Làng tôi cơm nắm muối vừng

Thứ Tư, 22/07/2015, 13:00
Cô gái bán cơm nắm ở quanh ngõ Linh Quang, Văn Chương đã mấy lần rủ tôi về quê bên làng Ngọc, xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, để ăn cơm nắm mới ra lò. Nghĩa là cơm vừa nắm xong, để hơi nguội một chút rồi chấm muối vừng mới rang thơm phức. Ngon cứ gọi là mê tơi. Cô khoe người thiên hạ nắm cơm bằng lá cọ, hay mo cau để đi đường xa, nhưng ở làng Ngọc, Lạc Đạo quê cô nắm cơm bằng chiếc khăn thun trắng làm cho cơm mịn dẻo, nhuyễn nạc như miếng giò lụa. Chỉ những nhìn mà thèm. Thế là tôi tò mò đến tận xứ sở của làng thơm cơm nắm muối vừng, cùng với những lời rao ngọt ngào mỗi ngày.

Làng thơm cơm nắm quanh năm

Về làng Ngọc, hay rẽ qua làng Cầu, tôi mới hay dân ở đây đều là những đầu bếp giỏi và khéo tay nắm cơm. May mắn tôi được gặp vợ chồng anh Biên, chị Lịch là một trong những địa chỉ cung cấp hàng cơm nắm cho hàng chục người trong làng đi bán rong ở Hà Nội. Chỉ loáng trong một thời gian ngắn, mà 400 nắm cơm gia đình anh nắm từ 3 giờ đến 6 giờ sáng, đã bán hết. Mỗi nắm là ba ngàn đồng. 

Anh Biên chà lạc để làm muối vừng.

Anh nói nhà anh ít người nên chỉ làm được có thế. Có nhiều hộ trong làng cung cấp tới 600 nắm, mỗi ngày như nhà chị Hảo, chị Nguyệt, bà Liên, chị Đậu... là chuyện thường. Nhưng phải có nhiều người cùng làm từ nửa đêm đến sáng mới đủ số nắm cơm đưa cho người bán rong. Nhà nào cũng phải chuẩn bị đãi, vo gạo, và nấu tới mấy nồi cơm to, rồi tập trung vào nắm cơm khi còn đang nóng mới chặt và nhuyễn cơm. Hối hả như khi vào hội vậy. Bởi phải kịp đến 5 giờ sáng để giao hàng.

Anh Biên kể trước đây cũng có thời gian vợ chồng anh mang cơm nắm đi bán rong trên các cửa ga, nẻo chợ và cả trong thành phố Hà Nội. Đi rong thế cũng mệt chả kém người thổi cơm làm hàng ở nhà. Không phải thức đêm nhưng lại mất nhiều công sức đi rong và rao khắp nơi trong ngõ xóm. Điều quan trọng hơn là không thể mang đi được nhiều nắm cơm nên lời lãi chẳng được là bao. 

Được mấy đồng lại chi hết trên đường. Nào ăn uống, nào xe cộ dọc đường. Ấy là phải tiết kiệm, đi xe buýt từ ga Lạc Đạo lên Hà Nội, rồi đi bán rong. Nếu có vốn bán kèm các thứ khác. Mỗi thứ kiếm một ít thì mới đủ chi phí ăn uống và mua thức ăn về nhà vào buổi tối. Nếu ai chịu khó đi xe đạp, thì cũng phải ròng rã 50 cây số vừa đi, vừa về. Còn chưa kể hàng chục cây số đi rao bán rong nữa. Cực thân nhưng biết sao được, vốn liếng ít, coi như đi bán thuê cho người ta để kiếm chút đỉnh nuôi con ăn học.

Nghe anh Biên nói tôi không ngờ trong xã có tới hàng trăm người đi bán cơm nắm bên Hà Nội. Như anh tính cả làng Ngọc và làng Cầu có tới 15 nhà sản xuất cơm nắm cung cấp cho vài trăm người đi bán rong, số còn lại nhiều gia đình tự làm, rồi mang đi bán. Hầu như người dân làng Ngọc và làng Cầu không có đêm. Nhà nào cũng trưng đèn làm cơm từ đêm đến sáng. Đôi mắt anh Biên thâm quầng sau một đêm thức trắng phần nào nói đến nỗi vất vả với công việc vần bốn nồi cơm lớn trong một đêm.

