lái tàu chỉ biết làm theo quy trình và thắp hương cầu trời khấn phật.

Minh họa của Tả Từ.

Tham khảo lại thống kê của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ngoái (2017), đường sắt đã xảy ra 167 vụ tai nạn khiến 79 người chết, trong đó có tới 38% xảy ra tại lối đi tự mở. 

Nửa đầu năm 2017, ngành đường sắt chỉ đóng được 231 lối đi trên tổng số 4.279 lối đi tự mở băng qua đường sắt. Thực tế là đóng xong, dân lại tự mở. Dân thiếu lối đi thì tự mở thôi. Dân mình tham gia giao thông đều là “anh hùng” cả.

Trong tình trạng vậy, thật không thể tin nổi rằng năm 2015, ngành Đường sắt đã giải thể 3 phân ban an toàn đóng tại TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội. 

Chẳng lẽ giao thông của chúng ta an toàn nhất thế giới? Hài hước hơn, việc giám sát lại được giao cho các chi nhánh khai thác quản lý, chủ trì phân tích, đánh giá nguyên nhân. 

Trớ trêu, chi nhánh khai thác lại chính là một trong những thành viên chịu trách nhiệm liên quan đến tai nạn, sự cố. Phải nói là giống hệt như cái anh vừa đá bóng vừa thổi còi. Khách quan cũng bị “khai tử”.

Hiện nay, ngành đường sắt đã thành lập Ban an toàn - An ninh, nhưng nhân sự của ban này chỉ chưa đầy 20 người và đóng tại Hà Nội nên thực sự là  "Nước xa khó cứu được lửa gần". Đến lúc xảy việc thì thế nào cũng phân trần rằng “Lực lượng vừa yếu, vừa thiếu”.

Ngành Đường sắt lại vừa họp khẩn. Hy vọng lần này không giải thể thêm gì nữa. Trong một cuộc họp khẩn, lãnh đạo ngành đã nói: ''Trực gác chắn có ảnh hưởng tới an toàn của cả đoàn tàu mà lương thấp thì trách nhiệm làm sao cao được?”. 

Ô hay! Những người lương thấp hay những người nông dân không ăn lương được phép sản xuất ra những hạt lúa kém chất lượng sao? Những người lương cao nhất hiện nay đã làm gì để giao thông an toàn hơn?

Khi có tai nạn, lại nói trách nhiệm người lái. Hãy nhớ lại vụ 2 tàu đấu đầu ga Dầu Giây nhé. 2 đoàn tàu đi vào cùng 1 đường ray thì lỗi thuộc người bẻ ghi chứ. Vậy người bẻ ghi đi đâu rồi? Người bẻ ghi mới lái cả đoàn tàu chứ lái tàu chỉ có thể tăng giảm tốc độ với phanh là hết. Bẻ ghi cả ngành đường sắt là lãnh đạo ngành chứ ai nữa?

Còn bạn. Hè này du lịch, bạn chọn ô tô, máy bay hay tàu hỏa?

Lê Tâm

.
.
.