Hộ chiếu mang giới tính "X" đầu tiên ở Pakistan
Công việc thuận lợi hơn nhờ hộ chiếu đặc biệt
Người may mắn được các cơ quan chức năng Pakistan cấp hộ chiếu là Farzana Jan, một người chuyển giới ở thành phố Peshawar. Farzana Jan nói rằng, tấm hộ chiếu mới sẽ giúp cô thực hiện tốt hơn chiến dịch đấu tranh bảo vệ cho cộng đồng "khawajasiras" - một cụm từ tiếng Pakistan nói về những người thuộc cộng đồng thế giới thứ ba.
"Tôi rất vui khi nhận hộ chiếu mới. Trong hộ chiếu này, phần giới tính của tôi được ghi là X, không phải là nam hay nữ. Trước đó, tôi đã có hộ chiếu ghi giới tính là đàn ông. Tôi nói với các nhà chức trách rằng, sẽ không chấp nhận hộ chiếu nếu giới tính của tôi không ghi rõ là "người chuyển đổi giới tính", Farzana, 30 tuổi, người sáng lập Tổ chức TransAction nói với phóng viên hãng tin AFP vào thứ bảy tuần trước.
Farzana Jan là người đầu tiên ở Pakistan được cấp hộ chiếu mang giới tính "X". |
"Có hộ chiếu mới, tôi sẽ thuận lợi hơn khi đi du lịch nước ngoài. Trước đó, tôi thường xuyên phải đối mặt với các vấn đề tại sân bay vì sự mâu thuẫn giữa ngoại hình và giới tính được ghi trên hộ chiếu", Farzana nói tiếp.
Theo một số nghiên cứu, số người chuyển giới ở Pakistan hiện có hơn nửa triệu người. Có người chuyển giới kiếm sống bằng cách làm các công việc như thực hiện nghi thức ban phước lành cho trẻ sơ sinh, hát, nhảy múa tại các đám cưới, tiệc tùng. Tuy nhiên, phần lớn người chuyển giới vẫn phải sống trong tình trạng bị phân biệt đối xử, bị tống tiền, kiếm sống qua ngày bằng cách đi ăn xin và bán dâm.
Được biết, Pakistan là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thừa nhận tính hợp pháp của những người mang giới tính thứ ba vào năm 2009. Pakistan cho phép những người chuyển giới được xác định lại giới tính trên chứng minh nhân dân hay tham gia bầu cử. Trong khi đó, đồng tính luyến ái bị cấm trong thế giới Hồi giáo. Người có quan hệ đồng tính có thể bị phạt 10 năm tù giam hoặc đánh 100 roi ở Pakistan.
Video giới thiệu dàn nhân viên chuyển giới gây sốt mạng xã hội
Gần đây, đoạn video giới thiệu dàn nhân viên chuyển giới của một công ty tàu điện ngầm ở Ấn Độ đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem khi đưa lên mạng internet. "Bạn có ngạc nhiên khi thấy tôi trong bộ đồng phục này?
Tôi muốn bạn nhìn thấy sự nỗ lực của chúng tôi chứ không phải sự thương hại", một nhân viên chuyển giới nói. Đoạn video được đăng tải trên trang Facebook chính thức của bang Kerala ở miền Nam Ấn Độ sau khi các nhân viên chuyển giới được tuyển chọn làm việc trong một công ty quản lý tàu điện ngầm ở thành phố ven biển Kochi. Công ty này có kế hoạch tuyển dụng 60 người chuyển giới khi dịch vụ đường sắt mở rộng.
Những người chuyển giới ở Ấn Độ nói rằng, họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bạo lực, không dễ tìm việc làm mặc dù vào năm 2014, Tòa án tối cao đã phán quyết, các quyền cơ bản của người chuyển giới đều được pháp luật bảo vệ. Ước tính, Ấn Độ hiện có hai triệu người chuyển giới.
Đoạn video giới thiệu của các nhân viên chuyển giới thuộc công ty tàu điện ngầm ở Ấn Độ thu hút 1,5 triệu lượt xem trên mạng xã hội. |
"Cuộc sống của tôi đã thay đổi. Cha mẹ tôi hạnh phúc. Tôi được sống như một con người bình thường", Jasmine, một trong những nhân viên chuyển giới nói. Nhân viên Neena chia sẻ có khát vọng tiến xa hơn trong công việc. "Tôi thích công việc hiện tại nhưng chưa thỏa mãn về điều đó. Tôi đã hoàn thành khóa học về quản lý khách sạn và mong đợi sẽ có một vị trí quản lý ở Metro Kochi", Neena nói.
Reshmi CR, người phát ngôn của Metro Kochi nói rằng, công ty quyết định tuyển dụng lao động chuyển giới vì tình trạng bạo lực nhằm vào người chuyển giới tăng cao, các nạn nhân không tìm được việc làm, phải ăn xin kiếm sống. Hiện nay, các nhân viên đang gặp khó khăn về chỗ ở và Metro Kochi đang cố gắng tìm ký túc xá cho họ.
"Chúng tôi nhận được rất nhiều câu hỏi từ các nhà tuyển dụng khác về việc thuê người chuyển giới. Có người không đồng tình với quyết định của Kochi Metro nhưng khá nhiều người hỗ trợ và khuyến khích chúng tôi", ông Elias George, Giám đốc điều hành của Kochi Metro chia sẻ.