Không có gì mà ầm ĩ cả

Khi cách mạng 4.0 gõ cửa

Thứ Tư, 27/09/2017, 20:15
Khái niệm cách mạng 4.0 lần đầu tiên đề cập năm 2011 đã cho thế giới biết có một cuộc "đại hồng thủy" sắp quét phủ toàn cầu. Câu chuyện trí tuệ nhân tạo, gọi tắt là AI (artificial intelligence) khiến con người thất nghiệp đang làm những trí "ngủ" bừng tỉnh.


Năm 2016, cách mạng 4.0 được bàn chính thức tại Việt Nam. Khi ấy, ông Chủ tịch FPT Software khiến gần 400 người tham dự sự kiện tỉnh ngủ bởi sự hài hước, dí dỏm với hình ảnh "Dark Factory (nhà máy không ánh đèn)". Đó sẽ là hình ảnh quen thuộc trong tương lai vô cùng gần bởi robot sẽ thay thế con người. 

Mà robot thì cần gì đến đèn, nghỉ ngơi, ăn nhậu, cà phê căng tin hay đi toilet. Robot không cần giải trí, những kỳ du lịch tắm nắng bên bãi biển. Robot không cần về nhà. Nó chẳng cần gia đình con cái. Robot không băn khoăn về sếp. Robot hùng hục cho đến khi hết đát thì lại được tái chế thành Robot mới. Nhân công giá rẻ không còn là thế mạnh của các nước nghèo. Những công việc lập trình hàng loạt thuộc về Robot và không thể có giá nào rẻ hơn sản phẩm của Robot.

Chủ tịch FPT Software dí dỏm nói :"Tôi xin chia buồn với nhiều anh chị ngồi đây bởi nguy cơ không còn nhân sự để tuyển dụng và quản lý nữa. Robot không cần đến các anh chị".

Nhà mạng lớn nhất Singapore, đang dùng chatbot (Một dạng hội thoại bằng phương tiện trí tuệ nhân tạo) để thay thế hàng nghìn nhân viên tại Call Center (trung tâm chăm sóc khách hàng).

Chatbot sẽ phân tích từ dữ liệu lớn (big data) rồi tự biết trả lời câu hỏi của khách hàng. 80 % câu hỏi được chatbot sẽ trả lời tự động, thậm chí còn trả lời đúng giọng tiếng Anh tương ứng với khách như Tiếng Anh kiểu Mã Lai hoặc Singapore. Cho dễ hình dung thì Chabot tại Việt Nam sẽ giao tiếp tương ứng với khách hàng bằng giọng Hà Nội, Sơn Tây, Thanh Hóa hay Quảng "Nôm".

Minh họa của Tả Từ.

Chớ hoài nghi cách mạng 4.0 bởi trước khi cuộc cách mạng này tuyên bố thì từng bước, nó đã thò từng "chân con sói" vào nước ta theo ngả Internet từ lâu.

Bạn chắc đã nhiều lần giật mình khi muốn mua cái cần câu chẳng hạn thì thấy trang Facebook cá nhân xuất hiện quảng cáo cần câu các kiểu và địa chỉ nơi cung cấp. Thực ra bạn đã bị theo dõi hành vi khi vô tình tìm kiếm đồ câu bằng vài từ khóa trên mạng. Qua đấy có thể thấy những nhân viên và lãnh đạo bán hàng cũng sớm phải "đứng đường".

Gần đây, taxi truyền thống đang kêu khóc vì bị Grab, Uber chiếm khách.

Xa hơn, khi cái máy tính đời 386 thời 1990 xuất hiện, chỉ một người gõ text và dàn trang đủ giải tán cả một phân xưởng mấy chục người sắp chữ chì của nhà máy in.

Thập kỷ 80 trở về trước, đi đâu cũng thấy các ban nhạc đệm cho ca sĩ nhưng từ khoảng những năm 2000 trở lại đây thì các ban nhạc "bốc hơi" mất tích. Ca sĩ xuất hiện với phần nhạc đệm giả lập thực hiện bằng máy tính. Một nhạc sĩ dùng các phần mềm soạn nhạc thông minh như Steinberg Cubase, Cakewalk Sonar đưa cả dàn nhạc giao hưởng giả lập vào tác phẩm nhạc nền. Họ đã "cho về hưu" chừng 80 nhạc công vĩ cầm, kèn đồng, kèn gỗ và bộ gõ lẽ ra phải đào tạo, nuôi ăn tập tốn kém mấy chục năm.

Trí tuệ nhân tạo sẽ chiếm tất cả. Ai sẽ bị người máy cho hưu sớm? Không trừ một ai. Tuy vậy, một số nhà nghiên cứu vẫn lạc quan rằng: Công việc mới sẽ hình thành và sẽ gánh một phần nhân sự. Tất cả những công việc quy trình đồng bộ là việc của robot. Con người thực sự chỉ tồn tại trong cái mới mẻ chưa bao giờ đồng bộ. Không đồng bộ là bản chất của sáng tạo vô tiền khoáng hậu chỉ có trong não người. An phận tư duy sáo mòn thì chúng ta cũng chỉ là những robot chạy bằng cơm mà thôi.

Chúng ta vẫn còn đất sống duy nhất là sáng tạo liên tục. Nhà thơ Yevtushenko nói: "Chẳng có ai tẻ nhạt trên đời". Sống là giải phóng tư duy.

Còn bạn. Bạn lựa chọn sáng tạo cá nhân hay tẻ nhạt một cách đồng bộ?

Lê Tâm
.
.
.