Chuyện về một thầy trừ tà đuổi quỷ…

Thứ Ba, 22/12/2020, 07:38
Hàng trăm con người trên thế giới vẫn khẳng định rằng ngày nào mình cũng gặp gỡ với cái ác tuyệt đối, nhiều người đang gửi gắm cho họ những hoảng hốt, nỗi lo lắng của mình, kể cả tình trạng sức khỏe của người thân. Theo nhiều công trình nghiên cứu thì trong những năm gần đây, số người hoài nghi những người gọi là thầy trừ tà ngày càng đông, vậy mà vẫn tò mò mua những cuốn sách họ viết…


Chàng thiếu niên dũng cảm nhận chức thầy trừ tà đuổi quỷ

Có một thầy trừ tà đuổi quỷ nổi tiếng nhất, nhiều ảnh hưởng nhất trong nửa thế kỷ gần đây là cha Gabriele Amorth - thầy trừ tà đuổi quỷ chủ chốt của Tòa thánh Vatican: trải qua 30 năm hành nghề, ông đã thực hiện có hiệu quả hàng chục vạn buổi lễ. Nhiều người coi ông là kẻ mê hoặc kỳ dị, thậm chí nhiều con chiên còn thấy khó xử về hoạt động của ông. Nhưng càng về sau, câu chuyện về nỗi khủng khiếp của những con người bị quỷ ám càng trở nên phổ biến thì những người coi nghi lễ tôn giáo ấy âu cũng là "trò lường gạt bình thường" và công nhận Gabriele Amorth là nhân vật tôn giáo có tầm cỡ. Ông đã giúp đỡ hàng vạn con người, vậy mà cho đến nay vẫn chả mấy ai tin ông cả…  

Gabriele Amorth cất tiếng chào đời ngày 1 tháng 5 năm 1925 trong một gia đình có truyền thống làm nghề luật sư. Trong thời gian chiến tranh, Gabriele mới ở tuổi thiếu niên nhưng đã tham gia phong trào kháng chiến của Italy nên vài năm sau, chính quyền Roma đã gắn cho Gabriele Huy chương Danh dự để ghi nhận công trạng của cậu bé quê gốc Modena.

Gabriele Amorth làm lễ trừ tà cho một con chiên.

Trong những năm 1940 Gabriele quyết định nối gót ông cha: cậu nghiên cứu luật học, sau đó làm việc cho chính trị gia trẻ tuổi Giulio Andreotti (1919-2013), một người theo phái Dân chủ Kitô giáo, về sau đảm nhiệm nhiều cương vị cao trong Chính phủ, từng là Thủ tướng thứ 41 của Italy từ năm 1972 đến năm 1973, từ năm 1976 đến năm 1979, và từ năm 1989 đến năm 1992. Tuy nhiên chàng trai trẻ lại quyết định gắn bó đời mình với nhà thờ Kitô giáo, gia nhập Hội tôn giáo Thánh Paul và đầu những năm 1950 được thụ phong, trở thành giáo sĩ với đầy đủ các quyền năng để giảng đạo. 30 năm sau, theo đề nghị của vị Giám mục, Gabriele Amorth trở thành thầy trừ tà đuổi quỷ.

Các nhà trừ tà đuổi quỷ hiện không chỉ ít ỏi về số lượng, nhưng họ cũng ít được chấp nhận, và đôi khi còn bị gây trở ngại nữa. Họ ít khi tìm thấy người nào sẵn lòng mở cửa cho họ. Mọi người đều biết rằng đôi khi những người bị quỷ ám la hét lên; đấy là lý do chính khiến cho một vị chủ chăn hoặc một bề trên tu viện không muốn có một nhà trừ tà đuổi quỷ trong lãnh thổ của họ. Sự yên tĩnh và ổn định trở nên quan trọng hơn đức bác ái cứu giúp những người bị quỷ ám. Thế mà trong năm 1986, Ugo Poletti - một Hồng y người Italy của Giáo hội Công giáo La Mã, người từng là Tổng đại diện của Roma 1973-1991, và đã được nâng lên bậc Hồng y năm 1973 - bổ nhiệm làm pháp sư trưởng của Giáo hội Công giáo La Mã.

