Lớp học 10 nghìn đồng và niềm vui bất tận

Thứ Hai, 18/11/2019, 07:16
Chúng tôi đến thôn Ngàn Ván, xã An Dương, huyện Tân Uyên, tỉnh Bắc Giang vào một buổi sáng đẹp trời. Khi được hỏi về ngôi trường của cô giáo Nguyễn Thị Ngân, mọi người cười ấm áp rồi đứng lên vui vẻ chỉ đường. Đó là ngôi trường mẹ Ngân. Ngôi trường, hơn 20 năm nay vẫn đập những nhịp đập của trái tim trẻ thơ nghèo thôn Ngàn Ván.


Bán bò để xây trường

Sinh năm 1968, Nguyễn Thị Ngân cũng như bao bạn trẻ khác của thôn Ngàn Ván lớn lên như cây cỏ dại nơi đỉnh đồi. Là người con thứ 4 trong gia đình nông dân 10 đứa con, cô bé Nguyễn Thị Ngân gầy còm và chỉ được học đến lớp 5. Nghỉ học, Ngân ở nhà phụ giúp bố mẹ công việc nương rẫy, ruộng vườn. Năm 1993, Ngân vào Nam làm công nhân. 

Trong một buổi đi chơi, thấy những lớp học mầm non do người dân tự đứng ra tổ chức, Ngân nhớ tới tuổi thơ nghèo khó của mình, rồi lại nghĩ đến những đứa trẻ ở quê đang phải sống vất vưởng, thiếu sự giáo dục từ nhỏ, nghĩ tới những người mẹ, người cha không yên tâm ruộng vườn khi phải mang theo con đi làm. 

Ngân bắt đầu khát khao được làm người đưa đò cho lũ trẻ. Khao khát đến mất ngủ. Một năm sau, Ngân quyết định lên tàu trở ra Bắc để xin được đi học cấp 2. Lớp học bổ túc văn hóa ở tận huyện Lục Nam lúc bấy giờ trở nên đặc biệt bởi có cô học trò tuổi ngoài 20. 

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân nhớ lại: “Ban đầu, nhiều thầy cô giáo ngạc nhiên, ngỡ rằng có giáo viên đến dự. Nhiều bạn học cũng nhìn mình với ánh mắt khó hiểu. Nhưng sau đó, thấy mình hòa đồng, không phân biệt tuổi tác, cùng chơi, cùng học và học một cách nghiêm túc nên các thầy cô giáo, bạn bè đều rất quý”. 

Năm 1998, sau khi trải qua cấp 2, cấp 3 theo chương trình bổ túc, Ngân thi đỗ vào lớp đào tạo giáo viên mầm non của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Tân Yên. Cũng năm ấy, Ngân quyết tâm mở lớp mầm non ngay tại nhà.

Niềm vui của những đứa trẻ được đến trường của cô Ngân.

Trong câu chuyện của cụ Vũ Thị Thắm, mẹ của cô giáo Ngân, thì lúc ấy, cụ cũng có muộn phiền nhưng chưa bao giờ nói một lời nặng nhẹ nào với con. Con không lấy chồng, cụ im lặng, con đòi lấy đất, mở lớp dạy trẻ, một việc dường như hoang đường nơi xó rừng này, cụ cũng im lặng. Con đòi bán hết mấy con bò - gia sản lớn nhất của gia đình để xây trường, cụ cũng im lặng. Và thế là ngôi nhà nhỏ đơn sơ đầu tiên trên đồi được dựng lên. 

Ngày ấy, mỗi bận đi trông trẻ là mỗi bận Ngân một tay xách thêm ít gạo nhà, một tay ôm bó củi, để trưa đến có thể nấu cơm cho bọn trẻ ăn. Cụ Thắm nhớ lại, hồi đó nghèo lắm, đến hạt gạo gia đình các em còn chẳng có ăn, lấy gì mà đóng góp. Và thế là cụ lại cùng con gái trồng thêm sắn, hàng ngày nấu độn vào cơm nuôi lũ trẻ. Cứ như thế, cho tới 8 năm sau, những người dân của thôn Ngàn Ván mới có chút gạo để đóng góp cho trường. 

Thời điểm đó, cô giáo Ngân “thu” mỗi trẻ 3kg gạo và 10 nghìn đồng/ tháng. Nhưng thực tế, rất nhiều gia đình vẫn thiếu ăn, không lo được, khất nợ đến mùa trả. Và cô giáo Ngân lại lặng lẽ bao bọc bọn trẻ.

Mỗi năm tôi có thêm một đàn con

Cho đến thời điểm này, năm 2019, lớp học của cô giáo Ngân thu mỗi cháu 1 ngày 10 nghìn đồng. Tính ra mỗi tháng mỗi cháu trung bình từ 150 - 200 nghìn đồng (không tính những ngày các cháu nghỉ). Bữa cơm của bọn trẻ vẫn đủ rau, thịt cá. Rau cô trồng thêm trong vườn, công chợ búa, nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp cô giáo Ngân huy động anh chị em trong nhà giúp. Mỗi tháng, cô và gia đình đều không nhận đồng lương. 

