Độc đáo bảo tàng "cổ vật thời gian"

Thứ Hai, 12/02/2018, 08:50
Trong cái kho đầy ắp cổ vật của Phạm Ngọc Trường (45 tuổi), thứ duy nhất mang dáng dấp hiện đại chính là ánh sáng của chiếc đèn neon, tất cả những gì còn lại đều là hiện vật cổ mà chủ nhân đã đóng vai người sưu tầm suốt hơn 20 năm qua. Có nhiều thứ đã trở thành của hiếm không thể tìm đâu ra trong đời sống đương đại... 


"Thế giới" cổ xưa

Phạm Ngọc Trường sinh ra trong gia đình làm nghề nông tại xã Long Sơn (huyện Cần Đước, tỉnh Long An). Anh nhớ rất rõ, gia tài của cả nhà lúc ấy là chiếc radio được sản xuất từ năm 1960. Nhờ có nó mà các anh chị em được nghe tin tức, giải trí, mở mang tầm hiểu biết. Khi chiếc radio bị cháy, cả nhà rất buồn không biết phải làm sao có lại được.

 Sau khi lên TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, Phạm Ngọc Trường có cơ hội đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, tận mắt ngắm nghía các loại đồ vật, trong đó có radio vốn là ước mơ cháy bỏng thủa thiếu thời của mấy chị em.

Nhiều bạn bè thường lui tới kho đồ cổ của Phạm Ngọc Trường.

Tỉ mỉ góp nhặt, cặm cụi tìm kiếm nhiều năm trời, Phạm Ngọc Trường đã có trong tay hơn 1.200 chiếc radio có xuất xứ từ Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa Kỳ... với đủ hình dạng, kích thước độc đáo, có chiếc bé xíu như hộp diêm, có chiếc lại được mạ vàng hay bọc gỗ. Chúng đều có tuổi đời trên nửa thế kỷ và nhiều máy vẫn có thể bắt sóng, hoạt động rất "phê".

Xuất thân là nông dân chính gốc, tuổi thơ gắn bó với cây lúa cây ngô, nhưng Phạm Ngọc Trường lại chịu khó tìm hiểu về văn hóa cổ. 20 tuổi, khi những chàng trai cùng trang lứa sốt sắng cho tương lai thì anh đã chọn cho mình một lối đi riêng, đó là dày công tìm hiểu về những vật dụng của nền văn minh nông nghiệp mà ông bà, cha mẹ mình đã từng sử dụng.

Ngày nay, bánh xe bò đã không còn lăn trên các nẻo đường làng nhưng câu chuyện về chúng thì vẫn được kể lại cho con cháu nghe với sự minh họa cụ thể từ một công cụ thuần nông có ngay trong nhà Phạm Ngọc Trường.

Chiếc cối đá chỉ có một tính năng duy nhất là xay bột nhưng từ khi có máy xay bằng điện thì chúng được cho "về hưu". Phạm Ngọc Trường đi mua hàng trăm cái về nhà, anh không biết sẽ dùng vào việc gì, nhưng nếu không lưu giữ nó thì tất cả sẽ biến mất trong một thời gian rất ngắn.

Khi thấy Phạm Ngọc Trường tha về bánh xe bò, cối xay, nhiều người đã nghĩ anh "chơi ngông", nhưng anh mặc kệ, cứ âm thầm làm. Thậm chí, có những chiếc cối bị vùi sâu trong đất vì lâu ngày chủ nhân không dùng đến, anh cũng năn nỉ mua lại, đào lên rồi khệ nệ mang về.

Chiếc máy hát và đĩa nhạc cổ.

Với anh, được xay cối đá cũng là lúc sống lại những kỷ niệm tuổi thơ, những đứa trẻ trong xóm tụm đầu xay bột làm bánh trong những ngày giỗ chạp, lễ tết. Chỉ nghĩ đến điều đó thôi, trái tim Phạm Ngọc Trường đã không thôi thổn thức, trằn trọc. Cứ thế, trong khuôn viên nhà anh, hàng nghìn cái cối đá vẫn sừng sững, bất chấp thời gian và mưa nắng.

Kho đồ cổ của Phạm Ngọc Trường có hàng trăm máy quay phim, máy đánh chữ, máy chiếu phim nhựa và hơn 1.200 máy chụp ảnh các loại vào những năm đầu thế kỷ XX của trên 20 quốc gia.

Trong đó, có chiếc nhỏ chỉ bằng trái trứng gà dùng để chụp những tài liệu bí mật trong chiến tranh. Và có những cái "khủng" từ thế kỷ XIX với kích thước 2 mét, nặng vài tạ. Đây là "đứa con" mà Phạm Ngọc Trường yêu quý nhất trong bộ sưu tập máy ảnh.