Nhà anh mỗi đêm nấu 40kg gạo để làm cơm nắm, phải phân ra ba bốn lần chất củi. Hai nồi gang to thay nhau nấu cơm. Nồi nọ dỡ cơm, nồi kia vừa kịp sôi gạo... Nào còn vần còn chườm, còn củi còn rơm... Và anh còn phải khuấy đảo cơm vài lần khi cơm sôi, lửa nhỏ. Trong khi đó khi cơm chín tới là phải nắm ngay mới đạt tiêu chuẩn mịn dẻo chắc nắm, giữ được cả ngày không ướt không thiu, mà vẫn giữ được hương vị của cơm gạo thơm ngon. Nghĩa là cả nhà huy động mọi người thay nhau vừa thổi cơm vừa nắm sao cho liên tục đến 5 giờ sáng là xong 400 nắm cơm để giao hàng. Tôi hình dung thấy quả là một đêm hối hả và túi bụi với công việc trong ngôi nhà không lấy gì làm lớn của gia đình anh Biên.

Nghe mà thấy hãi về cường độ lao động của gia đình, nhưng anh vẫn cười khoe về chuyện học hành của hai con. Một đã tốt nghiệp đại học, còn một đang học năm thứ ba. Đó là kết quả sau gần hai mươi năm trở thành nhà sản xuất cơm nắm chuyên nghiệp. 

Cơm nắm nhà anh đã có thương hiệu Biên Lịch. Ngỡ tưởng chỉ việc thổi cơm đơn giản, nhưng nếu không ngon, ít người mua là người đi bán rong bỏ sang lò chủ khác ngay. Vì là đồng tiền bát gạo với cuộc mưu sinh của những người đi rong. Những nhà cung cấp hàng trăm nắm cơm cho khách hàng tự nhiên có cuộc chạy đua ngầm là phải làm cơm nắm ngon để giữ khách.

Vừa đúng lúc đó khoảng 6 giờ rưỡi sáng có mấy thanh niên đi picnic trên núi Sóc đã rẽ vào nhà anh Biên lấy hai chục nắm cơm mang theo. Có một cậu thanh niên nói, ăn cơm nắm muối vừng ngon hơn bánh mì kẹp thịt Như Lan ấy chứ. Họ nói khi cắm trại xong là mang cơm nắm ra ăn, no cả ngày lại ngon miệng và lành bụng. Thế là mẹt cơm nắm nhà anh Biên sạch trơn không còn phần để chính gia đình ăn sáng nữa. Nhưng nhìn nụ cười của anh tôi hiểu đó là niềm vui bất tận của người làm hàng cơm nắm khi được khách tin cậy tìm đến.

Gặp bà “tổ” của làng

Theo sự chỉ dẫn của anh Biên, tôi sang gặp bà Nguyễn Thị Đảo, người mà theo anh Biên giới thiệu là người đã dạy anh làm cơm nắm để bán từ những ngày đầu tiên. Hơn nữa cả cái làng Ngọc này học theo bà đi kiếm ăn bằng nghề làm hàng cơm nắm, và còn tôn bà là “tổ” nghề. Bởi lẽ bà là người đầu tiên làm cơm nắm bán cách đây hơn 40 năm. Ấy là vào những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, bà Đảo phải lần hồi kiếm tiền nuôi 8 miệng ăn, sau khi chồng đột ngột qua đời. Bà làm đủ mọi nghề, kể cả phải đi cày thuê cuốc mướn, miễn sao có chút tiền công mua gạo cho các con ăn.

Nhưng thời thế cam go lắm. Kiếm tiền  không dễ dàng. Bà theo mọi người đi bán hàng rong ở ga Lạc Đạo, trên bến tàu bến xe. Bà bán bánh nếp, bánh tẻ hay giò chả của làng xã mình. Mỗi ngày không dám ăn gì, bà thường nắm cơm mang theo để ăn với muối vừng khi đói. Rồi một lần bất chợt có khách hàng nhìn thấy cơm nắm của bà mang theo đã hỏi mua. Thấy ngon miệng, người đó gợi ý, bà nên nắm thêm cơm đi bán nhiều người cũng thích cơm nắm hơn bánh mì hay bánh ngọt khác. 

