Đàn bà uống rượu, đàn bà lái xe…
- Uống rượu bia từ tối hôm trước, hôm sau vẫn… bị phạt gần 5 triệu
- Phạt 40 triệu đồng nữ tài xế không bằng lái vẫn uống rượu lái xe
- Uống rượu say, chở lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ
Rượu (bia, rượu vang, rượu mạnh) là một thứ "nước thánh" của nhân loại. Hầu như mọi dân tộc trên trái đất này đều uống rượu. Mọi người không phân biệt già trẻ trai gái đều có thể uống rượu. Thật khó mà hình dung ra đời sống con người sẽ tẻ nhạt thế nào nếu không có thứ nước thánh kia vào những dịp lễ tết hội hè. Bởi mỗi khi uống một lượng rượu vừa đủ đối với từng người, gọi là đủ độ phê, tâm trí con người ta bỗng được thăng hoa bay bổng.
Nhà văn Trần Thanh Cảnh, tranthanhcanh1961@gmail.com |
Yêu đời. Yêu người. Mọi phiền phức trong cuộc độ nhật hàng ngày bỗng lùi xa. Thậm chí những nỗi khổ đau cũng mờ đi. Người ta chợt thấy mọi thứ lung linh hơn. Gần gũi nhau hơn. Lúc ấy rượu gắn kết mọi người. Đó là tác dụng gây hưng phấn kích thích thần kinh trung ương của rượu.
Thế nhưng nếu chúng ta dùng quá liều, vượt qua cái ngưỡng gây hưng phấn thì lại sang ngay tình trạng ức chế hoặc kích động. Lúc đó con người ta hầu như không làm chủ được mình. Hoặc là say xỉn rũ người ra như con gà cắt tiết. Hoặc là bị kích động hung hăng làm những điều rồ dại. Chả thế mà có câu, "với kẻ say rượu thì biển chỉ nông đến đầu gối"!
Ở góc độ ngành y dược, uống một lượng nhỏ trước bữa ăn, rượu luôn được coi là chất kích thích tiêu hóa, ăn ngon cơm. Bởi rượu khi vào dạ dày sẽ kích thích niêm mạc tăng tiết ra dịch vị, nhờ đó mà chúng ta thèm ăn, ăn được nhiều và cảm thấy ngon.
Nhưng khá nhiều người bị chứng nghiện rượu, là bởi do họ sử dụng rượu liên tục kéo dài, rượu đã thành một chất chuyển hóa trong máu. Thiếu nó cơ thể sẽ bị "vật vã" dữ dội như mọi chứng nghiện khác. Ngoài ra, rượu còn đóng vai trò chất dẫn trong khá nhiều bài thuốc cổ truyền. Đặc biệt là truyền thuyết về những bài thuốc ngâm rượu bổ, "ông uống bà khen", mỗi tối trước khi lên giường ông làm một chén, sáng sau mặt bà tươi như hoa!
Nhưng nếu chỉ một hai chén nhỏ để khai vị hoặc là như uống thuốc vậy thì chẳng ai bàn làm gì. Vấn đề là cái thú rượu bia gần đây hình như ngày càng quá đà, lạm dụng rầm rộ ngoài xã hội, dẫn đến những hậu quả khôn lường kia.
Chỉ uống một lượng vừa đủ với thể trạng của mình, rượu là thuốc quý, nếu uống quá nhiều rượu là thuốc độc (ảnh chỉ mang tính chất minh họa). |
Nhìn nhận ở góc độ giới thì rõ ràng cánh đàn ông ham vui mắc tật rượu chè bia bọt nhiều hơn đàn bà. Thế nhưng một khi đàn bà đã uống thì hình như cái câu, "nam (ẩm) thực như hổ, nữ (ẩm) thực như nam" của cánh trẻ gần đây hay nói khá chính xác. Kinh nghiệm đã trải qua của bản thân cho tôi biết vậy.
Chả là hồi xưa, khi mới ra trường tôi công tác ở một huyện miền núi cao, nhận ngay một cú. Chiều thứ bảy rừng núi âm u, đài không có, tivi cũng không. Chả đi đâu được. Tôi và ông thủ trưởng cùng cô cấp dưỡng người Tày bèn đem rượu ra uống ở bữa cơm tối.
Tôi thầm nghĩ một cô nàng yểu điệu thục nữ má đỏ môi hồng như thế kia chắc sẽ nhấp nhấp tí xíu gọi là. Thế nhưng tôi nhầm to. Cô nàng cứ cạch đều phát một trăm phần trăm với hai gã đàn ông. Cưa hết ba chai 650ml rượu sắn men lá rừng. Và kết quả là người ta phải bê hai tay đàn ông chúng tôi quăng vào một giường, còn cô nàng kia chẳng hề hấn gì, vẫn đi xem phim ngoài bãi với bạn trai…
Từ ấy tôi thay đổi hoàn toàn cách nhìn về những người đàn bà uống rượu. Một khi họ đã uống thì cũng chả kém ai đâu. Gần đây nước nhà kinh tế phát triển, sự nghiệp bình đẳng nam nữ cũng tiến lên một tầm cao mới. Xuất hiện một tầng lớp nữ doanh nhân, phụ nữ độc lập không phải dựa bóng một đấng nam nhi nào như truyền thống xưa. Rồi những cô gái đầy cá tính tự chủ tự tin nữa, bởi họ có thu nhập cao, có học thức, nhiều trải nghiệm. Ngày làm việc, tối có thể đi bar uống rượu bia giải trí chả kém gì đàn ông.
