Ghé thăm rẻo cao, thơm lừng mùa ong lấy mật bạc hà

Thứ Năm, 31/01/2013, 17:52

Phía bắc không đâu như Hà Giang, hùng vĩ đến ngộp thở, lồ lộ mà khêu gợi, sảng khoái mà huyền bí. Đã đến một lần thế nào cũng muốn quay lại lần nữa, lần nữa…Và dường như sẽ không nghĩ đến sự chia tay với mảnh đất này. Dù xa xôi cách trở, dù bận bịu đến mấy, nếu nghe tiếng gọi từ cao nguyên đá sừng sững ấy, sẽ lại khoác ba lô lên đường. Vài lần thôi lại như là quê hương, muốn được trở về tái ngộ từng khúc quanh con đường treo bên sườn núi, gặp lại những ngọn núi nhấp nhô trong mây, gặp lại váy Mông tung tăng lượn trước mắt trong một phiên chợ bất chợt ven đường… Không có gì mới mà không bao giờ nhàm chán.

Nối dài những chuyến đi…

Lần đầu mình lên Hà Giang cách đây gần 4 năm. Chỉ là chuyến đi ngẫu hứng, bất chợt với bạn bè. Ham vui hơn là ham vùng đất lạ. Đêm đầu tiên tới Quản Bạ thì dừng lại. Trời se lạnh, uống rượu ngô trong quán nhỏ thị trấn vùng sơn cước. Chưa thấy núi non đâu thì đã mê cái lạnh sắt người, sự tĩnh lặng, heo hắt của Quản Bạ. Năm nay quay lại, cái heo hắt ấy gần như không còn nữa. Dân du lịch đã mang ồn ào, náo nhiệt rải xuống thị trấn này vào cữ dừng chân trên đường đi phượt. Dù họ đã ra đi, nhưng âm hưởng ồn ào ấy đã đánh thức Quản Bạ tỉnh dậy từ giấc ngủ im lìm ngàn năm, khó dỗ ngủ lại nữa. Cũng là đáng tiếc…

Có lẽ một trong những lý do khiến nhiều người mê Hà Giang vì khí hậu vùng này như các nước ôn đới. Mùa hè nóng nhất chừng 24oC, còn mùa đông có những vùng có tuyết rơi vào năm rét hại. Bầu trời quanh năm mưa và mù nên người dân có câu: "thấy nhau trong tầm mắt, gặp nhau mất nửa ngày".  

Men theo con đường Hạnh phúc cheo leo bên vách đèo Mã Pì Lèng là trèo lên đỉnh núi. Từ đỉnh Mã nhìn xuống dòng sông Nho Quế như một dải voan xanh tứ mùa, nếu say độ cao dễ sây sẩm mặt mày vì hun hút… Mặt người ngang với những ngọn núi phía trước. Đèo Mã Pì Lèng đẹp nhất lúc bình minh lên và hoàng hôn buông. Lúc ấy cả con đèo tựa bông hoa hàm tiếu, nửa buông về nắng, nửa giấu sau bóng dâm. Có anh bạn dễ cảm xúc nhìn Mã Pì Lèng lừng lững, bát ngát mà trào nước mắt.

Ngoái nhìn sườn non bên kia đường, một cây mồ côi trên vách đá đứng cô đơn nhiều năm rồi. Lần nào lên cũng chụp người bạn quen này để mang về cất trong máy, lâu lâu lấy ra ngắm. Trong nắng xiên khoai, cây mồ côi nghiêng nhìn xuống đám du khách đứng ở bến trú chân ngắm cảnh con đèo, buồn bã.

Chỉ lát thôi, một đám trẻ Mông ùa ra, líu ríu quanh nơi khách đứng chơi, nhưng không làm phiền. Chúng im lặng quan sát hoặc tự chơi với nhau. Ai hỏi thì e thẹn lí nhí thứ tiếng Kinh chưa sõi, hoặc chỉ gật đầu, nụ cười nhẹ. Đó là tụi trẻ ở bản Mã Pì Lèng gần đó. Bản rất nhỏ, chừng mấy chục nóc nhà, ở nơi cao nhất của đỉnh Mã, nhìn xuống thung lũng hoặc ngập nắng, hoặc úng mây.