Để có được "anh cả" này, Phạm Ngọc Trường đã rất vất vả. Anh kể: "Lúc đầu mình vào xem, sau đó mê luôn. Ông chủ rất ngạc nhiên trước lời hỏi mua của tôi, ông buột miệng nói đại một giá "trên trời" là 18 triệu nhằm đuổi khéo, nhưng ông không ngờ mình lấy luôn. Vì lỡ lời nên ông ấy tỏ ra hụt hẫng, bối rối và tiếc nuối khi phải bán chiếc máy ảnh cổ".

Phạm Ngọc Trường hiểu được thú vui bất tận của người dân Nam Bộ xưa là nghe cải lương và đờn ca tài tử trên đĩa than, đĩa nhựa chạy bằng máy hát đĩa dùng pin nên anh đã lăn lộn lên TP Hồ Chí Minh và khắp các tỉnh miền Tây tìm kiếm.

Phạm Ngọc Trường chia sẻ: "Mình đã có 400 cái máy hát cùng hơn một ngàn đĩa than,  từng ấy chưa phải là nhiều nhưng cũng góp phần lưu giữ lại một phần văn hóa vật thể của con người Tây Nam Bộ". Trong gia tài đĩa đờn ca tài tử vẫn còn âm vang chất giọng ban sơ của những giọng ca lừng lẫy một thời như Út Trà Ôn, Phùng Há, Bạch Tuyết, Mỹ Châu...

Năm 2011, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục người sở hữu nhiều máy thu thanh cổ nhất cho Phạm Ngọc Trường.

Cổ vật gắn với nền văn minh

Cách đây vài thập niên, cân đồng hồ vẫn rất hiếm hoi và đắt tiền. Lùi về phía sau nữa, những chiếc cân thô sơ thống lĩnh trong việc buôn bán. Một thời, giá trị giao thương của cân là cực kỳ quan trọng.

Nhưng vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, khi cân điện tử xuất hiện đã "đánh bại" cân truyền thống thô sơ, buộc chúng phải "dừng chân ngơi nghỉ". Chúng được thải ra, bán sắt vụn chứ ít ai có ý định sẽ giữ lại. Bạn bè trong giới sưu tầm đồ cổ với Phạm Ngọc Trường chưa có ai "đam mê" thể loại cân nên anh quyết định sẽ ghi tên mình đầu tiên.

Hàng trăm chiếc cân cổ trong bộ sưu tập của anh Trường thuộc 15 loại khác nhau hầu hết được làm bằng sắt và gang nên có trọng lượng khá nặng. Có món anh phải lặn lội ngược xuôi từ Nam ra Bắc để trao đổi với những người cùng sở thích và cũng có món anh phải kiên trì, năn nỉ chủ nhân nhượng lại vì quá đam mê được sở hữu.

Nhiều cân có xuất xứ từ một số nước châu Âu và Trung Quốc, nhưng khi vào Việt Nam những chiếc cân cổ này đã được cải biến lại cho phù hợp với tập quán thương mại của người Việt.

 Có chiếc cân nhỏ xíu, nhiều người khi xem đều ngạc nhiên, lạ lẫm và họ chẳng biết cân đó dùng để cân thứ gì. Bản thân Phạm Ngọc Trường cũng không biết hết nguồn gốc và cách sử dụng của một số loại cân, nhưng vì niềm đam mê nên dù thế nào anh cũng phải sở hữu chúng.

Những lúc mệt mỏi, anh hay lấy đổ cổ ra ngắm.

Để có bộ sưu tập hàng trăm chiếc cân cổ, anh Trường thường lao ra đường tìm đến những vựa ve chai lùng sục. Bên cạnh đó, anh nhờ bạn bè khắp nơi, hễ ai thấy cân thì mách cho anh đến mua hoặc mua giúp.

Những lúc mê quá, anh bỏ tiền ra mua một lúc vài chục cái, sau đó mang về nhà chắt lọc ra vài cái độc đáo, còn lại cũng đành đưa vào vựa ve chai. Tuy không còn giá trị sử dụng, chiếc cân cổ trong bộ sưu tập của anh Trường vẫn chở nặng tính thời gian, kể lại câu chuyện con người, lịch sử, về văn hóa bản địa.

Cái cách tìm kiếm đồ cổ của Phạm Ngọc Trường không giống với bất cứ ai, bởi đơn giản, tình yêu và niềm đam mê của anh quá lớn dành cho những giá trị xưa cũ. Những con cá đủ chủng loại, có xuất xứ từ các lò gốm tại Lái Thiêu, Biên Hòa với màu sắc, nước bóng vẫn còn, hình dáng không trùng lắp, thể hiện sự sáng tạo của những nghệ nhân dân gian làm ra chúng.

Kho cổ vật "thời gian" của Phạm Ngọc Trường nếu quy ra tiền, chắc hẳn không ai đong đếm được. Chủ nhân chỉ nghĩ đơn giản, mỗi cổ vật đều là bằng chứng lịch sử, thể hiện sự phát triển, đi lên của nhân loại. Với ngần ấy thời gian, qua tay biết bao đời chủ, chúng dừng chân tại nhà của anh đã là một cái duyên khó lý giải.

Ngọc Thiện - Ngân Giang
.
.
.