Làng "ngoại lai" trên cao nguyên
Những đứa trẻ bước ra từ điện ảnh, bóng đá
Làng Brock (xã A Dơk, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai) từ lâu đã trở thành địa chỉ nổi tiếng gần xa khi sở hữu hẳn một "biệt đội" trẻ em "Hàn hóa, Tây hóa".
Trào lưu này bắt đầu từ gần 10 năm nay, khi một số hộ dân trong làng sắm được tivi. Những bộ phim xứ Hàn nổi đình nổi đám được bà con mê đến bỏ làm, quên ăn để theo dõi như: "Khi mùa xuân về", "Hương mùa hè", "Nàng Đê Chang Kưm", "Truyền thuyết Ju - Mông", "Vua đầu bếp"…Vì mê phim Hàn, thần tượng diễn viên nên chị Chănh đặt luôn tên con trai đầu lòng của mình là Cha -Ri (tên của nhân vật chính Moon Chea Ri trong phim "Khi mùa xuân về").
Đang là mùa làm rẫy, trồng tỉa nhưng hễ đến giờ chiếu phim Hàn Quốc là chị Chănh rủ vài chị em khác gác cuốc trở về nhà xem phim. Hết phim họ lại lên rẫy làm.
Ngày chưa có tivi, gia đình Chănh thường đi ngủ cho kịp gà lên chuồng, nhưng nay thì vợ chồng con cái phải thức bằng được để xem phim Hàn. Hôm nào mất điện không xem được là hôm ấy, người như ngồi trên đống lửa, buồn bực, bứt rứt không chịu được.
Sáng hôm sau, Chănh quyết ở nhà, phục đến giờ để xem "vớt" tập phim bị lỡ. Sinh đứa thứ hai, chị Chănh đặt con là Giong - Hô. Tuy nhiên, chồng Chănh không đồng ý mà đòi đặt tên Ronaldo, ngôi sao bóng đá hàng đầu thế giới.
Tranh cãi việc đặt tên con khiến vợ chồng Chănh không thèm nhìn mặt nhau. Đến một ngày, anh chồng đi uống rượu về tức quá đòi đập tivi, thì lúc đó Chănh mới chịu xuống nước, chấp nhận đặt tên con theo nhân vật thần tượng của chồng.
Văn minh vẫn chưa ra khỏi nóc nhà, thì những cái tên đã được quốc tế hóa. |
Trên đường vào làng, chúng tôi gặp chị Chơ đang hối hả đạp xe về nhà để xem bộ phim Hàn "Gia đình là số 1". Vội đến mức chị chẳng kịp lột khăn, lột ủng ra mà lao ngay đến chiếc tivi bật kênh.
Hơn 11 giờ trưa, gian bếp nhà chị Chơ vẫn lạnh căm, hai đứa con của Chơ là Chang Kưm và Ju - Mông gửi nhà ông bà ngoại người mẹ này cũng không thèm đón.
Chơ cười rất tươi, nói: "Mình phải xem xong tập phim này đã rồi làm gì mới làm". Những tình tiết trong phim khiến Chơ tràn đầy xúc cảm. Khi nào diễn viên cười là Chơ cũng cười, vỗ đùi đen đét tỏ ra khoái chí. Đến đoạn diễn viên khóc, Chơ cũng sụt sùi, nức nở.
Chơ bảo, xem bộ phim này khiến chị cười rất nhiều, vì có nhiều chất hài. Chị rút ra được nhiều bài học về cuộc sống gia đình, cách đối nhân xử thế với người thân.
Nói chung là Chơ triết lý không khác nào một chuyên gia thẩm định phim. Ấy vậy mà Chơ vừa mới "đá" thẳng cổ anh chồng ra khỏi nhà vì tội say xỉn tối ngày.