Cũng chỉ nơi ấy tụi trẻ mới cơ hội được giao tiếp với người lạ. Bữa đó mình gặp một cậu bé buộc chiếc khăn treo cánh tay đau trên cổ. Trông nó buồn lắm. Hỏi chuyện thì biết nó mồ côi cả cha lẫn mẹ, tên là Giàng Mý Chô. Mẹ ngã núi chết. Cha trong một lần say rượu cũng ngã núi mất nốt. Ba anh em ở với bà. Chô học lớp chín, người nhỏ thó, cũng vừa bị ngã khi đi chăn dê nên cánh tay bị đau, phải treo trước ngực. Chắc nhức lắm nên cậu bé liên tục bấm vào khớp khủy cho đỡ đau. Gạ gẫm đưa xuống chữa ở thị trấn Mèo Vạc, cách đó gần 10 km nhưng Chô nhất định lắc đầu: không. Khó mà kéo được người vùng cao ra khỏi ngôi nhà họ. Với người lạ càng là không.

Người Mông giống như loài chim núi cheo mình làm tổ trên vách đá, quen với độ cao. Sống trên vách đá, nương ngô, nương rau cũng đeo bám trên vách đá. Chả thế có câu: "đất không ba bước bằng, trời không ba ngày nắng". Từ xa nhìn những người làm nương trên các triền núi chả khác gì con chim đang bậu trên các mỏm đá. Không nhiều đất bằng nên người Mông không lập bản to làng lớn, mà quây quần vài nóc nhà, hoặc ở đơn độc một mình chăng? Ít có miếng đất bằng nào đủ cho hơn chục ngôi nhà hay nhiều hơn thế quần ngụ. Cách sống của người Mông như các thiền sư ở ẩn. Nhưng rất hồn hậu khi gặp người lạ.

Đến các lớp cắm bản ở sâu trong núi phải qua những con đường mấp mô đá nhọn. Đường xóc như muốn quẳng người ngồi sau xe máy xuống đất. Hai cánh tay mỏi nhừ vì cố ghì chặt vào xe để khỏi ngã. Nhưng cảnh bên đường thì vẫn đẹp u sầu nên không thể không ngắm vội.

Những đôi mắt trong vắt – hạt ngọc của núi rừng

Mùa này trên các triền đá ở Mèo Vạc, Đồng Văn đang mùa hoa bạc hà tim tím. Hoa bạc hà như đuôi chồn nho nhỏ, thẳng đứng, mọc chen với kẽ đá lô nhô. Màu tím ngan ngát nhìn xa như sương khói phủ mặt mờ đá xám. Những người nuôi ong dựng lều, đặt hòm ong về trú ngụ. Gió thổi bạt cả tiếng bầy ong râm ran bay đi hút mật bạc hà. Nhìn lều trại tạm bợ của những người trông nuôi ong chơ vơ, cô đơn giữa vùng núi u sầu sao thấy lãng mạn đáng yêu thế…

Cây trồng duy nhất ở Mèo Vạc là ngô. Giống ngô đỏ au mất nửa năm bám rễ các hốc đất chen nhau với đá. Dân Mông ưa giống ngô này vì để lâu không bị mọt. Sau mùa thu hoạch, phơi phóng xong treo lên gác bếp, chái nhà, ăn quanh năm. Món mèn mén làm từ bột ngô và là món ăn chính. Nhà người Mông hầu như nhà nào cũng có một cối đá để xay ngô. Trồng ngô 6 tháng, đủ ăn 9 tháng, còn 3 tháng là mùa giáp hạt. Bà con đói. Nhà nước phải cứu trợ. Nơi nào không nhận được cứu trợ thì quanh quẩn kiếm cái gì ăn tạm, chờ vụ ngô tới. Chả thế mới có chuyện bà con người Mông hay bị ngộ độc vì ăn phải bột ngô mốc. Chuyện thương tâm năm nào cả gia đình bốn mẹ con chết vì ngộ độc do ăn bột ngô mốc… Bột ngô say, gặp lúc trời nồm, ẩm ướt dễ sinh nấm mốc. Lúc ấy lấy bột tam giác mạch để ăn thay ngô.

