Công chúa nhà Lê làm dâu xứ Mường
Chuyện về nàng dâu Mường Thàng
Vùng đất Cao Phong hiện nay vốn được gọi là Mường Thàng – một trong bốn vùng Mường lớn (Bi, Vang, Thàng, Động) của tỉnh Hòa Bình. Lang (tù trưởng) vùng Mường Thàng khi đó giàu có, quyền uy, oai phong lẫm liệt. Đất của Lang cai quản lúc đó, bây giờ là đất đai của cả 12 xã và thị trấn huyện Cao Phong. Thế lực của vị thổ Lang vùng đất Cao Phong lớn mạnh buộc vua Lê phải nghĩ cách để giữ lòng tù trưởng nhằm giữ yên bờ cõi. Vì thế, một nàng công chúa nhà Lê đã được gả cho vị tù trưởng này.
Truyền thuyết trong nhân dân và những địa danh liên quan đến công chúa được truyền lại cho tới ngày nay như Chùa Quèn Ang, Vườn hoa núi Cối và Khu mộ cổ Dũng Phong.
Từ giã chốn kinh kỳ đông đúc hoa lệ, nàng công chúa bé nhỏ đến làm dâu vùng Cao Phong xa lắc, hẻo lánh chỉ với 12 thị nữ. Xa chốn kinh kỳ, xa vua cha và hoàng hậu. Cuộc sống của nàng với nỗi buồn nhớ vua cha và chốn kinh thành cứ lặng lẽ trôi ngày này qua ngày khác. Nỗi buồn của nàng thấu đến tai nhà vua. Nhà vua sai người dựng một ngôi chùa giống chốn kinh kỳ để ngày ngày nàng gửi tâm vào cõi Phật. Và ngôi chùa Quèn Ang đã ra đời từ đó.
Về phần mình, thấy vợ buồn, vị tù trưởng đã cho trồng một vườn hoa dưới chân núi Cối cho nàng thưởng ngoạn. Gần 300 năm đã trôi qua, vườn hoa không còn nữa, nhưng núi Cối vẫn còn tại xã Tân Phong với đầy hoa thơm, quả lạ. Vườn hoa núi Cối đã trở thành một địa danh nổi tiếng của vùng Cao Phong và đã đi vào sử sách.
Chuyện trong dân gian kể lại rằng: Trong một bữa tiệc vui do hiểu lầm mà tù trưởng chém oan vợ mình. Tỉnh lại quá thương tiếc vợ, tù trưởng đã cho làm lễ an táng rất linh đình. Cũng có chuyện kể, một lần tù trưởng ốm, công chúa đã dùng chân sờ vào trán chồng. Vậy là trong bữa tiệc rượu sau đó tù trưởng nhớ lại, nổi giận hạ lệnh chém đầu vợ.
Việc tù trưởng Mường Thàng chém đầu vợ là công chúa nhà Lê là chuyện có thật. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn tới cái chết đó được dân gian lưu lại là do công chúa phạm thượng dám lấy chân sờ trán chồng là chuyện thật khó tin. Người làm văn hóa dân gian khảo cứu nhất định luôn muốn lên tiếng minh oan cho nàng công chúa bạc mệnh kia.
Xét ở nhiều góc độ, chúng ta thấy rằng: Công chúa triều Lê lá ngọc cành vàng vốn được uốn nắn, dạy bảo lễ nghi, phép tắc từ bé. Không những thế, nàng lại làm dâu vị tù trưởng có thế lực khi tuổi còn nhỏ, tù trưởng cũng lại đã có một bầy đoàn thê tử. Chốn rừng thiêng, nước độc không có mối liên hệ với kinh kì, đường về nhà vời vợi xa, công chúa dù không nảy sinh tình cảm với chồng mình cũng làm sao dám cả gan dùng chân sờ trán chồng? Thực hư câu chuyện chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, cái chết của nàng công chúa chốn kinh kì làm vợ, làm dâu vùng Mường Thàng đã để lại trong dân gian những ngậm ngùi.
Hiện nay tại xã Dũng Phong (trước kia hai xã Tân Phong và Dũng Phong cùng chung một xã) vẫn còn dấu vết của khu mộ cổ ở Đồng Cúi, hay còn gọi là Đồng Mô. Theo lời kể của nhân dân địa phương thì công chúa được an táng trong khu mộ này. Khu mộ rộng tới vài chục hecta. Theo dân địa phương thì đây là khu "cấm", có nhiều cây cổ thụ xen lẫn lau lách um tùm với hàng nghìn cột đá cao thấp khác nhau, có cột cao tới 3m.
Khu mộ Mường Dũng Phong còn lại cho tới ngày nay dù đã mất đi vẻ bí hiểm, mất đi hình dáng ban đầu, nguyên sơ của nó. Tuy nhiên ở đây còn không ít ngôi mộ với kích thước đồ sộ, khá nguyên vẹn với những truyền thuyết đầy bí ẩn. Trước tình trạng đó, năm 1980 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) đã nhanh chóng khai quật những phần diện tích còn sót lại của khu mộ để tìm hiểu thông tin.