Hình ảnh những người đàn bà ngồi nhâm nhi rượu bia không còn là một cái gì quá xa lạ. Họ vui chơi, họ hưởng thụ, họ uống… thoải mái thôi, xã hội cởi mở hiện đại không ai đánh giá điều đó là cái gì sai trái. Cơ mà điều đáng nói ở đây là khá nhiều người trong họ uống xong, lên xe và… gây tai họa! Tôi phải dùng từ gây tai họa chứ không phải là tai nạn nữa, bởi nhiều vụ phụ nữ lái xe uống rượu gây thảm cảnh đường phố kinh hoàng mà báo chí đã đưa, xin không nhắc lại tại đây.
Chiếc xe BMW do một nữ doanh nhân vừa đi ra từ quán rượu lái gây tai nạn làm chết tại chỗ 1 người và bị thương 5 người. |
Ai cũng biết khi người ta uống rượu, dù chỉ là một lượng nhỏ thôi cũng có những tác động nhất định đến hệ thần kinh trung ương. Chả thế mà rượu có tác dụng giảm đau. Nhưng nó làm cho phản xạ đáp ứng của hệ thần kinh con người đáp ứng với các yếu tố tác động ngoại cảnh giảm hẳn đi. Chậm hơn rõ rệt. Kết quả là con người nhiều khi không tự chủ được hành động của mình.
Đối với nam giới, do cấu trúc thần kinh của họ nên mức độ ảnh hưởng cũng ít hơn trong cùng một lượng rượu, bia hấp thu vào cơ thể. Nhưng với nữ giới, cấu trúc thần kinh của họ khác, kém sự chịu đựng rượu, bia hơn nên càng dễ bị tác động. Các phản xạ điều khiển vận động càng kém. Và khi đó, đàn bà uống rượu xong, lái xe ra phố thì thảm họa dễ xảy ra hơn rất nhiều.
Xe ôtô cá nhân bây giờ đã dần trở thành một phương tiện giao thông bình thường của mọi người trong xã hội. Ngày xưa khi người ta chưa chế tạo ra dòng xe tự động thì việc lái xe hầu như chỉ là việc của đàn ông. Bởi khi đó lái xe luôn phải điều khiển phối hợp nhịp nhàng các động tác tay chân với côn, ga, phanh, số, xi nhan, gương… Như đã nói ở trên, cấu trúc hệ thần kinh của phụ nữ rất kém cho việc phối hợp đồng bộ những động tác khá phức tạp này. Họ dễ bị cuống.
Thế nên hồi xa xưa ấy, thậm chí đã có câu, "bán xăng cho phụ nữ là tội ác"! Dù đó chỉ là câu đùa, thế nhưng nó cũng phản ánh một điều gì đó trong thực tế. Đến nay ngành công nghiệp xe hơi cá nhân đã làm một cuộc cách mạng thực sự phục vụ cho các quý bà: số tự động, trợ lực tay lái, camera lùi, cảm biến… Việc lái một chiếc xe đi chơi, đi làm với phụ nữ đã trở nên đơn giản nhẹ nhàng.
Thế nhưng cấu trúc thần kinh của họ vẫn như từ ngàn năm xưa, vẫn dễ bị tác động bởi rượu. Nên vẫn rất dễ cuống khi gặp tình huống bất ngờ, mà nhất là một khi đã phê phê rồi còn lái xe. Bởi rượu còn gây ra cả trạng thái ảo giác, làm giảm tốc độ dẫn truyền tín hiệu từ cơ quan thần kinh trung ương đến vận động, khiến cho mọi xử lý trở nên chậm chạp và mơ hồ. Mà tốc độ của ôtô dù trong phố cũng không để cho người ta có cơ hội nghĩ lại, xử trí lại, đã muộn.
Thế nên rượu quả thực đã đem lại nhiều niềm vui cho cuộc sống chúng ta nhưng cũng đem lại vô vàn những phiền não đau khổ nên chúng ta cần thiết phải điều chỉnh nó. Với tư cách là một văn nhân la cà rượu bia nhiều, khi nghị định 100 của chính phủ ra đời, thoạt tiên cũng hơi khó chịu. Nhưng cảm giác ấy qua nhanh. Tôi cảm thấy đây là một trong những chính sách thành công đi nhanh vào cuộc sống và đem lại lợi ích cực kỳ to lớn về nhiều mặt cho xã hội.