Lượm ve chai từ tượng Nữ Thần Tự Do

Chủ Nhật, 11/12/2016, 14:16
Rick Stocks không phải là người thu gom phế liệu bình thường, vì những mảnh vụn ông thu thập là bộ phận loại thải từ tượng Nữ Thần Tự Do.

Stocks, 57 tuổi, chia sẻ: Tôi chỉ là một người trông nom và cố gắng tìm cách giữ những mảnh “Tự Do” ấy vì lợi ích chung”. Hồi tháng 9-2016,  những mảnh đồng từ bức tượng đã được đưa vào bộ sưu tập trang sức mang tên “Bộ sưu tập đồng tự do”, do Công ty trang sức Alex và Ani giới thiệu. Hơn 10.000 mảnh đồng tròn khắc hình ngọn lửa tự do đã được bán cho đến nay.

Tượng Nữ Thần Tự Do nhìn từ Ðảo Tự Do.

Những năm 1980, chi phí phục dựng bức tượng biểu tượng của Mỹ từ đầu tới chân tốn hết 87 triệu USD. Stocks khi đó là một trong những người thu mua khung sườn của tượng gồm 1.700 thanh sắt gỉ, những mảnh đồng hình yên ngựa gắn kết khung sắt, những thanh tay vịn bằng đồng đã mòn ở cầu thang bên trong bệ đỡ bức tượng, cùng 20 bóng đèn đồng chiếu sáng khu vực đó.

Tổng cộng, Stocks sở hữu hơn 22,7 tấn phế liệu từ tượng Nữ Thần Tự Do và một tòa nhà di tích trên đảo Ellis cũng đang được cải tạo thời điểm đó.

Theo thời gian, Stocks lần lượt đưa một số “món đồ” của mình ra thế giới. Trong số đó có mảnh đồng với dòng chữ kỷ niệm tượng Nữ Thần Tự Do 100 tuổi, một hộp Lucite với một con chip đồng bên trong. Ông cũng tặng đồng để Quỹ Tượng Nữ Thần Tự Do – Đảo Ellis (SLEIF) bán trong lễ hội trang trí nhằm gây quỹ riêng.

Một số thanh sắt được trao cho Bộ Ngoại giao Mỹ  để chế tác thành những món quà tặng dành riêng cho các quan chức nước ngoài. Trong đó có thanh sắt được gò thành bản sao chiếc chìa khóa mở cửa pháo đài Bastille (một nhà tù khét tiếng ở Pháp), một biểu tượng khác của hòa bình, cũng có thanh sắt được để nguyên vẹn và đưa vào tác phẩm điêu khắc “chim bồ câu hòa bình” gửi đến Giáo hoàng Francis trong dịp Ngài thăm Mỹ năm 2015.

Khi kể về cơ duyên giữa bức tượng và cuộc đời mình, Stocks  nhớ lại thời ông đọc được các thông tin về bức tượng trong các cuốn sách lịch sử ở Alabama và Florida. Lần ông được đến gần nhất với bức tượng chính là năm lớp 3, khi người ta dựng một bức tường bằng carton rồi vẽ hình tượng Nữ Thần Tự Do lên đó. Ông vẫn còn giữ tấm hình chụp của mình với bức tường đó.

Stocks với những phế liệu sắt và đồng từ tượng Nữ Thần Tự Do, coi việc giữ gìn những thứ này là một trách nhiệm.

Năm 1982, Stocks nung nấu kế hoạch về việc khôi phục tượng Nữ Thần Tự Do lúc đang làm việc cho cha mình, một nhà phát triển bất động sản ở Tallahassee, Florida. Mặc dù không có kiến thức hay kỹ năng gì về bảo tồn, ông vẫn muốn nỗ lực. Stocks gọi cho SLEIF và hỏi xem có bao nhiêu phế liệu từ di tích này, câu trả lời ông nhận được là: rất nhiều.