Cánh đồng tam giác mạch.

Vào cữ tháng 9 đến tháng 11 là mùa tam giác mạch. Mùa của dân phượt, dân du lịch ưa cảnh đẹp độc đáo của núi rừng. Lúc ấy vừa thu hoạch ngô xong, đất trống nên bà con trồng tam giác mạch gối vụ. Hạt tam giác mạch nhỏ bằng hạt tiêu, hình tam giác, màu đen. Bột thường dùng để chăn nuôi, nhưng vào cữ giáp hạt có thể làm bánh ăn. Vị bánh tam giác mạch hơi chua chua, gần giống vỏ bánh bao không đường. Mới đầu cứ ngỡ hoa tam giác mạch là giống hoa dại, mà thành ra hoa cứu đói. Màu hoa không rực rỡ mà đằm thắm, đủ sáng hết vùng núi những nơi hoa mọc. Đến mùa tam giác mạch, dân phượt lại khăn gói, gọi nhau lên đường. Đến với một tình yêu phóng khoáng, mong manh, ngắn ngủi nhưng làm nên nỗi nhớ và chờ đợi đủ quanh năm bận bịu. 

Trên đường đi, dân phượt hay dừng lại những điểm trường bên đường. Nếu sục sạo thêm thì tới được những lớp tiểu học và mẫu giáo cắm bản. Rẽ qua mấy điểm trường cắm bản ở Mèo Vạc và Cán Chu Phìn thấy chỉ là lán ken tre nứa, hở hoác, có lớp dùng tôn lợp mái quây tạm cho kín gió. Mấy xã Làn Tỉnh Dào B, Há Tàu chưa có điện nên trẻ nhỏ ngồi trong lớp tranh tối tranh sáng. Mắt tụi nhỏ cắm xuống quyển vở để nhìn cho rõ. Mới qua trưa, vào mùa đông, trời đất âm u, khuất sáng. Chắc nhiều cô cậu bé cận thị mà không biết đấy thôi. Thương se sắt…

Ở lớp mẫu giáo mấy đứa trẻ ngồi quây bên mấy cái bàn gỗ mòn, chân gẫy cùng cô giáo. Không có bảng, không có đồ chơi, không có bất cứ dụng cụ gì cho một buổi học trên lớp. Chả hiểu cô trò làm gì cho hết một ngày học? Trưa tụi trẻ về nhà ăn mèn mén, xong lại lục tục kéo nhau sang lớp học gió lùa. Nhưng ít ra chúng còn được trông nom khi bố mẹ đi làm nương, hơn là lang thang trên các triền núi gió lộng hiểm nguy. Chắc chắn là chúng đói, đói lắm. Đói ăn, đói mặc, đói sự chăm sóc, đói vui chơi… Khách đến, những đôi mắt ngước nhìn người lạ trong veo, ngượng ngập, miếng quà bỗng ngập ngừng khó nuốt.

Lứa tuổi ở thành phố mới biết vòi vĩnh, kén ăn làm cha mẹ đau đầu mệt mỏi, thì ở đây chúng đã tự âm thầm chịu đựng. Cái cách chúng ngồi lặng lẽ, đôi mắt trong veo không cười, bàn tay thu dưới vạt váy để khỏi lạnh, giấu đôi chân nứt nẻ không tất, không giày dưới gậm bàn… Con cái ở thành phố nâng như nâng báu vật, hứng như lộc trời ban. Người ta hay nói, con cái là lộc trời mà. Những đứa trẻ ở vùng cao này có được gọi là lộc trời ban không nhỉ?

