Dịu mát cổng làng

Thứ Bảy, 31/05/2014, 13:00

Không chỉ có cây đa, bến nước, sân đình, cổng làng cũng là một trong những biểu tượng của những làng Việt. Người làng trước khi đi xa ngoái lại cổng làng để ghi nhớ chốn chôn rau cắt rốn. Người làng khi đi xa về nhìn thấy cổng làng là thấy lại bao thân thương trìu mến, như thấy được gia đình, quê hương đã ùa cả ra đón mình. Còn khách đi đường nhìn vào cổng làng để đoán định được nét văn hóa, đặc trưng của ngôi làng ấy. Lặng lẽ với thời gian, đời này qua đời khác, cổng làng chứng kiến mọi sự đổi thay, hưng thịnh, suy vong của làng. Khi những cơn nắng lửa mùa hè đổ xuống, nhìn thấy chiếc cổng làng khiến lòng ta dịu mát…

Cổng làng xưa kia là nơi đánh dấu ranh giới địa chính của làng. Dù to dù nhỏ, dù xây bằng gạch hay ghép đá, chiếc cổng làng chính là dấu ấn minh chứng cho một nếp làng bề thế, chỉn chu. Cửa nhà trong làng có thể xộc xệch, sơ sài; con người có thể lam lũ, nhếch nhác nhưng cổng làng thì phải đàng hoàng, chững chạc. Đơn giản chỉ bởi cổng làng là bộ mặt, là biểu tượng của làng quê, phần nào thể hiện được cốt cách của làng, tư chất của mỗi người dân trong làng. Cổng làng là một bộ phận cấu thành không thể thiếu của làng quê cổ truyền vùng Bắc Bộ. Có làng giàu, có làng khoa bảng, có làng nghề… tất cả những cái hay cái đẹp đều được các vị túc nho viết thành câu đối khắc trước cổng. Và đó là một phần của văn hóa làng. Vì thế, những cổng làng còn sót lại cần lắm những phương án thống kê, duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ. Nhất là trong trung tâm thành phố Hà Nội, đất chật người đông, những di tích, dấu xưa đang bị xâm lấn, mai một ngày càng nhiều.

Thăng Long khi xưa là kinh kỳ, được gọi là Kẻ Chợ với những phố hàng đặc trưng nhưng cũng mang nhiều dáng dấp tổ chức làng xã tồn tại qua nhiều thời kì. Để ngày nay chúng ta vẫn còn nghe thấy những "làng trong phố" như làng Yên Phụ, làng Ngọc Hà, làng Cót, làng Đông, làng Vòng... Trải qua bao năm tháng biến thiên lịch sử, Thăng Long, Hà Nội từng bao phen "vườn không nhà trống" dưới vó ngựa quân thù, dưới mưa bom bão đạn, nhiều công trình đã biến mất hoặc không còn nguyên vẹn. Rồi cả cơn lốc đô thị hóa, quá trình xây dựng ồ ạt khiến những chiếc cổng làng ngày nay còn sót lại phải chen chúc, o ép với những kiến trúc đủ hình đủ dạng xung quanh. Điều này khiến chúng ta thấy cần phải "có trách nhiệm" với những tác phẩm kiến trúc đặc biệt này. Tuy vậy, sự xen kẽ ấy cũng tạo nên cho chúng ta một Hà Nội vừa hiện đại vừa cổ kính của Thủ đô hơn nghìn năm tuổi.

Cổng làng La Phù.

Giữa phố phường nườm nượp người xe, nhà cửa nhấp nhô, vô tình chạy qua một chiếc cổng làng cổ kính rêu phong, chợt thấy lòng mình như lắng lại. Thèm được rẽ vào khám phá xem bên trong chiếc cổng ấy cuộc sống người Hà Nội có khác gì không. Thèm được lần tay lên từng vết đắp nổi, từng họa tiết, từng vết khắc thời gian trên những chiếc cổng ấy để cảm nhận rõ chút xưa còn lưu dấu lại. Những cổng làng ấy có tự bao giờ, hẳn khó ai trả lời rành mạch cho được.

