Đi qua vùng đất thơm

Thứ Năm, 15/02/2018, 07:27
Làng nghề se nhang Tân Tạo có tuổi đời tới cả gần trăm năm, từ khi xung quanh nơi này chỉ toàn là đồng đất. Những thửa đất đỏ thẫm màu nhang, thơm lừng mùi xứ sở của những cư dân lao động vùng ngoại ô dịp Tết đến, Xuân về.


Những ngày cuối năm, đi dọc tuyến tỉnh lộ 10 (nay là đường Trần Văn Giàu), quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, cái người ta dễ thấy nhất chính là những mái nhà đang hối hả mọc lên, nguyên vật liệu xây dựng ngổn ngang, chứ ít ai biết rằng chỉ chục năm trước, nơi đây chính là làng nghề làm nhang (hương) lớn nhất thành phố này.

Càng không ai biết rằng, làng nghề se nhang Tân Tạo này có tuổi đời tới cả gần trăm năm, từ khi xung quanh nơi này chỉ toàn là đồng đất. Những thửa đất đỏ thẫm màu nhang, thơm lừng mùi xứ sở của những cư dân lao động vùng ngoại ô dịp Tết đến, Xuân về.

1. Những chiều cuối năm, tôi đã đi loanh quanh qua rất nhiều con hẻm ngang dọc tuyến đường Tỉnh lộ 10 chỉ để tìm lại chút mùi nhang trầm của ngày quá khứ. Đó có thể là mùi hương trầm trong căn nhà đêm giao thừa trong tâm thức. Cũng có thể là mùi thơm nồng nàn trên những giàn phơi đỏ chót như nhung dưới ánh mặt trời. Cũng có thể là mùi mồ hôi của những người phụ nữ trùm mặt, lem luốc với đôi tay cả đời chỉ để se những que nhang mỏng mảnh. 

Nhưng mùi vôi vữa, mùi nước sơn mới và những căn nhà cao dựng đứng đã xóa đi hết những hương thơm được bồi đắp qua hàng trăm năm của vùng đất này. Những người dân mới nhập cư nơi đây chỉ cho tôi đi xa hơn nữa ra vùng ngoại ô, để tìm lại những người còn gắn bó với nghề se nhang. Và quả nhiên, cũng theo tuyến đường Tỉnh lộ 10, tôi tìm được hàng chục xưởng làm nhang mà hầu hết trong số đó đều là những gia đình có nhiều đời gắn bó với nghề này.

Cầm trên tay những bó nhang màu đỏ hồng như môi người thiếu nữ, bà Nguyễn Thị Trân, 67 tuổi, một người làm nhang ở đường Mai Bá Hương, xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) cho biết gia đình bà theo nghề làm nhang đến nay đã  hơn 50 năm. Nghề này có từ đời ông nội bà. Trước kia, xưởng của bà cung cấp nhang cho nhiều chủ sạp bán hàng ở Chợ Lớn, Bà Hom, Phú Lâm, Phú Định. 

Dịp cuối năm, phải thuê thêm người để se nhang. Khắp nơi, từ sân ra hẻm, từ dưới nền đất cho tới giàn phơi hay mái nhà, nơi nào đón ánh nắng mặt trời là nơi đó có nhang để phơi. Ngoài đặc sản nhang trầm khá hiếm hoi, những hộ dân ở đây se nhang bằng cách tạo mùi thơm từ những hương liệu thiên nhiên như quế, gió. 

Tuy nhiên, khoảng chục năm trở lại đây, người làm nhang truyền thống ở Tân Tạo bị cạnh tranh gắt gao bởi các sản phẩm công nghiệp có giá thành rẻ hơn rất nhiều khiến nhiều hộ phải bỏ nghề. Một số ít, như gia đình bà Trân thì phải dời đi xa hơn, để có không gian làm nghề cũng như tiết kiệm chi phí. Cũng may, danh tiếng và những sản phẩm của làng nhang vẫn được người dân nhiều nơi đón nhận.

Tình cảnh những người làm nhang như gia đình bà Trân thực ra khá phổ biến trong những người làm nhang ở Tân Tạo. Với lịch sử khoảng gần 90 năm với hàng trăm hộ làm nhang, làng nhang Tân Tạo trước kia nổi tiếng không chỉ ở thành phố mà còn theo chân những thương lái đưa sản phẩm đi nhiều miền đất khác, nhất là vùng châu thổ sông Cửu Long. 

Chỉ tiếc rằng, những người làm nhang, dù rất tâm huyết nhưng lại không giữ được mảnh đất của làng nghề mình trong cơn lốc đô thị hóa với những lần giá đất tăng chóng mặt. Họ buộc phải dời làng nhang ra vùng ngoại ô, tới khu vực ven kênh An Hạ này.

2. Nếu ai đã từng chứng kiến các công đoạn làm nhang thì sẽ hiểu, nó tỉ mỉ và vất vả đến nhường nào. Từ công đoạn trộn bột, gồm mùn cưa xay nhuyễn và những loại hương liệu rồi chẻ tăm (thân nhang) để se. Sau mỗi lần se như thế, phải lấy tay miết đều, cẩn thận cho phần thịt nhang mịn, đều nhau, bám chắc vào que tăm. 

