Danh hão

Thứ Ba, 18/06/2013, 15:26

Trầy trật để được lên đời "công nhận", hân hoan đón tấm bằng cao sang đắt giá và giờ, sau những tháng năm mặn nồng trăng mật, lại nằng nặc đòi trả danh hiệu, mới hay số phận các "di tích đã được xếp hạng" xứ này cũng kỳ khôi, vạ vật đến độ nào.

Một bộ phận không nhỏ hộ dân làng cổ Đường Lâm, ngôi làng đầu tiên thành di tích quốc gia đã đồng loạt ký tên, đứng đơn xin trở lại bình thường, trốn chạy khỏi niềm vinh dự. Giành được "danh" tưởng sẽ đến "lợi", ai dè miếng bánh chẳng tới lượt chia, mà phải bó mình vào khuôn phép "bảo tồn nguyên trạng", nên người dân, những thực thể sống sẽ đến hồi không chấp nhận nổi sự bức bối tù túng ngay trong lòng di sản.

Nhà của mình ngói long gạch vỡ, tường cũ kỹ mốc meo, vừa lăm le định tu sửa lập tức có người túc trực, dậm dọa cắt điện cắt nước lập biên bản như kẻ phạm tội quả tang, buộc phải tồn tại theo... Luật Di sản, bà con chưa bỏ xứ mà đi là đã nặng lòng với quê hương bản quán lắm rồi.

Đường Lâm, y chang phố cổ Hà Nội, lỡ buộc vào mình cái biển hiệu "tiết hạnh khả phong", tự hãm cầm trong nhà tu kín, nên đành cam phận nhan sắc tuổi đương xoan bị bế quan tỏa cảng, cay đắng nhìn đám gái ngoài đời hơ hớ hẹn hò cùng giai đẹp. 

Trước tới nay, bi kịch cho các "di tích đã được xếp hạng" ở nước mình là luôn bị quản lý, định đoạt chỉ bằng các cụm mỹ từ choang choang lấp lánh, cực kỳ xa rời thực tế. Đành rằng đẹp, đành rằng quý, đành rằng ẩn chứa những tinh hoa vô giá mà tiền nhân nâng niu gửi gắm, tuy nhiên di tích đâu chỉ hiện hình trên các tấm bưu thiếp bán đầy cho khách du lịch phương xa, các bản báo cáo leng keng thành tích mỗi dịp tết đến xuân về, di tích tồn tại bằng những con người thực, số phận thực, những con người bình thường đang ước mong thụ hưởng tiện nghi đời sống thực.

Khốn nỗi, khi những bậc "đức cao vọng trọng", những cá nhân có quyền ra quyết định hoặc giả, cả các nhà vẫn được suy tôn khoa học chưa một lần thử làm người trong cuộc, ngày qua ngày cùng... di tích, thì cư dân làng cổ Đường Lâm vẫn mãi bấp bênh số kiếp kẻ bần hàn định mệnh bắt đeo trên ngón tay chai sạn một chiếc nhẫn kim cương hàng khủng nhưng không được phép quy đổi ra tiền, đêm đêm chép miệng bất lực trước khối tài sản khổng lồ và đành đoạn nằm chèo queo trên giường ôm bụng đói.

Làng cổ thanh bình và xinh đẹp, giờ vào cơn giông gió, vận số chả khác chi con rùa già được những người đương thời khăng khăng suy tôn "bảo vật quốc gia", hay đàn tế thần đất thần nông bị thời gian dập vùi hàng mấy trăm năm trước, giờ lại manh nha ý tưởng bảo tồn phục dựng y như cũ bằng cách giải tỏa bớt một phần cư dân đông nghèn nghẹt đang quần tụ tại quận Đống Đa.

Đã là muộn với Đường Lâm, nhưng vẫn còn cơ hội lựa chọn cho nhiều danh lam thắng cảnh khác. Thôi thì cứ "an phận thủ thường" vui đời sống thật, đừng biến thành biểu tượng, bị đính kèm bên mình mệnh lệnh cảnh báo: "Cấm sờ vào hiện vật", thì dẫu kiêu kỳ bắc bậc đến đâu cũng còn xông xênh vui thú nỗi gì.

"Tấm gương tày liếp" của Đường Lâm chả hiểu có đủ sức cảnh tỉnh cơn sốt chạy xin di sản di tích đang sình sịch lây lan âm ỉ ở mọi khúc quanh thường nhật của xứ này

Cô nương Hoa Sen
.
.
.