Mưu sinh dưới đáy sông

Thứ Hai, 18/12/2017, 08:52
Những năm tháng vật lộn dưới đáy sông, Hải "tò he", Năm Công, Hai Cò dần mất sức. Họ cảm giác rõ rệt sự suy giảm sức lực theo từng ngày nhưng họ không thể rời xa mặt nước, bởi tình yêu nghề đã ngấm vào từng mạch máu.

1.Chiều buông nhạt nắng, trên dòng Hàm Luông, những mảng màu in lên mặt sông tròng trành cảm xúc thật lạ lẫm. Gió từ đâu ùa về, rừng dừa lao xao, rì rào… và gió cứ mơn man tình tứ pha chút lãng mạn rất hồn nhiên. Trong tâm tưởng của riêng tôi hiện dần từng nét, phảng phất những gương mặt khắc khổ nhưng thật đáng yêu.

Từ dưới con đò rách một nửa, hai lão thợ lặn đang quay tít chén nước mắm, mỗi người ngụm một hớp hết veo. Hơi nóng bảng lảng trong người, lão Năm Công lộn nhào xuống sông, bắt đầu một ngày mưu sinh dưới đáy nước. 

Năm Công là thợ lặn dày dạn kinh nghiệm ở bến sông này. Trên 30 năm lão dầm mình dưới nước, da lão dày như da trâu, đen nhóng nhánh. Mắt lão đỏ au, nhưng hàm răng thì trắng đều tăm tắp. Lão nghe hơi khó, bởi tàn dư của nghề lặn tàn phá thính giác. Năm Công cho biết, sông Hàm Luông là một phân lưu của sông Tiền chảy qua tỉnh Bến Tre.

Những con thuyền neo mình chờ thợ lặn trên sông Hàm Luông.

Sông có tên gốc là Hàm Long, nhưng dưới thời phong kiến do sợ "kỵ húy" để tránh chữ Long, người ta gọi chệch là Luông và lâu ngày thành quen. Nói xong lão cười, vỗ ngực đùa rằng mình đang kiếm cơm trên miệng rồng chứ đâu đùa.

Được mươi phút, Năm Công lại ngoi lên, nhả một hơi thuốc thật đặc trước khi tiếp tục buông mình xuống đáy sông. Suốt 3 ngày nay, nhóm của lão tập trung vớt chiếc ghe chở vật liệu bị chìm ngay cửa vào bến Chợ Lách. Xác định được vị trí ghe chìm, giờ là thời điểm để trục vớt. Theo yêu cầu của chủ phương tiện, thợ lặn làm sao giữ được nguyên vẹn chiếc ghe, sẽ có thưởng hậu hĩnh.

Lão Năm khẽ rùng mình, lắc đầu: "Coi bộ khó đó. Ghe chìm giữa luồng sóng nó đánh cho không bể boong thì cũng hư máy. Mà giờ máy cẩu không có phải đánh nhỏ ra mà vớt, đưa lên đóng lại thì không thể nguyên vẹn được. Thôi cứ làm hết sức, được bao nhiêu hay đó".

5 người thợ lặn lực lưỡng đồng loạt ngậm đồ nghề lao mình xuống đáy sông, ở trên thêm 6 người quay tời kéo dây, chỉnh hướng. Họ hì hục quẫy nước, đạp sóng cho tới sẩm tối thì vớt được con ghe lên bờ. Mặt ai cũng đỏ au do bị cháy nước.

Tôi hỏi lão Năm Công "cháy nước" là gì? Lão giải thích: "Cháy nước cũng giống như cháy nắng vậy đó. Do mình ngâm người dưới nước lâu, sóng va đập vào làm da giãn nở, đỏ tấy lên. Ai mới đi lần đầu thì bị bong tróc, rất rát. Như tụi tôi thì quen rồi, đỏ một hồi xong là hết, không sao cả".

