Lễ hội đâm trâu mừng năm mới của đồng bào Tây Nguyên

Thứ Sáu, 20/02/2015, 07:00
Lễ hội đâm trâu của các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức hằâng năm từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch, khi tất cả các mùa vụ trong năm đều đã thu hoạch xong. Người Ba Na gọi là x'trăng, người Cor gọi là xa-ố-piêu, người Lạch gọi là Pơru. Tuy mỗi dân tộc có cách gọi khác nhau nhưng ý nghĩa của lễ hội đâm trâu là để tạ ơn thần linh phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm.

Trong lễ đâm trâu, mỗi gia đình treo một giỏ thờ, giống như bàn thờ tổ tiên của dòng họ. Trong đó, vật dụng thờ cúng tín ngưỡng liên quan đến dòng họ mình như chén nhỏ, lao tre bôi huyết vật hiến sinh, vòng đồng trong nhà dài để cúng thần linh cho dòng họ mình. Không khí đâm trâu náo động và nhộn nhịp từ nhiều ngày trước đó. Bà con trong bản và cả người ngoài bản kéo đến vây thành vòng tròn chật kín quanh ba cây Nêu. Mấy năm trở lại đây, lễ hội đâm trâu mừng năm mới có sự hỗ trợ của Nhà nước nên thu hút nhiều thành phần, giới chức trong và ngoài địa phương tham gia.

Đội cồng chiêng thực hiện nghi thức trước khi đâm trâu.

Một linh vật không thể thiếu trong lễ đâm trâu là cây Nêu. Cây Nêu được xem là linh hồn của buổi lễ, nơi các vị thần bay về ngự chứng giám lòng thành của các con dân. Cây Nêu phải là thân cây muỗng cao, thẳng, trên đầu được chẻ thành nhiều ngọn xòe ra như bông lúa. Xung quanh trang trí các vòng tròn, những thẻ gỗ mỏng dài, những hình vuông tròn... Ba cây Nêu được chôn giữa bãi đất trống, xung quanh đắp thành một bờ đất cao hình tròn làm nền để Ban tổ chức thực hiện hoạt động đâm các con vật hiến sinh. Đoàn người đánh chiêng vừa gõ vừa kêu lên vài tiếng để đánh động thần linh chứng giám cho lòng thành của họ. Già làng đến gần rung nhẹ cây Nêu với ý nghĩa mừng thần linh, báo hiệu để thần linh về dự lễ. Lúc này, mọi người tụ tập ở nhà sàn uống rượu cần và đánh cồng chiêng rộn rã.

Trâu dùng để hiến tế phải là trâu đực tốt, khỏe, không bị dị tật. Nhà nào có trâu được chọn hiến sinh coi như phước phần không gì bằng, vui sướng mất mấy ngày. Sáng sớm, khi mặt trời lên bằng con sào, tất cả bà con trong buôn tập trung trước nhà cộng đồng (nhà Rông) hưởng ứng lễ đâm trâu mừng năm mới. Đội xạ thủ phóng lao là những chàng trai trẻ khỏe, vạm vỡ, được tuyển lựa khắt khe từ hàng trăm thanh niên trong bản.

Đầu tiên là màn thắp hương khấn vái, đọc thần chú của già làng gọi thần linh về trong không gian nghi ngút, trầm lắng và linh thiêng. Sau đó đến phần "hóa kiếp" để trâu về với các vị thần. Già làng cầm dao nhọn chọc phập phập vài cái vào mình trâu, khi nào máu phun ra mới ngừng. Vì con trâu từ lâu luôn được xem là người bạn thân thuộc của con người trong việc đồng áng, nên dân tộc Bu Nơr có hẳn một bài lễ khóc trâu để tỏ lòng thương tiếc:

Trâu à, trâu ơi
Ta thương trâu lắm

Ta nuôi trâu đã mười năm nay
Ta chăn trâu vừa đủ mười mùa lúa…
…Ta thương tiếc trâu lắm trâu ơi
Ta không thể giúp gì cho trâu được
Trâu hãy rung đổ cột nêu
Trâu hãy vùng vẫy cho đứt sợi dây
Người ta sắp đâm trâu rồi đấy
Nơi vũng nước trâu nằm vẫn còn…

Đội phi giáo đóng khố, đầu chít khăn thổ cẩm nhảy múa vòng quanh gốc cây Nêu, lấy hết sức mạnh phi những cây giáo sắc lẹm về phía chú trâu. Khi mũi giáo phi trúng tim trâu, thì sự mầu nhiệm bắt đầu được khởi xướng. Chú trâu gục ngã, dân làng lao vào rứt những cọng lông rải lên đầu nhau để lấy phước lộc và cầu bình an cho năm tới. Người ta bắt đầu xẻ thịt trâu, lấy đầu trâu đặt lên nhà sàn cúng thần linh. Già làng lạy trước bàn thờ hai lạy với nội dung: "Cáo trời đất, núi non, sông suối, hôm nay chúng tôi cúng đầu trâu để cho dân làng được khỏe mạnh, mùa màng thuận lợi, cho rừng, đất đai xanh tươi…".

Xương đầu trâu còn sót lại sau buổi lễ.

Huyết trâu thuộc về đất, khói thuộc về thần linh, còn thịt trâu thuộc về cộng đồng. Cúng xong, người ta chia thịt trâu ra thành nhiều phần nhỏ chia cho cộng đồng mang về ăn mừng. Một đống lửa được đốt lên, trai gái xẻo thịt nướng thơm lừng trên đống than đỏ hồng, rồi ăn với cơm lam, uống rượu cần. Trai gái kết thành vòng tròn quanh bếp lửa khổng lồ nhảy múa suốt đêm.

Ngày nay, do nhiều nguyên nhân mà nhiều lễ hội của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên bị biến tướng và mai một. Song, lễ hội đâm trâu thì hầu hết các dân tộc ở Tây Nguyên vẫn còn duy trì trong dịp mừng năm mới. Đó là một nét văn hóa tổng hòa giữa con người và thiên nhiên, mang ý nghĩa tâm linh và nhân sinh sâu sắc. Trong lễ đâm trâu, đồng bào có dịp bày tỏ tình cảm với nhau bằng lời ca tiếng hát, bằng tiếng cồng chiêng vốn dĩ đang bị lụi tàn. Và điều quan trọng hơn, con người có sự gắn kết cộng đồng, cùng nhau hy vọng, ước mong cho cuộc sống an lạc, no ấm.

Ngọc Hoa
.
.
.