Không khí ô nhiễm chẳng nhẽ chỉ biết ngồi chờ... trời mưa?

Chủ Nhật, 22/12/2019, 19:52
Suốt một tuần qua, Hà Nội liên tiếp nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới theo xếp hạng của Air Visual. Các chuyên gia đánh giá, đây có thể là đợt ô nhiễm không khí "khủng khiếp" nhất tại Hà Nội từ trước đến nay.

Trả lời báo chí, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết, theo số liệu từ 10 trạm quan trắc không khí trên địa bàn, những ngày qua chất lượng không khí tại Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. 

Có nhiều ngày liên tiếp chất lượng không khí luôn ở ngưỡng "Xấu" và "Rất xấu". So với cùng kỳ năm ngoái, năm nay chất lượng không khí kém hơn. Nồng độ bụi PM2.5 tại các trạm có thể lên đến >200 µg/m3 vào buổi sáng sớm, trong khi nồng độ bụi ngày cao nhất vào tháng 12 - 2018 vẫn <100 µg/m3.

Các chuyên gia cho biết, không khí Hà Nội hiện nay, ngoài bụi vô cơ, hữu cơ, khí thải, còn tồn tại một dạng bụi đặc biệt khác là bụi mịn. Có 2 loại bụi mịn là PM10 và PM2.5, nhưng nguy hiểm nhất là PM2.5. 

Đây là những hạt li ti trong không khí, có kích thước 2,5 micron trở xuống, nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người. Theo các chuyên gia môi trường, ở các đô thị lớn như Hà Nội, bụi mịn hầu hết được sinh ra từ khí thải giao thông như: xe máy, ôtô, xe buýt hay từ các loại máy móc nơi công trường xây dựng.

Trước tình trạng này, ngày 14-12, Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cùng đưa ra những khuyến cáo. Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT đã khuyến cáo người dân nên hạn chế vận động và tập thể dục ngoài trời, đóng các cửa sổ, cửa ra vào, đeo khẩu trang chống bụi mịn PM2.5 khi ra đường để bảo đảm sức khỏe. 

Cũng trong ngày 14-12, Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) phát đi khuyến cáo hướng dẫn người dân về công tác dự phòng, bảo vệ sức khỏe trước tác động của ô nhiễm không khí. 

Cụ thể, Bộ Y tế khuyên người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống Bộ TN&MT, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố. Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). 

Mọi người cần vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ. 

Mọi người nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm. Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp gas. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí….

Điều đáng nói là trong khi các cơ quan của Bộ TN&MT, Bộ Y tế tỏ ra sốt sắng trong việc cảnh báo người dân thì những ngày này, Hà Nội vẫn đang cho triển khai đào vỉa hè, thảm lại mặt đường trên nhiều tuyến phố. Và cũng không khó để bắt gặp những chiếc xe tải vẫn chở vật liệu xây dựng chạy trên phố khiến cho không khí càng thêm ô nhiễm vì bụi. 

TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, khi chỉ số chất lượng không khí ở địa phương nào xấu đột ngột, xấu kéo dài thì cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đó phải lập tức chỉ đạo kiểm tra và có giải pháp cấp bách xử lý như kiểm tra, xử lý triệt để các điểm đốt chất thải, rác không đúng quy định; kiểm tra, xử lý tình trạng vi phạm về bụi ở các công trình xây dựng; phun rửa đường để làm giảm bớt nguồn bụi phát tán trong không khí.

 Bên cạnh đó, phải tính đến các giải pháp tổng thể, lâu dài để giảm khí thải, bụi thải liên quan đến giao thông, xây dựng, dân sinh và các hoạt động sản xuất công nghiệp.

Tìm giải pháp cải thiện chất lượng không khí cho Hà Nội đã trở thành vẫn đề cấp bách. Chính quyền cũng như cơ quan chức năng từng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường, nếu ra đường thì nên đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi mịn, gây hại cho sức khỏe. 

Tuy nhiên, dù không khí ô nhiễm thì người lớn vẫn phải đi làm, trẻ con vẫn phải đi học, vì thế việc khuyến cáo người dân hạn chế ra đường chỉ có tính chất tham khảo chứ không thực tế. Vì vậy, thay vì ngồi đợi… trời mưa để rửa sạch không khí, đã đến lúc chính quyền thành phố cần có những việc làm thiết thực nhất để hạn chế ô nhiễm.

Tân Lương
.
.
.