Đi tìm tư liệu về cổng làng Hà Nội, may mắn tôi bắt gặp cuốn sách "Cổng làng Hà Nội xưa và nay" do tác giả Vũ Kiêm Ninh chủ biên. Cuốn sách dày hơn 300 trang với hơn 100 bức ảnh màu về cổng làng. Đó là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu, ghi chép, chụp ảnh của tác giả đã mang đến cho độc giả những câu chuyện, những "sự tích" xung quanh những chiếc cổng làng, lý giải nét hay, nét đẹp và cả ý nghĩa của kiến trúc, câu đối trên từng chiếc cổng ấy. Song, điều đáng chú ý nhất, cuốn sách “Cổng làng Hà Nội xưa và nay” đã cho thấy những cổng làng Hà Nội còn lại đến ngày nay còn rất ít. Tác giả đã sưu tầm ở 12 quận, huyện: Hoàn Kiếm (2 cổng), Ba Đình (4 cổng), Cầu Giấy (9 cổng), Đống Đa (1 cổng), Hoàng Mai (7 cổng), Long Biên (6 cổng), Tây Hồ (10 cổng), Thanh Xuân (2 cổng), huyện Đông Anh (22 cổng), huyện Thanh Trì (17 cổng), huyện Từ Liêm (18 cổng).

Người quan tâm đến cổng làng Hà Nội có thể tìm cuốn sách vô cùng thú vị này để đọc, để chiêm ngắm, để hoài niệm. Còn tôi, đọc xong mới thấy, giá trị của cổng làng không chỉ là công trình tô điểm cho cảnh quan phố phường nghìn năm, không chỉ là những chứng nhân lặng thầm mà còn là thứ đã thấm đẫm tình cảm của người đô thị. Tôi lang thang vô định quanh phố phường Hà Nội để tận mắt nhìn lại những cổng làng ấy, để lắng nghe cảm xúc của mình về những chứng nhân của Hà Nội qua nhiều năm tháng. Đây rồi cổng làng Yên Thái, ngôi làng đã đi vào ca dao tiêu biểu về Hà Nội "Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ".

Thụy Khuê cũng là con phố có nhiều cổng nhất còn lại của Hà Nội với những cái tên gợi nhiều dấu ấn thời gian như cổng Giếng, cổng Hậu làng An Thọ, cổng làng Đông Xã, cổng làng Hồ Khẩu, cổng Chùa làng Hồ Khẩu, cổng Xanh làng An Thọ... Dù cách Hồ Gươm - trung tâm Hà Nội không xa nhưng trên những ngõ nhỏ, đường nhỏ của phố Thụy Khuê vẫn mang nhiều dấu tích của làng với cuộc sống quần cư, nhà cửa san sát đầy nghĩa xóm giềng. Còn cổng làng Yên Phụ lại đi vào khá nhiều tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh. Mỗi người chọn một góc, một thời điểm khác nhau, nhìn mỗi bức ảnh lại như thấy một bộ mặt mới, một câu chuyện mới của cổng làng vậy.

Nằm xa trung tâm, cổng làng Đại Từ và cổng làng Đại Kim khá to lớn, bề thế. Tương truyền, làng Đại Từ xưa kia có truyền thống... nuôi con nuôi, vì thế vua Tự Đức đã ban tặng 4 chữ "Đại Từ nghĩa dân" được đắp nổi bên trên vòm cổng. Cũng để ghi nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng (12/10/1958), cổng còn có câu đối: "Chính nghĩa tự nghìn xưa với chữ vua ban càng rực sáng/ Đại Từ thời đổi mới theo lời Bác dạy mãi vươn cao". Đầu Ô Chợ Dừa, làng Nam Đồng xưa cũng lưu lại nhiều dấu ấn của mình trong những chiếc cổng nhỏ nhắn dẫn vào những ngõ nhỏ, sâu hun hút. Tiếc rằng khi mở rộng đường Xã Đàn, nhất là mới đây, một số cổng đã không còn nữa, để mỗi khi đi qua, ánh mắt không còn gặp hình ảnh thân quen, thấy lòng bâng khuâng, cái tên làng Nam Đồng nghe như dần xa ngái.

Cổng làng Chi Quan được xây bằng đá ong.

