Không có gì mà ầm ĩ cả:

Hội chứng tâm thần tập thể

Thứ Tư, 13/01/2016, 09:06
Hôm trước, tôi hỏi đường ở khu Thành Công Bắc. Tôi gặp một bác xe ôm và hỏi thế này: “Phiền bác chỉ giúp tôi nhà K3 được không ạ !

Bác xe ôm nhìn tôi từ đầu đến chân rồi hỏi lại rất nhấn mạnh: CHỈ GIÚP hay HỎI ĐƯỜNG?”.

Thấy hơi lạ, tôi sửa lại câu hỏi: “Bác cho hỏi đường đến nhà K3 được không?”.

Bác xe ôm quay sang bác xe ôm khác bên cạnh cười cợt rồi tiếp: “CHỈ GIÚP hay HỎI ĐƯỜNG là phải dứt khoát, hế hế hế”.

Thấy mất thì giờ quá, tôi bỏ đi mặc cho họ cười hế hế sau lưng. Hình như số lượng người hâm đang tăng lên, ngày một rộng khắp.

Minh họa: Lê Tâm.

Có một ông sếp ăn nói rất chợ búa. Ngôn ngữ thường dùng của ông này luôn xát muối cho người khác đau. Nhưng khi tự nói về bản thân thì ông ta lại tự phê là tôi tính nóng, hay thẳng thắn, khẩu xà nhưng là tâm phật, tất cả cũng vì việc chung thôi. Nghe thế ai cũng thấy muốn rửa tai. Kết quả là người ta thường gọi ông ấy là thằng.

Mặc dù đài, báo, tivi, trường học từ vỡ lòng đến cấp III suốt bao nhiêu năm nói về truyền thống văn hóa "học ăn, học nói, học gói, học mở", nhưng hầu như những hành vi thường thấy trên đường phố thể hiện khả năng kiểm soát lí trí yếu kém. Dường như sự suy nghĩ, cân nhắc là một thứ xa xỉ.

Thí dụ như mua xăng là việc nhanh nhất, chỉ cần vài chục giây, nhưng chen nhau từng nửa bánh xe, dúi lốp xe bẩn vào bụng chân người ta, bẩn hết cả quần. Sau đó là đám đông kẹt cứng khó mà chui ra được.

Ra đường thì ai nấy phóng xe máy rất vội vàng, tìm mọi cách "vươn lên" lách qua khe của các phương tiện khác, chèn đầu ôtô, lúc nào cũng vội. Để làm gì? Thực ra chẳng có "công to việc nhớn" gì, chỉ là chạy cho đỡ cuồng chân...  Sau đó, sẽ ngồi nhấm nháp chén nước chè, hút điếu thuốc, nhả khói ở quán cóc nào đó, à ơi với một chủ quán béo ị mồm năm miệng mười.

Rất nhiều vụ đánh người thành thương, án mạng trong đám cưới, đám ma, liên hoan đều xuất phát từ mâu thuẫn vài nhời chả đâu vào đâu. Sau khi mồ yên mả đẹp rồi thì hung thủ cứ vật vã ân hận rồi ra đầu thú. Mà thực ra người bị hại và hung thủ có quan điểm giống hệt nhau, chỉ vì cách diễn đạt gây ngứa tai mà xảy chuyện. Vì sao? Vì chỉ hành động theo thói quen. Một tay cửu vạn hay một nhà nghiên cứu rất hay có thói quen tự hào về sự thẳng tính của mình. Nhiều khi bằng tấm bình phong mang tên thẳng thắn, họ chê công trình của nhau ác khẩu đến mức gây hằn thù không còn muốn nhìn mặt nhau.

"Tính tao nó thế, vuông góc vỗ mặt luôn, không vòng vèo"; "Em sống tình cảm, phải cái cục tính. Anh ạ"; "Em ấy mà... nhất là bét... sợ gì bố con thằng nào"; "Em sống là bản năng lắm anh ạ" (câu này thường là sự tự hào của dân nghệ sĩ, văn chương). Trên đây là mấy mẫu câu thường nghe.

Người ăn nói cân nhắc thì bị gán cho cái mác vòng vèo, không thật. Vì thế, mọi nỗ lực đều vươn tới huỵch toẹt. Huỵch toẹt thì gần với hỗn xược. Hỗn xược thì gần với sự thù hận.

"Sống thật" hay "sống không thật" dù sao cũng không thể bằng "sống hay". Muốn "sống hay" thì phải dùng cái đầu. Không phải người văn hóa “Chí” không biết tác hại của lối sống chỉ hành động mà không suy nghĩ. Nhưng đã ngấm vào máu rồi, khó chừa lắm.

Thực ra có thể gọi lối sống kiểu này là một hội chứng tâm thần tập thể, một bệnh xã hội có nguy cơ lây nhiễm cao. Bực mình nhất là văn hóa Chí lại phát triển ở nơi địa linh kinh đô rồng cuộn hổ ngồi. Thật phụ công Lý Thái Tổ mất công chọn lựa.

Giao tiếp thanh nhã là một phép ứng xử có kiểm soát, thể hiện sự trưởng thành chứ không phải sự màu mè thủ đoạn. 

Người ta bảo lời nói gió bay. Sao khen thì phổng mũi, chê thì bầm gan tím ruột.

Còn bạn. Bạn có tiếp thu được lời ai đó mỉa vỗ mặt bạn trước đám đông không?

Lê Tâm
.
.
.