Làm cao

Thứ Năm, 08/03/2018, 07:00
Đầu xuân Mậu Tuất, có một video làm nhiều người bình luận phẫn nộ. Đó là video “kéo vợ” hay nói một cách không chính xác là cướp vợ của chàng trai Mông.


Từ “cướp” là một từ phiến diện do người xuôi đánh giá qua con mắt “đại khái”, qua loa.

 Một số bình luận muốn xóa bỏ tục lệ này. Họ phán rằng nó chẳng khác gì bắt cóc… Các tay phím thi nhau than vãn rằng nó man rợ.

Lạ quá đi cái video vừa nói. Cô gái khóc to, mấy anh bạn thì có giúp đặt cô lên xe máy, đám đông xung quanh cười vui vẻ. Ơ sao đám đứng xem lại không phẫn nộ. Lại còn cười hi hí thì vô cảm chết đi được.

Minh họa của Tả Từ.

Thực ra người “bắt” và người “bị bắt” chẳng phải người lạ. Họ đã quen nhau và quan trọng là yêu nhau. Chả có ai bắt người lạ, nhỡ mà người lạ đang có chồng thì dễ bị đòn lắm. Trước khi cưới được cô dâu thì chàng trai phải thực hiện một nghi thức quan trọng đó, là kéo vợ.

Chú rể kéo vợ cùng bạn chú rể sẽ tham gia chứ không hề ngẫu nhiên. Ngẫu nhiên thì sao có được sự chứng kiến của hai họ.

Cô gái càng giẫy đạp toáng lên càng được đánh giá là ngoan. Cô gái giẫy đạp ít thì bị cộng đồng cho là dễ dãi. Thế thì tội gì mà không làm toáng lên. Thậm chí có cô còn tung cước, nhưng cú đạp chẳng bao giờ tổn thương kẻ chinh phục. Cô tính cả rồi. 

Thực ra, sự giẫy giụa là một cách làm cao. Rằng mình cũng chẳng phải đơn giản mà tán đổ. Đừng nói chuyện kéo vợ là cưỡng ép khi người Mông nổi tiếng về lòng chung thủy. Thực ra phải hiểu đây là một nghi thức mà ai tham gia cũng biết rõ mình đang làm gì. Chỉ có người thuộc vùng văn hóa khác mới sốc.

Y như phong tục người miền xuôi. Muốn gả con gái quá đi nhưng vẫn phải thách cưới làm oai. Thực ra, nhạc phụ nhạc mẫu đâu có giàu lên nhờ mấy mâm lễ từ nhà trai. Nhưng phải thách lễ to để họ hàng láng giềng thấy con gái thật cao sang.

Trước đây, khi đám rước dâu đưa cô dâu lên đường thì các cô đều lã chã giọt ngắn giọt dài. Nhìn thương lắm cơ. Rằng muốn nói rằng chưa báo đáp gì cha mẹ đã về nhà người ta. Vậy nên cô nào ít nước mắt sẽ bị đánh giá là thiếu tình cảm. Có cô ngoài héo trong tươi, diễn rất tròn vai. Phong tục gì thì cũng phải diễn chứ.

Thời nay, tâm lý thay đổi. Nhiều cô dâu cưới được chồng cười hi hi suốt cả ngày cưới. Người nhà bảo vờ héo đi một tý cũng không làm sao nhịn tươi được. Phong tục cũng có chút mai một. Đâm ra nghi thức cũng hơi nhàn nhạt.

Người ta thắc mắc vì sao cứ phải tạo ra những thử thách kiểu đó làm gì? Sao không nhất trí ngay từ giây phút đầu tiên có phải đỡ mất thì giờ không.

Có lẽ mọi thứ đều có nguồn gốc thuận theo tự nhiên cho cuộc đời đỡ nhạt. Cuộc đời muốn đậm đà thì phải mất thì giờ chứ. Hãy đoán gà mái khi bị (được) gà trống đuổi theo nghĩ gì? Gà mái nghĩ mình có đang chạy nhanh quá không? Có những thứ chỉ già chút là hỏng việc.

Bàn chuyện vui này chỉ muốn nói rằng trước khi phê phán nên tìm hiểu kỹ điều muốn nói. Để hiểu được điều đó cũng chỉ cần tra Google mất dăm phút, sao không làm? Điều dễ gây mếch lòng nhất là không tôn trọng khác biệt văn hóa.

Còn bạn, bạn có hay bị “việt vị” khi phê phán không? Có ai đó rằng khi đang bức xúc, tốt nhất là đừng làm hay nói gì cả.

Lê Tâm
.
.
.