Facebook dùng trí tuệ nhân tạo để loại bỏ những tin, ảnh, video giả

Chủ Nhật, 23/09/2018, 11:39
Các chuyên gia an ninh mạng cho rằng, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước. Engadget ngày 16-9 cho hay.


Đại diện Facebook nhấn mạnh: "Mọi người chia sẻ hàng triệu bức ảnh và video trên Facebook mỗi ngày. Chúng tôi biết rằng, hình thức chia sẻ này đặc biệt hấp dẫn vì đó là hình ảnh trực quan. Nhưng nó cũng dễ dàng tạo cơ hội cho nhiều thành phần gây rối, làm điều xấu". 

Cuối cùng, Facebook sẽ gắn nhãn lên hình ảnh hoặc video bị phát hiện có nội dung xuyên tạc, giả mạo và gây nhầm lẫn để người dùng cảnh giác. Mới đây, Facebook thông báo xóa 196 trang và 87 tài khoản cá nhân trên nền tảng của mạng xã hội này ở Brazil.

Tin giả tràn lan trên facebook.

Vật lộn với cuộc chiến chống nạn tin giả tràn lan

Kể từ thời điểm này, Facebook sẽ giám sát và xác minh tất cả hình ảnh, video có nội dung giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt do người dùng đăng tải trên mạng xã hội. Trong một động thái nhằm tuyên chiến với nạn thông tin và hình ảnh giả mạo tràn lan trên mạng xã hội, Facebook thông báo sẽ bắt đầu xác minh thông tin và tính xác thực của các bức ảnh hoặc video do người dùng chia sẻ.

Facebook cho biết, mạng xã hội này đã làm việc với 27 đối tác bên thứ ba tại 17 quốc gia trên thế giới từ lâu. Họ đóng vai trò tham gia cùng Facebook xác minh thông tin trong các bài viết đăng tải suốt 2 năm qua. 

Tuy nhiên giờ đây, các đối tác này sẽ có thêm nhiệm vụ mới khi phải xác minh tính chính xác của nội dung trong hình ảnh hoặc video của người dùng. Mạng xã hội tỷ dân cho biết, tuyến phòng thủ đầu tiên của Facebook là trí tuệ nhân tạo (AI). Máy học được sử dụng để xác định các nội dung có khả năng sai lệch bằng cách xác định các dấu hiệu, ví dụ như phản hồi, báo cáo của người dùng. 

Thậm chí, máy học còn trích xuất nội dung trong các bài đăng và so sánh với bài báo để phát hiện thông tin cắt ghép, giả mạo. Ảnh bị gắn cờ do máy học phát hiện sẽ tiếp tục được gửi tới các đối tác bên thứ ba để xác minh lại thông tin.

Facebook khẳng định, đối tác của công ty có nhiệm vụ chính là đánh giá hình ảnh, video. Họ cũng được đào tạo về kỹ năng nghiệp vụ khi xác minh hình ảnh, ví dụ như phân tích siêu dữ liệu của bức ảnh, truy ngược nguồn gốc, vị trí chụp hoặc quay video… Từ các kỹ năng và nghiệp vụ có được, họ sẽ đánh giá xem liệu bức ảnh hoặc video đó có phải là giả mạo hay không.

Nhưng chưa dừng ở đó, kết luận của người xác minh tiếp tục được gửi về AI để trau dồi sự chính xác và khả năng học tập của chúng. Mạng xã hội Facebook đang phải vật lộn với cuộc chiến chống nạn tin giả tràn lan. 

Khi vấn nạn giả mạo thông tin ngày một biến tướng dưới hình thức hình ảnh cắt ghép hay ảnh chế nội dung thì việc đối phó với chúng càng trở nên khó khăn hơn.

Giải quyết vấn đề thông qua nhiều phương tiện

Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đang thuê các chuyên gia về xuất bản để kiểm duyệt nội dung được đăng tải trên mạng xã hội. Những người này sẽ làm việc tại trụ sở chính của Facebook ở Menlo Park (California). 

Theo The Guardian, trong phần miêu tả về công việc ban đầu, Facebook yêu cầu các ứng viên phải có niềm đam mê với báo chí. Tuy vậy, sau đó yêu cầu này đã được gỡ bỏ. Cuộc đấu tranh với tin tức giả mạo bắt đầu được Facebook thực hiện sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh thoát khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. 

Trong năm qua, Facebook đã giải quyết vấn đề tin tức giả mạo thông qua nhiều phương tiện, bao gồm cả việc tăng cường mối quan hệ với các đối tác giám sát thuộc bên thứ 3 và kiểm soát hoạt động quảng cáo tin tức. 

Facebook đã sử dụng con người nhiều hơn trong việc kiểm soát tin tức giả mạo kể từ năm 2016, chú trọng hơn vào các thuật toán nâng cao khả năng nhận dạng nội dung, đặc biệt là với các chủ đề thịnh hành (Trending Topic). Mới đây, mạng xã hội này đã nhận phải những chỉ trích dữ dội khi tuyên bố sẽ dừng việc cung cấp các chủ đề thịnh hành trên Facebook.

Những trang và tài khoản cá nhân giả tại Brazil được một nhóm chính trị cánh hữu sử dụng để lan truyền tin giả (fake news) trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới. Sau quá trình điều tra và sàng lọc kỹ càng, mạng xã hội này đã phát hiện các trang và tài khoản trên vi phạm chính sách xác thực danh tính. 

Các trang bị khóa thuộc một mạng lưới được sử dụng dưới các tài khoản giả trên Facebook, những chủ nhân của các trang này đã giấu kín bản chất và nguồn gốc của các nội dung đăng tải nhằm cố tình tạo ra sự chia rẽ và truyền bá thông tin sai lệch.

Nguyễn Minh
.
.
.