Nhớ hôm tới Trường Trung học cơ sở nội trú Cán Chu Phìn, giờ cuối tuần, thấy một váy Mông tung tăng đi trong sân trường, mình bèn lao ra bắt chuyện. Cô bé vui lắm vì hôm nay là thứ 7, được về nhà. Cô bé học lớp 8. Cũng là cố gắng lắm rồi đấy. Nhưng tiếng Việt chưa sõi, hầu như chỉ trả lời những từ ngắn. Cô bé khá bạo dạn so với những bạn bè người Mông khác. Cô chủ động hỏi mình: bác ở đâu? Trả lời: Ở Hà Nội. Con có biết Hà Nội ở đâu không? Cô bé cười lắc đầu. Có biết Thủ đô là gì không? Lại cười ngượng ngùng. Thử hỏi rộng hơn chút vậy: Thủ đô của Việt Nam là thành phố nào? Câu hỏi này thực sự khó nên cô bé hơi ngẩn ra một lúc. Phải giải thích thêm… Vẫn là cái lắc đầu. Lân la hỏi tiếp: Thế con có biết tỉnh Hà Giang ở đâu không? Cô bé cười lắc lắc.

Hỏi thêm nữa thì biết, nơi xa nhất được đến là thị trấn Mèo Vạc, cách trường cô bé học gần 7km. Thị trấn này gần hơn đường từ trường về nhà cô. Định hỏi nữa nhưng cô bé xin phép ra về. Chắc đó là một ngôi nhà tường trình đất nện, có bờ rào đá bao quanh, rất đặc trưng của người Mông vùng Mèo Vạc, Đồng Văn, cách trường hơn 1 giờ đi bộ. Nhìn váy Mông tung tẩy hồn nhiên đi, chợt nhớ bảo tàng Lịch sử đang đệ trình xây dựng tới hơn 11 ngàn tỷ đồng. Bảo tàng này có ích gì cho những đứa trẻ nghèo thiệt thòi nơi đây khi chúng không biết về tỉnh thành nào chúng đang sống, không biết Thủ đô đất nước chúng là đâu, tên gì?

Bỗng dưng lòng mình chùng xuống, nản mệt. Ngày lại ngày những đứa trẻ sống và học thế này đây… Cơm tạm no bụng dù đạm bạc. Áo có mặc mà chưa đủ ấm, nhưng quen với lạnh giá miền núi nên vượt qua. Cái chữ thì tà tà học, chả cần thêm nếm như ở thành phố. Học xong trên lớp là chơi. Nhưng chơi gì ở chốn này? Sách không. Ti vi không. Đồ chơi chả dám mơ. Vi tính càng là thứ xa vời nên không sợ nghiện games. Làm gì cho hết chiều nghỉ học nhỉ?

Quành qua quành lại cả ở dưới tiểu học lẫn trên cấp 2 thấy các cô cậu học trò loanh quanh con đường liên xã gồ ghề, sát khu nội trú… Đứa lững thững đút tay túi quần đi lại. Đứa ngồi nhìn xa xa… Mấy đứa khác xúm vào chơi bi, bổ quay, vài đứa chạy đá quả bóng bé xíu. Đám con gái chơi ô ăn quan, rải ranh mà ở đây chúng gọi là “chơi đá”. Đúng là chơi đá thật vì chỉ là những viên đá răm chúng nhặt ven đường về thành đồ chơi. Những mái đầu chụm lại có vẻ “ăn thua” ra phết, thậm chí người lạ đến còn không buồn để ý.

Vui chơi sau giờ học.

Đến nơi nào của vùng cao cũng bắt gặp trò chơi của mấy mươi năm trước vẫn còn đó: ô ăn quan, rải ranh, chơi bi… Bảo khổ không hẳn, bảo sướng lại càng không phải. Bây giờ người ta sáng chế ra nhiều trò chơi, đồ chơi để kích thích sự phát triển trí tuệ con trẻ. Nhưng trẻ con vùng cao chỉ làm bạn với hòn bi, viên đá, đất cát dính đầy móng tay, bàn tay nhọ nhem đen sì. Chúng có vẻ mặt hồn nhiên như núi rừng, đôi mắt đăm đắm như vực thẳm… Thương lắm những hòn bi viên đá dìu tụi nhỏ đi qua tuổi thơ trong những chiều nội trú ở vùng sơn cước xa xôi…

Miên man một cõi…

Trên những con đèo dốc lên Hà Giang, có nhiều đoạn đường như ở châu Âu với những cây sa mu thẳng tắp đan tán lá vào nhau, đứng diễu bên đường. Sa mu đứng bên đá làm đá mềm đi, còn sa mu lãng mạn bất ngờ. Sa mu gợi nhớ về Giáng sinh an lành và năm mới ngấp nghé phía trước.