Rồi đến lúc phơi nhang, thường từ 2-3 ngày đều nắng, trên những giàn tre ngoài trời. Khi phơi, nhang phải được đảo đều. Phơi nhang nằm 2 ngày, nhang đứng 1 ngày để cây nhang không chỉ khô đều mà còn thấm đẫm nắng gió của đất đai, xứ sở. Có lẽ vì thế mà nhang luôn được coi là sản phẩm đặc trưng của những vùng đất nào đó, dù hầu hết nguyên liệu được lấy ở những nơi khác về làm. 

Ngày nay, cùng với sự trợ giúp của các loại máy móc hiện đại, người làm nhang bớt cơ cực, vất vả hơn. Họ giảm được non nửa số công đoạn. Tuy nhiên, công đoạn se nhang, phơi nhang thì vẫn vậy.

Nhưng, đó không phải là những điều khó khăn nhất mà những người làm nhang ở vùng ngoại ô này đang phải đối mặt. Điều khiến họ cảm thấy bất an là thông tin về những người làm nhang trộn hóa chất khiến cho khách hàng cảm thấy hoang mang. Vì thế, để tiếp tục duy trì nghề truyền thống của mình, những người làm nhang nơi đây còn phải giành lại cả niềm tin của khách hàng, do những người “đồng nghiệp” xấu tính lấy đi. 

Ông Lê Văn Phú, 59 tuổi, một người làm nhang ở đường Mai Bá Hương bảo với chúng tôi: Cùng với nhiều món đồ trang trí khác, nhang là thứ không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt. Thậm chí nhiều gia đình thường có thói quen đốt nhang liên tục trong ba ngày tết. Nghĩa là họ có thể đốt những cây nhang lớn, những cây nhang vòng có nhiều tầng cháy vài chục giờ liên tục hay đốt hết cây này tới cây khác. 

Mùi nhang không chỉ khiến cho bàn thờ tổ tiên, trời đất thêm linh thiêng mà như một cây cầu nối giữa trần gian và cõi vĩnh hằng. Vì thế, nhiều gia đình gốc miền Bắc sinh sống ở thành phố phương Nam này thường có thói quen đặt mua những loại nhang tốt nhất dịp cuối năm.

 Với họ, mùa xuân là mùa của đất trời giao thoa và cũng là thời khắc mà trần gian và hạ giới gần nhau nhất. Đó cũng là khoảnh khắc đẹp đẽ nhất để những người đang sống hồi tưởng về quá khứ, nhớ về dòng tộc tổ tiên mình, trong thoang thoảng mùi nhang thơm lan tỏa. 

Có lẽ, đó cũng chính là lý do mà hầu hết người làm nhang ở đây đều sản xuất theo phương thức thủ công, chỉ có một số ít công đoạn mới dùng tới máy móc. Và bột để trộn nhang luôn được làm bằng những vật liệu tự nhiên, là mùn cưa xay nhuyễn và các loại hương liệu khác, tùy từng loại nhang. Cây nhang không chỉ được thắp lên mà còn là một nghi thức của văn hóa, những dịp mùa xuân về.

Vừa nhìn ra dòng kênh An Hạ đã không còn trong xanh, chúng tôi vừa nghe thoang thoảng mùi thơm của những bó nhang mà hai cha con ông Phú đang phơi. Chúng màu hồng thẫm, đỏ tươi, tõe ra như những bông hoa của trời đất, của bàn tay người lao động. 

Và tôi cũng băn khoăn rằng, thực tế thì trong đời sống hiện nay, khi đốt những nén nhang, không nhiều người có thể phân biệt được đâu là nhang sấy công nghiệp, đâu là nhang phơi dưới ánh nắng mặt trời tự nhiên. Cũng hiếm ai có thể biết được đâu là nhang làm bằng bột nguyên liệu tự nhiên, hay bột nguyên liệu công nghiệp pha sẵn. Mùi nhang, nếu có, thật khó để phân biệt. 

Thế nhưng, những người làm nhang ở vùng đất này vẫn kiên nhẫn, bền bỉ và lặng lẽ với cách làm của mình. Một cách làm tốn nhiều công sức chỉ với một suy nghĩ duy nhất, là đúng với những gì thế hệ cha ông đi trước đã làm. Tạo ra những que nhang giống như bao đời nay vẫn tạo ra vậy. Nó hòa quyện những hương thơm tinh túy của trời đất, của quê hương, của xứ sở để tạo thành những nén nhang. Những nén nhang đốt lên giữa khoảnh khắc giao thời gian mùa xuân vậy.

Tôi đã từng chứng kiến rất nhiều những làng nghề truyền thống của người nông dân bị cơn lốc thị trường cuốn đi. Bỏ lại là nỗi niềm khắc khoải của những người già một đời gắn bó với nghề truyền thống tiếp tục cuộc mưu sinh trong đau đớn và thua lỗ. Và nghề làm nhang ở vùng Tân Tạo xưa là một trong những ví dụ điển hình nhất. 

Thế nhưng, điều may mắn là vùng đất mới, nơi những hộ dân làm nhang tiếp tục với nghề này lại rất thuận lợi với một tuyến đường rộng thênh thang, ven bờ kênh êm đềm đủ để những bó nhang tõe ra, đón ánh mặt trời lúc cuối năm. Để không chỉ có những cây nhang thơm được đốt lên lúc trời đất giao mùa mà những người như tôi, còn tìm được chút hương của đất đai, xứ sở khi đi qua dải đất này.

Ðoàn Ðại Trí
.
.
.