Hành trình đi tìm chữ Việt Cổ
Không biết bao nhiêu lần, cầm trên tay cuốn sách viết lại hành trình đi tìm chữ của người Việt cổ của mình, ông Đỗ Văn Xuyền vẫn rưng rưng xúc động. Đối với con người mà cả cuộc đời và tâm huyết dành cho cuộc tìm kiếm hồn túy của dân tộc từ chữ viết thì đó là niềm hạnh phúc.
40 năm lăn lội, đơn độc, thậm chí đánh cược cả cuộc đời, nhưng ông Xuyền chỉ có một tâm niệm duy nhất, một ngày nào đó, chữ của người Việt cổ được thừa nhận để chúng ta có thể tự hào là một dân tộc có chữ viết mà không phải vay mượn.
Nỗi buồn muôn thuở
Từ lâu, nhiều người vẫn quen với suy nghĩ rằng Việt Nam không có chữ viết. Chữ Nôm rắc rối phức tạp xưa là do các cụ nhà ta cải tiến từ chữ Hán; còn chữ Quốc ngữ với mẫu tự La-tinh thì được gán cho là công lao của A-lếch-xan-đơ-rốt… Với ông Đỗ Văn Xuyền thì đó là một nỗi buồn vạn thuở. Bởi thực tế thì ngược lại. Đông Nam Á mà chủ đạo là Việt Nam đã có một nền văn hóa tiền sử phát triển rất sớm, tiên tiến và nhanh chóng - sáng tạo và sống động chưa từng thấy nơi nào trên thế giới.
Và nhiều nghiên cứu của thế giới xác nhận khi năm 1923, một nhà nghiên cứu người Pháp Madeleine Colani phát hiện ra ở vùng Lam Gan, tỉnh Hòa Bình, Việt Nam những đồ đá, dấu tích động thực vật và những đĩa gốm có khắc chữ có tuổi đời C14 là 10.000 năm làm chấn động thế giới...
Nhưng hàng nghìn năm trôi qua, chúng ta vẫn chưa tìm thấy chữ của người Việt cổ. Hành trình đó đã đánh đổi bằng nước mắt, bằng sự khó nhọc, thậm chí bằng cả máu và tính mạng của rất nhiều người. Đó là nhà chí sĩ yêu nước Phạm Thận Duật, hay Philip Bỉnh, Trương Định, rồi sau này là Giáo sư Hà Văn Tấn và rất nhiều người tâm huyết với cuộc tìm kiếm này nhưng chưa ai chạm tới hình hài chữ của người Việt cổ.
Trong câu chuyện nhuốm màu phiền muộn, ông Xuyền kể cho tôi nghe hành trình nhọc nhằn và đơn độc của mình. Và có lẽ, chỉ có một hành trang duy nhất mà ông mang theo, đó là tình yêu và lòng tự tôn dân tộc mà con người đó đã đánh cược cả cuộc đời mình cho cuộc tìm kiếm này.
Với nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền, thì cuộc gặp gỡ này như là một định mệnh. Ông đã từng có một cuộc đời bôn ba khắp chốn cùng nơi. Học rộng, hiểu biết nhiều, nhưng không tìm được đất dụng võ, ông trở về Phú Thọ làm nghề dạy học.
Trong một lần đào xới để khởi công một dự án ở Việt Trì, Phú Thọ, rốn của kinh đô Văn Lang xưa, đã phát lộ ra một di chỉ văn hóa với rất nhiều dụng cụ bằng đồng. Đó là những di chỉ thuộc làng Cả, trong đó có dấu tích của chữ viết. Cầm những chiếc rìu, búa có khắc chạm chữ viết của người xưa, ông Xuyền rưng rưng. Hình như có một sợi dây vô hình nào đó nối liền quá khứ với hiện tại và ông chính là người đảm nhiệm sứ mệnh bắc cầu nối đó. Ông bảo, ông đã tìm ra hướng đi cho cuộc đời mình, đi tìm chữ viết của người Việt cổ.
Câu đối của chữ Việt cổ. |
Ráp nối tất cả những tư liệu trong sách vở, ông phát hiện ra nhiều chi tiết thú vị. Đó là năm 178 sau Công nguyên, Sỹ Nhiếp đã ra lệnh cho người Việt học chữ Hán và nhà nào giữ chữ Việt cổ đều bị giết cả nhà. Hay như bộ tài liệu "Chữ Thái Tổ Tự" được Tri châu Điện Biên Phạm Thận Duật phát hiện ra từ năm 1855-1856, được NXB Văn hóa biên tập, phiên dịch và in vào năm 2000, hiện còn lưu giữ ở nhiều thư viện.
