Giai điệu mới “Mường Thanh”

Chủ Nhật, 03/04/2016, 11:47
"Ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang", đó là hình ảnh của một xứ Mường Thanh xa xưa, bạt ngàn hoa anh túc. Nhưng giờ đây vẫn những mùa mưa nắng ấy, thành phố Điện Biên bừng sáng và vạm vỡ với một sức trẻ, vươn lên sau 62 năm chiến thắng chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Một lễ hội Hoa Ban 2016 tưng bừng đón chào đón một mùa lúa mới, bởi tiếng sấm đầu năm đã vang rền, nơi thượng nguồn sông Đà và sông Mã...


Một Mường Thanh thơm hương

Tôi theo đò men triền sông Nậm Rốm, về với thành phố, trong nhịp thở của những con phố mới đang mọc lên. Những bông hoa chuối đỏ nghiêng nghiêng bên bờ sông trong làn sương đang dần tan trong ánh bình minh. Nếu nhìn từ trên cao, cánh đồng Mường Thanh như một bông hoa ban ôm chặt lấy dòng sông Nậm Rốm. Bởi chính con sông này đã bao đời nay bồi đắp phù sa màu mỡ cho vựa lúa rộng nhất miền Tây Bắc này. 

Người lái đò kể chuyện rằng, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, 1954, cánh đồng Mường Thanh còn hoang hoải lắm, lác đác có nơi cả năm mới cấy được một vụ, còn lại các bản dân đều trồng cây thuốc phiện. Nhiều hố bom rải rác khắp nơi, đồng bào Thái phải nhờ đến các lực lượng quân đội và thanh niên xung phong san lấp mới trồng trọt lại được. Vậy mà đã 62 năm trôi qua, tôi như sống lại với những ký ức không thể nào quên với ông lái đò này. Một thuở mênh mang sông nước với những trắc trở khắc nghiệt của thiên nhiên...

Cầu Mường Thanh.

Mường Thanh thực sự hồi sinh từ cái đận 1963, khi hàng ngàn thanh niên khắp nơi đổ về xây dựng “Đập thủy lợi Nậm Rốm”, để điều tiết nước cho cánh đồng rộng lớn tới 140km2 này. Điện Biên thay đổi từ đây. Một năm hai vụ lúa với giống mới đem lại một thứ gạo thơm nức tiếng khắp nơi. Ngày nay nói đến Điện Biên là ai cũng nhắc tới đặc sản gạo tám thơm, với câu ngạn ngữ truyền miệng rằng: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc”, nghĩa là trong bốn vựa lúa của Tây Bắc, so với Mường Lò-Yên Bía; Mường Than-Lai Châu; Mường Tấc-Sơn La, thì Mường Thanh của Điện Biên là rộng lớn nhất, và gạo cũng ngon nhất. 

Nghe ông lái đò giải thích tôi mới hay vì sao gạo Mường Thanh lại thơm đến vậy. Ngoài thổ nhưỡng do phù sa sông Nậm Rốm một phần, thêm nữa còn do khí hậu khắc nghiệt nơi đây, chính là sự chênh lệch giữa thời tiết nhiệt độ giữa ban ngày và ban đêm ở Điện Biên, từ 5 đến 10 độ, nên đã tích được cái vị thơm dẻo và ngậy bùi mà thiên nhiên đã chứa trong hạt gạo. Nghe ông lái đò say sưa nói chẳng mấy chốc chúng tôi đã cập bến lên bờ gần chợ lớn Mường Thanh.

Vừa lên chợ tôi may mắn gặp được ông Đỗ Vũ Xô ở tổ 1, xã Thanh Minh, TP Điện Biên, chính gốc Hà Nội. Theo lời giới thiệu của một nhà báo ở Điện Biên, ông Xô là một trong 600 chàng trai Hà Nội đã lên đây hồi 1963 để xây đập, rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp ở đây. Gặp đồng hương như tôi, ông mừng lắm và thân thiện như đã quen nhau từ lâu. 

Dẫn tôi đi quanh chợ, vòng ra ngã ba đại lộ Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh rồi ông cùng đi lên khu Tượng đài Chiến thắng Điện Biên trên đồi D1. Từ trên cao có thể nhìn thấy cánh đồng Mường Thanh phía xa, một màu xanh miên man hút mắt. Ông Xô còn cho biết cánh đồng Mường Thanh dài tới 20km và chiều rộng tới 7km, nằm lọt trong thung lũng lòng chảo Điện Biên. Cánh đồng còn ôm chùm tất cả các di tích cách mạng và lịch sử của tỉnh. 

