Một lễ hội đậm chất văn hóa

Thứ Sáu, 26/02/2016, 21:52
Lần này về Lệ Thủy (Quảng Bình) tìm hiểu về một lễ hội dân gian – tâm linh chùa Hoằng Phúc, một ngôi chùa có lịch sử gần 700 năm, được công nhận là di tích lịch sử văn hóa gắn với Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông trong chuyến viễn du phương Nam, tác thành cho mối lương duyên của Công chúa Huyền Trân với vua Chiêm Chế Mân, tôi ngỡ ngàng trước một kho báu về văn hóa dân gian của vùng đất này.


Trong lúc dư luận đang bức bối về cảnh cướp Phết, cướp Lộc trong lễ hội dân gian ở một vài nơi thì ở đây, một lễ hội dân gian đang được chuẩn bị để trình diễn vào ngày 20 tháng Giêng này với những màn diễn xướng đậm chất văn hóa.

Người Lệ Thủy yêu hò khoan đến lạ. Làng nào cũng có câu lạc bộ hò khoan, hò khoan được đưa vào trường học thành hội thi hàng năm. Vui hò khoan đã đành, đến cả buồn đau khi đưa linh cũng hò khoan. Vị Đại tướng lừng danh Võ Nguyên Giáp –người con của vùng đất này- mỗi lần về thăm quê chỉ thích nghe hò khoan cùng những món ăn dân dã.

Chẳng đâu như ở đất này, xưa nay nhắc đến là người ta liên tưởng đến miền gió Lào, cát trắng bỏng rát mùa hè và bão tố,  lũ lụt trắng trời mùa thu.

Chùa Hoằng Phúc, một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn ở Quảng Bình.

Đất được ví von trong câu thành ngữ “chó ăn đá, gà ăn sỏi” nhưng lại chất chứa trong đó những viên ngọc sáng long lanh của văn hóa dân gian. Trong đó có hai loại hình đặc sắc, ấy là lễ hội đua thuyền cầu mưa và lễ hội hò khoan vào đầu xuân.

 Lễ hội đua thuyền thì có cả thuyền trai, thuyền gái. Trai thì bơi trải, gái thì chèo đua. Trên 17km sông Kiến Giang với những làng quê cổ kính hai bên bờ, có đến 26 đội thuyền đua bơi nam nữ, trống giục, cờ bay, người vẫy làm động cả một quãng sông Kiến Giang trên quãng đường đua dài đến 20 cây số.

Xưa, đua thuyền được tổ chức vào mùa xuân để cầu mưa thuận gió hòa cho mùa màng bội thu. Từ ngày kháng chiến thành công, đất nước độc lập (1945), lễ hội đua thuyền được nhân dân đồng thuận tổ chức vào ngày 2/9 mừng Tết Độc lập.

Đến ngày ấy, hàng vạn người khắp nơi đổ về, thuyền bè chăng kín mặt sông, cờ bay, nón trắng, áo hoa, trống giục rợp trời. Truyền thống đó vững bền cho đến ngày nay. Đó chính là giá trị truyền thống cách mạng.

Độc đáo vô cùng là lễ hội hò khoan, một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính quần chúng dường như chưa thấy ở đâu có. Đến nay, có đến hơn 2.000 bài hò sưu tầm được là kho tàng vô giá của vùng đất này.  Hò khoan Lệ Thủy có 5  làn điệu cơ bản mà dân gian gọi là “mái hò”.

Mỗi làn điệu có cấu thức âm nhạc riêng: mái xắp, mái nện, mái chè, mái ruổi, mái ba. Mỗi làn điệu có tiết tấu âm nhạc, cách ngắt câu, lớp xố khác nhau. Những tiết tấu và những quy ước diễn xướng đó có căn nguyên từ trong nhịp điệu, tiết tấu của lao động.

Lúc dồn dập, khi khoan thai, lúc nhẹ nhàng, khi nặng nhọc của nhịp điệu công việc chèo thuyền, cày ruộng, cấy lúa, tát nước, giã gạo, cất nhà, nện đất, kéo lưới, kéo gỗ, đẩy thuyền... và cả trong những nghi lễ đám cưới tươi vui, trong lễ hội đầu xuân của hò bài chòi, cho đến nghi lễ đưa linh thống thiết tiễn đưa người đã khuất…

Khác với những hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian có tính “cung đình”, trình diễn mang dấu ấn của các nghệ nhân ở các vùng miền trên mọi miền Tổ quốc, hò khoan Lệ Thủy khi diễn xướng nó mang tính quần chúng bình dân rất khác lạ. Ai cũng có thể đứng vai “hò cái” để lĩnh xướng cho đám đông “hò con” phụ họa, đế xố. Hàng trăm, hàng ngàn người có mặt đều có thể đế xố, tạo hiệu ứng tập thể tất sống động.

Trong quá trình phát triển, từ những làn điệu cơ bản đã nói, các nghệ nhân dân gian còn sáng tạo ra các “lối hò” rất phong phú. Lối hò giao duyên, lối hò nhân nghĩa, lối điển tích, ghễnh ghẹo, bài chòi, đưa linh… Trong mỗi lối hò ấy có thể vận dụng các mái hò của năm mái cơ bản. Các lối hò như những khuôn mẫu định sẵn để người ta thi thố tài năng đấu trí, giao duyên, khoe giọng so tài cao thấp rất hào hứng.

Năm nay, người Lệ Thủy hân hoan chuẩn bị cho lễ hội văn hóa dân gian chào mừng sự kiện chùa Hoằng Phúc – một di tích có lịch sử trên 700 năm vừa được phục dựng hoành tráng bằng nguồn vốn xã hội của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, các doanh nghiệp, các giáo phái, các tín đồ hảo tâm và nhân dân Lệ Thủy đóng góp.

Các nghệ nhân dân gian xúng xính trong tà áo màu đang tập dượt cho các tiết mục hò năm mái trong nghi thức khánh hạ, rước nước, tâm linh, bài chòi sẽ được trình diễn trong khuôn viên chùa Hoằng Phúc và trên sông Kiến Giang. Những khuôn mặt lam lũ, thuần hậu trong lao động hằng ngày hôm nay rạng rỡ trong điệu hò truyền thống.

20 tháng Giêng này, mời bạn hãy về Lệ Thủy để xem trình diễn bơi trải, thưởng thức hò khoan, cùng nhiều hình thức diễn xướng đậm đà truyền thống và dân gian, kết hợp tín ngưỡng trong không khí tâm linh của Di tích văn hóa lịch sử chùa Hoằng Phúc. 

Ngọc Tuân - Hùng Vĩ
.
.
.