Học cao càng dễ thất nghiệp

Thứ Hai, 11/01/2016, 08:00
Cùng một thời điểm, các trang mạng xã hội đưa 2 sự việc khiến nhiều người quan tâm, chia sẻ. Việc thứ nhất, đó là hình ảnh một thanh niên 9X quỳ trước cổng Đài Truyền hình Việt Nam, hai tay cầm tấm biểu ngữ xin việc, trên đó viết: "Tôi ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Xin làm ơn hãy cho tôi có việc làm là nhân viên bán hàng. Mong nhà tuyển dụng giúp đỡ tôi".
Sau khi tấm ảnh lan truyền chóng mặt, các cư dân mạng đã nhanh chóng xác minh và biết rõ hơn về thanh niên có hành động… kỳ quặc này. Anh ta tên Hải, vì học kém nên hết lớp 6 bỏ học, ở nhà chơi và bố mẹ vẫn phải nuôi. Gia cảnh anh này cũng không khấm khá gì, bố đi xe ôm, mẹ làm nông nghiệp. Anh có nguyện vọng làm nhân viên bán hàng nhưng không được vì các nhà tuyển dụng nêu lý do anh không có bằng cấp.

Việc thứ hai là đoạn chia sẻ đầy xúc động của Facebooker Thanh Chip trên trang cá nhân về người chồng sẵn sàng nghỉ việc, ở nhà bán bánh mỳ kebab để có điều kiện chăm vợ đẻ đã nhận được nhiều sự quan tâm, với hơn 37.000 lượt thích, hơn 5.000 người chia sẻ, trong đó phần nhiều là ngưỡng mộ. Chàng thanh niên này tên Hoạt, sinh năm 1991, quê Thái Bình, hiện sống ở quê vợ Hạ Long, Quảng Ninh.

Thanh Chip tâm sự: "Trước khi nghỉ việc, anh ấy làm quản lý nhân sự trưng bày của một công ty khá lớn ở Quảng Ninh. Đây không phải là lần đầu tiên anh từ bỏ công việc, chức danh vì gia đình, bởi lẽ trước đó, anh cũng đã bỏ một vị trí tốt ở công ty trên Hà Nội để theo tôi về Hạ Long xin cưới. Vì trước đó bố mẹ không đồng ý nếu mỗi đứa một nơi"…

Hai sự việc trên khác nhau về nhiều điểm và thật khiên cưỡng khi so sánh 2 người thanh niên này. Nhưng, có một điểm chung để chúng ta nhìn nhận sự việc và hiểu thêm về 2 người này, đó là việc làm. Một người cần việc làm nhưng không được (vì trình độ học vấn), còn người kia có công việc khá tốt, mức lương ổn định thì sẵn sàng từ bỏ vì anh ta cho rằng: Lương hơn chục triệu một tháng vẫn đói vì là người làm thuê, chi bằng ở nhà tự mình kinh doanh, vừa có thu nhập lại có điều kiện chăm sóc vợ con.

Tất nhiên, 2 người thanh niên này không thể hoán đổi công việc cho nhau vì họ ở 2 vị trí khác nhau, điểm xuất phát không giống nhau, nhưng cả 2 đều trẻ và đều có thể tự quyết định ngã rẽ của đời mình với phương châm: Hãy cứu mình trước khi người khác ném phao cho!

Minh họa của Lê Tâm

Từ hai câu chuyện trên, tôi muốn nói về một câu chuyện khác đang nóng trên các diễn đàn suốt những ngày vừa qua, đó là tình trạng sinh viên thất nghiệp hiện nay. Ở nước ta, trung bình mỗi quý có thêm gần 25.000 người tốt nghiệp đại học và sau đại học thất nghiệp. Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo "Công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam quý 3-2015", do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa tổ chức tại Hà Nội. Nếu thanh niên theo đuổi các nghề hàn lâm thì càng lên cao số lượng người thất nghiệp càng nhiều.

Người bạn tôi sống ở Hà Lan gần ba chục năm, có 2 con tốt nghiệp đại học bên đó đã chia sẻ trên Facebook về nền giáo dục tại đất nước này: Học hết THCS, chỉ có 35-40% học sinh được học tiếp THPT, số còn lại phải học nghề ngay. Số được chọn học tiếp THTP phải học một năm chung, người ta gọi là cầu chuyển tiếp (brugklas).

Trên cơ sở kết quả một năm học, bạn sẽ được chọn đi tiếp để theo đại học hay cao đẳng. Nếu bạn yếu quá thì chuyển xuống học nghề. Tới lúc này, bạn không thể nhảy lung tung các trường vì cơ hội không còn cho bạn. Bù lại, bạn được học các ngành bạn yêu thích ứng với các môn sở trường của bạn. Giáo dục Hà Lan vô cùng đắt đỏ, nhưng phụ huynh chỉ cần phụ giúp một phần nhỏ, còn tất cả là nhà nước tài trợ.

Hà Lan là một đất nước giàu có ở châu Âu, với 17 triệu dân nhưng chỉ có 12 trường đại học, trong khi đó số trường dạy nghề thì nhiều vô cùng vì có tới 60-65% học sinh học nghề. Còn ở Việt Nam, theo khảo sát mới nhất, trong năm học 2014-2015, cả nước có 219 trường đại học, 217 trường cao đẳng (không tính các trường thuộc khối an ninh, quốc phòng, quốc tế). Trung bình mỗi năm chỉ có gần 10% các em học sinh trượt đại học đến với trường dạy nghề.

Các trường đại học, cao đẳng quá nhiều mà không cần biết đến đầu ra. Phải chăng bài toán thất nghiệp của chúng ta mãi rơi vào bế tắc như thế?

Tuấn Nguyễn
.
.
.