Rồi ông chỉ về phía Tây là khu tưởng niệm Mường Phăng, có di tích phòng làm việc của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp. Còn phía Bắc là cụm tượng đài “Bộ đội kéo pháo bằng tay” của đơn vị pháo binh và anh hùng Tô Vĩnh Diện ở Nà Nhạn, cũng nằm bên con sông Nậm Rốm. 

Còn kia nữa, ông chỉ về phía đập thủy lợi Nậm Rốm, hoàn thành cách đây hơn nửa thế kỷ. Trên ngọn đồi ở gần đập có khu nghĩa trang của 18 TNXP đã hy sinh trên công trường. Trong đó có ngôi mộ của nữ thanh niên xung phong Phan Thị Ngọ, người Hà Nội. Chị đã hy sinh vào cuối tháng 12-1963, khi khoan đào bị vấp phải mìn còn sót lại. Ngọn đồi nghĩa trang ấy được đặt theo tên chị là “Đồi Ngọ”.

Nói đến đây, ông Xô bùi ngùi nhớ lại cái đận cam go ấy, ngỡ không khác gì đoàn dân công hồi đi phục vụ chiến dịch Điên Biên Phủ. Ông bất ngờ đọc cho tôi nghe mấy câu thơ mà ông đã thuộc lòng từ khi lên đây: “Dân công đỏ đuốc từng đoàn. Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay. Nghìn đêm thăm thẳm sương dày. Đèn pha bật sáng như ngày mai lên” (Việt Bắc-Tố Hữu). 

Nhìn xuống thành phố trẻ Điện Biên, mới được công nhận TP loại 2 từ năm 2015, tôi cũng nhận biết ra nơi đây đang thay đổi từng ngày với những dự án mới bên cánh đồng Mường Thanh. Công trình “Bảo tàng lịch sử chiến thắng Điện Biên” mới được hoàn thành cùng với “Khu du lịch Quốc gia Điện Biên Phủ-Pá Khoang” sắp được khánh thành vào tháng 3-2016. 

Đó là những hiện thực đẹp rộng mở như nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam. Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên). Sau này nhà văn Nguyễn Khải cũng đã từng lên đây viết tác phẩm “Mùa lạc” nói về những người xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên. 

Bất ngờ đài phát thanh hát vang ca khúc “Nhịp sống thành phố trẻ” của nhạc sĩ Huy Thông. Tôi bước nhanh xuống hơn 300 bậc đá với nhịp điệu sôi nổi do dàn đồng ca của Đoàn Nghệ thuật Hoa Ban Trắng biểu diễn. Một cái hẹn mới cho cuộc viễn du về với một bản người Khơ Mú nằm trong lòng chảo Điện Biên, kế bên cánh đồng Mường Thanh.

Vào bản Co Pục

Người lái xe ôm đi vòng vèo hồi lâu, bỏ tôi ở lại bên con đường nhỏ, rồi nói đó là đường vào bản Co Pục của người dân tộc Khơ Mú. Anh ta hẹn sẽ trở lại khi tôi xong việc. Một mình lang thang. Tôi lấy làm thú vị rồi dò dẫm vào con đường nhỏ hai bên đầy hoa dã quỳ vàng ươm đưa lối.

Đi chợ Mường Thanh.

Bản Co Pục có 57 hộ người Khơ Mú chênh vênh trên sườn núi. Đó là một bản còn nhiều khó khăn cho dù ở ngay TP Điện Biên. Trước mắt tôi là những ngôi nhà sàn chống chếnh giản dị gần như những ngôi nhà người Thái mà tôi đã từng biết. Gia đình đầu tiên ở bản Co Pục là gia đình nhà chi Quản Thị Thanh. Chị đang cùng với mấy người chẻ tre đan lát vui vẻ ngay bên đường vào bản. 

Tôi ngồi bên mấy người đàn bà và những đứa trẻ Khơ Mú trò chuyện. Bỗng nhiên có tiếng hát từ đâu, trong trẻo, ngọt ngào vẳng tới. Những lời ca dân tộc Khơ Mú mà tôi không thể hiểu nhưng giai điệu nghe quen lắm. Thấy tôi chú ý lắng nghe chị Thanh nói, đó là bài “Mưa rơi”. Rồi chị hỏi nếu tôi thích thì mấy người hát cho nghe. Tôi vội vã gật đầu, thế là cả ba người cùng hát. Một bài ca về ước nguyện mùa màng, rằng:

Mưa rơi cho cây tốt tươi
Búp chen lá chen cành
Rừng đẹp trăm hoa rung rinh theo gió
Bướm tung cánh bay vờn.
..”.

