Ghi ở ngôi làng trường thọ

Thứ Hai, 09/01/2017, 13:45
Ven đôi bờ sông Hậu, lục bình lững lờ trôi theo con nước về cù lao Nhơn An (xã Nhơn Mỹ, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang). Những chiếc lò gạch nghi ngút nhả khói lên trời, sức lao động ở đây đang vào mùa nhộn nhịp nhất. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu công nhân làm việc không phải là các bậc bô lão tuổi xưa nay hiếm. 


Trên những mảnh vườn màu mỡ rau xanh, các cụ ông, cụ bà cứ thoăn thoắt nhổ cỏ, tưới nước. Dưới làn khói cuồn cuộn của lò gạch, cảnh lao động hăng say diễn ra bình lặng. Quệt vội giọt mồ hôi, những lao động tuổi "thất thập" nhìn chúng tôi, cười thật tươi. Đó là vài nét chấm phá rất bình thường ở ngôi làng "trường thọ" vùng sông nước này. 

Thông tin chúng tôi nhận được từ ông trưởng ấp Nguyễn Văn Sơn là, từ 3 đời trở lại đây, người dân ấp Nhơn An đã sống thọ hơn trước rất nhiều. Tuổi cao nhưng hầu hết mọi người có lối sống rất trẻ trung và có sức khỏe đặc biệt. Họa hoằn lắm mới có cái chết trẻ ở ấp Nhơn An thì đều là bệnh hiểm, tai nạn lao động, tai nạn giao thông.

Ở tuổi U50 nhưng người đàn ông này thuộc hàng cháu chắt trong làng.

Ông Sơn cho biết thêm: "Thanh niên đi làm ăn xa, xứ này thiếu lao động trầm trọng. Ở ngưỡng 70 đến 80 tuổi vẫn là thành phần lao động chính của ấp. Tầm tuổi ấy vẫn chưa phải là già, đi làm công, sức vóc thanh niên có khi còn theo không kịp".

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến cảnh nhiều cụ ông, cụ bà đi làm gạch thuê cho các lò, đi cuốc mướn hàng vài hét ta đất ruộng. Dù đã ở tuổi 76, ông Huỳnh Văn Tiến vẫn đẩy xe ba gác chở đầy ắp đồ đạc chạy băng băng ngoài đường.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Lương (75 tuổi) đang giữ danh hiệu "lao động tiên tiến" của lò gạch. Thực tế, nhìn ông Tiến và ông Lương làm việc, chúng tôi cứ ngỡ họ mới ở độ tuổi tứ tuần. Trong vài lò gạch mà chúng tôi đến thăm, lao động chính hầu hết đều những người ở độ tuổi  "thất thập".

Theo ông Lương, người dân cù lao ít đất, nghề chính là đánh cá, làm gạch xây dựng. Cũng bởi lớp trẻ học hành xong ra ngoài kiếm việc nhàn hạ, con cháu lớn lên cũng theo nhau đi hết.

Do vậy, lao động ở quê là những người có tuổi. Ở đây, các cụ trên 80 tuổi vẫn còn làm việc "ngon lành" và chủ lò vẫn cứ thuê họ. Có nhiều cụ, kinh tế gia đình khá giả, con cái muốn cha mẹ được nghỉ ngơi nhưng họ vẫn quyết đi làm, để không nhàm chán và để tập luyện cho sức khỏe dẻo dai.

Cụ Lương dí dỏm: "Chúng tôi chẳng cần phải tốn thời gian thể dục, chúng tôi lao động vừa có tiền mà còn khỏe hơn cánh thanh niên mới lớn rượu chè tối ngày".

Niềm lạc quan, tin tưởng vào cuộc sống khiến các cụ sống vui, sống khỏe.

Những tưởng các cụ chỉ làm chơi cho khuây khỏa tuổi già, nhưng thu nhập từ việc làm chân tay của các cụ thuộc hàng khá cao. Cụ Lương, cụ Tiến trung bình mỗi ngày lao động của họ là 500 nghìn đồng. Còn mấy cụ đi phun thuốc trừ sâu, lương cả triệu bạc mỗi ngày. Thu nhập ổn định giúp cuộc sống no ấm, gia đình hạnh phúc.

Trong gia đình, ông Lương và ông Tiến đều chưa phải là già nhất. Mẹ của hai ông đều bước qua ngưỡng 100 tuổi. Con cái của hai ông cũng ở tuổi ngoài 50, cũng là công nhân khu lò gạch.

Trong đó phải kể đến cụ Lê Thị Kiềm, đang nằm trong tốp bô lão sống trọn một thế kỷ nay vẫn đi lại nhanh nhẹn. Cụ Kiềm cho biết, cụ thích ăn cá lóc đồng và tép rang khô với cơm trắng. Thực đơn của cụ đơn giản như chính cuộc sống của người nông dân miền sông nước.

Cụ Kiềm chưa phải nhập viện điều trị lần nào, thi thoảng cảm sốt thì đi khám và uống vài ngày thuốc là khỏi. Cụ Kiềm còn bật mí rằng, cụ sống thọ là vì tình yêu thương, chăm sóc của các con. Con cụ rất hiếu thuận, lo cho cụ từng li từng tí. Ngày còn bé, cụ chưa bao giờ phải nặng lời với con cái.

Đàn con của cụ rau cháo, đói khổ nhưng sống khỏe mạnh, chẳng đứa nào phải đi bệnh viện. Còn bây giờ cháu của cụ sinh ra được chăm sóc từ trong bụng mẹ, đủ đầy hơn ngày xưa rất nhiều nhưng lại hay ốm vặt, hay đi bệnh viện.