Hành trình đơn độc
Ông kể: "Từ những năm 60, tôi đã tìm tòi, nghiên cứu trong nhiều sách vở, tài liệu không phân biệt Đông Tây kim cổ, miễn là tìm ra các bằng chứng xác đáng. Tuy nhiên, quá trình tìm kiếm đó gần như không đem lại kết quả khả quan nào. Có cảm giác như càng đọc, càng tìm, càng mơ hồ hơn. Nhưng trong sâu thẳm tâm trí tôi lúc nào cũng có một ý nghĩ xuyên suốt thúc giục, chắc chắn sẽ tìm ra được chữ viết của Tổ tiên.
Và rồi, ý tưởng mới lóe lên, tại sao ta cứ phải phụ thuộc vào tài liệu nước ngoài, trong khi có thể tìm lại từ chính căn cứ của dân tộc mình, đất nước mình. Từ chính hướng thay đổi này, tôi đã có nhiều phát hiện mới mẻ và ngày càng rõ ràng hơn. Quá trình trở về với nhân dân, đi vào đời sống của nhân dân đã giúp cho tôi nhìn thấy những mảnh vỡ của quá khứ, tạo ra động lực để chúng ta khẳng định lại nguồn cội của cha ông, tổ tiên ta".
Biểu tượng con rùa đá khắc chữ Khoa Đẩu của vua Hùng tặng vua Nghiêu năm 2345 TCN. |
Trong nhiều năm, ông đã về các vùng quê nghiên cứu về ngôn ngữ Việt cổ, cả ngôn ngữ vùng Bách Việt cũ, để tìm cách phá bỏ lớp vỏ ngụy trang và giải mã, khôi phục nguyên hình bộ ký tự đặc biệt này. Từ đó, có cơ sở để có thể đi đến kết luận chắc chắn: Bộ chữ này là bộ chữ Việt cổ nguyên sơ. Rồi ông tìm về Tây Bắc (vùng Thập Châu xưa), lần đầu tìm được một bản "Phạm Thận Duật toàn tập", phải mất tới 2-3 năm sau mới phá được các lớp "ngụy trang" của cuốn sách để tìm ra bản chất của vấn đề. Để làm được như vậy, ngoài am hiểu tiếng Anh, Pháp ông còn học thêm tiếng Bồ, Latinh, tiếng Thái… để lấy đó làm căn cứ phân biệt, phân tích các chữ viết khác nhau.
Dấu chân ông đã in mòn trên những vùng đất có dấu tích của người Việt cổ, Lập Thạch, Việt Trì, Sa Pa... rồi những vùng hoang vu của núi rừng Tây Bắc, những đình chùa miếu mạo khắp cả miền Bắc. Lần đầu tiên ông đến xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc, tìm thất bài văn khắc trên rùa và ngôi đền thờ thầy cô giáo từ thời Vua Hùng ở Phú Thọ vẫn được người dân truyền kể cho nhau nghe. Những mảnh vỡ của quá khứ dần được chắp nối lại, ông Xuyền tâm niệm, tìm lại được chữ viết để nâng dân tộc mình lên và tìm lại tổ tiên.
Hành trang trong mỗi chuyến đi của ông, chỉ vỏn vẹn chiếc ba lô, ít lương khô và quần áo. Những chuyến đi của ông Xuyền luôn trong tâm thế, mình sẽ chết trước khi tìm ra chữ viết, thế nên, tìm được bất cứ thông tin gì, ông đều phôtô lại hàng nghìn bản, gửi đi khắp mọi nơi. Tiền nợ phôtô lên tới hàng triệu đồng. Cửa hàng phôtô gần nhà lúc đầu ngần ngại không cho ông nợ. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa công việc ông làm, họ đã cho ông nợ đến khi nào có thì trả.
