Mạng xã hội và mặt tối của live streaming

Thứ Năm, 02/05/2019, 11:08
Khi mạng xã hội vẫn tiếp tục phát triển và tác động mạnh đến người dùng trên thế giới - đặc biệt là giới trẻ - thì tỷ lệ tự sát có lẽ vẫn ở mức cao.


Khi mọi người hồ hởi và hạnh phúc đón chào năm mới, cô gái 18 tuổi tên Clear ở tỉnh Ranong của Thái Lan hoàn toàn không có niềm vui thú nào. Sau khi kết thúc mối quan hệ với người bạn trai thuộc gia đình khá giả, Clear cảm thấy cuộc sống không còn ý nghĩa gì nữa và cô muốn kết thúc nó. 

Buổi chiều ngày 2-1-2018, Clear gọi taxi chở đến cầu Rama VIII. Tài xế nhận thấy khách nữ có vẻ phiền muộn, dường như đã uống rượu và khóc nhiều. Khi xe chạy đến cây cầu, Clear yêu cầu tài xế dừng xe lại chờ một lúc. Clear bắt đầu mở bản nhạc buồn trên chiếc điện thoại rồi khóc ngay trên cây cầu trong khi tài xế taxi vẫn lặng lẽ quan sát.

Tiếp đến, Clear nhờ tài xế quay cảnh cô đang ở trên cầu để đăng lên Facebook với tiền công là 500 baht. Khi camera ghi hình, Clear trèo qua khỏi thành cầu, tiếp tục khóc và trách mắng người bạn trai đã làm tan nát trái tim cô. Bất ngờ, Clear lao mình xuống sông Chao Phraya ngay trước mắt tài xế. 2 ngày sau, xác của Clear được tìm thấy cách cây cầu khoảng 500 mét.

Mặt tối của live streaming.

Theo tuyên bố phát đi từ Bộ Y tế Thái Lan, khoảng 4.000 người dân nước này tự sát mỗi năm, với tỷ lệ trung bình hơn 300 người/tháng. Những vấn đề liên quan đến gia đình và bạn bè được coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến quyết định tiêu cực này. 

Theo người phát ngôn cho Bộ Y tế Yongyuth Wongpiromsan, con số thống kê quá cao khiến cho Thái Lan trở thành quốc gia có tỷ lệ tự sát cao thứ 3 trên thế giới. Theo Yongyuth, người cũng là cố vấn trưởng Bộ Sức khỏe Tâm thần, các phương pháp tự sát phổ biến nhất là treo cổ (70%), sử dụng chất độc mạnh (20%) và cuối cùng là nổ súng (10%). 

Năm 2017, Tổng giám đốc Sở Sức khỏe Tâm thần Boonruang Triruangworawat phát đi thông điệp kêu gọi người dân ngưng chia sẻ nội dung mô tả những vụ cố tự sát. Theo nghiên cứu từ Bệnh viện Tâm thần Khon Kaen Rajanagarindra, phần lớn những người tự sát là nam giới và số vụ nhiều hơn phụ nữ gấp 4 lần. 

Bác sĩ Boonruang cho biết ít nhất 1 hay 2 vụ tự sát trong mỗi tháng của người Thái được live streaming trên Facebook. Xu hướng càng trở nên nguy hiểm hơn khi bất cứ ai cũng có thể theo dõi mạng xã hội bao gồm cả trẻ em mà không có sự giám sát từ người lớn. 

Những cảnh bạo lực được live streaming cũng tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần. Theo Boonruang, những người tự sát hay có ý định tự sát thường có dấu hiệu báo trước như là viết thư chia tay hay đăng những nội dung sầu não lên mạng xã hội. 

Suriyadeo Tripathi, bác sĩ tâm thần và Giám đốc Viện Quốc gia về Trẻ em và Phát triển Gia đình ghi nhận rằng, những người thường tìm kiếm sự chú ý trên mạng xã hội nói chung không có hạnh phúc trong đời thực. 

Suriyadeo nhận định: "Tuổi thiếu niên rất muốn gây chú ý đến mọi người. Họ muốn thể hiện bản thân và cảm thấy mình quan trọng trước một số người nào đó. Khi mọi người đều có thể tiếp cận Internet, tuổi thiếu niên cảm thấy mình có thể làm bất cứ điều gì hay trở thành bất cứ ai trên mạng xã hội". Trong khi các chuyên gia y tế bày tỏ mối lo ngại về sự gia tăng sử dụng mạng xã hội trong giới trẻ, vấn đề không thể chỉ giải thích bằng chính công nghệ. 

Bác sĩ Suriyadeo tin rằng sự nương tựa vào mạng xã hội của giới trẻ hiện nay phản ánh sự thất bại rõ ràng của các hệ thống hỗ trợ xã hội: "Giới trẻ thể hiện tính cá nhân nhiều hơn. Họ đánh giá cao sự riêng tư và có xu hướng giữ mọi thứ cho bản thân. Họ có thể sống với chính bản thân mình mà không cần tương tác với những người khác trong đời thực từ khi có mạng xã hội. Do đó, họ đang sống trong thế giới thực tế ảo. Mạng xã hội cho phép mọi người tương tác với nhau một cách dễ dàng hơn. Đó là lý do tại sao giới trẻ ngày nay thiếu các kỹ năng sống". 

Theo bác sĩ Suriyadeo, gốc rễ vấn đề là thiếu sự hỗ trợ xã hội cho giới trẻ trong khi điều đó hiện diện trong gia đình cũng như nhà trường trong quá khứ ở Thái Lan. Đó cũng là lý do khiến cho giới trẻ ngày nay dễ trầm cảm hơn.

Khi mạng xã hội vẫn tiếp tục phát triển và tác động mạnh đến người dùng trên thế giới - đặc biệt là giới trẻ - thì tỷ lệ tự sát có lẽ vẫn ở mức cao.

Trong nghiên cứu mới nhất về trầm cảm, tự sát và sức khỏe công cộng, nữ bác sĩ khoa tâm thần Somrak Chuwanichawong Bệnh viện Srithanya ở Bangkok ghi nhận có 2 trận dịch tự sát lớn nhất xảy ra ở Thái Lan. Làn sóng tự sát thứ nhất diễn ra trong sự kiện gọi là "cuộc khủng hoảng Tom Yum Kung" - tức là cuộc khủng hoảng tài chính ở châu Á năm 2000. 

Trận dịch thứ 2 xảy ra vào những ngày đầu tiên bùng phát dịch bệnh AIDS vào đầu thập niên 1990. Nữ bác sĩ cũng báo cáo tỷ lệ tự sát cao nhất xuất hiện tại khu vực miền bắc đất nước có lẽ do người dân nơi đây thường dễ bị stress cũng như có tâm lý không muốn chia sẻ những vấn đề cá nhân với người khác. 

Ở khu vực miền trung Thái Lan, tiền bạc chính là nguyên nhân lớn nhất gây stress và trầm cảm do nơi đây có số dân nghèo nhiều nhất nước. Trầm cảm kết hợp với sự mất cân bằng tâm thần có thể dẫn đến tự sát khi không được chữa trị kịp thời. 

Ở Thái Lan, chỉ có 1 bác sĩ tâm thần được cấp phép hành nghề hợp pháp điều trị cho 250.000 người. Trong văn hóa Thái Lan, việc trị liệu bệnh tâm thần thường không được chú ý trừ khi dấu hiệu bệnh thể hiện ra ngoài quá rõ ràng.

Diên San
.
.
.