Di cư từ châu Phi qua Tây Ban Nha tăng nhanh

Thứ Tư, 26/07/2017, 08:14
Tổ chức Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) cho biết, số lượng tàu thuyền chở người đến Tây Ban Nha tăng đột biến. Năm 2016, có khoảng hơn 360.000 người tìm cách thoát khỏi nghèo đói và xung đột bằng việc đến châu Âu qua đường Ðịa Trung Hải, và có khoảng 85.000 người tới được Ý thành công.


Tuyến đường biển của Ý vẫn là một trong những “điểm hẹn” nổi bật và hấp dẫn. Theo thống kê sơ bộ, có hơn 59.000 người di cư từ tháng 1 đến tháng 5-2017, tăng khoảng 32% so với năm 2016.

Tìm đường dễ nhất?

Ngoài ra, luồng di dân theo tuyến đường qua Marocco đến Tây Ban Nha được cho là an toàn hơn việc đến Ý phải thông qua Libya. Do đó, lượng người di cư từ Bắc Phi vào Tây Ban Nha năm 2017 đã tăng gấp đôi, khiến chính phủ nước này phải lên tiếng cảnh báo. Riêng tuyến đường nhập cư thông qua Tây Ban Nha có 6.800 người di cư, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2016.

Xu hướng này càng thể hiện rõ nét hơn trong tháng 6 vừa qua, khi có tới 1.900 người di cư (chủ yếu là thanh niên từ Guinea, Bờ Biển Ngà, Gambia, Cameroon đã đến được vùng phía nam của Andalusia, Tây Ban Nha) gấp 4 lần so với tháng 6 năm 2016, và có 88 người di cư (có 20 trẻ em) từ Marocco đã được giải cứu khỏi eo biển Gibraltar, giáp với phía bắc - Tây Ban Nha (eo biển phân cách giữa châu Âu với châu Phi).

 Anh Buba Fubareh, 27 tuổi, một thợ xây đến từ Cộng hòa Gambia, đã cố gắng vượt biên theo đường qua Libya để vào châu Âu nhưng không thành công. Buba nói người ta đã mách cho anh rằng việc nhập cư vào Tây Ban Nha sẽ kém an toàn hơn nếu đi theo đường thông qua Lybia, bởi Libya ẩn chứa rất nhiều nguy hiểm, rủi ro. Một số người nhập cư từ châu Phi qua Lybia đã bị đánh đập, giam giữ trong các trại không có thức ăn, nước uống, thậm chí còn bị buôn bán dưới hình thức nô lệ, bị bóc lột lao động, cưỡng bức tình dục…

Tây Ban Nha có sẵn sàng?

 Theo số liệu thống kê của Chính phủ Tây Ban Nha, số người nhập cư vào bờ biển nước này trung bình khoảng 5.000 người/năm trong giai đoạn 2010 - 2016. Riêng năm 2017 đã lên tới 11.000 người. Có phải bởi đây là con đường xâm nhập vào châu Âu quá dễ dàng và an toàn hơn những con đường khác?

Tổ chức UNHCR cho biết, Tây Ban Nha chỉ lên tiếng cảnh báo về tình hình trên, nhưng vẫn chưa có động thái sẵn sàng trong việc xử lý các thủ tục tị nạn từ các nhóm người di cư bị tổn thương, đe dọa như: nạn nhân của những đường dây buôn người, hay các trẻ vị thành niên, người tị nạn không có người đi kèm…

 Phát ngôn viên của UNHCR ở Tây Ban Nha, bà Maria Jesus Vega, bày tỏ quan điểm: Điều này đã xảy ra với những biểu hiện ngày một rõ ràng và gia tăng đến chóng mặt, vì thế Chính phủ Tây Ban Nha cần phải chuẩn bị để sẵn sàng ứng biến. Đây không còn là trường hợp mang tính khẩn cấp, nên về lâu dài, chính phủ nước này cần phải hợp tác với các tổ chức trên thế giới để tìm cách xử lý, ứng phó phù hợp với tình hình gia tăng người di cư đột biến này.

Việt Tú
.
.
.