Lại chuyện cho Quan họ tiền
Trong khi mùa hội hát mới chỉ bắt đầu, vẫn còn đó những hội Thổ Hà, Diềm… nức tiếng xứ Kinh Bắc. Chắc là lặp lại điều này, liệu sẽ có những phê phán? Cũng cần có cái nhìn khách quan nên đầu xuân xin bàn đôi chút về chủ đề này.
Quan họ không xin tiền
Trước tiên phải khẳng định, Quan họ từ khi sinh ra không phải nghề kiếm tiền. Người Kinh Bắc rất trọng việc gìn giữ và phát huy sáng tạo lối hát quan họ. Người Kinh Bắc không đơn thuần coi Quan họ chỉ là những bài hát mà còn là một lối hát. Lối hát này gắn liền với những nét văn hóa tổng thể mà âm nhạc chỉ là một thành tố chính.
Thậm chí trọng tới mức, họ coi Quan họ là một nghề. Đã là nghề thì phải dồn tâm sức cho nó, dầy công tu luyện. Nhưng nghề không để mưu sinh mà chỉ là nghề chơi. Thế mới có câu: “Trong sáu tỉnh người đà chưa tỏ/ Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh/ Yêu nhau trở lại xuân tình/ Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường”. Cũng vì thế, dù Quan họ được người hát coi là một nghề nhưng nghề này không để phục vụ mọi người mà chỉ để phục vụ cho chính họ.
Nói như vậy để thấy, giá trị xưa, đúng bản chất Quan họ hầu như không còn hiện hữu ở hội Lim cũng như ở những hội khác nữa, những yếu tố mang tính thời đại đã được bổ sung, thậm chí thay thế để phù hợp với đời sống đương thời. Tôi cho rằng đó là sự tất yếu, là con đường cho sự tồn tại của Quan họ ở khắp xứ Kinh Bắc ngày nay.
Giới nghiên cứu, văn nghệ sĩ và dân mê Quan họ ít chọn ngày 13 chính hội mà thường có mặt vào tối 12 để thưởng thức những canh Quan họ. Nhưng đương nhiên, sự xuất hiện của những vị khách không hát mà chỉ đến nghe thôi nếu xét ở góc độ của lối chơi Quan họ thực chất như xưa kia thì đã không còn đúng nữa.
Mở rộng ra, khi Quan họ hát trong lán trên đồi hay hát trên thuyền, khách vây kín một vòng tròn thì bản chất của Quan họ đã khác xưa. Lúc này, những người hát Quan họ là những nghệ sĩ và họ không hát cho nhau nghe mà phục vụ khán giả là những người ngồi kín xung quanh. Vậy tại sao ta lại đòi hỏi các liền anh liền chị phải đúng theo lối xưa? Trong khi chính sự xuất hiện của ta lại phá vỡ tổng thể xưa cũ.
Ở khía cạnh khác, nếu đúng lối hát trên thuyền xưa kia thì nhất nhất phải có hai chiếc, một thuyền nam và một thuyền nữ. Còn dù trên thuyền hay hát ở đâu thì nhất thiết phải hát đối đáp, đối giọng hoặc đối lời, có ứng tác trực tiếp. Giờ đây mấy khi được nhìn và được nghe những điều ấy khi thưởng thức Quan họ? Có nghĩa là về bản chất, sinh hoạt văn hóa Quan họ giờ đây đã khác xưa rất nhiều, đã mang dáng dấp của một nghề ca hát dân gian mang tính chuyên nghiệp. Cần nhìn nhận đúng để có cái nhìn khách quan hơn.
Nhưng vẫn nhận tiền
Anh hai Hữu Duy, Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, phục vụ tại sân khấu lớn trên đồi Lim năm nay, cho rằng khi khán giả thưởng tiền nếu không nhận còn bị cho là khinh hay thiếu tôn trọng. Anh chia sẻ: “Tôi còn nhớ có năm BTC lễ hội cấm Quan họ không được nhận tiền thưởng của du khách.
Quá bức xúc một số vị khán giả còn la mắng sao lại không cho họ thể hiện tình cảm với nghệ sĩ và họ còn lao lên tận sân khấu hoặc nhảy xuống tận dưới thuyền để đưa tiền tận tay chúng tôi”. Vậy cái cụm từ “Quan họ ngả nón xin tiền” anh thấy thế nào?. “Tôi xin nói lại là lấy nón nhận tiền chứ không phải xin tiền” - Hữu Duy chia sẻ.
Tuy nhiên anh cũng thừa nhận: “Hình ảnh này không đẹp lắm, bởi chiếc nón quai thao là một vật dụng để làm duyên của liền chị. Không nên lấy nón ra để nhận tiền. Và các nghệ nhân, nghệ sĩ ở Bắc Ninh đã không tái hiện hình ảnh này trong mấy năm gần đây”. Bản thân tôi cũng thấy cụm từ “ngả nón xin tiền” là hơi quá và chưa đúng với bản chất của điều này. Nếu là xin, người xin phải mở lời. Chẳng hạn như trường hợp các cung văn, khi phục vụ các giá hầu đồng, thường nói chen vào: “Tấu lạy cô, cô ban tài phát lộc…” thì đó mới là xin.
Tất nhiên, dù thế nào thì hiện tượng cho nhận ở nơi công cộng như hát hội trên thuyền vẫn làm cho không ít người nghĩ rằng nó phá đi mất cái tình tứ, duyên dáng vốn là bản chất của Quan họ. Vấn đề ở đây là nếu muốn dứt bỏ hoàn toàn việc này, ngành Văn hóa Bắc Ninh cần phải có một hoạch định cụ thể, quán triệt tinh thần và có hỗ trợ kinh tế xứng đáng cho các nghệ sĩ tham gia hát trên thuyền.
Đồng thời phải chú ý tái hiện được tốt nhất không gian văn hóa của lối hát trên thuyền, chẳng hạn phải có hai thuyền nam-nữ, đối đáp với nhau theo đúng lề lối, không hát nhạc mới và dân ca khác. Nhưng kể cả như vậy thì cũng chỉ giải quyết được ở một số hội trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, trong khi hát Quan họ trên thuyền đã rất phổ biến ở nhiều hội khắp Đồng bằng Bắc bộ từ Bắc Giang đến Hà Nội, Hưng Yên…
Nhìn lại hội Lim năm nay, các nghệ sĩ hát trên thuyền hay ở các chòi hát trên đồi vẫn được dân đến nghe hát thưởng tiền. Bản thân tôi khi dự canh hát ở nhà anh Hai Chiến cũng sẵn sàng bỏ ra một hai trăm ngàn đặt vào cái đĩa đã để sẵn ở giữa canh hát mà thấy lòng rất thoải mái.
Chợt nghĩ, nếu không có cái đĩa đấy, khách không mời mà tới dự từ đầu chí cuối mất vài tiếng trời như tôi, thậm chí tàn canh còn được gia chủ tha thiết mời ở lại thêm một chút để dùng bữa đêm cùng các liền anh liền chị cho ấm bụng mà không có chút tấm lòng tri ân cũng không sao thoát khỏi cảm giác áy náy. Cho nên khi chưa có một giải pháp hữu hiệu hợp lòng nghệ sĩ cũng như người đi chơi hội thì tôi nghĩ cũng nên coi việc Quan họ nhận tiền thưởng là điều cần được chấp nhận.