Đâu rồi húng Láng?

Thứ Hai, 29/06/2020, 15:37
Từng là một thương hiệu, đi vào thơ ca của Hà Nội, thế nhưng bây giờ nơi trồng húng Láng ở phường Láng Thượng (Đống Đa - Hà Nội) đã không còn húng. Những ô thửa ngày xưa được dành để gieo trồng nay đã biến thành nhà cửa, cao ốc, sân bóng… Ô đất mấy nghìn mét phía sau chùa Láng, là nơi cuối cùng trồng húng cũng được dành trồng cây thuốc.


Thương hiệu một thời

Giống nhiều phường ở Hà Nội, phường Láng Thượng, Láng Hạ (quận Đống Đa) trở thành những nơi đông đúc người ngoại tỉnh thuê trọ, đặc biệt là sinh viên. Trong những con ngõ ngoằn ngoèo, chật hẹp là lúp xúp nhà trọ, quán hàng ngộp thở. Tôi đến đây tìm những ô thửa trồng húng Láng nhưng đã không còn nữa. Những khoảnh đất cạnh nghĩa trang ngày xưa người dân tận dụng trồng rau cũng biến thành nhà cửa.

Nghe nói, phía sau chùa Láng còn một khoảng đất mấy nghìn mét vuông có thể trồng rau. Đi qua tán hàng muỗm cổ thụ, qua những chiếc cổng rêu phong, rồi cúi mình, qua một chiếc cổng cuối để bước ra khu đất. Vẫn là cây, nhưng không phải húng, mà là rau ăn và cây thuốc. Độ lưng lửng sáng, nắng gắt, khu vườn trong khuôn viên chùa có hai người đàn ông chăm sóc rau và cây thuốc. Nơi đây đã không còn cây húng Láng nào. 

Liệu đây có phải là những nhánh húng Láng cuối cùng của đất kinh kỳ.

Dẫn tôi đi một vòng, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dư chia sẻ: “Bây giờ có trồng cây húng cũng không sống nổi vào mùa hè. Chất đất đã thay đổi. Với lại ngày xưa việc bón phân nó khác, giữ được độ ẩm, giữ được chất đất, nay thì…”.

Lặng đi một hồi, lòng ngậm ngùi, tiếc, nhưng ông Dư vội khơi lại chuyện. Ông đọc câu ca xưa: “Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm. Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây”. Rồi lại tiếp: “Cốm Vòng, gạo Tám Mễ Trì. Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn?”. Làng Láng xưa có ba thôn: Láng Thượng, Láng Trung và Láng Hạ, nổi tiếng là vùng đất rau gia vị đệ nhất đất kinh kỳ. Trước giải phóng Thủ đô, dãy ven sông từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở là mướt mát rau xanh. 

“Cuộc sống phải phát triển, đi lên. Nhưng không còn cây húng thơm thì cũng tiếc. Những năm trước còn vài người trồng. Như ông Nghiêm Văn Khuê, bà Phạm Thị Bài, bà Trương Thị Định, ông Nguyễn Danh Nho…trồng húng. Tôi với ông Nguyễn Danh Nho cũng đã vào đây trồng húng chục năm rồi. Mấy năm nay cây húng yếu lắm, không sống được. Năm ngoái ông Nho cũng mất. Nay chỉ còn tôi vào đây làm vườn và mấy tháng nay có thêm chú Khương nữa, chủ yếu trồng cây thuốc để bà con xung quanh, khách vãn cảnh chùa ai cần thì đến lấy”, ông Dư bày tỏ.

Làng Láng ngày xưa có tên nôm là xã Yên Lãng. Là một làng cổ thuộc 61 phường của đất kinh kỳ. Sử sách còn ghi năm Đại Tự thứ năm (1362), vua Trần Dụ Tông đã đưa gia nô ra Láng khai khẩn đất đai bên bờ sông Tô Lịch, trồng rau thơm hành tỏi để dùng trong cung cấm và đặt tên nơi đây là Vườn tỏi. Từ đó các loại rau thơm của Láng đã trở thành một thức tinh tuý trong văn hóa ăn uống của cả vùng bắc bộ. 

Người Hà Nội sành ăn từ bao đời nay đã nhắc đến hương và vị của rau thơm Láng như một thứ tinh hoa riêng của đất người và trời Kẻ Láng. Mùi thơm của gia vị, màu xanh mỡ của lá rau và vẻ dịu dàng, hiền thảo của cô gái làng Láng gánh rau đi chợ Đồng Xuân đã làm say lòng bao thực khách, nên có thơ rằng: “Ở đâu thơm húng, thơm hành/ Có về làng Láng cho anh theo cùng/ Theo ai vai gánh vai gồng/ Rau xanh níu gót bóng hồng sông Tô”.

Nhớ ngày xưa, cả hợp tác xã trồng húng. Người đi qua là đã thấy mùi thơm của húng Láng. Lúc làm việc mọi người gọi nhau í ới nói chuyện vui vẻ. Theo các cụ người làng Láng, rau húng Láng khó tính nên phải chăm bón cẩn thận để bảo đảm sức khỏe, chống bệnh nấm. So với các loại rau húng khác như húng bạc hà, húng chó, húng dũi thì húng Láng khó tính gấp ba lần. 

Cách đây hơn chục năm, những người như ông Dư, ông Khuê, ông Nho, bà Bài, bà Định…quyết tâm giữ nghề. Cũng bởi các ông các bà lo lắng một niềm rằng, cứ một ngôi nhà, một khu dân cư, một khu nhà trọ mọc lên thì đồng nghĩa với việc diện tích đất dành cho rau húng lại bị thu hẹp. 

