Độc đáo lễ đưa dâu bằng 20 con voi
Một đoàn voi gồm 20 con ngạo nghễ khoác lên mình tấm áo choàng thổ cẩm mang đặc sắc của đồng bào M'nông trong lễ cưới của con gái ông Đàng Năng Long (Thị trấn Liên Sơn - Lắk - Đắk Lắk). Đám cưới đặc biệt này không chỉ thu hút toàn thể nhân dân bản địa mà còn được cánh báo chí "săn đón" nhiệt tình.
Voi đưa dâu
Đây là lần thứ hai tại thị trấn phố núi tổ chức đưa dâu bằng voi. Xóm bản được một ngày dậy thật sớm, trên bán kính 2km, đoàn voi lững thững, oai vệ bước đi theo nhịp trống chiêng vang vọng khắp núi rừng. Đồng bào M'nông yêu voi quý voi nên trong gia tộc hễ có chuyện gì to tát lớn lao đều phải làm một cái lễ cúng báo cho voi biết.
Trước thời gian diễn ra đám cưới, ông Long cũng làm lễ cúng voi rất linh đình, trang trọng. Voi là một phần không thể thiếu trong đời sống gia đình ông Long và đã được duy trì từ nhiều đời cha ông để lại. Đám cưới đứa con gái đầu vào năm 2010, ông Long cũng cho đưa dâu bằng 20 con voi và lần này cũng bằng ấy chú voi.
Hạnh phúc ngọt ngào của đôi uyên ương trên lưng voi. |
Như một tập tục truyền thống mang ý nghĩa sâu xa là bảo tồn, phát triển và đưa hình ảnh voi ra với nhân dân cả nước, ông Đàng Năng Long muốn truyền thông điệp vô cùng đẹp đẽ, cao thượng dành cho loài voi. Hãy bảo vệ và yêu thương voi.
Tâm sự của nhân vật chính
Đàng Thị Trà My, con gái thứ hai của ông Đàng Năng Long vẫn còn nguyên cảm xúc khi được ngồi trên lưng voi về nhà chồng.
Chị kể lại: "Ba tôi đã chọn con voi già nhất, có cặp ngà dài nhất làm voi dẫn đầu trong đoàn đưa dâu. Ba tôi muốn vợ chồng tôi hạnh phúc đến bạc đầu như con voi già kia. Sống theo chuẩn mực đạo đức như voi đã từng sống và đừng bao giờ làm việc gì trái với lương tâm để voi phải buồn".
Chú rể Trọng Bảo quê gốc Nghệ An không giấu nổi niềm tự hào: "Đầu tiên ba Long đưa ra ý tưởng đưa dâu bằng voi, gia đình tôi không ai phản đối. Đặc biệt là ba tôi, ông ấy ủng hộ ngay từ đầu. Chúng tôi đều sống ở Đắk Lắk từ nhỏ nên không còn xa lạ gì với voi nữa. Tôi lấy vợ, được một đoàn voi đưa rước, được báo chí đưa tin, bà con dân bản hân hoan. Một ngày ghi dấu ấn đặc biệt nhất trong đời của tôi".
Trên lưng mỗi chú voi đều phủ một tấm vải thổ cẩm mang đặc trưng dân tộc M'nông. |
Trà My cho biết, trên mình voi dành cho cô dâu và chú rể phủ một tấm vải thổ cẩm thêu chữ hỷ. Trên đường đưa dâu đi qua nhà cô ở, con voi cứ ngập ngừng mãi không chịu đi, nó muốn vào nhà chào mọi người. Đặc biệt, ngày vui này, trông chú voi nào cũng rạng rỡ.
Cảm động từ tấm chân tình của voi dành cho mình, Đàng Trà My sau khi đám cưới đã có ý định quay trở về quê nhà phụ cha chăm sóc bảo tồn đàn voi. Thật ra, cho đến bây giờ tôi vẫn chưa hiểu biết nhiều về con, một phần là do tôi đi học xa nhà nhưng phần quan trọng hơn, tôi chưa hết mình yêu voi. Tôi trở về để gần gũi voi, để học voi từ những gì bé nhỏ nhất trong đó điều quan trọng chính là học ngôn ngữ nói chuyện với voi", Trà My chia sẻ.
Đám cưới độc nhất vô nhị Ông Đàng Năng Long được biết đến là người nuôi voi giỏi nhất Đắk Lắk đồng thời là người sở hữu số lượng voi nhà nhiều nhất Việt Nam với 9 con. Sính lễ trong ngày cưới của con gái là đôi nhẫn được bện công phu, tỉ mẩn bằng lông đuôi voi. Đám cưới đưa dâu bằng voi ở Tây Nguyên không nhiều vì nó tốn kém hơn nữa nếu người bình thường thì không thể kiếm ra voi để tổ chức. Cuộc diễu hành của voi trong ngày cưới con gái, ông Long muốn đưa bản sắc văn hóa dân tộc M'nông ra với xã hội. |