"Dòng họ bình yên" nơi các chòm bản Tủa Chùa

Thứ Hai, 29/08/2016, 09:52
Mưa ở Tủa Chùa (Điện Biên) đến thật nhanh. Loáng một cái, trên các nóc nhà nơi các chòm bản đã trắng xóa một màu nước. Bên ngọn lửa ửng hồng, các thành viên trong gia đình ông Vừ Gàn Dinh, ở bản Từ Ngài 2, xã Mường Báng kể cho nhau nghe câu chuyện, nhờ có cán bộ Công an "cắm bản", nhờ có "dòng họ" mà gia đình đã không nghe theo kẻ xấu, bỏ nhà, bỏ ruộng di cư tự do.


Những người bạn "không mời mà đến"

Ở Tùa Chùa đang vào mùa mưa. Đường đi vốn hiểm trở, nay càng trở nên khó đi hơn khi nhiều đoạn đường nhầy nhụa bùn đất.

Là người đã hơn 10 năm gắn bó với các bản làng Mường Báng (Tủa Chùa), nên Thiếu tá Giàng A Khu, Đội Xây dựng phong trào và phụ trách xã về an ninh trật tự, Công an huyện Tủa Chùa hiểu rõ từng con suối, khe nước nơi đây hơn bao giờ hết. "Mưa đến bất chợt, nhưng chỉ một lát nữa thôi sẽ ngớt ngay", Thiếu tá Khu bảo. Đúng như lời anh, chưa đầy 10 phút sau, tiết trời đã tạnh.

Bình yên nơi các chòm bản Tủa Chùa.

Như thường lệ, Thiếu tá Khu lại cầm theo chiếc cặp đựng vô số tài liệu có nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật xuống bản. Hôm nay, Thiếu tá đến nhà ông Vừ Gàn Dinh, người Mông, ở bản Từ Ngài 2, xã Mường Báng.

Biết có cán bộ "cắm bản" đến chơi, vợ chồng ông Vừ Gàn Dinh vui lắm. Với ông Dinh, khó có thể quên câu chuyện năm ấy. Những ngày cuối năm 2010, trong một lần xuống chợ phiên, ông Dinh gặp một số người lạ mặt từ nơi khác đến.

Qua vài lời hỏi thăm, ông Dinh nhanh chóng bị "hút hồn" bởi những câu chuyện trên trời mà số người này kể. Để rồi, mỗi dịp xuống chợ phiên ông lại gặp và trò chuyện với những người bạn "không mời mà đến" này. Bản thân ông không hay rằng, chính những câu chuyện trước đó là cả một sự sắp đặt có chủ đích.

Số đối tượng này sau đó đã vẽ ra cái gọi là "đồi vàng" nơi vùng biên thuộc huyện Mường Nhé (Điện Biên) và rủ ông bỏ ruộng, bỏ nhà di cư tự do. Ông Dinh sau đó trở về nhà, bảo vợ con và người thân chuẩn bị đồ đạc đi theo mình.

Nắm bắt thông tin trên cũng như hiểu rõ tính cách của đồng bào người Mông hơn ai hết, nên Thiếu tá Khu liền báo cáo Ban Chỉ huy Công an huyện, đồng thời đến nhà ông Vừ A Chinh, Trưởng dòng họ Vừ ở Mường Báng tìm hướng tuyên truyền, giải thích để gia đình ông Dinh không nghe theo kẻ xấu.Thiếu tá Khu cùng vị Trưởng dòng họ Vừ và một số vị cao niên trong dòng họ đến nhà ông Dinh.

Trên đường tới bản Từ Ngài 2, mọi người đã gặp ông Dinh cùng người thân. Sau khi được nghe giải thích, ông Dinh hiểu ra mọi chuyện, đồng thời cùng người thân trở về nhà.