Em gái cô giáo Ngân, chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ: “Thấy các con ở đây khó khăn, chị gái em rất vất vả, em nghĩ thôi nhà mình cũng nghèo rồi mình cũng trải qua cảnh nghèo thì tất cả công việc nhà gác lại tới đây làm giúp chị, giúp các con được đến trường. Chị em cũng bệnh tật suốt, cứ vất vả suốt ngày em thương chị, em tới để làm cùng chị. Chị em hy sinh cho nên em hy sinh, chồng con thấy thế cũng ủng hộ”.

Lớp học của cô Nguyễn Thị Ngân.

Là con gái út trong gia đình, chị Nguyễn Thị Hường, có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Con trai chị Hường bị bệnh máu trắng, lại thuộc nhóm máu hiếm nên nguy cơ tử vong bất cứ lúc nào nhưng hằng ngày chị vẫn đến giúp chị gái công việc trong lớp học. Từ câu chuyện của chị Hường kể lại thì năm 2007, cô giáo Ngân bị bệnh nặng, bác sĩ xác nhận cô khó lòng qua khỏi, thế mà bỗng nhiên cô khỏi bệnh một cách thần kì. 

Cô giáo Nguyễn Thị Ngân tin rằng, mình khỏi bệnh bởi mình đã sống tốt, sống lương thiện. Mình sống tốt bởi đã dâng cuộc đời mình cho bọn trẻ ở thôn Ngàn Ván này một cách trong sáng và trọn vẹn. Có lẽ, chính niềm hạnh phúc và sự an nhiên trong lòng cô giáo Nguyễn Thị Ngân đã tỏa lan sang những thành viên trong gia đình, lan sang cả lũ trẻ của thôn Ngàn Ván. 

Ngắm nhìn lũ trẻ vui sướng leo lên chiếc tàu hỏa xanh đỏ nơi góc sân với gương mặt sáng bừng, chúng tôi nghĩ, có lẽ, trong tâm hồn bọn trẻ, đang mơ một giấc mơ chuyến tàu ấy sẽ chở chúng về thủ đô Hà Nội, hay đến khắp mọi miền đất nước. Và chúng tôi hiểu, với bọn trẻ thôn Ngàn Ván, mỗi ngày đến trường thực sự là một niềm vui bất tận.

Không phải chúng tôi, mà ngay cả những phụ huynh của thôn Ngàn Ván cũng không ít lần ái ngại, bởi lẽ, theo quy luật thời gian, tuổi già sắp đến, ấy vậy mà cô giáo Ngân vẫn đơn chiếc, không chồng, không một đứa con để tuổi già nương tựa. Nhưng nhìn ánh mắt lấp lánh mỗi khi đón bọn trẻ đến trường, nhìn nụ cười tỏa sáng niềm tin của cô, mọi nghi ngại đều tiêu tan. “Mỗi năm tôi có thêm cả một đàn con”, cô giáo Ngân vẫn hồn nhiên đùa lại mọi người. Trong đàn con của cô giáo Ngân, không phải đứa trẻ nào cũng được bình thường, khỏe mạnh. 

Theo chia sẻ của chị Liên, người dân thôn Ngàn Ván, thì con chị 4 tuổi bị bệnh tim, chị đi khắp các trường mầm non không ai dám nhận, vì cô giáo, nhà trường sợ cháu trong lúc chơi đùa, tranh giành các bạn, lên cơn đau tim sẽ ảnh hưởng đến mình, đến nhà trường. Cùng cực, dù ở xa, hàng ngày chị vẫn đưa cháu đến lớp học của cô Ngân. Và cô giáo Ngân lại bồng bế, dành cho cháu một chế độ ăn, chơi, học đặc biệt. 

Tính đến nay, sau hơn 20 năm mở trường, đàn con của cô giáo Ngân hẳn là rất đông, và những đứa trẻ ấy, hẳn nhiên hay kỳ vọng, rằng chúng sẽ mang được tình yêu thương ấm áp của cô giáo mình để tiếp tục gieo vào cuộc đời này. 

"Tình thương là một sợi dây ràng buộc, nó quy tụ con người lại với nhau, nó là một sức mạnh cho người ta vượt qua tất cả, nhờ tình thương người ta vượt được những khó khăn trong cuộc sống … 

Nếu người ta chỉ nghĩ đến mình thì không làm được gì hết, nếu tôi ích kỉ, không có tình thương, không bao dung, không vị tha, không biết nhìn đời, nhìn mình bằng trái tim nhân hậu thì tôi nghĩ chả làm được điều gì cho nên mong muốn làm sao để trái tim mình luôn giữ được sự bao dung, nhân hậu, vị tha, luôn nhìn đời, nhìn người bằng một trái tim tràn đầy yêu thương" - Cô Nguyễn Thị Ngân nói.

Hạnh Thủy
.
.
.