Công chúa Lê kết thúc cuộc sống nơi dương gian về với cõi cực lạc khi tuổi đời còn non trẻ. Tư liệu về nàng mờ nhạt và quá ư ít ỏi. Tuy nhiên, dù không còn nhớ tên tuổi, dung nhan, nhưng vì nỗi thương xót, ngậm ngùi mà truyền thuyết về công chúa nhà Lê về làm dâu xứ Cao Phong vẫn được truyền tụng mãi trong nhân dân vùng Cao Phong. Khép lại một phận người, dân gian mở ra những chiêm nghiệm về cuộc sống, tình yêu và hạnh phúc.
Chuyện vợ Đô Khú Đại vương
Tương truyền: Vào thời Lê Cảnh Hưng thế kỷ XVIII, ở xóm Xàm xưa có một gia đình nông dân ăn ở hiền lành, sống có nghĩa tình với xóm giềng. Ông bà sinh hạ được hai người con trai: người anh đặt tên là Bùi Văn Cha, người em đặt tên là Bùi Văn Khú. Hai anh em tư chất thông minh, mặt mũi sáng sủa, hay lam hay làm. Cùng lớn lên gặp lúc vận nước nguy nan, thù trong giặc ngoài liên miên. Vào năm 1750, người em tình nguyện đi lính, để người anh ở nhà phụng dưỡng mẹ già, cha yếu.
Người em với tài năng dũng lược, được vua tin dùng giao trọng trách cầm quân đánh giặc. Ông đã chỉ huy quân chiến đấu và lập được nhiều chiến công vang dội. Khi đất nước bình yên, thù trong giặc ngoài đã tạm dẹp, ông về kinh đô Thăng Long được vua ban áo gấm, vàng bạc và gả công chúa cho.
Chuyện kể vua Lê có hai nàng công chúa xinh đẹp sắc nước thiên hương và đang đến tuổi cập kê. Ban đầu ý định của nhà vua gả công chúa chị cho người em nhưng nàng ngại quê ông cách trở, sợ phải về với chốn rừng thiêng nước độc nên từ chối. Chỉ có công chúa em là Thiên Tinh đồng ý.
Sau khi được vua gả Thiên Tinh công chúa, ông được vua phong tước lộc làm quan tại triều đình. Đến những năm tuổi cao sức mỏi, năm 1782, ông xin từ quan cùng Thiên Tinh công chúa về quê sinh sống. Ông được vua cắt đất cho cai quản một vùng Mường thuộc 3 xóm: Xàm, Đình, Rò ngày nay và tặng chiếc trống đồng để làm hiệu lệnh. Trước khi mất ông đã chôn chiếc trống đến năm 1998, một gia đình ở xóm Xàm đào đất đổ nền nhà đã tìm thấy chiếc trống này. Hiện nay, trống được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Hoà Bình.
Khi ông và Thiên Tinh công chúa qua đời, được nhân dân chôn cất tại khu vực gò Mè, thuộc xóm Xàm, xã Phú Lai. Ông được vua ban một lá cờ thêu 8 chữ “Đô Khú Đại vương Thượng đẳng tối linh”.
Cuộc đời, sự nghiệp và đạo đức của ông là một tấm gương sáng, một anh tài của dân tộc Mường có công hộ quốc cứu dân. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ công lao to lớn vì nước vì dân của ông, nhân dân và dòng họ đã lập một gian thờ với diện tích 20m2 để thờ phụng. Gian thờ này sau được mở mang trở thành ngôi đình của xóm Xàm, xã Phú Lai. Hai người đã được nhân dân thờ phụng tại đình làng và được coi là vị thần thành hoàng của làng và được các triều đại phong kiến phong sắc. Từ thời Cảnh Hưng năm thứ 14 (1784) đến năm 1925, ông bà đã được ban tới 11 đạo sắc.
Trải qua mấy trăm năm, qua bao thăng trầm của lịch sử, hai ngôi mộ vẫn còn đó, vẫn song hành bên nhau tại xóm Xàm. Năm 2011 bằng nguồn ngân sách của tỉnh và nhiều nguồn vốn khác, hai ngôi mộ đã được trùng tu, tôn tạo; ngôi đình Xàm đã được dựng lại khang trang bề thế để thờ Đô Khú Đại vương và Thiên Tinh công chúa.
Hai nàng công chúa nhà Lê cùng về làm dâu miền đất Hòa Bình, nhưng lại có hai số phận khác nhau. Trong mối nhân duyên này, không hiểu các nàng đã thực sự gặp được một nửa của đời mình chưa? Nhưng có một điều chắc chắn là các nàng đã làm trọn trọng trách sứ giả hòa bình mà vua cha và triều đình nhà Lê lúc đó giao cho. Năm tháng phôi pha, xứ Mường vẫn lưu truyền chuyện cũ....