Đã gần 6 năm trôi qua, thế nhưng mỗi khi nhìn ruộng nương được mùa, nhìn đàn gia súc, gia cầm không ngừng sinh sôi, đám con cháu thì có công ăn việc làm, ông Dinh và người thân lại thầm cảm ơn các anh - cán bộ Công an "cắm bản", những vị cao niên trong dòng họ Vừ của mình.

Hiệu quả từ một mô hình

Thượng tá Vừ A Dơ, Phó trưởng Công an huyện Tủa Chùa chia sẻ, Tủa Chùa là huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên. Nơi đây thuộc diện đặc biệt khó khăn của tỉnh. Toàn huyện với 7 thành phần dân tộc (người Mông chiếm hơn 70%, Thái: 16,3%, Dao: 4%...) có 11 xã và 1 thị trấn.

Trong đó có, 11 xã đặc biệt khó khăn thuộc khu vực 3. Trong những năm qua, huyện luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.

Đoàn công tác của Báo CAND, Công an huyện Tủa Chùa xuống bản, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.

Tuy nhiên, do dân cư trên địa bàn phân bố không đồng đều, điều kiện địa hình hiểm trở, trình độ dân trí của một bộ phận bà con các dân tộc còn hạn chế, nên công tác xây dựng phong trào quần chúng bảo vệ An ninh Tổ quốc (ANTQ), phòng ngừa kẻ xấu lôi kéo, kích động gây mất an ninh trật tự (ANTT) luôn được Công an huyện chú trọng.

Để phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đem lại hiệu quả cao, bên cạnh công tác nghiệp vụ, trong thời gian qua, Công an huyện đã duy trì, phát huy hiệu quả nhiều mô hình đảm bảo ANTT trên địa bàn.

"Dòng họ bình yên" là một trong những mô hình được Công an huyện phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương duy trì có hiệu quả. Mô hình này được khơi nguồn từ những năm cuối thế kỷ XX, xuất phát từ chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện.

Theo Thượng tá Vừ A Dơ, vào thời điểm bấy giờ, "Dòng họ bình yên" đã tranh thủ được các trưởng dòng họ, người có uy tín trong dòng họ để tuyên truyền, vận động con cháu trong dòng họ thực hiện xóa bỏ cây thuốc phiện.

Trong đó nổi lên như: dòng họ Giàng ở xã Xá Nhè, dòng họ Thào ở xã Sín Chải, dòng họ Vừ ở xã Trung Thu, dòng họ Sùng ở xã Lao Xả Phình v.v..

Qua đó, góp phần làm cho phong trào xóa bỏ cây thuốc phiện lan tỏa toàn huyện; bà con tự giác không trồng cây thuốc phiện, diện tích trồng cây lương thực được tăng lên đáng kể. Với mô hình "Dòng họ bình yên", người có tiếng nói, uy tín và am hiểu cuộc sống của bàn con dân bản nhất chính là Trưởng dòng họ.

Mỗi dòng họ đều có những quy ước, hương ước riêng phù hợp với phong tục tập quán của dân tộc, địa phương nhằm giáo dục, quản lý con cháu trong dòng họ, giữ vững ANTT.

Đặt chân lên các chòm bản Tủa Chùa thời điểm này, đâu đâu, ta cũng nghe thấy những câu chuyện về mô hình "Dòng họ bình yên" nơi đây. Khác với địa bàn dưới xuôi, ở nơi rẻo cao Tủa Chùa, việc phát huy hiệu quả các mô hình về đảm bảo ANTT trong đó có mô hình "Dòng họ bình yên" đã góp phần tích cực vào công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Đáng lưu ý, không chỉ là "mũi nhọn" trong việc răn dạy, quản lý con cháu trong dòng họ, "Dòng họ bình yên" ở các bản làng có vị trí rất quan trọng trong việc giải quyết, phòng ngừa nhiều vụ việc phức tạp ở địa phương. Điển hình vào tháng 3-2013, tại xã Trung Thu đã xảy ra vụ tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình nhà anh Giàng A Phẩu và anh Vi A Lầu.

