“Thứ ba là ngày đầu tuần”:

Công nghệ tàng hình

Thứ Ba, 02/07/2013, 16:13

Đàn: Bác có nghe về vũ khí tàng hình không? 

Hồi: Tôi có biết chút ít. Bây giờ cả thế giới đua nhau sản xuất tàu chiến tàng hình, phi cơ tàng hình như F117 chẳng hạn… Nghĩa là một thứ vũ khí được kèm với công nghệ khiến rađa đối thủ phải mù, câm, điếc. Nhưng tôi với bác thì cần hiểu về tàng hình làm gì?

Đàn: Ừ. Mình thì chả cần, nhưng liên minh phát triển công nghệ tàng hình quốc tế, gọi tắt là TH vừa cử đoàn sang ta học tập.

Hồi: Học tập ở các viện nghiên cứu lạc hậu của ta sao?

Đàn: Không. Họ đi về phía Đồ Sơn.

Hồi: Ô! Bác đừng làm tôi đau tim?

Đàn: Hoàn toàn nghiêm túc. Có một hiện tượng dịch vụ mại dâm ở Đồ Sơn rất lừng danh thiên hạ mấy chục năm nay. Ai cũng biết chỉ chính không biết. Dân thì bảo có, quản lý bảo không. Sự quáng gà thông tin cho thấy chắc chắn công nghệ tàng hình đã thành công ở đây. Vì thế TH tới Đồ Sơn học tập là đúng đắn.

Hồi: Logic lắm. Nhưng có thực sự cấp trên hoàn toàn không biết hay không?

Đàn: Chắc. Một vị lãnh đạo đã nói: "Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn".

Hồi: TH đã có kết luận cuối cùng chưa?

Đàn: TH vẫn muốn ở lại Đồ Sơn để tiếp tục nghiên cứu.

Hồi: Nghiên cứu gì mà kỹ thế. "Chưa đi chưa biết Đồ Sơn/ Đi rồi mới biết chả hơn đồ nhà/ Đồ nhà tuy có hơi già /Nhưng là đồ thật hơn là Đồ Sơn… Có vậy thôi.

Đàn: Sau đó họ nghiên cứu rộng rãi các ngành của ta thì đều kinh ngạc thấy trình độ tàng hình xứ ta đạt mức dẫn đầu thế giới. Không nghi ngờ gì nữa. Tàng hình là một thế mạnh của nước ta. Không riêng gì vụ Đồ Sơn mà các vụ khác cũng vậy. Gây thiệt hại hàng nghìn tỷ, nhưng các quan vẫn một mực đã thực hiện đúng tất cả các khâu. Không có bất kể người quản lý nào nhìn thấy sai cả. Thế mới gọi là công nghệ tàng hình thực sự.

Hồi: Tôi đồ rằng, sau khi nghiên cứu về tàng hình xong thì sẽ có hiệp hội y tế quốc tế đến xứ ta nghiên cứu về bệnh lạ. Này nhé. Những phó thường dân chân lấm, tay bùn thì lành lặn chả sao cả. Hễ cứ leo lên được cái chức gì đó thì lập tức mắc những bệnh lạ. Triệu chứng là mắt kém dần rồi không nhìn thấy gì nữa. Rồi thì tai nghễnh ngãng dần, ai nói gì cũng chả nghe thấy nữa. Miệng có hai phần ăn và nói thì hỏng mất phần a lô.

Đàn: Có nhẽ đâu thế. Người quản lý dân thì phải lành lặn chứ ai lại bị khiếm thị, khiếm thính thế.

Hồi: Tuy các công trình công cộng của chúng ta chưa đáp ưu tiên đúng mức cho người khuyết tật, nhưng các vị trí quản lý thì ngược lại.

Đàn: Có lẽ biểu tượng của họ là ba con khỉ che mắt, che miệng, che tai với tinh thần "không nhìn, không nói, không nghe". Một thứ minh triết…

Hồi: Xét về mặt y tế thì đây chẳng qua là một loại bệnh xã hội, nguy cơ lây nhiễm cao.

Đàn: Giải pháp, giải pháp, giải pháp bác ơi?

Hồi: Chữa thì có nhiều phương pháp lắm. Vấn đề là có muốn chữa hay không. Tuy vậy, bệnh này lạ ở chỗ, không cần thuốc thang gì cả, chỉ cần nghỉ chức vụ quản lý là khỏi liền. Về phó thường dân thì mắt lại sáng, tai lại tinh, mồm miệng lại nghĩ sao nói vậy. Lại nhìn thấy hết những thứ tàng hình.

Đàn: Có thể tạm kết luận, nghề quản lý là một nghề nguy hiểm, nguy cơ khuyết tật cao nhưng vẫn nhiều người sẵn sàng chấp nhận hy sinh vì nghĩa lớn

Lê Tâm
.
.
.