Hàng triệu bé gái bị bỏ rơi
Buôn bán trẻ em bất hợp pháp đã trở thành một vấn nạn khó giải quyết tại Trung Quốc. Khi người nước ngoài muốn nhận nuôi trẻ em Trung Quốc, họ tìm đến các trại trẻ mồ côi. Tuy nhiên, người Trung Quốc hiếm khi làm thế. Thay vào đó, họ sử dụng mạng xã hội và các kênh không chính thức để tìm mua trẻ làm con nuôi.
"Là bé gái, dự kiến sinh vào cuối tháng 11. Cha mẹ bé quyết định từ bỏ con vì hoàn cảnh gia đình; chúng tôi có thể cung cấp giấy tờ pháp lý." - Đây là một tin rao vặt trên WeChat, một trang mạng xã hội phổ biến tại Trung Quốc.
Một cuộc điều tra gần đây của tờ Thời báo Bắc Kinh đã phát hiện ra mẩu tin trên cùng hàng loạt tin rao vặt tương tư, hé lộ một mạng lưới những kẻ mua bán trẻ chưa sinh và mới sinh cho các gia đình nhận làm con nuôi.
Nhiều gia đình muốn mua trẻ bắt cóc hơn là nhận từ các trung tâm từ thiện. |
Nhiều gia đình muốn nhận nuôi bé trai để có người nương tựa khi tuổi già. Yêu cầu của họ phải là những bé trai khỏe mạnh, nhưng rất khó tìm bé trai trong các trại trẻ mồ côi, vì đại đa số trẻ đều là bé gái. Hàng triệu bé gái đã bị bỏ rơi sau khi sinh vì chính sách một con mà nay đã được thay thế bằng chính sách hai con của Trung Quốc.
Hơn nữa, các gia đình cũng khó tìm được trẻ khỏe mạnh trong các trại mồ côi. Theo báo cáo của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vào năm 2012, tại nhiều trại trẻ mồ côi có đến 90% cháu khuyết tật bị bỏ rơi vì cha mẹ không có đủ điều kiện chữa trị cho chúng.
Trong khi đó, những trẻ khỏe mạnh bị bỏ rơi thường không bị đưa vào trại trẻ. Đối với những trẻ khỏe mạnh, một số bệnh viện bán chúng như món hàng, như vậy họ tránh không phải báo cáo về đứa trẻ, cũng như tránh thủ tục chuyển đứa trẻ vào chế độ chăm sóc của nhà nước, theo báo cáo năm 2015 từ tờ Nhân dân nhật báo.
Khoản lệ phí cao khiến nhiều người ngại nhận con nuôi từ trại trẻ mồ côi. Với một số trại trẻ khoản phí khoảng 10.000 nhân dân tệ (khoảng 33 triệu đồng Việt Nam) cho một đứa trẻ.
Trong khi đó, các trại trẻ mồ côi luôn cố gắng tăng thu nhập vì nguồn ngân sách eo hẹp từ chính phủ. Họ thậm chí còn đòi lại những đứa trẻ đã được nhận nuôi để giao cho một gia đình khác trả giá cao hơn. Vào năm 2009, Chen Zaihua, một người dân ở Thành phố Nam Kinh đã bị đòi lại đứa con nuôi Yan Yan của mình khi trại trẻ mồ côi cho ông biết, có một gia đình tại Pháp sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn cho đứa bé.
Một ông bố vui mừng tìm thấy con bị bắt cóc. |
Những người nhận con nuôi còn bị đề nghị phải đóng góp cho trại trẻ với số tiền không nhỏ. Ông Zhang Wen, người từng là nhân viên lao động xã hội về vấn đề nhận con nuôi tại Mỹ, đã nói với Southern Metropolis Daily rằng, những cha mẹ nuôi hải ngoại thường bị đòi tiền quyên góp cho trại trẻ.
Ông Zhang nói: "Vào năm 2000, khoản tiền quyên góp khoảng 3.000 USD (khoảng 67 triệu đồng Việt Nam). Vào năm 2005, số tiền đã tăng lên 5.000 USD. Điều này đã khuyến khích các văn phòng địa phương và trại trẻ mồ côi tìm kiếm cha mẹ nuôi cho trẻ ở nước ngoài".
Chính sách một con cũng góp phần tăng nguồn cung trẻ em khỏe mạnh cho các trại trẻ. Vào năm 2009, tờ Southern Metropolis Daily đưa tin, các quan chức kế hoạch hóa gia đình tại tỉnh Quý Châu đã bắt giữ ba bé gái của một gia đình vì họ không có tiền nộp phạt sinh nhiều con. Sau đó, các trại trẻ mồ côi lần lượt tìm được cha mẹ nuôi cho các bé gái này ở nước ngoài.
Vậy nên, nhiều người Trung Quốc muốn tìm con nuôi vẫn đi tìm các nguồn mua bán bất hợp pháp, nơi họ có nhiều lựa chọn hơn về giới tính, sức khỏe và chi phí. Một cư dân mạng trên trang Zhihu thậm chí còn bình luận rằng, mua một bé trai bất hợp pháp còn rẻ hơn là nhận nuôi một bé gái ở trại trẻ mồ côi.