Dù chính quyền xã tiến hành hòa giải, song mảnh đất có diện tích 5.000m2 xảy ra tranh chấp vẫn không được giải quyết dứt điểm. Các thành viên trong hai hộ gia đình nhiều lần xảy ra xích mích, cãi vã nhau.

Đến năm 2015, trước những nguy cơ phức tạp liên quan đến ANTT tiềm ẩn xảy ra, Công an huyện Tủa Chùa đã chủ động tham mưu cho UBND xã sử dụng Trưởng dòng họ Giàng và họ Vi đứng ra giải quyết.

Ngay sau đó, hai vị trưởng dòng họ này cùng đại diện hai hộ gia đình đã ngồi lại với nhau và đưa ra hướng giải quyết. Kết quả, hai hộ gia đình đã đi đến thỏa thuận và cam kết không để xảy ra mâu thuẫn nữa.

Phát huy hiệu quả đạt được

Theo đại diện Công an huyện Tủa Chùa, tính đến nay, trên địa bàn huyện có hơn 200 nhóm dòng họ lớn, nhỏ. Trong đó, dân tộc Mông có 18 dòng họ chia thành 148 nhóm; dân tộc Thái có 15 dòng họ chia thành 35 nhóm; dân tộc Dao có 8 dòng họ…

Sau nhiều năm xây dựng, củng cố các "Dòng họ bình yên" trên địa bàn, đến thời điểm hiện tại đã có 122 dòng họ được thành lập và hoạt động trở thành các "Dòng họ bình yên", còn 80 dòng họ chưa được thành lập do một số dòng họ đang trong quá trình xây dựng và củng cố.

Đại tá Đặng Văn Lân, Phó Tổng biên tập Báo CAND thăm hỏi, tặng quà bà con Mường Báng.

Một số dòng họ, do số lượng còn ít nên chưa thành lập được mà sinh hoạt ghép với nhau như: dòng họ Vàng, Giàng, Lù, Sình ở xã Trung Thu; dòng họ Ly, họ Hoàng ở xã Tả Sìn Thàng; dòng họ Hờ, Giàng, Vàng ở xã Huổi Só; dòng họ Sằn, Mè, Tặng, La ở xã Tủa Thàng…

Nhằm phát huy hiệu quả của mô hình "Dòng họ bình yên" trên địa bàn, định kỳ hăng năm, Công an huyện Tủa Chùa cùng các cấp ủy, chính quyền tổ chức chỉ đạo các dòng họ sơ kết, tổng kết, qua đó đánh giá kết quả hoạt động trong năm cũng như đề ra các phương hướng nhiệm vụ, biện pháp chỉ đạo hoạt động của dòng họ trong năm tiếp theo.

Đồng thời, thông qua các kỳ "đại hội Dòng họ", sẽ bình bầu người có uy tín trong thôn, bản, dòng họ làm trưởng họ.

Nhờ có mô hình "Dòng họ bình yên", bên cạnh việc phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc được đẩy mạnh, nhiều mô hình, cách làm hay phát triển kinh tế, đẩy lùi đói nghèo cũng được xuất hiện ở nhiều địa bàn.

Ví như, mô hình "Chăn nuôi gia súc" của ông Vừ A Cầu - Trưởng dòng họ Vừ ở xã Trung Thu; mô hình "Ao cá" của ông Lờ A Sử - Trưởng dòng họ Lờ ở thôn Sín Sủ 2 - xã Xá Nhé; mô hình "Phát triển kinh tế gia đình" của ông Sình A Tâu ở thôn Đề Hái ở xã Sính Phình v.v...

Theo đánh giá của Công an huyện Tủa Chùa, trong 10 năm qua, mô hình "Dòng họ bình yên" trên địa bàn đã cung cấp cho lực lượng Công an trên 5.000 nguồn tin có giá trị phục vụ công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm. Tích cực quản lý con cháu và các thành viên trong gia đình nêu cao ý thức chấp hành pháp luật, góp phần hạn chế tình hình tội phạm trên địa bàn.


Trần Huy
.
.
.