Ngày xưa, ông Nho gắn bó với cây húng. Suốt thời trai trẻ, ông làm công nhân ngành giao thông, đến khi tóc bạc, về hưu, ông lại ra ruộng vườn trồng húng. Ông Dư cũng vậy, suốt những năm tháng tuổi xuân, chiến đấu ở ngoài chiến trường. Sau ngày thống nhất đất nước thì về đơn vị công tác cho đến khi nghỉ hưu. 

Năm 2008, ông cùng ông Nho về bám lấy đất quê. Mùa hè các ông trồng húng bằng ngọn. Mùa đông các ông gơ húng bằng mầm. Cây húng vì thế được góp mặt trong những bữa ăn của nhiều gia đình, xuất hiện ở nhiều nhà hàng sang trọng.

Cây húng không còn đất sống

Từ năm 2010 tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, giá đất đắt đỏ. Những ô thửa trồng húng cuối cùng ở làng Láng lọt thỏm giữa những những nhà cao tầng. Nhiều người đã chuyển làm nghề khác hoặc xây nhà cho thuê trọ, cả làng chỉ còn vài hộ trồng rau. 

Giữa năm 2012, UBND TP Hà Nội đồng ý về nguyên tắc theo đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về việc bảo tồn, lưu giữ và phát triển húng Láng - loài cây cổ truyền, nguồn gene đặc hữu, quý hiếm của đất kinh kỳ Thăng Long. Khoảng 2.000m2 đất canh tác còn sót lại là diện tích đất canh tác nông nghiệp của 150 xã viên thuộc Hợp tác xã Láng Thượng. 

Theo phương án đề ra thành phố sẽ chi hai tỷ đồng vào chương trình đầu tư cho bảo tồn. Thế nhưng nhiều nhà khoa học khi đó đã tỏ ra e ngại vì tính khả thi của dự án, người dân cũng tỏ ra không mấy mặn mà. Có nhiều lý do để người dân tỏ ra không mấy mặn mà với dự án. 

Ô đất phía sau chùa Láng giờ chỉ còn là nơi trồng rau và cây thuốc.

Người cho rằng cây húng khó tính, không cho thu nhập cao bằng làm nghề khác. Người khác lại cho rằng, giá đất lên đến vài trăm triệu đồng mỗi mét đất, làm ruộng không bằng xây nhà cho thuê. Sau đó cũng chỉ có một số ít hộ hào hứng với dự án, nhưng cũng buồn lòng vì các dự án khác “mạnh” hơn được quy hoạch. Nhà cửa sẽ lấn át hết.

Nỗi lo ấy đã chẳng còn là chuyện xa xôi, bởi dự án không được thực hiện và nhà cửa vẫn cứ rầm rầm được xây dựng. Ô đất được giải phóng mặt bằng đã biến thành nhà ở và trường học. Chỉ còn những ô đất nhỏ xen kẹt, được người dân lấy bao tải hoặc cánh cửa gỗ hỏng quây lại để trồng rau vớt vát cải thiện bữa ăn. Song rồi mọi chuyện đã rơi vào quên lãng. Những ô đất xen kẹt cuối cùng cũng thành chỗ làm nhà ở.

Tìm hiểu ra, từ chục năm trước, không ít người dân ở mạn Phú Xuyên, Thường Tín, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm đã đến làng Láng xin hoặc mua giống về trồng. Cây húng Láng lá nhỏ, mọc lan thành khóm, có mùi thơm đậm đà, quyến rũ, không hắc như húng dũi, húng chó. Nhưng mùi vị của húng chỉ đặc biệt khi được trồng trên đất Láng. 

Nhiều người cũng đến xin cả đất về trồng thì húng, với hy vọng sẽ bổ sung được mùi vị. Nhưng kỳ thực đã chẳng hơn được bao nhiêu. Bây giờ, giống húng Láng thi thoảng vẫn được bày bán ở ngoài chợ, kèm với các loại rau thơm khác. Đó là húng được trồng ở những vùng quê khác, nhưng tính vẫn là loài kiêu kỳ như con gái, kén đất, kén người chăm. Dù được nhiều người nông dân kỳ công chăm sóc, cây húng vẫn không phát triển như ý.

Chợt nhớ một thương hiệu khác là cốm làng Vòng. Từ năm 2003 đổ về trước quanh khu vực làng Vòng (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) vẫn còn đất nông nghiệp. Sau quá trình đô thị hóa, tất cả diện tích đất xưa đều biến thành công trình. Từ đó người dân làng Vòng phải đi mua lúa non ở các tỉnh, thành khác và mua lại sản phẩm sơ chế của làng cốm Mễ Trì để “thổi hồn” thành món cốm Vòng bây giờ. Nhưng đâu phải sản vật nào cũng được như cốm Vòng. 

Những sản vật của đất kinh kỳ trong ca dao như: Dưa La, húng Láng, ngổ Đầm/ Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây, đều đã chỉ còn trong sách vở và hoài niệm. Tìm đâu thấy nữa hình ảnh những ngày đánh cá trên đầm Sét (nay thuộc phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai)? Tìm đâu thấy nữa bóng sâm cầm trên mặt nước hồ Tây? 

Vài năm trước người ta hy vọng vẫn còn đất để “của ngon còn một chút này”. Và khi nhìn những dãy nhà tầng, cao ốc, khu đô thị có người thấy mừng lòng, nhưng cũng có người ngậm ngùi tiếc cho một loài rau thơm từng rất nổi danh.

DIÊN KHÁNH
.
.
.