Chuyện tình vượt trời Âu

Thứ Ba, 21/03/2017, 13:31
Vì tình yêu, anh quyết định rời xa đất nước, chấp nhận làm rể xa xứ, từ bỏ công việc ổn định ở Hà Lan để làm một anh Tây bán xúc xích giữa "chợ trời"...


Duyên nợ tình yêu

Xe bánh mì, xúc xích nướng của vợ chồng Phạm Thị Lan Trinh (35 tuổi), Alexander Van Toor (38 tuổi) nằm nhỏ gọn trên góc đường Dương Bá Trạc (Q.8, TP Hồ Chí Minh). Hơn một năm nay, người dân đã quen thuộc với hình ảnh một ông Tây nhễ nhại mồ hôi tay quạt, tay gắp nướng những xâu xúc xích thơm lừng.

Bên cạnh là bóng dáng nhỏ bé nhưng nhanh nhẹn của người vợ, lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi chào mời khách mua hàng.

Ảnh cưới rạng ngời của hai vợ chồng.

Chị Lan Trinh vốn là nhân viên của một công ty xuất nhập khẩu, còn Van Toor là kỹ sư cơ khí ở Hà Lan. Họ gặp nhau, phải lòng nhau, yêu nhau như sự sắp đặt từ trước của tạo hóa. Để rồi cả hai quyết từ bỏ ước mơ riêng tư, cùng nhau đi chung một con đường. 

Sở hữu vẻ đẹp khỏe khoắn, nụ cười duyên dáng, đáng yêu, đã có rất nhiều chàng trai "trồng cây si" trước nhà, nhưng đều bị Lan Trinh cong môi từ chối. Nhiều lần, mẹ giục con gái lấy chồng, nếu chưa muốn lập gia đình thì cũng phải yêu đương cho bằng bạn bằng bè.

Chị thường lảng tránh, lấy lý do bận học để ổn định công việc. Một người bạn tiếc cho nhan sắc mặn mòi, thanh khiết của chị, liền giới thiệu một người bạn ngoại quốc của cô ấy cho chị. Bạn nói rằng, hãy cứ quen thử xem thế nào, không làm người yêu thì làm bạn.

Từ bên trời Âu, Van Toor nhắn tin cho chị bằng những câu tiếng Anh đơn giản, mang ý nghĩa thăm hỏi, làm quen. Vốn tiếng Anh của chị kha khá, chị cũng trả lời như cách người ta xã giao lịch sự với nhau. Những tin nhắn ngày một dài hơn, hỏi han và quan tâm nhiều hơn khiến con tim chị nhiều đêm rung lên một cảm xúc thật lạ.

Những lúc không nhận được tin nhắn, chị thấy nhớ, thấy thiếu điều gì đó đã trở thành quen thuộc mỗi đêm. Qua Facebook, Lan Trinh dạy cho Van Toor những từ tiếng Việt đơn giản, như lời chào, lời chúc…Van Toor cố gắng học, tìm tòi và cũng cố gắng làm được vài tứ thơ gửi tặng người yêu ở phương trời xa.

Những dòng tin nhắn qua mạng xã hội đôi khi chỉ là một câu đơn nghĩa hay một biểu tượng hình ảnh của các con vật ngộ nghĩnh, đáng yêu luôn khiến Lan Trinh vui và hạnh phúc. Khi tình yêu đã đủ "chín", Van Toor quyết định bay sang Việt Nam.

Thời điểm máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất lại trùng với thời gian Lan Trinh tham dự kỳ thi nâng ngạch lương ở một công ty. Là kỳ thi quan trọng, chị không thể ra phi trường đón anh. Chị nhắn anh hãy bắt taxi về địa điểm đã hẹn trước. Nhưng anh không đồng ý, anh bảo chị yên tâm làm bài thi, anh sẽ chờ đợi.

Làm rể Việt Nam, Van Toor đã cố gắng rất nhiều để thích nghi với nếp sinh hoạt và các món ăn.

