Đừng để trẻ em cô đơn trong học đường
Trẻ bị trầm cảm, cô đơn hay gặp các vấn đề về tâm lý thậm chí chọn tự tử như một cách để giải thoát khi bị áp lực học tập từ nhà trường, gia đình và chính bản thân các em, câu chuyện tưởng chừng không mới nhưng vẫn là vấn đề đáng cảnh báo bởi những hệ lụy đằng sau mà nó để lại.
Cô đơn, trầm cảm dẫn đến những hành vi tiêu cực
Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, kể rằng cách đây 2 năm, khi còn làm giáo viên chủ nhiệm một lớp 12, một nữ sinh gặp thầy nói muốn nghỉ học nhưng không rõ lý do. Nghe xong chuyện, thầy động viên em tiếp tục đi học và trao đổi với gia đình. Thế nhưng, mỗi lần vào lớp em lại khóc, em nói rằng chỉ cần nhìn lên bảng thấy những con số là em không chịu được. Có những đêm, khuya rồi em học sinh đó vẫn gọi nói với thầy rằng, "Thầy ơi nếu bây giờ em ngủ và vĩnh viễn không tỉnh dậy nữa thì sẽ thế nào ạ?"…
Tọa đàm "Giải mã cô đơn trong học đường" do Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, tổ chức. |
"Để giúp em vượt qua thời điểm khó khăn đó, một mặt tôi kết nối với gia đình em, làm cầu nối để em và ba mẹ đến gần nhau hơn, một mặt tôi xin ý kiến, lời khuyên của các chuyên gia tâm lý, kiên trì từng bước một giúp em vượt qua. Hiện tại, em đã làm sinh viên năm 2 của một trường đại học nổi tiếng tại TP Hồ Chí Minh", thầy Chính kể.
Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Power, cũng chia sẻ câu chuyện về một học sinh 17 tuổi tìm đến với cô khi vừa ra viện sau lần tự tử bất thành do cô đơn trong chính gia đình mình. Học sinh ấy kể, mỗi người trong gia đình đều bận rộn với công việc của riêng mình, rất ít có thời gian ở bên nhau, cả gia đình gần như không để ý đến những thành viên khác.
Bỗng một ngày, em có suy nghĩ "nếu mình biến mất thì sao?" và học sinh ấy đã chọn cách tiêu cực nhất để giải thoát sự cô đơn ra khỏi bản thân mình. Tuy nhiên, sau khi em thoát khỏi tử thần, em chia sẻ rằng khi ấy em mới nhận ra, việc giải tỏa sự cô đơn của em thật sự dại dột, em luôn là điều quý giá nhất đối với gia đình. Cha mẹ bận rộn, làm tất cả mọi thứ là để dành những điều tốt nhất cho em. Cha mẹ sẽ không ổn một chút nào nếu một ngày em biến mất…
Chuyện về học sinh nghĩ đến cái chết hay tự tử không phải chuyện hiếm. Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm học 2019-2020 vừa qua, ít nhất đã có 4 học sinh tự vẫn. Trong đó, có hai chị em sinh đôi tại một trường quốc tế nhảy lầu tự vẫn tại nhà. Chưa kể, nhiều trường hợp học sinh tự tử "hụt" được phát hiện kịp thời.
Theo các chuyên gia giáo dục, tình trạng học sinh cô đơn trong chính gia đình, lớp học mình ngày càng nhiều, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện đại. Nguyên nhân bắt nguồn từ chính sự thiếu quan tâm, định hướng của người lớn đã dẫn tới những bất ổn, sai lầm của trẻ. Một bộ phận không học sinh đang có khuynh hướng chỉ tiếp thu các giá trị ảo, không phù hợp với chuẩn mực của xã hội. Nhiều học sinh không có bạn ở lớp vì không có kỹ năng giao tiếp. Những em này thường không có "đồng minh", thường bị ép và dễ dàng bị tấn công. Học sinh có chuyện thường ngại, ít dám nói với giáo viên vì đa số giáo viên sẽ áp kỷ luật hoặc phạt các em mà không tìm hiểu nội tâm của các em để hiểu và thông cảm...
Trong khi đó, nhiều cha mẹ mải mê chạy theo kinh tế, nhiều hoàn cảnh không hạnh phúc, nhiều bậc cha mẹ có tư tưởng khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường, chưa kể những áp đặt, áp lực về điểm số của cha mẹ với con cái. Chính sự thiếu định hướng, áp lực học tập thái quá, thiếu chăm sóc về mặt tình cảm của cha mẹ đã khiến trẻ trở nên cô đơn, trầm cảm, tự ti và có những phản ứng, hành vi tiêu cực.