Hoàn thành xong công việc trục vớt tàu, họ được hưởng những đồng tiền thù lao xứng đáng. Chia ra mỗi người được khoảng 700 ngàn đồng cho 3 ngày dầm dề trên sóng nước. Số tiền ấy đủ cho cả tuần tiêu xài của một gia đình thôn quê. Sáng hôm sau, lão Năm Công cùng người bạn đồng nghiệp Hai Cò tiếp tục ra sông vớt "tàn tích" còn sót lại của chiếc ghe chở vật liệu. Ở dưới đó còn gạch, giây thép, tôn... những thứ này cũng giúp người thợ lặn kiếm thêm vài trăm ngàn nữa.

Trở về sau một buổi lặn sông, Hai Cò hồ hởi cho biết: "Sáng giờ vớt được cuộn dây thép và mấy tấm tôn, mang bán được gần triệu bạc, vậy là ấm rồi". Vui sướng quá nên Hai Cò quên luôn bàn chân đang tứa máu do đạp phải góc tôn sắc dưới sông. Máu chảy mãi tự hết thôi, vết thương cũng tự lành miệng. Được cái ở vùng sông nước này da thịt con người lành lắm, bị thương hoài mà chẳng sao. Lão Năm Công từ ngoài chợ về xách một bọc thịt lợn với can rượu đế 5 lít. Lão cười khà khà: "Bữa trưa nay mấy anh em làm một chầu xong lại xuống sông".

Kéo đồ vật vớt từ dưới đáy sông.

Tôi rùng mình, ghé sát tai lão hỏi: "Uống nhiều rượu vậy, xuống sông không sợ trúng gió à". Lão lại cười, đưa hai ngón tay huơ huơ trước mặt trả lời đầy vẻ bí hiểm: "Không có rượu mới sợ trúng gió". Tôi không hiểu câu nói của lão, cảm giác sợ hãi càng tăng lên.

2.Trong hơi men chếnh choáng bên chiếc ghe rạn nứt dưới lùm dừa, lão Hải "tò he" kể về đời thợ lặn như một bản nhạc buồn. Ngày bé tí, lão làm nghề bán tò he dạo trong các công viên. Sau khi trưởng thành thì chuyển sang nghề thợ lặn nên anh em đặt cho lão biệt danh Hải "tò he".

Tính đến thời điểm này, Hải ''tò he" đã có trên 30 năm làm nghề lặn. Lão bảo, ngày mới vào nghề sức trai trẻ như trâu, lặn miệt mài cả ngày không biết mệt là gì. Chỉ khi nào trời tối mới chịu về. Có độ, một mình lão lặn vớt cả một con ghe chở đầy ắp trái cây chỉ có 2 ngày là xong hết.

Lão mê mệt dưới đáy sông, tối ngả lưng ngay trên ghe ngủ, sáng là xuống nước. Vợ con trên bờ chờ mãi không thấy lão về nhà, phải ra tận nơi hò hét. Dần dần, lão có thêm đồng nghiệp cùng tham gia. Thế là thành lập được đội thợ lặn chuyên nghiệp cát cứ sông Hàm Luông.

Năm Công và những pha ngụp lặn sâu dưới đáy sông Hàm Luông.

Hàm Luông là con sông lớn chảy trọn vẹn trên đất Bến Tre, ranh giới tự nhiên giữa hai cù lao Bảo và Minh, dài 70km. Lòng sông sâu từ 12 - 15m, rộng trung bình từ 1.200 đến 1.500m, đoạn gần cửa biển rộng đến hơn 3.000m. Chính vì thế, sông Hàm Luông có lưu lượng nước lớn dồi dào nhất so với các sông khác của tỉnh. Dòng chảy qua đoạn này vô cùng trắc trở, hiểm nguy.

Tàu qua đây nếu không am tường luồng lạch, hoặc ít kinh nghiệm sẽ gặp tai nạn như chơi. Lão Hải "tò he" kể: "Nhìn phẳng lặng vậy đó, nhưng dòng bên bờ này chảy một hướng, bờ kia lại chảy ngược, tạo thành dòng xoáy khó đoán. Vào khoảng tháng 11, 12 hằng năm, ghe tàu tới lui tất bật kéo theo là các trường hợp tàu đâm nhau hoặc bị lật do sóng lớn rất nhiều".    