Tưởng mạn ở Lào Cai mới có trẩu, ở Hà Giang, thỉnh thoảng lại bắt gặp màu vàng như đổ nắng vào thu. Giữa vùng đá xám đen, rực rỡ mình trẩu đổ vàng. Nhìn mà thêm mê mẩn. Có lúc thấy rưng rưng. Nhiều người bỗng nhớ những năm tháng ở Nga. Mùa thu vàng đã bù đắp cho tất cả khổ cực mà ai cũng từng chiụ đựng. Giờ mỗi lần nhớ về thời thanh xuân ấy, hầu như chỉ nhớ màu vàng của bạch dương, màu đỏ của phong mà quên đi cơ cực. Mùa thu vàng đã cứu rỗi… Thế mới càng yêu màu vàng nơi đây.

Trên những đỉnh núi mờ mịt sương giăng. Màu vàng chốn tìm trong những đám mây sà xuống thung lũng xanh mịn. Tựa như vệt nắng sót lại khi hè đã rời xa rất lâu. Chút nắng ấy không đủ ấm cây trẩu đang mùa trút lá, nhưng đủ đong nhiều chộn rộn vào mắt người ngang qua. Hiếm gặp một rừng trẩu vàng rực. Chỉ gặp từng cây trẩu mồ côi, hay đám trẩu nhỏ lẻ đứng bên đường, giữa lưng chừng núi. Không cao lắm nhưng khoác màu vàng tươi nên dù kín đáo mấy thì trẩu cũng dễ hút mắt người.

Không biết có mảnh rừng nào nhiều cây trẩu cổ thụ không nhỉ? Vì cây trẩu dễ nhìn thấy thường nhỏ bé, liêu xiêu… Khi đã trút hết lá thì trơ lại cành nhỏ xòe ra, giản dị đến mức chả mấy ai thắc mắc về tên gọi của nó. Nó chỉ chợt lung linh khi khoác lên màu vàng rực. Và tự làm nên một riêng biệt, làm nên một mùa đông. Nhờ trẩu mà những triền núi đá bớt đi đơn điệu. Yêu màu vàng ấy biết đâu có người muốn lưu lại nơi này lâu hơn nữa? Nhờ màu vàng ấy biết đâu người ta ít âu sầu cái sự nghèo khó chốn cao thâm?

Nhưng trẩu không đơn độc lạc lõng vì có thêm màu đỏ của phong. Rất hiếm nhưng vẫn có cây phong đỏ kiêu sa. Chợt nhớ truyện vừa tuyệt hay của Airmatov “Cây phong non chùm khăn đỏ”. Ở đây cũng thế, phong nhỏ bé, đơn côi đứng xen giữa cây rừng, thả vào không gian quanh nó một ấn tượng rất mạnh. Màu đỏ nhức nhối nao lòng. Chợt nhớ câu thơ trong Tây sương kí: “Rừng phong ai nhuộm đỏ tươi. Phải chăng nước mắt của người biệt ly?”. Nguyễn Du thì viết: “Người lên ngựa, kẻ chia bào. Rừng phong thu đã nhuốm một màu quan san”. Thì ra cây phong non rực đỏ khiến các thi nhân phải bật ra thơ, ra văn là như thế này… Còn người không thể viết thì đành đứng lặng giữa đất trời mà thổn thức một mình vậy.

Thế này cứ đông sang là lại muốn ngược những con đường dốc quanh co mà đến với những thung lũng, triền núi, nơi trẩu vàng lá và những cây phong non trùm khăn đỏ chung thủy chờ ta…

Và mỗi năm đều ước muốn được lên đỉnh Mã Pì Lèng để đầu đội mây, chân treo trên dòng Nho Quế xanh biếc, ưỡn ngực ngang tầm đỉnh núi trước mặt.

Và để nhớ, sang đông là mùa con ong đi hút mật bạc hà mọc chen đá núi, thứ mật ong vàng óng ánh như làn da con gái bắt ánh mắt trời…

Thanh Hân - Thùy Linh (CSTC Xuân 2013)
.
.
.