Gabriele Amorth kể: "Ban đầu tôi được bổ nhiệm làm phụ tá cho cha Candido Amantini, linh mục dòng Passionist, nhà trừ tà đuổi quỷ chuyên nghiệp và nổi tiếng. Những người cần sự giúp đỡ của ngài đã từ mọi miền đất nước Italy - và thường từ ngoại quốc - đến trụ sở của ngài tại nhà thờ Holy Staircase ở Roma. Cho nên sự bổ nhiệm này là một ân sủng lớn lao cho tôi; tôi tin rằng cha Candido là người duy nhất trên thế giới có thể tuyên bố một kinh nghiệm ba mươi sáu năm làm người trừ quỷ toàn thời gian"… Gabriele Ramorth trở thành thầy trừ tà chính thức của nhà thờ Kitô giáo như thế đó.

Việc trừ tà đuổi quỷ xưa nay

Vào đúng thời gian ấy, trên thế giới bắt đầu bùng nổ trào lưu Thần bí mới, có hàng chục vạn con người ở nhiều nước khác nhau hướng tới tôn giáo với hy vọng vào khả năng làm việc với linh hồn và thân thể con người. Dưới thời Gabriele Amorth, việc trừ tà đuổi quỷ đã thay đổi theo cách chủ yếu nhất, căn bản nhất: sau khi thành lập Hiệp hội quốc tế các thầy trừ tà đuổi quỷ, ông củng cố và nâng cao quy chế của những thầy trừ tà đuổi quỷ và những người phá vỡ lời nguyền.

Trải qua 20 năm sau, người ta đã công nhận uy tín của Hiệp hội này ở cấp độ cao nhất trong tôn giáo. Đến đầu năm 1999, Tòa thánh Vatican ấn hành một tài liệu chính thức để điều hành hoạt động của các linh mục làm thầy trừ tà đuổi quỷ và khuyến nghị cần tăng cường số lượng những chuyên gia như thế trên quy mô toàn thế giới.

Trong mấy năm gần đây, số lượng của họ đã lên tới vài trăm người. Việc xem lại vấn đề đó đã diễn ra lần đầu tiên trong những thời gian họp Công đồng Vatican II được tổ chức trong thập niên 1960, còn trước đó, thầy trừ tà đuổi quỷ đã được cấp một cuốn sách De Exorcismis et Supplicationibus Quibusdam ấn hành từ đầu thế kỷ XVII, lần chỉnh sửa cuối cùng đề năm 2004, được mở đầu rằng: "Trước hết, thầy trừ tà đuổi quỷ phải căn cứ vào y học thực hành, điều quan trọng là phải loại những thứ bệnh tật tâm lý và thể xác ra khỏi người gặp nạn, chỉ sau đó mới tiến hành nghi lễ".

Một số tín đồ công giáo và thậm chí cả nhiều vị linh mục cao cấp cũng không tin vào việc trừ tà đuổi quỷ và nhắc đến sách Phúc âm, tuy vậy vẫn có nhiều người đi theo những niềm tin khác nhau vẫn cứ vin vào lý do trong kinh Tân ước có gần hai chục lần nói đến việc trừ tà đuổi quỷ. Gabriele Amorth rất tin vào việc trừ tà đuổi quỷ là cần thiết cho con người, ông nói: "Trên thực tế có nhiều sự việc diễn ra mà lý trí không thể nào giải thích nổi, vậy mà từ phương diện khác kinh thánh lại lý giải được rạch ròi". Được biết, cả hai vị giáo hoàng của Tòa thánh Vatican gần đây đều tiến hành những nghi lễ tương tự: Giáo hoàng Biển Đức Benedicto XVI là người rất mê say thực hành kiểu ấy.

Một số người nhìn vào Amorth và thấy ông gần như một vị thánh, đặc biệt là ở Italy quê hương của ông: theo thống kê, mỗi năm ở đất nước hình chiếc ủng có gần nửa triệu tín đồ Kitô giáo tìm đến ông thầy trừ tà đuổi quỷ này. Nhưng vẫn có nhiều người không tin vào ông, coi vị linh mục này là ngông cuồng, chơi trội, mị dân, khát quyền lực và danh tiếng rẻ tiền. Những tuyên bố to tát nhưng không có cơ sở của ông khiến họ đặc biệt la ó…

Dẫu có thế nào thì phần lớn vẫn cứ kính trọng cha Gabriele vì lòng trung thành sâu sắc đối với công việc của mình và vì đức tin tôn giáo nghiêm trang mà suốt cuộc đời ông không thay đổi. Họ đều công nhận rằng ông đã giúp được nhiều người ốm đau, thiếu cân bằng về mặt tâm lý, đã hướng dẫn họ và an ủi gia đình họ.