Stocks liền mở một công ty mang tên Gold Leaf và hướng đến thành phố New York. Ông trả 1 triệu USD cho SLEIF để lấy về đồng nát và những phế liệu khác trong quá trình bảo dưỡng tượng Nữ Thần Tự Do và Đảo Tự Do, cùng các phế liệu từ tòa nhà di tích ở đảo Ellis, trong đó có các nơ hoa hồng bằng đồng trên mái nhà, gạch, cửa gỗ, tay nắm cửa bằng đồng. Sau khi thu mua, Stocks bỏ ra thêm 2 triệu USD để vận chuyển, lưu trữ và bảo quản các phế liệu. Ông cho biết đến giờ ông vẫn chưa thu hồi lại được các chi phí đã bỏ ra.

Peg Zitko, Phó chủ tịch SLEIF, cho biết phế liệu được thanh lý nhanh vì không có chỗ chứa. Theo thỏa thuận với Stocks, các quan chức, SLEIF và Dịch vụ Vườn Quốc gia (NPS) phải chấp nhận bất kỳ hình thức sử dụng phế liệu trong tương lai. Theo bà Zitko, hầu hết là phế liệu xây dựng, một số thứ mang nhiều ý nghĩa, nhưng dù sao thì chúng cũng được thanh lý xong, bạn có thể làm gì với tất cả những thứ này?”.

Stocks đã mất nhiều năm cố gắng trả lời câu hỏi đó. Gần như tuần nào cũng có người gọi đến cho ông bảo rằng họ có ý tưởng để bán những phế liệu mà ông đang có với lợi nhuận cao. Stocks đã từ chối hàng trăm lời đề nghị như thế, vì với ông giữ gìn các hiện vật là một trách nhiệm.

John Piltzecker, Giám đốc Dịch vụ công viên của Đài tưởng niệm tượng Nữ Thần Tự Do và đảo Ellis, cho biết các quan chức công viên luôn canh cánh chuyện làm sao sử dụng các phế liệu từ bức tượng cho mục đích thương mại. Tuy nhiên, ông tin dòng trang sức mới làm từ đồng nát được thực hiện bằng sự tôn trọng đối với bức tượng, thể hiện qua từng thiết kế. Ông Piltzecker hy vọng nó sẽ truyền cảm hứng và khơi nguồn cho vô số những cuộc trò chuyện về bức tượng đầy ý nghĩa này.

Gold Leaf đã chuyển một khoản tiền kiếm được từ việc bán các hiện vật đồng cho SLEIF, nhưng con số này được giữ bí mật. Trong khi đó, Alex và Ani cũng cam kết tặng ít nhất 100.000 USD cho SLEIF trong năm tới. Các quan chức của SLEIF vừa thông báo họ sẽ quyên góp tiền để xây một bảo tàng 70 triệu USD trên đảo. Lối vào bảo tàng mới sẽ đặt một tác phẩm điêu khắc làm từ các thanh sắt cũ của tượng Nữ Thần Tự Do, do Stocks cung cấp.

Stocks đang hình dung đến việc bảo tồn các hiện vật còn lại của mình trong bảo tàng, bên cạnh đó, ông cũng muốn dùng một số hiện vật khác để tạo ra “một loại đồ nghệ thuật”. Theo yêu cầu đó, Công ty Gibson đã tạo ra cây đàn guitar mang tên Khí chất Mỹ, dùng gỗ phế thải từ đảo Ellis và đồng nát từ bức tượng. Stocks cũng ủy thác cho Công ty Orange County Choppers làm một chiếc xe máy mạ đồng mang tên Xe Tự Do, đang trưng bày tại đảo Tự Do.

Ngày trước, Stocks trả lời không cho tất cả những lời đề nghị bán phế liệu từ bức tượng. Nhưng nay, câu trả lời đã là có, số lượng lớn phế liệu trong kho của ông đã được bán hết. Thành công nhất vẫn đang là dòng trang sức đồng, với giá bán 38 USD cho một chiếc vòng tay dây bình thường, 2.000 USD cho một chiếc vòng cổ kim cương.

Tượng Nữ Thần Tự Do nhìn từ Ðảo Tự Do
Khánh Nguyên (Theo New York Times)
.
.
.