Chơ giải thích: "Chồng không lo làm ăn, vườn cà phê cỏ ngập đầu, rưộng lúa cỏ ngang lưng, nó bắt mình phải làm hết. Đã thế, hôm nọ tivi bị hỏng bảo nó đi sửa thì nó chửi mình là đồ mê phim".
Ngày xưa, vì mê phim "Truyền thuyết Ju - Mông", thần tượng nhà vua cưỡi ngựa bắn tên oai dũng lẫy lừng nên Chơ đã quyết tâm theo đuổi A Tu, chàng trai Bahnar vừa trẻ, khỏe lại săn bắn giỏi.
Để chinh phục được A Tu, Chơ phải ròng rã cả năm trời đi vào rừng kiếm hàng trăm bó củi tươi, mang về chẻ nhỏ, bó thật gọn để lấy lòng bố mẹ chồng. Cuối cùng thì A Tu cũng bị Chơ "khuất phục".
Sinh con gái đầu, Chơ đặt là Chang Kưm, con trai đặt Ju - Mông, nhân vật trong hai bộ phim cổ trang nổi tiếng Hàn Quốc. Chơ mê phim Hàn, A Tu thì mê bóng đá ngoại hạng Anh nên tình cảm vợ chồng cũng sứt mẻ ít nhiều.
Nhà có mỗi chiếc tivi, muốn xem bóng đá, A Tu phải chờ cho vợ xem hết phim. Vậy là Tu thường xuyên sang nhà bạn tụ tập vừa "lai rai, nhâm nhi" vừa xem bóng đá.
Khi nào hết trận thì cũng là lúc các chiến hữu ngả nghiêng, loạng choạng về nhà, kéo một giấc đến giữa trưa hoặc sẩm tối ngày hôm sau mới tỉnh. Đây chính là nguyên nhân khiến Chơ nổi đóa với chồng.
Trớ trêu thay, vì quá mê phim Hàn, thần tượng đến mức "thương nhớ" diễn viên nên nhiều người vợ đã bỏ bê công việc bếp núc, chăm sóc con cái, cảm thấy chán chồng. Những ông chồng có tí rượu vào thì hờn ghen, trách móc. Vợ cũng chẳng vừa, khi đã không còn ấn tượng thì chống nạnh cãi chồng choe chóe. Vì thế, một vài cuộc hôn nhân đã "sứt mẻ" vì những lý do hỡi ơi, ảo tưởng trên phim.
Tuy nhiên, cũng có nhiều cặp vợ chồng cùng mê phim Hàn nên "chén bát, xoong chảo" trong nhà không phải "lên tiếng".
Điển hình là vợ chồng ông Tơm, bà Chiêng có chung một niềm đam mê cháy bỏng với "các chàng", "các nàng" Hàn Quốc xinh đẹp, tài giỏi, mạnh mẽ. Cả bốn đứa con, vợ chồng đều thống nhất đặt tên theo thần tượng như: Giang Gun, Đông Hô, San ốc, San Un. Đó là tên gọi cúng cơm ở nhà, trên giấy tờ thì có cải biên đi một tí vì phải thêm họ.
Người đàn ông này có con trai tên Ronaldo. |
"Vẹo mồm" gọi tên
Những đứa trẻ nơi thâm sơn cùng cốc, sáng ngửa lưng giữa trời, tối úp mặt vào rừng khi vừa cất tiếng khóc chào đời bỗng dưng được khoác trên mình cái tên xa lạ, ngộ nghĩnh.
Chúng chẳng hiểu chuyện gì đang xảy ra với tên gọi lạ lẫm này, nhiều đứa lớn lên không biết đọc đúng tên của mình. Ngay cả cán bộ tư pháp cũng phải "cong lưỡi" khi làm thủ tục khai sinh cho các em.
Một số cô giáo người Kinh về dạy học tại đây thì dở khóc dở cười, phải mất cả tháng trời luyện đọc mới nhớ hết được mấy dòng tên dài cả cây số, chứa văn minh phim ảnh.