Thầy trừ tà đuổi quỷ tự kể

Theo lời cha Gabriele Amorth thì ông đã làm tổng cộng từ 70 đến 160 nghìn nghi thức trừ tà đuổi quỷ hay là gỡ bỏ lời nguyền cho các con chiên. Thông thường để làm việc đó cho mỗi người, thầy trừ tà phải vài lần đến tận nơi "mục sở thị". Nhưng thực ra việc tính đếm thành con số đầy đủ là điều bất khả: chính vị linh mục khẳng định rằng trong cả cuộc đời mình, ông chỉ gặp vài trăm trường hợp trong người ấy "quả thật là có quỷ choán hết linh hồn", còn những khách thăm khác chỉ là những người đau ốm tạm thời cần có sự trợ giúp của bác sĩ. Ông đã vừa nhận được tư vấn của bác sĩ tâm lý, vừa giúp đỡ bệnh nhân. "Trong phần lớn trường hợp, làm gì có sự hiện diện thực sự của quỷ sứ, và công việc của tôi chỉ tóm gọn ở chỗ là khuyên răn họ - những người tìm đến tôi - nên sống một cuộc sống theo đức tin và thường xuyên cầu nguyện. Như thế là đủ để trấn an nỗi sợ của những người hoảng hốt trước cái ác", - ông nói.

Lễ trừ tà ở Italy năm 1952.

Những phương pháp của vị linh mục này là "thiên hình vạn trạng". Ông mô tả việc hằng ngày của mình trong cuốn sách "Thầy trừ tà kể chuyện mình" ấn hành năm 1994. Mỗi buổi lễ kéo dài trung bình khoảng 30 phút, trong một buổi sáng vị linh mục này tiến hành đến 5 cuộc gặp gỡ khách thăm. Ông coi rằng việc trừ tà đuổi quỷ có thể tiến hành qua điện thoại hoặc chương trình Skype trên Internet.

Gabriele Amort bao giờ cũng treo trên tường phòng làm việc bức chân dung Giáo hoàng John Paul II (theo lời ông thì quỷ sứ bỗng nhiên rất hốt hoảng khi thấy vị Giáo hoàng này), luôn luôn mang theo mình hai cây thánh giá bằng gỗ, một công cụ để rảy nước thánh và một bình chứa dầu thánh.

Để hiểu nạn nhân có quỷ trong người hay không, Gabriele Amort nhìn thẳng vào mắt người ấy, dùng hai ngón tay nhẹ nhàng banh mí mắt lên. Ông giải thích: "Hầu như bao giờ cũng vậy, có quỷ trong người thì tròng mắt trắng rã. Thậm chí giữ mi mắt một lúc, chúng tôi có thể phân biệt được đồng tử hướng lên hay hướng xuống".

Theo lời ông thì khó khăn nhất là khi gặp các nạn nhân của thày lang châu Phi hoặc những người chịu tác động của những bùa chú và nghi thức thần bí xứ Brazil. Vị linh mục này còn coi phụ nữ là hạng người yếu bóng vía: theo thống kê thì giữa những năm 1990, khi Gabriele Amorth làm việc tích cực hơn cả, từ khoảng 40 cuộc lễ trừ tà đuổi quỷ ông tiến hành mỗi tuần ở Roma, có khoảng 80% khách đến tìm ông là phụ nữ trung niên thuộc tầng lớp trung lưu. Không hiếm khi cả trẻ con cũng đến. Gabriele Amorth cho biết "họ dễ bị tổn thương bởi vì chính họ thường gặp mộng mị, họ thường là đối tượng để các nhà tiên tri, các vong hồn giao tiếp tâm linh thuộc nhiều môn phái". Theo lời ông thì những thế lực đen tối ngay từ thời Adam và Eva đã muốn chiếm đoạt nữ giới, nhưng rất may là phần lớn trong những thế lực ấy chỉ là cỡ lang băm bình thường, chúng có thể gây tổn hại về ví tiền chứ không gây tổn hại về linh hồn.

Gabriele Amorth kể rằng không hiếm khi trong thời gian ông hành lễ, nạn nhân thăng hoa và khạc nhổ ra những mảnh thủy tinh hoặc sắt thép. Ông thậm chí còn thu gom những dị vật như thế - chìa khóa, mắt xích, đinh và nhiều thứ khác được ông sẵn lòng đưa ra như minh chứng cho công việc hiệu quả của mình. Có lần, ông kể, người khách đàn bà còn nhè ra cả một cục nhỏ từ chiếc đài thu thanh bán dẫn...