Nhìn khóe miệng của người đàn bà đã khô rạc vì cái nắng cái rét Điện Biên hát về những hạt mưa mà thấy ngọt ngào làm sao. Càng nghe tôi càng mê đi vì dàn đồng ca đẫm chất liêu trai miền sơn cước. Nó cứ mênh mang, mênh mang trong lời ca:

Trên nương hương thơm nếp vàng
Măng cười hé lên cùng.
Ngọt ngào hương thơm bay bay theo gió
Những chim nướng cùng nếp thơm
Nhìn mà no...
”.

Sau đó chị Thanh dẫn tôi lên dốc vào sâu trong bản. Chị kể cho tôi nghe câu chuyện cổ về sự ra đời của người Khơ Mú. Theo truyền thuyết, các người dân tộc ít người đều được sinh ra từ trái bầu. Ông trời đã cho đưa trái bầu xuống trần gian để sinh thành cho con người được lao động và làm ăn khai phá sự sống. Tuy nhỏ bé nhưng quả bầu nhà trời chứa đựng tất cả của cải con người và cả những dụng cụ lao động. 

Ông trời cho lấy dùi nóng khoan trái bầu để lần lượt mọi người chui ra. Không ngờ người Khơ Mú được chui ra đầu tiên lại bị dính than cháy của quả bầu nên bị đen. Nhà trời đặt cho họ cái tên là ban đầu là người Xá Đen. Những thói quen sinh hoạt và tập tục của người Khơ Mú không khác người Thái là mấy nhưng lại có những nét văn hóa riêng về thời trang và thủ tục cưới xin, lễ tết...

Bất ngờ chị Thanh dừng lại bên một ngôi nhà sàn đã cũ kỹ. Đó là gia đình cụ Lò Thị Sinh, người thuộc nhiều bài hát dân ca Khơ Mú. Cho dù đã cao tuổi, nhưng cụ Sinh vẫn nhanh nhẹn và có vốn liếng kha khá về những làn điệu cổ, đó là những bài Tơm của người Khơ Mú. Rồi chị Thanh kể, đó là Tơm Kân Chơ (hát giao duyên), hay Tơm Muôn (hát về mùa xuân); hoặc Tơm Đương Kmun (hát mừng đám cưới)... Tiếng chim họa mi hót lên trong veo trên bìa rừng. 

Những người đi kiếm củi và đi săn trên núi đang đi về bản. Ai cũng vui cười và bất ngờ có một cô bé nhảy chân sáo hát líu lo từ con dốc nhỏ. Thì ra tiếng hát đầu tiên mà tôi nghe được từ trên núi vọng xuống chính là giọng hát của cô bé này. Họ vui vì những cơn mưa sắp tới. Mùa lễ hội Hoa Ban sắp diễn ra đúng như ông trời đã định. Họ sẽ làm lễ cầu mưa và hát lên một bài Tơm về mưa cho cánh đồng Mường Thanh tươi tốt mùa màng.

Những quả còn mùa xuân

Trong hội Hoa Ban bao giờ thanh niên người Thái cũng tổ chức ném còn. Lần này theo đúng hẹn, cứ hai năm một lần thanh niên người Lào hay người Hoa ở các bản biên giới gần nhau thường tổ chức giao lưu và cùng nhau ném còn vui hội xuân. Họ hát những bài ca dân tộc và nhảy múa mừng vui. Hơn nữa, Hội Hoa Ban này, còn có cuộc thi “Ảnh đẹp Hoa Ban” và trưng bày hoa ban nghệ thuật. 

Mùa xuân tràn nắng như sóng biển dâng đầy trên thung lũng Mường Thanh. Một mùa màng ngút ngát Điện Biên đón chờ phía trước. Nhịp rộn ràng của điệu múa sạp hữu nghị đang hiện ra trước mắt tôi với một tình tương thân, tương ái. Những quả còn rộn ràng bay, đan chéo nhau, vun vút trên cao. Tất cả đều đón đợi một mùa vàng của TP Điện Biên. Con sông Nậm Rốm hiền lành, bỗng ửng hồng vì những hạt phù sa ấp ủ hơi ấm của mùa xuân đang trôi về. Những chùm nắng hoàng hôn, xòe tán hình dẻ quạt, lung linh như một điệu múa phía chân trời.

Cầu Mường Thanh.

Đi chợ Mường Thanh.

Vương Tâm
.
.
.