Những bản phôtô của ông Xuyền được gửi đi khắp nơi. Và cũng từ đó, ông nhận được nhiều thông tin từ mọi người. Nghe nơi nào có chữ lạ là ông lại tìm đến. Nhưng lúc đó, ông vẫn chưa giải mã được bí ẩn của câu chuyện. Nếu còn chữ thì nó còn ở trong dân. Ông khớp nối cả hai ngôn ngữ và ký tự nhưng vẫn chưa ra hình hài của chữ người Việt cổ. Ông Xuyền kể, một đêm, ông chán quá, cảm giác như mình đã bất lực trong cuộc tìm kiếm này, ông ngồi lặng bên bàn làm việc, thắp nến. Và trong ánh nến mờ ảo, người ông bỗng run bắn lên. Những con chữ được chắp nối lại như những đoàn nòng nọc cứ thế nối đuôi nhau diễu hành trước mắt ông.
Đó là thứ chữ viết mà ông tìm thấy trong những cuốn sách cổ có ký tự lạ ở Sơn La. Những chữ này nhìn qua tưởng chữ tượng hình, nhưng thực tế, lại là chữ tượng thanh. Nhiều ký tự trong các cuốn sách dùng để ghi âm tiếng nói của người Việt cổ. Nhiều dân tộc vùng Tây Bắc đã sử dụng, lưu giữ, bảo tồn loại chữ này suốt thời kỳ Bắc thuộc và kéo dài đến khi xuất hiện chữ quốc ngữ, thậm chí đến nay vẫn sử dụng.
Để chứng minh được khả năng "ghi âm" của những ký tự này, ông đã phải đi khắp Việt Nam để thực hiện các cuộc ghi âm, phỏng vấn. Ngay khi nghe tin trong Tây Ninh có tộc người Tà Mun từ Tây Nguyên chuyển về, họ tự nhận là dân tộc Việt, ông đã vào Tây Ninh tìm hiểu. Ông Xuyền tin rằng, tộc người này đúng là người Việt cổ, vì họ nói bằng thứ tiếng Việt cổ hoàn toàn không có dấu.
40 năm miệt mài tìm kiếm. Lòng tự tôn dân tộc, tình yêu giống nòi đã khiến ông hy sinh cả cuộc đời mình cho cuộc tìm kiếm khó khăn này. Không tiền bạc, không có bất cứ nguồn hỗ trợ nào. Ông nói: "Tôi như Đông ki sốt cứ lao vào đánh nhau với cối xay gió". Để có những khoản kinh phí eo hẹp cho những chuyến đi của mình, ông Xuyền đã phải hai lần cắm sổ đỏ vay tiền. Có lần, ông sửa nhà rất khang trang, không phải để ở cho đàng hoàng mà để cắm sổ ngân hàng vay được nhiều tiền hơn. Ngay cả sổ hưu của ông Xuyền cũng thường xuyên nằm trong ngân hàng. Thế nhưng, điều trăn trở của ông không phải là vấn đề tài chính, dù ông đã cạn kiệt mà là những dự định lâu dài.
Ông nói: Về cơ bản, ông đã tìm ra hệ thống chữ viết của người Việt cổ, và ông sẽ tạm dừng cuộc hành trình ở đây. Nhưng ông rất mong mỏi, có sự đóng góp ý kiến và tham gia của các nhà nghiên cứu, các cơ quan Nhà nước, để hệ thống chữ mà ông tìm thấy một lúc nào đó có thể chính thống được thừa nhận và khẳng định. "Tôi chỉ mới tìm được chìa khóa chứ chưa mở được cánh cửa vào quá khứ". Công việc đó cần có những người tiếp nối.
Ông Xuyền và những người bạn tâm huyết đang lập một trung tâm nghiên cứu, bảo tồn và phát triển chữ Việt cổ. Nơi đó, ông sẽ nhận dạy những ai có ý định học chữ viết của người xưa. Và chuẩn bị cho sự ra đời của một cuốn sách Chữ Việt cổ và nền giáo dục thời Hùng Vương. Nhưng hình như, tâm nguyện của một con người cả cuộc đời dành cho dân tộc ấy vẫn còn đầy "chông gai"...
Theo nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền, sau khi phá bỏ lớp ngụy trang và giải mã, ông đã làm hiện nguyên hình một bộ ký tự với những đặc điểm: Bộ ký tự này không có dấu, có đủ các nguyên âm và phụ âm cơ bản như chữ quốc ngữ. Tất cả những thông tin cụ thể về hệ thống chữ viết của người Việt cổ đã được ông Xuyền biên soạn lại đầy đủ trong cuốn sách Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ. |