Có lần một sà lan chở gạo bị lật ở khúc sông này. Người chủ điều các phương tiện máy móc hiện đại cùng thợ lặn từ TP Hồ Chí Minh về. Do không am hiểu dòng chảy và nước quá sâu, thợ lặn phải "bó tay". Lúc này, đội thợ lặn bản địa được dịp trổ tài.

Những năm tháng quăng quật dưới đáy sông, Hải "tò he" dần mất sức. Lão cảm giác rõ rệt sự suy giảm sức lực theo từng ngày, từng năm. Rồi, biến cố xảy ra. Trong một lần ngụp lặn xuống đáy sông trục tàu gặp nạn, lão cố vớt bằng được một xác người bị mắc kẹt vào khoang. Do tinh thần bấn loạn, cộng với cái lạnh căm căm ở độ sâu 50m, lão thấy toàn thân cứng đơ, chân không đạp được nước, tay cũng mất cảm giác cử động.

Lão dùng miệng cắn chặt sợi dây ra hiệu cho đồng đội kéo lên. Vừa lên tới nơi, máu từ lỗ tai, lỗ mũi hộc ra, lão bất tỉnh. Lão phải nằm chữa thương nhiều tháng, tập vật lý trị liệu tay chân mới cử động được, nhưng vẫn rất yếu. Nhớ nghề, nhớ sống, nhớ những chiều hò nhau kéo tàu và cả những đêm trăng lênh đênh chén tạc chén thù, ngân nga bài vọng cổ miền Tây, lão xin ra sông, làm người kéo dây trên mạn thuyền.

Tuy nhiên, Hải "tò he" vẫn còn may mắn gấp ngàn lần đệ tử của lão là Cường "lá dừa". Lão biết Cường trong những lần đò ngang chén chú chén anh. Biết gia cảnh của Cường khó khăn, đi thương hồ tận bên Campuchia nên lão nhận làm đệ tử, huấn luyện nghề lặn sông. Cường có thân hình lêu khêu mảnh khảnh, khô đét nên mọi người đặt biệt danh "lá dừa".

Cả ngày họ phải phơi mình giữa bến sông và ngâm người dưới nước.

Cường vào nghề được khoảng 5 năm thì gặp tai nạn thương tâm. Hôm ấy Cường nhận nhiệm vụ lặn xuống đáy sông gần cửa biển Bình Đại. Chỗ này nước sâu và chảy xiết cuốn ghe chìm ra tận mép biển, cuốn luôn Cường theo dòng chảy. Cường chủ quan luôn ỷ vào sức khỏe cũng như kỹ thuật lặn của mình nên không buộc dây.

Ở trên chờ mãi không thấy động tĩnh gì, lão Năm Công liền ào xuống tìm kiếm. Một lúc sau lão ngoi lên, lắc đầu. Cảm giác hoang mang, bấn loạn bao trùm cả bến sông, mọi người nhốn nháo gọi tên Cường.

Những thợ lặn giỏi nhất tiếp tục lao xuống, nhưng tất cả trở về tay trắng. Bấm đốt ngón tay ngần ấy thời gian Cường không ngoi lên mặt nước thì sẽ chẳng bao giờ nổi lên nữa, lão Hải "tò he" gục đầu vào mạn thuyền khóc rưng rức. Phải ba ngày sau, xác của Cường dạt vào vòm dừa cách đó mấy chục dặm.

Ám ảnh cái chết của Cường, vài người trẻ trong đội lầm lũi từ giã nghề. Riêng Hải "tò he", Năm Công và Hai Cò thì không, vì đơn giản họ vẫn còn yêu sóng nước nhiều lắm.

Có những chiều, Hàm Luông mênh mông sóng nước, trên chiếc ghe cũ kỹ neo mình dưới rặng dừa xanh, người ta lại nghe những câu thơ da diết, khắc khoải của Phạm Hữu Quang từ một giọng ngân khàn đục:

"Qua Hàm Luông qua dòng sông sâu

 Tiếng bìm bịp giăng giăng bờ bến

Dòng sông trôi trôi về phía biển

 Rằng nơi đây ta gửi hồn mình..." .

Ngọc Thiện
.
.
.