Cuộc chiến điện Mặt trời
Mặc dù "1 triệu mái nhà Mặt trời tại Nga" không đòi hỏi hỗ trợ tài chính từ nhà nước, nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của dư luận bởi chương trình này hoạt động theo nguyên tắc "lấy thu bù chi" - lượng điện Mặt trời dư thừa từ tiêu thụ gia đình được bán cho nhà cung cấp.
Được biết, với chương trình này, các tấm ngói năng lượng Mặt trời sẽ được lắp trên mái các tòa nhà (chiếm 25%-30% diện tích mái) và năng lượng thu được sẽ hòa vào mạng lưới cấp điện chung, với công suất tối đa có thể tới 3,5kW.
Giám đốc Công ty sản xuất ngói năng lượng Mặt trời Anatoly Kirsanov cho biết, việc này giúp chủ sở hữu ngôi nhà và công ty cung cấp điện "không ai phải phụ thuộc vào ai". Theo giới khoa học, "1 triệu mái nhà Mặt trời tại Nga" sẽ tăng tỷ trọng năng lượng trong GDP của Nga thêm 1,5%, và tạo ra 100.000 việc làm mới.
Về phần mình, đến năm 2020, Trung Quốc sẽ tăng tỷ trọng của năng lượng tái tạo trong ngành điện lên 15%. Theo giới truyền thông, Trung Quốc là quốc gia sản xuất năng lượng Mặt trời lớn nhất thế giới với công suất lắp đặt hơn 77 gigawatt tính đến cuối năm 2016.
Tới cuối tháng 11-2017, công suất phát điện Mặt trời tại Trung Quốc tăng 67% so với năm trước, lên mức 125,79 GW, chiếm 7,5% trong cơ cấu các nguồn phát điện.
Cục Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA) cho biết, sản lượng điện Mặt trời của nước này tiếp tục tăng mạnh. Chỉ tính trong 11 tháng của năm 2017, sản lượng điện Mặt trời đã đạt 106,9 tỷ kwh, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2016. Sản lượng này tương đương với lượng điện sản xuất từ 33 triệu tấn than đá, giúp cắt giảm phát thải 93 triệu tấn CO2.
Tiềm năng về năng lượng tái tạo của Nga được đánh giá cao. |
Tạp chí Năng lượng và Khoa học Môi trường vừa dẫn dự báo của các nhà nghiên cứu cho rằng, năng lượng gió và Mặt trời có thể đáp ứng 80% nhu cầu điện ở Mỹ, khi hệ thống truyền tải và lưu trữ điện được cải thiện.
Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), 1/5 nguồn cung điện của Mỹ đến từ năng lượng hạt nhân và 15% nguồn điện được tạo ra từ năng lượng tái tạo, trong đó điện gió chiếm 7% và năng lượng Mặt trời chỉ 1%.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri cũng đã khởi công xây dựng nhà máy điện chạy bằng năng lượng Mặt trời với công suất tối đa lên tới 300 Megawatt/ngày.
Dự án có tổng đầu tư 400 triệu USD, được đặt trên diện tích gần 600 ha tại thị trấn Salar de Cauchari, cách thủ phủ tỉnh Jujuy 300km. Khi đi vào vận hành, nhà máy này sẽ trở thành nhà máy điện Mặt trời lớn nhất khu vực Mỹ Latinh.
Giới truyền thông mới dẫn lời Thủ hiến bang Nam Australia Jay Weatherill về kế hoạch xây dựng nhà máy điện lớn nhất thế giới chạy bằng năng lượng Mặt Trời ở cảng Augusta (được khởi công trong năm 2018).
Theo ông Jay Weatherill, dự án năng lượng Mặt trời Aurora được đầu tư với mức giá 510 triệu USD. Và khi nhà máy đi vào hoạt động (từ năm 2020) sẽ có công suất 150 megawatt và cung cấp 495 gigawatt giờ điện mỗi năm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa cam kết (tại hội nghị Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế diễn ra ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ), sẽ tài trợ thêm 700 triệu euro để triển khai các dự án năng lượng Mặt trời tại các quốc gia đang phát triển từ nay đến năm 2022.
Chỉ một thời ngắn điều tra, cảnh sát Trung Quốc đã xác định thủ phạm ăn cắp tấm pin năng lượng gắn trên mặt đường cao tốc năng lượng Mặt trời ở thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông. Sau khi được sửa chữa, đoạn đường cao tốc dài 1km (vận hành từ ngày 28-12-2017) đã hoạt động trở lại. Được biết, 1 tấm pin (rộng 0,15cm, dài 1,85m) có thể tạo ra 1 triệu kWh năng lượng mỗi năm, tương đương với nhu cầu hàng ngày của khoảng 800 hộ gia đình. Và những tấm pin năng lượng Mặt trời gắn trên đoạn đường cao tốc có diện tích gần 6.000m², có thể tạo ra 1 triệu kWh điện/năm. Nguồn điện tạo ra được sử dụng để thắp sáng đèn đường, biển quảng cáo, dùng cho thiết bị tại các chốt thu phí hoạt động, giúp phát wifi, cũng như có thể giúp sạc pin cho ôtô chạy bằng điện. Lượng điện thừa được hòa vào mạng lưới điện quốc gia. |