Hà Nội bây giờ đã được mở rộng, vì thế được tích hợp thêm rất nhiều giá trị văn hóa. Cổng làng còn lại ở các làng quê ngoại thành Hà Nội cũng là một trong những giá trị văn hóa tiêu biểu ấy.

Nhắc đến cổng làng không thể không nhớ tới những câu thơ: “Lũy tre thấp thoáng đằng xa/ Mấy mươi bước nữa về qua cổng làng/ Trong lòng bỗng thấy xốn xang/ Quê hương hai tiếng nặng mang suốt đời". Khác với những cổng làng ở phố, cổng làng vùng ngoại thành có không gian tồn tại, gắn với lũy tre, cây đa, bến nước, ruộng lúa... đặc trưng của làng quê. "Nổi tiếng" nhất trong các cổng làng (quê), gần như trở thành biểu tượng của cổng làng chính là chiếc cổng dẫn vào làng cổ Đường Lâm. Cổng không to, kiến trúc không cầu kì nhưng chiếc cổng này có ưu điểm vượt trội mà gần như không có chiếc cổng làng nào so sánh nổi, đấy là không gian thoáng đãng xung quanh nó. Con đường dẫn vào cổng làng rộng thênh thang, xung quanh là ruộng lúa. Đặc biệt, một bên cổng là cây đa cổ thụ bốn mùa phủ lên chiếc cổng và toàn bộ khung cảnh ấy được soi bóng xuống mặt nước lung linh. Chả thế mà cổng làng Đường Lâm đi vào bao nhiêu bức ảnh, vào bao tác phẩm hội họa và nhắc đến cổng làng là dường như ngay lập tức người ta nhớ đến hình ảnh chiếc cổng này.

Ở vùng đá ong Thạch Thất, chiếc cổng bằng đá ong có đến gần 400 năm tuổi của thôn Chi Quan là một nét chấm phá đặc biệt ấn tượng khiến du khách khó lòng dời chân đi. Còn cổng làng miến, làng tương Cự Đà nổi tiếng thì lại treo một chiếc đồng hồ rất to, chẳng biết từ bao giờ để nhắc nhở mỗi người đi qua về thời gian, giờ giấc. Dọc theo khu vực này, không kịp hỏi tên làng, tên thôn, nhưng trên con đường nhỏ rợp bóng nhãn, bóng cây cổ thụ và những giếng nước cổ, chúng tôi gặp rất nhiều chiếc cổng làng. Cảm giác liên tiếp đi qua vòm cổng rêu phong thời gian ấy khiến ta như đi vào một địa phương, vùng văn hóa đầy... bí mật với sự chặt chẽ của những địa giới hành chính, với sự rào giậu kĩ càng, đảm bảo an ninh tuyệt đối cho cư dân trong làng của người xưa, vừa ngăn chặn những tác nhân có hại bên ngoài, vừa đảm bảo cho làng có những nét riêng truyền thống không thể pha lẫn.

Cổng vào làng Bùng, Phùng Xá, quê hương Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mang nét hiện đại vì dường như mới được xây dựng lại nhân dịp kỉ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong khi đó, trên đường về thắng cảnh Hương Sơn, du khách đi qua xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức không thể nào không dừng lại ngắm chiếc cổng làng to lớn giữa cánh đồng gắn tên ngôi làng chắc vào dạng độc đáo nhất Việt Nam: làng Trinh Tiết. Tương truyền năm 1054, vua Lý Thánh Tông du thuyền qua đây, nghe tin trong làng có bà Trần Thị Thanh mất chồng nhưng không chịu đi bước nữa mà ở vậy nuôi con trở thành tướng tài, giúp nước nên đã ban phong cho làng cái tên Trinh Tiết. Nghe nói tiếp nối truyền thống đó, ngày nay con gái làng Trinh Tiết vừa xinh đẹp lại đảm đang khéo léo, tiết hạnh. 

Những con đường mới vẫn mở, những cao ốc, khu đô thị vẫn hàng ngày mọc lên. Cái cổng làng vốn đằm sâu trong ký ức mỗi người ấy lại trở nên vô cùng quý hiếm khi ta giật mình thảng thốt, cổng làng chỉ là chút xưa còn lưu dấu lại. Chút xưa ấy, mong manh lắm lắm...

Hoàng Thu
.
.
.