Cả phụ huynh và giáo viên cần làm bạn để hiểu trẻ
Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, quận 10, nhìn nhận hiện nay một bộ phận giới trẻ thường cảm thấy cô đơn dù ở trong lớp học hay gia đình. Và có nhiều nguyên nhân khiến học sinh cảm thấy cô đơn như điểm số, bạo lực học đường về góc độ tinh thần, thể xác, câu chuyện gia đình, tình cảm mới lớn… Cảm giác cô đơn khiến các em chọn sự im lặng, không chơi với ai, không trò chuyện, chia sẻ với cha mẹ, thầy cô, bạn bè. Sự cô đơn sẽ làm cho học sinh sợ sệt, không dám nhận sự giúp đỡ từ người khác… Từ đó, nhiều hệ lụy sẽ kéo theo như suy nghĩ, phản ứng rồi hành động tiêu cực để giải tỏa nỗi cô đơn.
Gia đình, nhà trường, giáo viên cần nhìn lại phương pháp hỗ trợ, giáo dục học sinh. |
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng, Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Huế, học sinh rơi vào trạng thái cô đơn thường có các biểu hiện như: nghe đi nghe lại một bản nhạc nào đó, hay thức khuya và đắm chìm trong bóng tối, không dám nhìn vào mắt người đối diện, đặt niềm tin vào các mối quan hệ ảo, cảm thấy lạc lõng giữa đám đông, mơ hồ trong những cuộc vui chơi và luôn cảm thấy thất bại. Đứng ở góc độ tâm lý, cô đơn là một trạng thái cảm xúc rất khó chịu, khiến cơ thể mệt mỏi, nó gây cản trở, khó khăn trong các mối quan hệ và khó khăn trong giao tiếp. Do đó, nếu cảm giác này dồn nén quá lâu, không được giải quyết kịp thời sẽ dễ dẫn đến stress, nguy cơ lớn nhất là kết liễu cuộc đời.
Để các em không rơi vào trạng thái tâm lý tiêu cực, Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh cho rằng cần tạo ra một môi trường không phán xét để các em cảm thấy an toàn, tự tin được là chính mình trong nội quy nhất định của nhà trường, để trẻ được thảo luận, tỏ bày, dám nói lên những nỗi buồn, những mâu thuẫn, mong muốn của bản thân.
Với phụ huynh, trước khi đưa con đến các lớp học để hoàn thiện, hãy cho trẻ một hành trình chầm chậm lại để trẻ được hiểu chính mình, chấp nhận, yêu thương chính bản thân rồi hãy đến hoàn thiện. Đừng vội vàng đẩy học sinh đến hoàn thiện trong môi trường giáo dục khi chưa chấp nhận con người của các con. Học sinh sẽ bị cô đơn trong chính môi trường gia đình cũng như trường học.
Cần tạo ra một môi trường không phán xét để các em cảm thấy an toàn, tự tin, dám bày tỏ ý kiến… |
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng cũng cho rằng, không có học sinh nào là kém cỏi, thầy cô không chỉ là người giúp học sinh tìm cách giải quyết một bài toán, bài văn, thầy cô còn là những người giúp học sinh giải quyết những khó khăn, xóa đi điều tiêu cực trong cuộc sống, đó chính là sự yêu thương, nhân ái của giáo dục vì mỗi ngày đến trường là một niềm vui.
"Bất cứ lúc nào các em cảm thấy cô đơn, các em hãy nhớ rằng chúng ta luôn có những người bạn tốt, có ba mẹ, có thầy cô. Hãy yêu thương ba mẹ, chia sẻ với ba mẹ, thầy cô nỗi buồn, sự lo lắng của mình để nhận lấy sự sẻ chia, niềm hạnh phúc…", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng nhấn mạnh.
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hùng bày tỏ quan điểm. |
Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh chia sẻ ý kiến. |
Theo thầy Lâm Vũ Công Chính, nỗi cô đơn học đường có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ở học sinh, nặng hay nhẹ và cần giáo viên phải thật sự quan tâm, chăm sóc. Do đó, thầy cô với học sinh phải như cha mẹ chăm sóc con cái. "Bớt chút thời gian của mình, lắng nghe các em nói, đồng hành cùng các em… sẽ là cách mỗi giáo viên giúp các em vượt qua nỗi cô đơn của mình", thầy Lâm Vũ Công Chính chia sẻ.
Đồng quan điểm, theo Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, gia đình, nhà trường, giáo viên cần nhìn lại phương pháp hỗ trợ, giáo dục học sinh, làm sao để không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn trở thành nơi để học sinh tin tưởng, giãi bày, là "điểm tựa" để học sinh vượt qua những nỗi buồn học đường.