Còn những người khác nói sao?

Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố to tát của cha Gabriele, những người trẻ tuổi mới là khách hàng phức tạp nhất - điều này có được nhân chứng và đồng nghiệp của ông nói thêm vào. Linh mục Marcello Stanzione kể lại một câu chuyện giống như trong phim kinh dị: ông cùng với cha Amorth có dịp đuổi quỷ từ hộp sọ của một khách hàng có tên là Lucifer, người Italy nhưng lại nói tiếng Anh. Nạn nhân kêu rên, người rướn lên, quằn quại vì đau đớn trong khi xung quanh anh ta toát ra một khí lạnh đầy chết chóc cho đến lúc con quỷ chấp nhận thất bại và nói rõ ngày giờ nào chính xác thì rời khỏi thân thể anh ta. Tuy không có bất cứ vật chứng nào, nhưng đến bây giờ cha Stanzione vẫn cam đoan rằng tất cả đều đúng như vậy.

Năm 2020 Stanzione có cho ấn hành cuốn "Quỷ sợ tôi: cuộc sống và công việc của vị thầy trừ tà danh tiếng nhất thế giới", trong đó dẫn ra những chi tiết tưởng tượng từ thực tế hành lễ của Amorth. Nhưng những người nghi ngờ thì tin rằng đối với Stanzione, đó chẳng qua chỉ là một cơ hội, mượn tên Gabriele Amorth để ''đánh bóng'' tên tuổi của mình.

Bản thân Gabriele Amorth cũng không hiếm khi kể những chuyện giông giống như thế, nhưng hoàn cảnh đời sống của ông có phần thực tế hơn, thêm nữa, đức nhân từ và sự trầm tĩnh của ông đã lấy được lòng người nghe: ông đối xử với bệnh nhân bằng sự đồng cảm, giảng giải cho họ biết rằng họ là những người không tồi tí nào, chỉ có đang lâm nạn mà thôi và cần phải được giúp đỡ.

Những cái nhìn khắc nghiệt

Các giám mục nhà thờ Kitô giáo có quyền tiến hành những nghi lễ xua tà đuổi quỷ sứ, theo truyền thống thì có một linh mục được lựa chọn đặc biệt đến làm việc đó. Nhưng trong thời gian gần đây các chức sắc Kitô giáo làm việc bổ nhiệm thầy trừ tà đuổi quỷ ngày càng ít đi. Gabriele Amorth đã gay gắt phê phán chuyện đó: "Tôi tin rằng các vị giám mục không chịu bổ nhiệm thầy trừ tà đuổi quỷ là phạm vào tội chết".

Cha Gabriele Amorth.

Bộ phim kinh dị siêu nhiên The Exorcist (Quỷ ám) của đạo diễn William Friedkin do Hollywood sản xuất năm 1973 được thầy trừ tà đuổi quỷ Gabriele Amorth yêu thích nhất. Theo ý kiến của ông thì bộ phim nhận được đến 10 đề cử tại giải Oscar lần thứ 46 và thắng 2 giải, bao gồm giải "Hòa âm hay nhất" và giải "Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất" là công tâm và hiện thực. Trả lời phỏng vấn, ông nhấn mạnh rằng bộ phim đã công khai trước công chúng rộng rãi bản chất công việc của mình - "mọi người có trách nhiệm phải hiểu những việc mà chúng tôi đang làm".

Khác với nhiều đồng nghiệp, Gabriele Amorth coi sứ mệnh của mình là phải lên tiếng công khai giữa thanh thiên bạch nhật, kể thật cụ thể về các nghi lễ trừ tà đuổi quỷ, thậm chí còn bình luận những sự kiện lịch sử và những sự việc cấp bách đang diễn ra trên thế giới. Ông đặc biệt gay gắt khi phê phán nhân vật Adolf Hitler, coi hắn cũng là thuộc diện quỷ ám. "Các vị có thể bình luận về hành vi ứng xử, về những hành động gây nên bao điều khủng khiếp mà họ và những kẻ theo mệnh lệnh của họ đã làm. Chính vì thế mà chúng ta cần bảo vệ xã hội trước loài quỷ dữ", - ông kết luận như thế.

Thầy trừ tà này còn tin rằng những thế lực độc ác bao gồm không chỉ một con người, mà cả một nhóm người, thậm chí cả dân cư của một quốc gia như đã từng xảy ra với quân phát xít. Nhân đây cũng nói thêm là theo các tài liệu của Vatican mới được giải mật trong thời gian gần đây, thì Giáo hoàng Pío XII đã từng làm nghi lễ đuổi Hitler ra thật xa, nhưng nghi lễ đó không có hiệu quả gì.

