Mùa tết rừng ở Nam Tây Nguyên

Thứ Năm, 10/04/2014, 09:31

Người Việt ở miền duyên hải hay rừng núi, từ ngày xưa đến bây giờ họ vẫn nặng lòng với nơi mình sinh sống hàng ngày. Vì vậy, sau Tết Nguyên đán, bà con thường cúng tạ ơn tại những địa điểm mang lại cơm áo cho mình. Người đánh cá ở biển đi cúng biển, người kiếm cơm ở sông cúng sông, người kiếm ăn từ rừng đi cúng rừng… Ở một số vùng còn gọi là đi tết. Chuyện đi tết mỗi nơi có mỗi tục lệ khác nhau, nhưng tất cả đều giống nhau là sự trọng tưởng nơi nuôi mình tồn tại, nhớ đến cha ông giữ lại của cải… để mình còn có bát cơm ăn có cuộc sống yên bình. 

Tây Nguyên bây giờ là xứ sở cà phê giàu có nhất nước ở vùng cao. Hơn nữa thế kỷ trước cho đến bây giờ, người Kinh hay người dân tộc gốc Tây Nguyên, đa số xuất thân đi từ rừng xuống phố. Vùng đất Bazan bạt ngàn này đã nuôi sống họ từ lúa bắp, rau rừng, cá suối đến bó củi, gùi ngo … Mỗi năm từ mùa hè nắng lửa đến mùa đông trời trở gió, con người bị ốm đau cũng thích đi lấy lá rừng về nấu nước uống. Tất cả những “lộc rừng” đó, người Tây Nguyên ngoài sử dụng cho mình còn hồn nhiên mang ra chợ bán, đổi lấy bát cơm, tấm áo, bền bỉ nuôi mình và nuôi con cái nên người. Sống giữa rừng núi, nên người dân ở đây luôn khoáng đạt, đôn hậu. Họ luôn đối xử tử tế với rừng, sống hài hòa với thiên nhiên xem rừng là ngôi nhà lớn che chở cho mình, cho con cháu từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Vì thế sau tết, những người sống và kiếm ăn từ rừng ở Nam Tây Nguyên đều đi cúng rừng. Đa số bà con đều tin rằng giữa chốn đại ngàn vẫn có đấng quyền năng nào đó bảo vệ mạng sống cho mình. Người Kinh thường đi tết vào ngày đầu tiên vào rừng năm mới, gọi là ngày khởi hành. Lễ vật cúng tùy theo khả năng kinh tế gia đình, người có thu nhập thấp cúng thịt heo luộc xắc lát, trứng gà chín, hoa quả, cơm nếp... họ mặc quần áo tươm tất thắp nhang bái lạy, cầu nguyện cho cả năm được bình yên. Còn người dân tộc gốc Tây Nguyên, bà con cúng rừng với thời gian dài hơn, rộng hơn và mang tính tập thể, vì nơi bà con sinh sống không chỉ có rừng mà còn bến nước, cây cổ thụ, núi cao, ngày xưa gọi thần sông, thần núi, thần rừng. Nhưng lần cúng tạ ơn họ chuẩn bị mặt bằng hôm trước, hôm sau mới mang lễ vật đi cúng. Trong lễ cúng thường cúng bằng vật sống như gà trống, heo tộc kích cỡ ba tay (ở vùng núi chỉ dùng gang tay để đo bụng heo chứ không tính ký). Sau khi cúng xong mới giết thịt nấu chín và ăn uống tại rừng, riêng khi giết gà bà con lấy máu gà bôi lên nhiều nơi, người gốc Tây Nguyên họ xem máu gà là điềm lành, con người được thần linh bảo vệ cả năm.

Rừng núi đối với bà con vừa là cuộc sống hàng ngày, vừa là nơi được thần linh che chở. Vì vậy họ giữ và bảo vệ rừng một cách nghiêm ngặt, có nơi theo luật tục. Cách đây khoảng 30 năm, đứng trên đồi núi cao nhìn những vạt rừng đã bị tàn sát, người không có kinh nghiệm cũng biết ngay ai là chủ nhân khai phá vạt rừng kia. Nếu san bằng tất cả chính là người kinh, nếu còn rừng da beo để vài năm trở lại là của đồng bào gốc Tây Nguyên. Cư dân bản địa không bao giờ bóc lột rừng đến mức nghèo kiệt. Người nào chặt hạ cây lớn mà không có ý kiến già làng sẽ bị phạt trâu. Già làng ở Tây Nguyên vừa là chủ buôn vừa là chủ rừng. Tuy nhiên, không phải người nào có tuổi cao lên chức già làng, mà công việc ấy chỉ dành cho “cây đa đầu suối, cây sung đầu làng” được mọi người nể trọng. Ngày nay được nhà nước phong tặng chức danh là già làng uy tín. Tiếng nói của già làng uy tín luôn được người trong buôn lắng nghe, được nhà nước trân trọng.

Đối với dân tộc kinh, người ở nông thôn nể trọng người ở đất kinh kỳ. Còn đối với đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên người ở núi thấp nể trọng người ở núi cao, mà cao thấp gì mở mắt ra đã thấy rừng. Rừng ở gần xóm làng hiện nay không còn chằng chịt dây leo, không còn dưới chân thảm thực bì cao lên theo mùa lá đổ nữa. Vì rừng gần khu dân cư đã được thay bằng loại rừng mới là rừng cà phê, chỉ ở rừng quốc gia mới còn giữ được nguyên sinh. Núi ở Tây Nguyên cũng lạ, dù chỉ trong một ngày nhưng hình hài của núi cũng khác nhau, buổi sáng sương mù làm cho ngọn núi lớn hơn, trầm mặc hơn. Buổi trưa nắng đổ làm cho ngọn núi có vẻ nhỏ lại nhưng mang dáng vẻ huyền bí.