Bà Đảo về nắm thử mươi nắm, không ngờ bán hết cho những khách đi tàu qua. Có ngày bà liều làm hẳn 100 nắm. Bà còn xin lên hẳn toa để bán khi tàu dừng. Từ đó bà đeo hai bị cơm ra Hà Nội, đi rong chợ Bắc Qua, rồi ra ga Hàng Cỏ, quay về ga Long Biên. Khách mua tới tấp và chỉ dăm chuyến tàu là hết veo. Bà mừng như mở cờ trong bụng vì từ nay bà đã tìm được nguồn sống bằng những nắm cơm đơn giản nhất.

Từ đó bà vận động các con cháu cùng làm cho đỡ vất vả. Trong một thời gian gần chục năm, bà đã xây được nhà và còn để dành được mấy lạng vàng làm cả làng phục lăn. Gương thoát nghèo và nuôi cho 8 người con trưởng thành từ những nắm cơm của Bà Đảo nổi lên như câu chuyện cổ tích. Thế là nhiều người trong làng làm cơm theo bà và đi bán rong khắp các tuyến đường sắt, các chợ và lần hồi ra tận Hà Nội. Không ngờ Hà Nội là một thị trường mà cơm nắm là một loại hàng được ưa chuộng. Theo bà Đảo mà làng thành nghề nắm cơm. Nhiều nhà đã học theo bà làm chủ những lò cơm nắm cung cấp cho hàng trăm người đi bán rong.

Khi gặp tôi, bà Đảo hồ hởi kể mọi chuyện bươn chải của mẹ con bà, nhưng đâu có nhận mình là bà “tổ” cơm nắm của làng. Bà nói, hồi đầu cũng bôn ba làm đủ rồi đấy chứ. Buôn giò thì giò lỗ, buôn chả thì chả thiu. Buôn xương bò xương lợn cũng lỗ chỏng vó. Mấy mẹ con bà xoay như chong chóng. Cuối cùng vẫn phải quay về cơm nắm. 

Dần dần làm ăn mở rộng. Nhà bà trở thành lò cung cấp cơm nắm cho mọi người đi bán. Nhiều đêm 5 mẹ con bà thi nhau nắm cơm nhưng vẫn không đủ cung cấp cho dân làng. Sau này bà truyền nghề thêm cho những bà con họ hàng cùng làm. Vì làm cơm nắm tưởng thế chứ, mỗi nhà ngon một kiểu, và đều có những ngón riêng về nước về gạo. 

Bà kể ngày nào dòng người tới mua cơm nắm nhà bà vẫn đông vui, ríu rít. Phải nói bà Đảo rất tự hào vì làng Ngọc và làng Cầu hầu hết đã thoát nghèo và đi lên từ cơm nắm. Thảo nào tôi đã từng nghe dư luận của tỉnh Hưng Yên ca ngợi xã Lạc Đạo, trong đó nhấn mạnh làng Ngọc, làng Cầu, là xã “anh cả” trong sự nghiệp xóa đói giảm nghèo. Bà Đảo cười nhiệt thành nói, thì đấy ước tính nghe xã báo cáo có năm thu nhập toàn xã tới 50 tỉ đồng. Từ cơm nắm đó. Bà lại cười sảng khoái.

Hương làng Ngọc, nồng đượm lời rao

Phải nói bà Đảo rất có duyên kể chuyện. Bà bảo giờ hơn 80 tuổi rồi, không nắm cơm nữa nhưng thỉnh thoảng vẫn xuống bếp kiểm tra nước và gạo cho các con. Thời gian còn lại bà đi thăm đàn cháu. Mỗi nhà một ngày, quay vòng nếm cơm nắm của chúng cũng đủ thỏa thuê. Thơm và bùi. Vẫn cái mùi thơm với muối vừng trên vai bà những ngày nào, khoác bị cơm nắm lận đận trên đường đời mưu sinh. 

Trong tâm tưởng bà vẫn vang lên những lời mình rao “Ai cơm nắm đây...!” trong mọi xóm ngõ Hà thành dạo nào. Giờ đến lượt con cháu bà đi rong trên mọi tuyến phố. Lời rao ngọt mát lòng người. Bởi con cháu bà đi mọi nơi, trao đến tay mọi người những nắm cơm làm từ hạt gạo làng Ngọc thơm thảo đồng quê. Bà nhớ lại vừa cười, vừa ứa nước mắt vì niềm vui dâng lên.

Cảnh Linh
.
.
.