Gia Dục Quan, pháo đài 99.999+1 viên gạch
- “Pháo đài bay” hay “biệt thư nghỉ dưỡng trên không”?
- Nga xây pháo đài ngầm chỉ huy chiến tranh hạt nhân
- “Pháo đài bay” quyền lực của các Tổng thống Mỹ
Pháo đài này được củng cố vững chắc nhằm chống lại các cuộc tấn công của Hoàng đế Thiếp Mộc Nhi ở Trung Á, song Thiếp Mộc Nhi lại bị chết vì tuổi già khi trên đường dẫn quân đi chiến đấu.
Gia Dục Quan có cấu trúc hình thang, với tổng diện tích khoảng 33.500m2, dài 733m và cao 11m, gồm 3 tuyến phòng thủ: thành nội, thành ngoại và các hào nước. Trên các lớp lũy thành là những vọng gác, đứng ở đó có thể phóng tầm mắt ra biên ải xa, để canh chừng phòng thủ thành trì.
Đến nay, Gia Dục Quan vẫn nằm phơi mình ở điểm hẹp nhất phía tây của hành lang Hà Tây, dưới chân núi Gia Dục, dưới cái nắng gió của sa mạc Gobi cả ngàn năm qua.
Truyền thuyết nổi tiếng nhất về Gia Dục Quan kể rằng, tác giả của công trình pháo đài này là nhà toán học lỗi lạc thời ấy - Dịch Khai Chiêm. Ông này đã có bản kế hoạch xây dựng thành rất tỉ mỉ, có thể ước lượng chính xác số gạch cần để xây thành là 99.999 viên. Tuy nhiên, viên quan coi thành thời đó vẫn nghi ngờ về ước tính của ông.
Quan đốc công đã bắt Dịch Khai Chiêm ký vào một giao kèo trong đó quy định rằng chỉ cần ông tính sai một viên gạch thì toàn bộ công nhân xây dựng Gia Dục Quan sẽ phải đi làm khổ sai trong 3 năm. Và để chiều lòng quan bề trên, Dịch Khai Chiêm đã thêm vào 1 viên gạch.
Cho đến khi pháo đài Gia Dục Quan được hoàn thành thì chính xác còn thừa đúng 1 viên gạch. Dịch Khai Chiêm đã khiến viên quan đốc công thời đó kinh ngạc về tài năng xuất chúng của ông. Và viên gạch ấy vẫn còn được đặt trịnh trọng trên cổng thành Gia Dục Quan cho đến ngày nay. Nó như một “chứng tích lịch sử” sống động và thiết thực cùng năm tháng.
Cửa ải Gia Dục Quan còn là một điểm quan trọng trên con đường tơ lụa cổ đại. Nơi đây có những nhân tượng to bằng người thật để mô tả lại các quan văn, quan võ, những người đã có công lên kế hoạch để thủ thành trong những năm tháng khó khăn. Trước đây, Gia Dục Quan được xem như một khu doanh trại; đồng thời là thao trường dành cho các binh sĩ tập luyện.
Khi đến tham quan ở pháo đài, dưới chân được lát những phiến đá mang nhiều vết lõm của thời gian, dường như du khách được đưa ngược về quá khứ, khi những phiến đá ấy nằm oằn mình ghi dấu những quan binh, ngựa mã, dân phu tấp nập ra vào thành trong những năm tháng chiến đấu.
Nhưng thực ra, từ lúc pháo đài được xây hoàn thiện thì may mắn nơi đây chưa từng xảy ra trận chiến quá khốc liệt nào cả, nên nơi đây vẫn là một công trình quân sự cổ đại gần như nguyên vẹn, vững chắc và khá kiên cố. Gia Dục Quan vẫn được biết đến với tổ hợp kiến trúc nguy nga, thành cao hiểm trở, mang đầy khí chất hào hùng.
Đã trải qua gần 700 năm, câu chuyện xây thành bằng phép tính 99.999 + 1 viên gạch của Dịch Khai Chiêm vẫn khiến bao người ngưỡng mộ, thán phục. Giai thoại về Gia Dục Quan chắc chắn sẽ còn lưu truyền mãi cho hậu thế về khả năng tính toán thần kỳ của bậc thầy trong kiến thiết xây dựng.