Trong đời người, bạn có thể hiểu một thành phố, một làng mạc, chứ khó có thể hiểu được một ngọn núi cao chót vót bí hiểm kia. Nếu nói con người nhìn gương mặt có hồn thì nhìn ngọn núi lại có nhiều hồn hơn. Một con người khó có thể bảo vệ được nhiều người, nhưng một ngọn núi có thể bảo vệ các buôn làng đông tây nam bắc. Chính vì thế người Tây Nguyên dù ở miền xuôi lên lập nghiệp hay cư dân bản địa khi ở trong rừng đều giống nhau là xem núi rừng là ngôi nhà lớn để mình tá túc cúng tạ mỗi khi tết đến xuân về. Việc cúng rừng là do phát nguyện từ niềm tri ân đối với rừng núi lâu dần trở thành thông tục. Tết rừng cũng đang dần trở thành một tập tục đẹp, tuy sự lan tỏa chưa phải đã rộng khắp. Người có ân nghĩa sâu nặng với rừng khi cúng xong thấy thanh thản, nhẹ nhõm như được chia sẻ cái linh diệu của đất trời. Có một điều rất dễ nhận ra, người có tâm với rừng không bao giờ phá rừng.

Cúng đất đai.

Sau tết, tôi theo vợ chồng KJuin đi tết rừng, thực ra là tết trong rừng điều của anh ở huyện Đạ Hoai. Trên đường đi gặp hồ nước nơi giao nhau giữa hai con suối. Tại hố nước ấy có khá nhiều cá nên tôi dừng lại để bắt nhưng bị KJuin chặn lại và giải thích: “Khu này là nơi cá đẻ không nên bắt. Nếu bắt hết những con cá mẹ này năm sau không còn cá để ăn. Cá cũng như cây rừng, nếu mình chặt hết không chừa lại cây già, con cháu sau này lấy gì trú nắng! Người dân tộc bao giờ cũng chừa lại để sau này còn có cái ăn”.

Khi đến rừng điều, vợ chồng anh sửa soạn lễ vật gồm nải chuối ngả màu vàng phấn, con gà trống chắc nịch, dĩa xôi vun đầy... Những sản vật thơm thảo, chân chất, mộc mạc như tấm lòng của người con rừng núi dâng lên trong ngày tạ ơn trời đất. Người K’Ho cúng lễ không mọp đầu xuống đất như người kinh, họ chỉ đứng, không chắp tay, đầu hơi cuối miệng lâm râm bằng một tràng thổ ngữ. Biết lễ cúng của bà con vùng cao không hương khói, nên tôi mang theo bó nhang để khi cần sử dụng. Dưới làn khói tỏa lên, tôi mơ hồ nhìn thấy cả vùng đất Nam Nhi biết bao sự kiện thăng trầm: con người, chiến tranh, chết chóc để rồi sau hòa bình xuất hiện những rừng điều cà phê bạt ngàn trở nên giàu có hôm nay.

Cúng rừng.

Khu rừng chúng tôi đang đứng đây, còn dư âm của đàn cọp đói bám theo quốc lộ 20 chờ người vào những năm 40 của thế kỷ trước. Những cuộc chiến khốc liệt đầy bom đạn của hai bên trước năm 1975. Cầm thớ đất được xới lên để “lấy ngày” đầu năm trên tay, lớp đất tơi xốp, hồng tươi như có những mạch máu quyện hòa. Máu của người xưa trộn với mồ hôi của người nay tự dưng tôi cảm thấy đất đã biến thành hồn. Trong khoảnh khắc ấy và tôi nhận ra được một sự thật mang tính chân lý là chỉ có người phụ đất chứ đất không bao giờ phụ người, vì đất âm thầm mang máu xương và ân nghĩa. Đất và người vượt lên những khắc nghiệt của thời tiết, vượt lên những hủy diệt của chiến tranh. Mầm sống vẫn nối nhau bật dậy xanh tươi, vun trồng những tin yêu và hy vọng. Từ nơi đất rừng, nơi tôi và vợ chồng KJuin đang đứng. Chúng tôi nhìn về vườn rừng Nam Nhi, khu cây trái lớn nhất của tỉnh Lâm Đồng nằm tại huyện Đạ Hoai. Màu xanh của mít tố nữ, của chôm chôm, sầu riêng… có được hôm nay đã được đánh đổi bằng mồ hôi, công sức và cả máu đào không phải của một người.

Nhà văn Đỗ Chu đã viết: “Người có hồn của người, đất đai có hồn của đất đai, chính những điều đó đã làm nên hồn cốt của một miền quê. Hồn đất và hồn người tạo nên sức mạnh của một dân tộc”. Chính vì ân nghĩa của đất đai, núi rừng mà sau những ngày Tết Nguyên đán một số người dân làm lễ cúng rừng. Và rừng của bà con ở thế kỷ thứ XXI chủ yếu là giữ rừng cho con cháu sau này. Trên đường về tôi cứ ngẫm nghĩ, nếu ai cũng cúng rừng, giữ rừng để con cháu còn có cái ăn như KJuin thì tài nguyên của ông cha để lại sẽ không bao giờ cạn kiệt và các thế hệ sau cũng sẽ không xem thường cha ông ngày trước

Trần Đại
.
.
.