Ở trong phòng thi, lòng chị nóng như lửa, lo lắng bao nhiêu lại thương anh bấy nhiêu. Thế là, chị phải bỏ dở cuộc thi để chạy ra với anh. Lần đầu tiên nhìn thấy anh sau nhiều tháng ngày "cảm nhau" qua tin nhắn, tim chị đập mạnh, mặt đỏ ửng ngượng ngùng. Còn anh vì quá xúc động, đã khóc lúc nào không biết. 

Những ngày ở Việt Nam, Lan Trinh dẫn Van Toor đi chơi một vài nơi của TP Hồ Chí Minh, ăn bún bò Huế, phở Hà Nội, hủ tiếu Nam Vang… Van Toor bỡ ngỡ và lạ lẫm với tất cả mọi thứ.

Toor là người đàn ông đầu tiên Lan Trinh dẫn về nhà ra mắt, ai cũng ngạc nhiên, bất ngờ không hiểu vì sao chị lại đem lòng yêu người đàn ông ngoại quốc cách trở địa lý như vậy. Yêu Việt Nam nhưng Van Toor vẫn dành một tình cảm sâu nặng với quê hương Hà Lan xinh đẹp và thơ mộng của mình.

Anh đã kể cho chị nghe rất nhiều về một đất nước nằm thấp nhất so với mực nước biển, có những con đê, cối xay gió và hoa tulip. Anh tự hào chỉ vào ngực mình, vừa cười vừa nói với chị rằng: "Chính cối xay gió đã tạc nên đất nước của anh mạnh mẽ, vững vàng trước mọi hiểm họa của thiên nhiên. Và nó trở thành niềm kiêu hãnh không gì đánh đổi".

Nhìn chị, anh ví như một bông hoa tulip giữa "xứ sở muôn hoa" của anh. Anh thích nhất nụ cười của chị, nó ẩn chứa tình cảm đặc biệt với anh, với những người xung quanh. Ngày phải về nước, Van Toor không muốn rời xa vòng tay, ánh mắt, khuôn mặt người yêu, anh buồn quá ôm mặt khóc nức nở.

Kiếm nhiều tiền đưa vợ về quê hương

Thư đến thư đi, họ đã gửi cho nhau không biết bao nhiêu dòng tin nhắn, đã nhớ nhung và yêu thương mãnh liệt nhường nào. Sau ba năm, khi cả hai cảm thấy không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời này nữa, Toor sang Việt Nam để cầu hôn Lan Trinh.

Đó là một buổi tối Noel se lạnh, ngay công viên có rất đông người qua lại, Toor quỳ dưới chân cô gái Việt Nam tỏ tình: "Em có đồng ý lấy một người nghèo, không nhà cửa, không tài sản như anh không?”. Quá bất ngờ, Lan Trinh ngượng chín cả mặt. Nhưng rồi trong niềm hạnh phúc tột cùng, chị đã nắm tay anh, mím chặt môi nói: "Em tới với anh bằng tình cảm chân tình, không đòi hỏi gì cả".

Toor mắt nhòa lệ. Anh nói rằng mình không có hoa hồng, thay vào đó sẽ tặng người yêu bông hoa hồng bằng kẹo tượng trưng cho tình yêu vĩnh cửu, không bao giờ tàn phai. Sau đó, Toor đặt một nụ hôn nồng say lên bờ môi đang run rẩy của người yêu.

Công việc bán buôn cực nhọc, nhưng nụ cười lúc nào cũng nở trên môi chị Lan Trinh.

Anh nắm tay chị, đặt chiếc nhẫn bằng kẹo vào đó và nói: "Đây là chiếc nhẫn kim cương quý giá nhất của anh mang từ quê hương sang dành tặng cho em". Mọi người xung quanh đồng loạt vỗ tay cổ vũ, reo hò cho đôi tình nhân hạnh phúc nhất trong ngày lễ Giáng sinh.

