Kiếm gần 75.000 USD/tháng nhờ ăn xin ở Dubai

Chủ Nhật, 21/01/2018, 19:19
Chuyện tưởng như đùa nhưng lại đang xảy ra hằng ngày ở Dubai - một thành phố đồng thời là một trong 7 tiểu vương quốc của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nằm ở phía Nam của vịnh Ba Tư, thuộc bán đảo Arab.

Thống kê từ Cơ quan Cảnh sát Dubai cho biết, trong năm 2017, có gần 35.000 người đã bị bắt vì ở lại Dubai một cách bất hợp pháp. Con số này so với 49.205 người vào năm 2016 đã giảm nhưng vẫn là một con số khủng. Đáng chú ý là số người này phần lớn là mắc sai phạm trong việc nhập cư, đi ăn xin trái pháp luật…

Thượng tá Ali Salem Saeed Al Shamsi, người đứng đầu đơn vị điều tra chống tội phạm (CID) của lực lượng cảnh sát cho biết, trong số những người bị bắt thì có tới 2.000 người là người nước ngoài nhưng hành nghề ăn xin trái pháp luật.
Nhiều người nước ngoài tìm cách tới Dubai để hành nghề ăn xin. ảnh: Gulf News

Thượng tá Ali Salem Saeed Al Shamsi cho biết, trong 3 năm gần đây, số người nước ngoài (phần lớn đến từ châu Á và Trung Đông) tìm đến Dubai để hành nghề ăn xin ngày một đông. Nguyên do là vì tại tiểu vương quốc giàu có này, những người ăn xin chuyên nghiệp có thể kiếm được một số tiền lên tới 270.000 AED (tương đương 73.500 USD) mỗi tháng.

Nghĩa là đến Dubai thì không bao giờ sợ nghèo khổ. Hơn thế nữa, việc xin ở lại Dubai rất dễ và mọi người đều có thể xin visa tới UAE một cách hợp pháp với thị thực có giá trị trong vòng 3 tháng. Nếu khéo léo, trong 3 tháng đấy, sau khi đi ăn xin và trang trải các chi phí khác, người ta vẫn có thể để dành tới vài chục ngàn USD và trở về quê hương để bắt đầu một cuộc sống mới.

Faisal Al Badiawi, chủ một khu chợ ở trung tâm Dubai cho biết, trong số 59 người ăn xin mới bị Cảnh sát bắt giữ, có rất nhiều người nước ngoài mang hộ chiếu phổ thông với visa du lịch.

Faisal Al Badiawi nói: "Ban đầu chúng tôi nghĩ họ gặp khó khăn nên giúp đỡ nhưng rồi sau đó thấy họ thực hiện nghề ăn xin một cách quá chuyên nghiệp. Có khi họ chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần ngồi đầu chợ là mỗi ngày có thể kiếm được gần ngàn USD. Vì thế giờ chúng tôi cũng cảnh giác hơn, thấy có vấn đề gì khả nghi là gọi Cảnh sát".

Trong khi đó, Nawal Al Naqbi - một cư dân ở Dubai kể với The Khaleej Times như sau: "Họ là những người ăn xin chuyên nghiệp. Đối tượng của họ chủ yếu là những người giàu có. Bao giờ họ cũng chuẩn bị những câu chuyện thương tâm và cảm động như kiểu cả gia đình bị ly tán sau chiến tranh hoặc bản thân đang sống trong một vụ bị chiến tranh tàn phá… và cần được giúp đỡ khẩn cấp. Họ thuyết phục mọi người bằng những câu chuyện đó và kiếm được sự thông cảm của họ.

Lúc đầu, tôi cũng bỏ tiền cho những người như vậy nhưng sau đó tôi nhận thấy có gì đó không ổn và quyết định bỏ qua câu chuyện của họ"…

Thiếu tướng Khalil Ebrahim Al Mansouri thuộc lực lượng cảnh sát Dubai cho biết: "Vào ngày thứ 6, những người ăn xin có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi đứng trước các nhà thờ Hồi giáo vì đánh vào tâm lý của những người vừa đi lễ về và muốn làm việc thiện.

Thậm chí, nhiều người ăn xin đi đến Souq Naif trong tháng Ramadan vì nó là một trong những khu vực lâu đời, nhiều người cao tuổi sinh sống và các thương nhân vẫn giữ các giá trị truyền thống, sẵn sàng bố thí rất hào phóng". Và vì thu nhập quá hấp dẫn và dễ dàng nên hàng trăm khách, đặc biệt là khách châu Á đã thăm Dubai chỉ để làm ăn xin, tập trung nhiều trong mùa lễ hội Ramadan và Eid.

Cũng theo lời Thiếu tướng Khalil Ebrahim Al Mansouri, ở Dubai còn "kiểu ăn xin thông minh" là hành nghề bán hàng dạo. Những món đồ mà những người bán hàng dạo trên đường phố Dubai dùng để bán là hàng hết hạn hoặc bất hợp pháp.

"Bán hàng trên đường phố hay ăn xin đều là bất hợp pháp ở Dubai và là căn nguyên của các mối đe dọa an ninh. Chúng tôi đã tiến hành nhiều chiến dịch truy quét, bắt giữ, thậm chí trục xuất những kẻ ăn xin kiểu này nhưng số người đổ về đây để hành nghề ăn xin vẫn ngày một đông. Hiện một số băng nhóm ở Arab và châu Á đã bắt đầu đưa người ăn xin vào Dubai một cách hợp pháp sau đó ăn chặn tiền của họ", Thiếu tướng Khalil Ebrahim Al Mansouri nói.

Zakat, hay bố thí, là một số tiền nhất định được những người Hồi giáo giàu có cho người Hồi giáo nghèo và phải tương đương với 2,5% sự giàu có của một người. Đây là một trong năm bổn phận tôn giáo của người Hồi giáo. Do vậy, đa số người dân ở Dubai rất sẵn sàng chi tiền cho những ai ngửa tay xin.

Khánh Chi
.
.
.