Cụ giải thích: "Do bây giờ ô nhiễm môi trường, không khí bẩn quá. Đồ ăn thức uống lại hay phun thuốc sâu, tẩm hóa chất. Con người không bệnh tật sao được".

Ông Nguyễn Văn Thứng, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nhơn Mỹ cho biết: "Vùng đất Nhơn An này có rất nhiều cụ đại thọ. Hiện tại có ba cụ bà trên 100 tuổi, đó là cụ Lê Thị Nhộng và cụ Mạc Thị Trình, cụ Lê Thị Kiềm.

Trong đó, cụ Nhộng cao tuổi nhất, 112 tuổi". Cũng theo ông Thứng, cách đây vài năm, Nhơn An từng có nhiều đại lão như cụ: Đoàn Văn Chấn, cụ Nguyễn Thị An, cụ Nguyễn Thị Thanh… những cụ này đều sống tới xấp xỉ 117 tuổi. Có gia đình cha mẹ, con cái đều sinh hoạt trong Hội Người cao tuổi. Ngày cụ Chấn còn sống, các con cụ cũng đã ngoài 80 cả.

Con trai cụ Chấn là cụ Tiển (90 tuổi) vẫn khỏe mạnh, tinh nhanh, chưa hề có dấu hiệu của tuổi già. Cụ vẫn còn vác dao phăng phăng đi đốn cây về làm củi và cuốc đất chẳng thua kém mấy đứa chắt trong nhà. Ở ấp Nhơn An, chuyện cụ ông 70 tuổi cưới vợ cũng là bình thường, chẳng ai bàn tán. Họ cho đó là điều nên làm với những cụ ông đơn thân mà vẫn còn sức khỏe.

Cụ Nguyễn Văn Luyên (75 tuổi) hóm hỉnh tiết lộ: "Với chúng tôi, dù đã ở tuổi xưa nay hiếm nhưng cuộc sống vẫn chẳng khác thời trẻ là bao. Chuyện tình yêu, vợ chồng vẫn mặn nồng không kém".

Theo số liệu thống kê mới nhất, xã Nhơn Mỹ có 477 cụ trong độ tuổi 80 trở lên. Trong đó, ấp Nhơn An có tới 83 cụ, 13 cụ từ độ tuổi 90 - 100; 3 cụ trên 100 tuổi. Cụ cao tuổi nhất chạm mốc 112 tuổi.

Người cao tuổi sinh hoạt vui vẻ, hòa đồng với nhau trong xóm

Tuy nhiên, so với thời điểm trước, con số này còn khiêm tốn, bởi Nhơn An từng có hơn 10 cụ ở tuổi đại lão, nhiều người sống tới 117 tuổi. Dù vẫn biết theo quy luật tự nhiên, khi chất lượng cuộc sống tốt hơn, thì tuổi thọ con người cũng tăng lên. Nếu thế, vùng Nhơn An phải giàu có, thiên nhiên và con người hài hòa. Thế nhưng, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.

Đi tìm lời giải cho bí quyết trường thọ của người dân ấp Nhơn An, chúng tôi nhận thấy, nơi đây có phong trào tập dưỡng sinh và ngồi thiền. Tuy nhiên, phong trào này mới xuất hiện một thời gian ngắn.

Trong khi sống thọ ở xứ này đã có "truyền thống" cả thế kỷ. Hơn nữa, như lời ông Thứng thì: "Xứ này người dân đâu có giàu có, sung sướng gì. Mỗi mùa mưa lũ lại khổ, lam lũ vất vả quanh năm".

Trực tiếp gặp những đại lão trong ấp, chúng tôi nhận thấy có nhiều điểm tương đồng. Như việc thời trẻ và ngay cả đến tuổi già, họ đều rất vất vả mưu sinh. Do vậy, nhiều người ví von, có khi nghèo khổ, lao động vất vả chính là bí quyết trường thọ.

Vì con người an phận với hoàn cảnh, có làm thì có ăn. Nghèo nên chẳng bon chen với ai, chẳng bị người khác ganh ghét, đố kỵ. Một số người có quan niệm tín ngưỡng thì cho rằng, Nhơn An nằm dưới chân đất Phật (núi Cấm), nên được "ngài" ban ân phước.

Ngày còn sống, đại lão Chấn từng chia sẻ, cụ ít ốm đau kể cả ốm vặt, chính là nhờ lao động, giữ tâm thanh tịnh, sống vui vẻ hòa đồng với bà con lối xóm. Khi nào buồn phiền chuyện gì, thì đi lên chùa thắp nén nhang, nghe bài kinh… là lại thấy lòng thanh thản.

Trong thực đơn thường ngày của bà con, đều là cá bắt trực tiếp dưới sông Hậu, nhất là món cá nướng. Cụ Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Cù lao này hứng trọn luồng chảy từ sông Mê Kông về. Vào mùa lũ, hàng ngàn loại tôm cá đổ vào, tràn lên các cánh đồng ngập nước, đẻ trứng, sinh con, rồi khi nước rút lại men theo các kênh rạch trở về sông Cả, bị người dân chặn lại, bắt được nhiều đến nỗi cá tôm ăn không hết, làm nước mắm, có khi đổ thành từng đống để làm... phân bón. Vì thế miền Nam mới có câu ca dao: "Chiều chiều quạ nói với diều. Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm".

Ngoài món cá, người dân còn dùng rau sạch do gia đình tự trồng trong vườn nhà, họ rất ít khi mua thực phẩm từ chợ. Sống "sạch", có lẽ chính là bí quyết khiến người dân ấp Nhơn An trường thọ.

Kỳ Phương - Ngọc Thiện
.
.
.