Lấy người con gái Việt Nam, Toor chấp nhận từ bỏ tất cả công việc, cuộc sống và gia đình ở Hà Lan để sang làm rể Việt. Ở vùng đất lạ lẫm với mọi thứ, Van Toor không có việc làm và cũng không biết làm nghề gì phù hợp với người ngoại quốc.

Thương chồng, chị Trinh quyết định nghỉ công việc ở một công ty mà thu nhập và vị trí công tác đang là niềm mơ ước của rất nhiều cô gái. Được một người bạn truyền lại bí quyết làm món bánh mì xúc xích, anh chị "xốc lại" tinh thần, tìm kiếm đồ nghề, sắm xe ra đường kiếm cơm.

Những ngày đầu, hai vợ chồng quẩy gánh bán ở khu vực quận 1, nơi có nhiều người nước ngoài qua lại. Nhưng chỉ được thời gian, sự cạnh tranh thị trường, sự chèn ép của "ma cũ", rồi sự săm soi, dòm ngó của các "phường" buôn bán khác, anh chị phải dạt đi.

Bất lực, tuyệt vọng trước kế sinh nhai, có ngày, chị vừa bán, vừa quệt nước mắt anh vừa nướng xúc xích vừa an ủi vợ. Lang thang vài nơi thì kiếm được một vị trí khá thuận lợi ở đường Dương Bá Trạc, xe bánh mì xúc xích dần ổn định. Cuộc sống vợ chồng bớt chông chênh, chị nghĩ đến những đứa con. Anh cũng mê con lắm, cả hai đều mong ngóng, nhưng con cái là trời cho, cũng phải chờ đợi thôi. 

Nhà thuê tận huyện Nhà Bè, quãng đường đi gần chục cây số, nên mỗi ngày, vợ chồng dậy từ 4 giờ sáng chuẩn bị đồ nghề, xong anh đèo chị trên xe máy đến điểm bán. Ngày nào cũng đứng bếp nướng, khói than, bụi than khiến mặt anh đỏ bừng, mắt anh lúc nào cũng chảy nước.

Về nhà, anh lại lao vào rửa chén bát hoặc làm bất cứ việc gì phụ vợ. Chị thương anh vì sự chăm chỉ, cần mẫn thích nghi với cuộc mưu sinh ở một vùng quê xa lạ. Hỏi ước mơ của hai vợ chồng là gì? Chị nhìn chồng, cười hiền hậu: "Cầu trời cho chúng tôi có sức khỏe để kiếm tiền và yêu thương nhau nhiều hơn". 

Hơn một năm làm rể Việt Nam, Van Toor đã học được kha khá từ tiếng Việt. Khâu nói và viết còn khó khăn, nhưng anh có thể hiểu cơ bản lời ý của mọi người. Những ngày hè nóng bức của TP Hồ Chí Minh, Toor lại nhớ mùa đông băng giá ở quê nhà, nhớ những dòng sông phủ đầy tuyết trắng, nhớ người lữ hành độc bộ trên con đường nở trắng những loài hoa.

Thay đổi môi trường sống, đồng nghĩa với việc thay đổi đồng hồ sinh học, Van Toor đã phải cố gắng rất nhiều để thích nghi. Vì tình yêu với Lan Trinh, anh tập từ cách ăn uống, ngủ nghỉ cho phù hợp với cuộc sống ở Việt Nam. Chỉ mấy tháng làm rể Việt, Van Toor đã biết cầm đũa ăn cơm, biết ăn bún đậu mắm tôm và món thịt nấu giả cầy.

Mong muốn của Van Toor là kiếm thật nhiều tiền, mua một căn nhà nhỏ xinh ở Việt Nam và đưa vợ sang Hà Lan thăm mẹ. Nhìn thật lâu vào mắt vợ mình, Van Toor mỉm cười nói: "Tôi đến Việt Nam vì nơi đây có vợ tôi. Cô ấy rất ân cần, ngọt ngào và là một cô gái tốt".

Ngọc Thiện
.
.
.