Google, Facebook ‘dẫn đường’ đến miền đất hứa
"Cẩm nang" Google và Facebook
Khi Alaa Salah, 26 tuổi mất việc trợ lý hành chính của Liên Hợp Quốc (UN) tại Syria vào năm ngoái, cô đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Alaa Salah buồn vì không có việc làm để nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Cô nghĩ tới việc rời bỏ đất nước đến miền đất hứa châu Âu.
"Tôi đã lên mạng Internet, vào Google để tìm kiếm thông tin về cách di chuyển từ Syria đến châu Âu và tìm thấy lượng thông tin khổng lồ hướng dẫn cách di chuyển. Tất cả được cập nhật trên nhiều trang web và cả facebook", Alaa Salah nói.
Qua Facebook, Salah cũng có được thông tin chi tiết về số tiền phải trả cho các băng đảng buôn người di cư và làm thế nào để trả tiền cho họ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Cô phát hiện ra sự khác biệt trong đối xử của các chính phủ châu Âu với người tị nạn và làm thế nào để đối phó với các quan chức nhập cư. "Tôi biết tất cả những gì đang chờ mình ở phía trước. Tôi thậm chí còn biết những loại thực phẩm được phục vụ trong các trại tị nạn khác nhau trên khắp nước Đức", Salah nói.
Ở Syria hiện xuất hiện nhiều trang Facebook giúp người dân tìm kiếm cuộc sống tốt hơn ở châu Âu. "The Garages Of The Unsettled" hiện là trang Facebook có số lượng người tham gia đông nhất, với hơn 115.000 thành viên. "The Garages Of The Unsettled" được thành lập cách đây ba năm chuyên tư vấn về các tuyến đường di cư, giá di chuyển cùng nhiều kiến thức cần thiết khác cho cuộc di cư. Kenan Da, 26 tuổi, một trong 10 quản trị viên của trang Facebook nói rằng, mọi người đang cố gắng chia sẻ kinh nghiệm với những người có ý định di cư.
"The Garages Of The Unsettled" cũng là một "trạm cứu thương" cho những người di cư đang trong lộ trình di chuyển. Chúng tôi cố gắng giúp những người di cư gặp khó khăn trên biển bằng cách nhờ các thành viên khác liên lạc với lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc đưa ra chỉ dẫn về tuyến đường đi tốt nhất. Các thành viên của nhóm cũng sử dụng Facebook để giao tiếp với bạn bè và gia đình ở nhà.
Điện thoại thông minh giúp những người di cư tìm đến miền đất hứa trong thời kỳ công nghệ số. |
Ngoài Facebook, Google Earth, WhatsApp cũng là công cụ quan trọng mà nhiều người di cư sử dụng. Điểm mạnh của WhatsApp là có thể hoạt động tốt với tín hiệu Internet yếu. Người sử dụng WhatsApp có thể thông báo vị trí của mình cho các thành viên khác trong đoàn để tránh tình trạng mất liên lạc khi ở địa điểm khác nhau. Tính năng gọi điện của WhatsApp mới được đưa vào sử dụng gần đây làm cho công cụ này trở nên hữu ích và được sử dụng rộng rãi hơn.
Julia Bar-Tal thuộc tổ chức "The 15th Garden" - một nhóm chuyên cung cấp thực phẩm tại các khu vực bị bao vây ở Syria hay các trại di cư ở châu Âu nói rằng: "Thông qua các phương tiện xã hội, chúng tôi có thông tin nhanh hơn so với các phương tiện truyền thông chính thống. Chỉ sau vài phút, chúng tôi đã có thể cập nhật được có bao nhiêu người đang đi qua biên giới Macedonian, bao nhiêu người cần nước uống hoặc thực phẩm… Không ai có thể ngăn chặn sự phát triển của các hình thức truyền thông trực tuyến này".
Một nhà hoạt động nhân quyền người Hungary đã sáng tạo ra InfoAid - một ứng dụng được viết bằng sáu ngôn ngữ giúp người di cư tìm kiếm những thông tin cần thiết cho cuộc hành trình vất vả. SAP, hãng sản xuất phần mềm lớn nhất châu Âu cũng đang phát triển một ứng dụng giúp người di cư đến Đức có nhiều thông tin hữu ích nhất. Bên cạnh đó, một lập trình viên người Đan Mạch cũng đã tạo ra ứng dụng có tên Refunite giúp người di cư tìm các thành viên trong gia đình bị thất lạc.
Không ít rủi ro
Người di cư sử dụng Internet và công nghệ số trong những cuộc hành trình hàng ngàn dặm cũng gặp không ít rủi ro. "Phương tiện truyền thông xã hội có thể là một nguồn thông tin không chính xác. Thông tin có thể được đưa ra vì mục đích cá nhân", Lee Komito, một giảng viên đại học, người chuyên nghiên cứu về di cư và mạng xã hội nhận định. Monis Bukhari, một nhiếp ảnh gia Syria sống ở Berlin như một người tị nạn cho biết, anh đã nhiều lần thấy xuất hiện những thông tin không chính xác trên mạng xã hội. Bukhari hiện là quản trị viên của Facebook với 90.000 thành viên có tên là "The Syrian House in Germany".
"Gần như tháng nào cũng xuất hiện những tin đồn mới và được lan truyền với tốc độ chóng mặt", Bukhari nói. Một tin đồn lan truyền trên facebook gần đây cho biết, Đức đã gửi tàu đến Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ để đưa người di cư Syria đến châu Âu. Hàng trăm người tị nạn đã đến Đại sứ quán để hỏi về vấn đề này. Đại sứ quán Đức tại Beirut đã phải lập một trang Facebook để thông báo rằng, tin đồn không có cơ sở.
"Những người di cư Syria không chỉ chết đuối ở Địa Trung Hải mà cả những người đang mắc kẹt tại các quốc gia láng giềng như Lebanon và Thổ Nhĩ Kỳ cũng "chết dần chết mòn" vì trầm cảm. Tin đồn như vậy khiến người di cư nghĩ đã tìm được phao cứu trợ, nhưng rồi lại càng thêm thất vọng. Phương tiện truyền thông xã hội thường mang đến cho người di cư cái nhìn sai lệch về châu Âu", Bukhari nói.