Giữ rừng tự nhiên là bảo vệ cuộc sống an toàn trước thiên tai
Bởi lẽ miền Trung vừa trải qua những ngày lũ lụt khủng khiếp nhất trong mấy chục năm qua, nhiều ý kiến cho rằng việc lũ lụt thảm khốc như vậy ngoài lý do trời mưa to nhiều ngày thì còn vì đã bị mất diện tích rừng nguyên sinh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hệ số che phủ rừng của Việt Nam gần 42% trong khi trung bình của thế giới chỉ là 29%. Cả nước có tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha, rừng trồng là 4,3 triệu ha. Đây là cố gắng vượt bậc, bởi vì năm 1990 Việt Nam chỉ có 9 triệu ha rừng.
Về rừng tự nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn có chính sách để giữ rừng như tăng chế độ khoán cho người dân giữ rừng. Cùng đó là chính sách chi trả môi trường rừng, mỗi năm xã hội hóa được 3.000 tỷ đồng…"Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề ở đây là trong 30 năm phát triển, rừng tự nhiên không thể phục hồi như ngày xưa", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, đồng thời cho rằng: phục hồi rừng tự nhiên phải có thời gian, từng bước.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn An Giang) tranh luận lại và nhấn mạnh đến việc thiên tai, bão lụt, sạt lở… đang ngày càng nặng nề hơn. "Thảm họa có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S nếu chúng ta không thay đổi. Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép những đại dự án khởi công ngay trong lõi rừng, hay những thủy điện "cóc" vẫn tiếp tục được duy trì hoạt động thậm chí được cấp giấy phép mới. Nếu lại xảy ra những trận lũ lụt lịch sử thì sẽ lại có những cột mốc tang thương nữa", ông Hiếu nói. Theo ông Hiếu, chúng ta phải thay đổi cách làm về bảo vệ rừng, đặc biệt là cần thay đổi trong tư duy chứ không chỉ thay đổi trên văn bản.
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đoàn Đắk Lắk) nêu nghi vấn, mục đích chính của chủ đầu tư các dự án thuỷ điện nhỏ chính là khai thác rừng. Sau khi cơ bản chặt cây, lấy gỗ, dự án được bán lại…
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiên tai nặng nề, hoành hành tại miền Trung vừa qua, gây thiệt hại đặc biệt lớn về sinh mạng cũng như tài sản của người dân. Liên tiếp những vụ sạt lở đất xảy ra sau mưa lũ tại Thừa Thiên- Huế, Quảng Trị, Quảng Nam vùi lấp rất nhiều cán bộ, chiến sĩ, người dân. Ông khái quát, những sự cố khủng khiếp đó xảy ra ở khu vực tập trung nhiều thuỷ điện nhỏ, nơi mất nhiều diện tích rừng cho việc làm hồ chứa, đập dâng.
Chung quan điểm này, đại biểu Hoàng Quốc Thắng (Quảng Trị) nhận định, thuỷ điện nhỏ và vừa mọc khắp nơi, xâm hại nhiều diện tích rừng tự nhiên. Hầu hết các vụ sạt lở, lũ quét xảy ra ở những nơi đồi núi trọc, mất rừng, tức mất khả năng điều tiết lượng nước tự nhiên từ khu vực núi cao đổ xuống. "Nếu không có sự đánh giá, rà sát về chất lượng rừng, về hệ thống thuỷ điện nhỏ và vừa thì còn chưa có cái nhìn khái quát về các công trình làm ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, đến môi trường và đời sống người dân như thế nào", đại biểu cảnh báo..
Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn Hà Nội) dẫn báo cáo của Chính phủ cho biết cả nước có 3.400 giấy phép khai thác tài nguyên có tác động đến rừng tự nhiên. Ngoài ra, tình trạng khai thác rừng trái phép cũng xảy ra nhiều trên cả nước, xâm hại diện tích rừng tự nhiên. Theo bà Mai, việc trồng rừng thay thế chỉ là biện pháp khiên cưỡng vì rừng tự nhiên có những đặc điểm ưu việt mà rừng trồng không có được. Giữ được một ha rừng tự nhiên, giá trị còn cao hơn 100 ha rừng trồng mới.
Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) dẫn nhiều ý kiến cho rằng các nhà đầu tư đã lợi dụng dự án thủy điện nhỏ để phá rừng, lấy gỗ thu lợi ngoài kiểm soát của chính quyền, gây tác động tiêu cực đến môi trường...
Từ những tranh luận này, một vấn đề nghiêm túc cần được đặt ra với cơ quan quản lý, đó là cần phải có đánh giá trung thực, khách quan tình trạng trồng rừng và giữ rừng nguyên sinh. Bởi sẽ rất khó thuyết phục khi nói diện tích rừng tăng lên nhưng sau mỗi trận lũ, các lòng hồ thủ điện lại phủ kín gỗ các loại, trong đó có cả những tấm gỗ đã được xẻ vuông vắn.
Vì thế các nhà hoạch đính chính sách cần có giải pháp để giữ rừng tự nhiên. Bởi giữ rừng tự nhiên cũng chính là giữ cho môi trường sống được an toàn trước thiên tai.