Đi loanh quanh dọc trục đường làng Brock, gặp đứa trẻ nào chúng tôi cũng hỏi tên và không có gì ngạc nhiên khi chúng hồn nhiên xưng danh là Chang Kưm, Che- Rim, Messi, Back Khăm… Những cái tên nhuộm màu "Hàn hóa, Tây hóa", mà nếu người nào không thích xem phim Hàn sẽ phải "vẹo mồm" khi gọi tên từng đứa trẻ.
Trong số các loại tên "lai", có lẽ Messi là dễ gọi dễ nhớ nhất, vì là cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới, tên gọi cũng ngắn gọn. Messi năm nay 6 tuổi, là con anh Krup. Đến mùa bóng đá, đặc biệt trận nào Messi tham gia, anh Krup dù bận rộn đến mấy cũng phải gác tất cả lại để xem. Từ ngày có "Messi" bằng xương bằng thịt trong nhà, Krup thấy mình như được sống cạnh thần tượng.
Những đứa trẻ chưa kịp lớn để hiểu rõ về nguồn cội cái tên của mình. |
Đặt tên con dựa trên niềm đam mê phim ảnh và bóng đá đã trở thành trào lưu ở ngôi làng trên vùng đất Bazan này. Vợ chồng chị Aranh có bảy người con thì bốn đứa mang tên "ngoại lai", gồm: Sachly, China, Richak, Kchoi. Ông bà ngoại trong gia đình vẫn sống theo lối truyền thống, không biết gì về điện ảnh thì "mù tịt" với các loại tên của cháu mình.
Hỏi chị Aranh có biết ý nghĩa tên của con không? Chị lắc đầu, bảo: "Mình thích diễn viên thì đặt thôi. Mê phim lắm, cứ kết thúc một bộ phim là mình buồn mất mấy tháng, rất nhớ nhân vật". Thích là đặt, những đứa trẻ đến tuổi đi học, khi cha mẹ bắt tay vào làm hồ sơ cho con thì gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người chữ nghĩa ít, viết tên con cả chục lần vẫn sai.
Một cán bộ tư pháp xã A Dơk cho biết, đặt tên con là quyền của cha mẹ, pháp luật không cấm. Gần chục năm nay, các cặp vợ chồng đến xã làm giấy khai sinh cho con thấy rất nhiều tên diễn viên phim Hàn, cầu thủ bóng đá, thậm chí hãng điện thoại.
Một hai năm trở lại đây, số người "nghiện" phim Hàn giảm đi, nên những đứa trẻ mới sinh bắt đầu quay lại cái tên truyền thống của đồng bào.
Theo quan niệm của người Bahnar, không ai được chọn tên cho đứa bé khi còn ở trong bụng mẹ. Nhưng sau khi chào đời, gia đình phải nhanh chóng đặt tên cho bé. Nếu để ma quỷ đặt tên trước thì bé sẽ gặp nhiều điều không may trong cuộc sống, thậm chí là gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Nếu bố mẹ và gia đình chưa kịp nghĩ ra cái tên nào cho đứa bé, thì bà mụ sẽ đặt một tên gì đó để mọi người gọi tạm, sau này nếu không ưng thì có thể đổi tên khác.
Đối với các cặp vợ chồng gặp trắc trở trong việc sinh con, họ thường lấy tên các con vật như: Chó, gà, heo… để ma quỷ thấy xấu mà "chê". Đặc biệt, người Bahnar cấm kỵ việc đặt tên con trùng với tên một ai đó trong dòng họ hay trong làng.
Già A Tưm buồn rầu: "Truyền thống đặt tên con của người Bahnar ngày xưa đẹp và chuẩn mực lắm. Nhưng bây giờ đã bị "quốc tế hóa" hết rồi. Tên bọn trẻ mình còn chẳng nhớ, chẳng gọi được. Mình không ưng cái bụng đâu…"