Cha Gabriele Amorth cũng tỏ ra khó chịu về truyện "Harry Potter" - theo lời ông thì những cuốn truyện như thế chỉ tổ đẩy con trẻ vào con đường của thần bí học và khuyến khích niềm tin vào ma thuật đen. "Trong Harry Potter, quỷ sứ hoạt động rất khôn ngoan và bí ẩn sau chiếc mặt nạ của những thế lực siêu nhiên, những phù phép và lời nguyền, - ông kết luận. - Trẻ em nên đọc những truyện cổ tích, thần thoại, nơi phép thuật chỉ là công cụ chứ không phải là cơ sở của câu chuyện". Vị linh mục này cũng không hài lòng với sáng tạo của một số nghệ sĩ, ví dụ như Marilyn Manson, ông phản đối: "Tôi chẳng có gì mà phải chống lại rock, đó là thứ âm nhạc rất đáng kính trọng, tôi chỉ chống lại thứ rock của quỷ Satan". Ông cũng kị những người yêu thích yoga và so sánh việc thực hành từ cổ xưa đó với việc đọc sách về cậu bé phù thủy: "Cả hai việc đó tưởng như vô hại, nhưng chúng đều có liên quan đến phép thuật, điều này dẫn tới cái ác". Ông không đồng tình với chi tiết yoga có nguồn gốc từ Ấn Độ, bởi theo lời ông thì tín ngưỡng phương Đông dựa trên một niềm tin giả dối vào sự đầu thai.

Do những ý kiến về các hiện tượng văn hóa và về phụ nữ đượe ông "nói toạc móng heo" như thế, nhiều tín đồ đã phải ngượng mặt vì Amorth. Tuy nhiên, cùng với thời gian, công lao của ông đối với loài người đã sáng tỏ, trước hết là sự trợ giúp, trấn an những người đề nghị ông cho lời khuyên và cùng hành động. Nhiều bệnh nhân được sự giúp đỡ của ông đã ra khỏi tình trạng gay cấn, nhiều nhà thần kinh học và tâm lý học có nói tốt cho hoạt động của ông. Còn nhà thờ Kitô giáo có được qua ông - một trong số những người mà họ rất cần đến - một người hâm mộ nhiệt thành việc trừ tà đuổi quỷ mà các cha hằng rao giảng, một vị chức sắc chân thành và nhuần nhuyễn thực hiện chức phận của mình, chống lại mọi nghi ngờ của kỷ nguyên mới. Khi Gabriele Amorth mất vào năm 2016, dân Italy coi như một bi kịch quốc gia.

Vài tháng trước khi vị linh mục qua đời, đạo diễn điện ảnh từng tạo nên bộ phim "Quỷ ám" được ông yêu thích - William Friedkin - có làm một bộ phim tài liệu về ông. Theo lời William Friedkin, trước đó nhà đạo diễn chưa bao giờ nhìn thấy một lễ trừ tà đuổi quỷ trong thực tế, nhưng lần này vị linh mục trừ tà đã cho phép ông có mặt tại một trong những buổi hành lễ trừ tà đuổi quỷ cuối cùng của mình. Bộ phim ấy có nhan đề "Quỷ sứ và cha Amorth", và có những cảnh quả là dễ sợ: một người phụ nữ trẻ tên là Christine giữa những người xung quanh mang vẻ mặt đầy đồng cảm như đang lên cơn động kinh và thét lên những tiếng không phải của loài người.

Các nhà phê bình điện ảnh gọi bộ phim ấy là "cơn mê sảng phản khoa học", là "trò đánh đố nhạt nhẽo", là "màn dàn dựng rẻ tiền", còn nữ nhân vật Christine tham gia nghi lễ thì chỉ là một người yếu bóng vía thông thường. "Quan sát lễ trừ tà đuổi quỷ trong "Quỷ sứ và cha Amorth", chúng ta thấy trong ADN của dân Italy vẫn còn những hạt giống của văn hóa thời trung cổ. Quỷ sứ và lễ trừ tà đuổi quỷ là một phần trong tâm lý của đất nước si mê Kitô giáo này", - Owen Gleiberman, nhà phê bình điện ảnh người Mỹ gốc Thụy Sĩ trên Tạp chí Variety đã phán như vậy.

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)
.
.
.