Ngành "công nghiệp đẻ thuê" toàn cầu đang sụp đổ

Thứ Năm, 14/04/2016, 16:13
Theo nhận định của tờ Global Post, ngành "công nghiệp đẻ thuê" toàn cầu đang sụp đổ vì nhiều lý do khác nhau. Các quốc gia từng được coi là trung tâm đẻ thuê như Ấn Độ, Nepal, Thái Lan và Mexico đã có những quy định khá chặt chẽ về vấn đề này.


Ngành công nghiệp nhiều góc tối

Ấn Độ, Nepal, Thái Lan và Mexico từng là điểm đến của rất nhiều cặp vợ chồng phương Tây muốn tìm phụ nữ mang thai hộ. Với khoản kinh phí không hề nhỏ, khoảng 50.000USD, các cặp vợ chồng có thể tìm được người mang thai hộ thông qua các công ty môi giới. Nếu tìm đến dịch vụ mang thai hộ "chui", các cặp vợ chồng chỉ phải trả 4.000USD. 

Ngoài những cặp vợ chồng tìm người mang thai hộ vì người vợ muốn tránh "cơn đau khi sinh nở" và vết rạn da, còn có những cặp đôi muốn có thai nhưng không thể. Ngoài ra, vợ chồng đồng tính cũng là một thị trường quan trọng đối với dịch vụ đẻ thuê quốc tế.

Một phụ nữ mang thai hộ siêu âm thai nhi tại phòng khám ở Anand, bang Gujarat, Ấn Độ.

Theo nhận định của Global Post, có nhiều góc tối trong ngành công nghiệp đẻ thuê toàn cầu. Phóng viên Global Post từng tiến hành một cuộc điều tra về dịch vụ mang thai hộ do công ty có tên là "101" ở Thái Lan thực hiện. Công ty này quảng cáo là "tìm kiếm khách hàng - những người mong muốn có con nhưng không có thời gian cho việc mang thai với chi phí dịch vụ là 32.000USD". Người phụ nữ mang thai hộ sẽ được chuyển về sống trong một khu ký túc dưới sự giám sát chặt chẽ 24/24h.

Công ty này sau đó đã bị chính quyền Thái Lan đóng cửa vì phát hiện nhiều phụ nữ mang thai hộ bị đối xử như tù nhân. "Ông chủ giữ toàn bộ giấy tờ tùy thân và tiền bạc của họ. Những người mang thai hộ không thể đi ra ngoài nếu không có bảo vệ đi cùng. Có nhiều rủi ro nghiêm trọng trong quá trình đẻ thuê. Chính phủ cần bảo vệ phụ nữ trước những rủi ro có thể xảy ra", một nhân viên hoạt động xã hội Thái Lan nói.

Có nhiều tình huống phát sinh trong quá trình mang thai hộ. Trường hợp của bé Carmen là một ví dụ. Bé Carmen là "sản phẩm" kết hợp giữa tinh trùng của một ông bố đồng tính người Mỹ, trứng từ một người mẹ Thái Lan hiến tặng và người mang thai hộ là một cô gái Thái Lan.

Mặc dù về mặt di truyền, Carmen không có liên quan gì đến người mang thai hộ, nhưng cô gái này đột ngột hủy bỏ thỏa thuận và từ chối trao đứa trẻ vì lo sợ rằng, đứa trẻ sẽ phải sống trong một gia đình "không bình thường". Một trường hợp khác, vào năm 2014, cặp đôi người Australia đã thuê một phụ nữ Thái Lan mang thai hộ, nhưng sau đó không nhận con vì phát hiện em bé mắc hội chứng Down.

Siết chặt kiểm soát

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành hoặc hoàn thiện pháp luật liên quan đến vấn đề mang thai hộ khiến cho người nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm người mang thai hộ. Theo nhận định của Donna Dickenson, một giáo sư ở London (Anh) chuyên nghiên cứu về ngành công nghiệp thương mại đẻ thuê toàn cầu thì một trong những nguyên nhân khiến ngành công nghiệp đẻ thuê toàn cầu sụt giảm là do các quốc gia đã quan tâm đến mối quan hệ giữa đạo đức và lợi ích kinh tế.

"Họ xem phụ nữ như một "mỏ vàng" để khai thác. Trẻ em cũng đã bị coi như một món hàng. Tôi nghĩ đây là một vấn đề không thể chấp nhận", ông Donna Dickenson nói.

Câu chuyện của Pattaramon Chanbua, một phụ nữ Thái Lan đẻ thuê có con mắc hội chứng Down bị "cha mẹ sinh học" bỏ rơi phản ánh góc tối trong ngành công nghiệp đẻ thuê.

Ngay cả ở Ấn Độ - nơi mà ngành công nghiệp đẻ thuê mang lại khoản lợi nhuận khoảng 400 triệu USD/năm, các nhà lãnh đạo chủ chốt cũng nêu nhiều vấn đề về đạo đức và tính dân tộc. Mới đây, các nhà lập pháp Ấn Độ đã ban hành quy định về việc đẻ thuê. Tại bang Tabasco, Mexico - nơi được coi là "mảnh đất màu mỡ" của dịch vụ đẻ thuê cũng đã cấm mang thai cho người nước ngoài. Một nghị sĩ hàng đầu của bang đã nói rằng: "Đẻ thuê là một hình thức bóc lột phụ nữ mới".

Khi dịch vụ đẻ thuê phát triển rầm rộ ở Thái Lan, một nghị sĩ của nước này đã lên tiếng kêu gọi: "Đừng biến tử cung phụ nữ Thái Lan trở thành tử cung của thế giới". Campuchia hiện được coi là "điểm đến mới của dịch vụ đẻ thuê quốc tế". Theo nhận định của nhiều nhà nghiên cứu, Campuchia là một trong những quốc gia có quy định về vấn đề mang thai hộ khá lỏng lẻo.

Mạnh Tường (tổng hợp)
.
.
.